Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19

NHÓM PV |

Chiều nay (30.6), Báo Lao Động tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến: "Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19".

Những thách thức

MC: Thưa hai vị khách mời, theo số liệu tình hình lao động việc làm quý I/2020 sáng 24/4 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2 - 1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm. Tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng với COVID-19 là gần 5 triệu người. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; thứ 2 là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động. Trong tổng số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 vừa qua là 2,22%, tăng 0,07% so với quý 4/2019 và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Các ông có nhận định gì về những khó khăn, thách thức này?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Khi xảy ra dịch COVID-19, lao động đối mặt với thiếu việc làm và thất nghiệp.

Quá trình sản xuất của chúng ta đang ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải thực hiện giải pháp giãn cách xã hội bệnh để phòng chống dịch. Quan điểm của Thủ tướng là không đánh đổi sức khoẻ người lao động lấy kinh tế. Rất may trong quá trình thực hiện chính sách, bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm ngắn hạn có vai trò như bà đỡ của Nhà nước, giúp cho người lao động khi không có việc làm có hai con đường là học nghề, tiếp tục được hỗ trợ học nghề.

Ông Bùi Sỹ Lợi
Ông Bùi Sỹ Lợi trả lời tại chương trình giao lưu trực tuyến.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch nên không thể học vào lúc này được. Cho nên biện pháp quan trọng nhất là các doanh nghiệp khó khăn phải giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. Tôi đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan xã hội, trung tâm giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động rất kịp thời. Đây là nguồn động lực để người lao động đảm bảo ổn định gia đình khi chưa tìm kiếm được việc làm mới.

- Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Tôi đồng ý với quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi. Khi mà nền kinh tế bị tác động vì dịch bệnh thì thị trường lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tại thị trường Hà Nội, chúng tôi đã khảo sát và ghi nhận được điều này. Rất đáng mừng là công tác phòng chống dịch của Việt Nam được đánh giá rất tốt, nên gánh nặng này đang nhẹ dần. Tôi hy vọng thị trường lao động sẽ sớm trở lại bình thường.

MC: Cũng theo khảo sát của cơ quan thống kê, gần 85% doanh nghiệp cho biết là gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn. "Sức khỏe" của DN như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người lao động, thưa hai vị khách mời?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Đây là vấn đề quan trọng khi tác động đến doanh nghiệp, tác động đến tốc độ tăng trưởng cả nền kinh tế. Năm 2020, nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng như năm 2019, người lao động rất khó khăn, doanh nghiệp cũng bị ách tắc, sản xuất bị đình đốn, xuất nhập khẩu hàng hoá không giao thương được, tạo áp lực cho doanh nghiệp. Áp lực này khiến người lao động không tìm kiếm được việc làm, không có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Chúng ta phải dùng giải pháp giải cứu các doanh nghệp. Ngoài giải cứu doanh nghiệp, gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng đã hỗ trợ một phần nào đó. Tuy nhiên gói giải cứu 62.000 tỉ đồng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện rất tốt nhưng với DN thì lại rất khó khăn. Rõ ràng, điều kiện để DN tiếp cận được với gói này rất ngoặt nghèo. Chính vì lẽ đó, Chính phủ họp tháo gỡ khó khăn, làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đó, làm sao để người lao động không mất việc làm, có thu nhập, có nguồn thu cải thiện cuộc sống.

- Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Sức khoẻ doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động cũng bị ảnh hưởng như về thu nhập, sinh hoạt… Doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch như bị hạn chế giao thương, ảnh hưởng đầu vào thì chắc chắn quỹ phúc lợi, chăm lo đời sống cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với công tác chống dịch như hiện nay, với con số vừa nêu trên thì doanh nghiệp sẽ sớm trở về mốc ban đầu. Tới đây, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, quay trở lại sản xuất thì các chế độ của người lao động sẽ được đảm bảo.

