"Chỉ tiêu thoát nghèo" ám ảnh vùng cao

Nhóm PV |

Nhiều hộ nghèo trong cảnh thâm căn cố đế ở Yên Bái bỗng một ngày thấy xuất hiện tên trong danh sách thoát nghèo mà chẳng hiểu tại sao.

Nhà nghèo ở thôn khó

Những ngày cuối tháng 8, có mặt tại thôn Khe Đâm, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, đây là một trong những địa chỉ khó khăn nhất của xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Thôn hiện chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nước sạch sinh hoạt và còn khoảng 30% hộ dân chưa có nhà vệ sinh. Đường đến thôn vừa xa vừa khó đi. Hun hút. Cuộc sống càng thêm biệt lập giữa gian khó.

Qua tìm hiểu, thôn Khe Đâm hiện có 128 hộ sinh sống với hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao. Năm 2020, thôn có 20 hộ nghèo. Đến 2021 giảm chỉ còn 7 hộ.

Vấn đề ở chỗ, quá nửa trong số 13 hộ được thoát nghèo không biết và cũng không hiểu vì sao mình "bỗng dưng" thoát nghèo.

Cả gia đình 5 người chui rúc trong căn nhà tạm với diện tích chưa đầy 30m2.
Cả gia đình 5 người nhà bà Ồn trong túp lều tạm bợ với diện tích chưa đầy 30m2.

Tiếp chúng tôi trong túp lều được dựng tạm bợ bằng phên nứa, lợp lá cọ lụp xụp, rộng chừng 30m2 nhưng là nơi cả 3 thế hệ cùng sinh sống, bà Lò Thị Ồn (SN 1966) cố và nốt bát cơm cùng miếng cá khô cuối nồi rồi tất tưởi thu dọn để có chỗ tiếp khách.

Không bàn cũng chẳng ghế, chúng tôi được mời ngồi trên ngay chiếc giường xiêu vẹo cũng được đan từ phên nứa. Cả căn nhà chỉ có bộ xoong nồi cáu két, chiếc đài radio cũ và cái bóng điện bám đầy bồ hóng chạy bằng ắc-quy là có giá trị.

Bà Ồn tâm sự, cả gia đình 4 người lớn, 1 trẻ nhỏ sinh sống trong căn nhà tạm này từ năm 2018 trên rìa ruộng của người con trai. Điện không có, nhà vệ sinh cũng chưa làm, cả nhà sống lay lắt bằng nghề làm thuê cùng 2 sào ruộng và vài ba con gà. Ai có việc thuê làm nương, cỏ quế, cỏ lúa thì đi làm.

Ngặt nỗi bà Ồn sinh ra đã lam lũ nên về già đau ốm liên miên. