Cần thay đổi tư duy
Mới đây, theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT), cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, giảm gần 40.000 thí sinh so với năm 2018. Trong đó, hơn 650.000 thí sinh xét tuyển đại học.
Kỳ tuyển sinh năm 2019 có 279.001 dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm khoảng 27,8%. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ đăng ký vào trường nghề hoặc chuyển đổi sang hướng khác.
Trước đây, nếu như cha mẹ và học sinh có suy nghĩ sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhất định phải vào học đại học thì nay, suy nghĩ đó đã không còn phù hợp. Bởi theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Tư duy này có thể phù hợp ở thời kỳ bao cấp. Nhưng hiện nay, chúng ta đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nên sẽ không còn phù hợp nữa và thực tế đã kiểm định. Không phải chỉ chăm chăm vào tìm một nghề cao sang, vấn đề cốt yếu phải tìm một ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm của thị trường, có thu nhập phục vụ cuộc sống”.
Mặt khác, nếu muốn giải quyết được bài toán thất nghiệp, các nhà trường và các cơ sở đào tạo nghề phải có sự liên kết, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Hiệu quả nhất vẫn là đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên khi ra trường sẽ có việc làm.
Do đó, hiện nay, trường nào biết lựa chọn đúng ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần sẽ khẳng định được vị trí của mình. Thay vì đào tạo những gì nhà trường có, các nhà trường nên bắt kịp đào tạo những ngành nghề xã hội cần. Việc thay đổi tư duy là vô cùng cần thiết.

Chọn ngành, nghề trong bối cảnh mới
Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, lao động một số ngành như dệt may, giày da…những ngành đang sử dụng quá nhiều lao động phổ thông sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải. Thay thế vào đó, những ngành được các chuyên gia nhận định sẽ trở nên “hot” như: Công nghệ thông tin – ngành cốt lõi của CMCN 4.0, có khả năng miễn dịch với khủng hoảng kinh tế; công nghệ kỹ thuật điện; robot và trí tuệ nhân tạo – tâm điểm của CMCN 4.0.
Ngoài ra còn có công nghệ sinh học tạo ra năng suất lao động cao và tạo ra sản lượng cho doanh nghiệp, phát triển Internet di động, điện toán đám mây… Các ngành về dịch vụ cũng có xu hướng hot như: Phát triển và xây dựng in 3D. Các ngành dịch vụ tài chính đầu tư, thiết kế, y tế, sửa chữa ôtô, điện lạnh, làm đẹp… cũng là những ngành có xu hướng trở thành ngành được doanh nghiệp săn đón.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, những ngành trên sẽ tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Để có hướng đi đúng, nhất thiết cần đi trước đón đầu cuộc CMCN 4.0.
Song, điều này không chỉ đơn giản là đào tạo nhân lực cho tương lai mà còn là đào tạo lại nguồn lao động đã có, đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Cùng với sự chuyển đổi để nhà trường và doanh nghiệp gắn kết với nhau, sẽ tránh được lãng phí cho xã hội, gia đình và người học.