MC: Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), do COVID-19 nên năm tháng đầu năm 2020 đã có trên 430.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 128% cùng kỳ năm 2019). Riêng tháng 5 đã có gần 160.000 người nộp hồ sơ (bằng 155% tháng 4-2020 và bằng 145% cùng kỳ 2019). Những gánh nặng nào đè lên nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, khó khăn mà người lao động phải đối mặt khi giãn việc, mất việc là như thế nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Những khó khăn, chúng ta vượt qua được rồi. Bây giờ giống như chúng ta đáp ứng được cơn khát về cung lao động. Điều này rất là đáng mừng. Vì các doanh nghiệp bắt đầu tuyển lao động trở lại và cơ hội người lao động tìm kiếm việc làm, cũng như số lao động trở lại làm việc tăng lên.

Điều này sẽ báo hiệu một khả năng phát triển mới của nền kinh tế. Quốc hội đề nghị với Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế. Tôi cho rằng rất đúng. Có lẽ nếu chúng ta khắc phục được khó khăn đó, trong bối cảnh cơ hội về nguồn nhân lực như thế này thì rõ ràng cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của chúng ta có điều kiện hơn.

Tôi nghĩ đây chính là điều kiện  của doanh nghiệp có thể thu hút người lao động một cách dễ dàng hơn và người lao động lại có cơ hội tìm kiếm việc làm. Như vậy cung cầu lao động hiện nay đang có sự bắt nhịp. Rõ ràng sự khởi sắc, tái tạo, khôi phục phát triển lại của các doanh nghiệp là rất đáng mừng.

- Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Trong đầu năm nay, quan sát thị trường lao động, đồng thời từ số liệu về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì thời điểm cao điểm nhất người lao động đến với Trung tâm đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tháng 4 và tháng 5. Đây là 2 tháng người lao động đến đông hơn so với giai đoạn trước và cùng kỳ.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Đến thời điểm này, tình hình đã tương đối ổn nhờ công tác chống dịch của Việt Nam rất tốt, các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất theo Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tôi thấy thị trường lao động đang có biểu hiện tốt từ những số liệu về nguồn cầu, nguồn cung lao động. Sau thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu tìm kiếm một công việc bền vững, phù hợp với bản thân của người lao động đã nhiều hơn giai đoạn trước. Người ta thường nói trong nguy có cơ, nếu Chính phủ có định hướng tốt thì thị trường lao động chắc chắn sẽ tốt hơn.

MC: Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia cho biết nếu tình hình dịch tễ diễn biến tích cực, số mất việc làm hằng tháng sẽ khoảng 70.000-80.000 người và 3-3,5 triệu lao động phải ngừng việc, 70-75% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu tình hình dịch tễ chỉ đi ngang (không xấu, không tốt) thì mỗi tháng vẫn sẽ có 80.000-90.000 lao động mất việc, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sẽ có 5-5,6 triệu lao động bị ngừng việc. Trường hợp tình hình dịch tễ xấu đi, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số mất việc hằng tháng 90.000-100.000 người, 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và số lao động bị ngừng việc lên tới 6-7,2 triệu người. Các ông có nhận định gì về những dự báo này?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Điều kiện dịch bệnh giảm thì không thể nói thất nghiệp tăng lên. Dự báo xu hướng trong tương lai, theo Tổ chức Y tế thế giới, đỉnh của dịch COVID-19 chưa đến, vấn đề Việt Nam có bị tái phát hay không phụ thuộc vào chính sách của chúng ta. Nếu dịch COVID-19 chấm dứt hoàn toàn tại nước ta, cung- cầu lao động sẽ được nới rộng ra.

- Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Tôi đồng tình ý kiến của ông Lợi. Xét về thị trường lao động, hai yếu tố cung- cầu rất quan trọng. Cung cầu gặp nhau có tín hiệu kết nối tốt tạo thị trường lao động sôi động. Bản thân thị trường lao động là thị trường sống, luôn luôn có vị trí việc làm mới và việc làm triệt tiêu đi.

Tôi có cái nhìn khá lạc quan về thị trường lao động trong thời gian tới. Các chuyên gia nói rằng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 chứa đựng các yếu tố đầy nhanh, kích thích hoạt động 4.0 như thương mại điện tử, trực tuyến… Giới kinh doanh sử dụng lao động tìm thấy rất nhiều công việc. Nếu như tiếp tục diễn biến bằng chính sách tốt trong bối cảnh dịch bệnh được khống chế cuối năm tạo thị trường hoàn chỉnh hơn.

MC: Cả nước hiện có gần 600.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 96% doanh nghiệp sử dụng dưới 30 lao động, 88% sử dụng dưới 10 lao động. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, thậm chí là li ti thì chắc chắn năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động, thu nhập và tiền lương của người lao động khó có thể cao, việc làm khó có thể bền vững. Trước thách thức lớn chưa từng có như hiện nay, thị trường lao động, việc làm sẽ đối mặt với những khó khăn gì?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Có lẽ câu chuyện này Quốc hội đang bàn và Chính phủ cũng đưa ra đề án để ra Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mà có doanh thu năm 2020 dưới 50 tỉ, và chỉ đóng BHXH cho dưới 100 lao động. Rõ ràng, nếu như vậy thì không tạo cơ hội cho doanh nghiệp quy mô lớn hơn, sử dụng nhiều lao động hơn. Do vậy, Chính phủ đồng thuận với Quốc hội đề xuất, chỉ cần điều kiện doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỉ đồng và không bàn tới chỉ tiêu lao động, thì sẽ được giảm 30% thuế thu nhập. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo tôi, con thuyền lớn thì sóng càng cao, với những doanh nghiệp lớn, nhà nước phải dùng gói giải pháp khác.

 

Làm gì thụ hưởng tối đa chính sách bảo hiểm thất nghiệp?

MC: Cuối tháng 5.2020, tại Đồng Nai, Sàn giao dịch việc làm lần thứ 182, sàn giao dịch đầu tiên sau khi hết thời gian cách ly xã hội được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức mới đây đã thu hút 25 đơn vị, DN trong các lĩnh vực như: May mặc, cơ khí, nội thất, bảo hiểm nhân thọ, bất động sản… đăng ký tuyển dụng với nhu cầu hơn 2,2 ngàn lao động. Khảo sát thực tế tại một số khu công nghiệp, cổng DN và trang tuyển dụng trực tuyến… cũng cho thấy, đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh đăng tuyển lao động trở lại. Từ tháng 2 - tháng 5.2020, Số DN đăng ký tại sàn GDVL Hà Nội là 2.196 với 21.269 chỉ tiêu tuyển dụng. Như vậy, cơ hội việc làm với người lao động ở các địa phương vẫn rộng mở. Theo dự báo của các vị khách mời, thời gian tới NLĐ sẽ chọn các "nhánh" công việc nào để sớm quay lại thị trường việc làm?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Điều này mở ra một tương lai mới, nguồn lao động sẽ được đáp ứng cho thị trường lao động ngày càng cao lên.

Tuy nhiên, số bước và thị trường lao động có thể vẫn tăng, nhưng một bộ phận lao động ở các doanh nghiệp khó khăn vẫn phải ra để hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Điều này đặt ra vấn đề chúng ta phải tư vấn cho người lao động. Nếu doanh nghiệp khó khăn thì người lao động phải nghĩ đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp để chăm lo, đảm bảo đời sống.

Tuy nhiên, không nên nghĩ nhận bảo hiểm thất nghiệp để sử dụng trong cuộc sống, mà phải nghĩ đến đào tạo để chuyển đổi sang lĩnh vực, doanh nghiệp khác làm việc. Người lao động cũng cần hết sức chú ý là khi rời khỏi doanh nghiệp, có thể là tức thời không giữ lại chân để quay trở lại làm việc thì sẽ có một tác hại là có thể người lao động tìm kiếm được công việc ở một chỗ mới, nhưng sẽ không bền vững.

Cho nên người lao động cần hết sức lưu ý tạm thời nghỉ 1-2 tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc chúng ta đi học nghề để giữ chân ở doanh nghiệp đang làm lâu nay sẽ tốt hơn là đi tìm kiếm việc làm ở một nơi khác. Vì nó không ổn định. Thế còn những người chưa bước chân vào thị trường lao động thì việc làm đương nhiên là chọn lựa nơi nào tốt thì vào làm việc.

- Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Đối với những người đã mất việc làm, chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng này theo điều 42 của Luật Việc làm, trong đó có 4 chế độ hỗ trợ người lao động: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, người lao động mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, từ đó chọn được những việc làm tốt, không phải mất phí giới thiệu.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Cùng với đó, thông qua chế độ học nghề miễn phí sẽ trang bị những kỹ năng, kiến thức để người lao động tiếp cận công nghệ, giúp họ sau khi quay trở lại thị trường lao động sẽ có thêm nhiều lợi thế trong quá trình làm việc, để có việc làm ổn định, bền vững hơn, phù hợp với yêu cầu của bản thân.

Đối tượng thứ 2 là những người bắt đầu bước chân vào thị trường lao động. Theo nhận định của tôi, nhiều người trong số họ đã được đào tạo bài bản, tự trang bị cho mình kỹ năng tốt. Sau khi chuẩn bị hành trang tốt, người lao động cần tiếp cận những thông tin chính thức, như từ các trung tâm giới thiệu việc làm của ngành lao động thương binh xã hội; các trang thông tin chính thống.

Từ quan sát của mình, tôi thấy bây giờ, thị trường lao động hiện nay được hỗ trợ rất tốt của mạng xã hội, truyền thông. Tuy nhiên, thông tin bây giờ quá đa dạng. Tôi đã từng thử đóng vai người tìm việc, vào mạng để tìm kiếm thông tin thì thấy quả thực là khó, không dễ dàng gì. Người lao động cần tìm việc cho thật kỹ, thông tin nào còn băn khoăn thì nên nhớ, có hệ thống trung tâm việc làm hỗ trợ người lao động.

MC: Thưa hai vị khách mời, Cục Việc làm cũng mới đưa ra hàng loạt giải pháp từ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để tránh sa thải lao động hàng loạt, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu. Các ông có nhận định gì về những giải pháp này và đề xuất thêm hướng đi mới?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tôi nghĩ thị trường lao động nếu kết nối với công nghệ thông tin để làm sao người lao động giải quyết thông qua công nghệ thông tin thì rất tốt. Bên cạnh đó, giải quyết chính sách bảo hiệm thất nghiệp, nếu chúng ta không giải quyết trực tuyến được, thì rõ ràng không chỉ giảm thời gian, còn công khai minh bạch chính xác. Nếu không may dịch bệnh xảy ra, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được và đỡ lãng phí xã hội.

Điều quan trọng nhất, rõ ràng ở trung tâm dịch vụ việc làm, trong mục tiêu phát triển, chúng tôi mong muốn làm sao đó để công nghệ thông tin đảm bảo nhanh nhất. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta thực hiện được công nghệ thông tin một cách trực tuyến, người lao động không cần đến trung tâm việc làm để giải quyết vấn đề, trung tâm việc làm hoàn toàn nắm toàn bộ quá trình hoạt động đóng góp của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Tại Trung tâm DVVL Hà Nội cũng nằm trong xu thế chung trước sự phát triển của công nghệ thông tin.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã chủ động mạnh dạn ứng dụng các hoạt động theo hướng áp dụng công nghệ trực tuyến. Ngoài hai sàn giao dịch việc làm chính, chúng tôi có 13 điểm sàn giao dịch vệ tinh. 15 điểm sàn này được kết nối trực tuyến với nhau. Như vậy, ngay lập tức người lao động giảm được chi phí cá nhân cũng như chi phí xã hội. Một người lao động tham gia sàn giao dịch tại Ba Vì hoàn toàn có thể ứng tuyển với sàn chính tại Trung Kính. Khoảng cách thời gian được rút ngắn.

Tuy nhiên trong quan hệ lao động không hẳn trực tuyến là giải quyết được hết mọi bài toán. Một số công việc người lao động và người sử dụng lao động phải gặp trực tiếp, mắt thấy tai nghe. Khi chuyển sang hình thức giao dịch trực tuyến, chúng tôi tăng cường thu thập thông tin để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Còn về giải quyết dịch vụ công trực tuyến, thì thiết nghĩ phải có một bộ công cụ thì mới đảm bảo được hiệu quả đồng bộ, tiết kiệm thời gian và công sức.

MC: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web việc làm quốc gia, để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối người lao động với doanh nghiệp, doanh nghiệp với các địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động, lao động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm. Người lao động sẽ làm gì để thụ hướng tối đa quyền lợi của mình, xin các vị chuyên gia đưa ra lời khuyên và những hướng dẫn cụ thể?

- Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Theo quy định của luật, khi người lao động bị thất nghiệp thì dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nghề. Hiện nay, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang có 80.000 tỉ đồng đang kết dư. Vì vậy, nếu bỏ 4.500 tỉ đồng hoặc 7.000 tỉ đồng để đào tạo nghề thì rất có khả năng. 9,10 năm nay, chúng ta vẫn chưa bỏ ra đồng nào đào tạo người lao động tại doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng làm sao đó để chuyển nguồn kinh phí này giao cho các doanh nghiệp đào tạo đi trước, đón đầu, đào tạo lại, đào tạo người thất nghiệp để họ giữ lấy thị trường lao động, quay lại thị trường lao động.

Chúng ta cần khuyến khích nên dùng gói này để đào tạo nghề tốt hơn, còn hơn để người lao động dùng món tiền này tiêu xài cho cuộc sống. Quan trọng nhất là có thể nâng cao tay nghề của người lao động. Nếu người lao động nhận quỹ này thì học có thể đào tạo người thất nghiệp, có nguy cơ thất nghiệp và lao động mới bổ sung vào doanh nghiệp, chứ không chỉ chăm chăm đào tạo lao động thất nghiệp.

 
Chương trình giao lưu trực tuyến: "Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19". 

Khách mời giao lưu là ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Chương trình do Báo Lao động tổ chức, được tường thuật trên Báo Lao Động điện tử tại địa chỉ https://laodong.vn.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có trên 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội.

Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động. Từ tháng 5/2020 trở đi, số lao động quay trở lại làm việc đang tăng lên. Trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc quy trở lại làm việc.

Tuy nhiên, việc làm của người lao động và hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu còn đình trệ.

Khi mất việc hoặc mất việc tạm thời, trong thời gian trở lại thị trường việc làm, người lao động được hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với nhận hỗ trợ tiền, họ có cơ hội được tư vấn, giới thiệu việc làm mới.

Để làm rõ hơn các chính sách và vai trò đặc biệt quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, tư vấn từ các chuyên gia, lời khuyên để người lao động hưởng tối đa quyền lợi,... là nội dung cuộc Giao lưu trực tuyến “Vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động trong dịch COVID-19".

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Không được nhận trợ cấp thất nghiệp, phải làm sao?

nam dương |

Bạn đọc có email nguyenthienxxx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi làm việc cho một công ty ở TPHCM từ ngày 1.2.2016 đến hết tháng 3.2020 tôi xin nghỉ việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Sau gần một tháng, tôi nhận quyết định nghỉ việc cùng với sổ bảo hiểm xã hội nhưng đến nay tôi chưa nhận được chế độ bảo hiểm thất nghiệp, vì công ty chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội cho tôi. Tôi phải làm sao để nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp?

Công nhân mất việc nhưng không thất nghiệp

KỲ QUAN |

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mất việc (tạm thời hoặc thôi việc hẳn) khiến cuộc sống của người công nhân vốn khó khăn càng khó khăn thêm. Chính lúc này, tinh thần lao động theo tác phong công nghiệp đã giúp họ vượt qua khốn khó, tự tìm việc làm khác.

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19

ANH THƯ |

Chiều mai (30.6) sẽ diễn ra Chương trình giao lưu trực tuyến: "Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19" do Báo Lao Động tổ chức.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Không được nhận trợ cấp thất nghiệp, phải làm sao?

nam dương |

Bạn đọc có email nguyenthienxxx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi làm việc cho một công ty ở TPHCM từ ngày 1.2.2016 đến hết tháng 3.2020 tôi xin nghỉ việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Sau gần một tháng, tôi nhận quyết định nghỉ việc cùng với sổ bảo hiểm xã hội nhưng đến nay tôi chưa nhận được chế độ bảo hiểm thất nghiệp, vì công ty chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội cho tôi. Tôi phải làm sao để nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp?

Công nhân mất việc nhưng không thất nghiệp

KỲ QUAN |

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mất việc (tạm thời hoặc thôi việc hẳn) khiến cuộc sống của người công nhân vốn khó khăn càng khó khăn thêm. Chính lúc này, tinh thần lao động theo tác phong công nghiệp đã giúp họ vượt qua khốn khó, tự tìm việc làm khác.

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19

ANH THƯ |

Chiều mai (30.6) sẽ diễn ra Chương trình giao lưu trực tuyến: "Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động trong dịch COVID-19" do Báo Lao Động tổ chức.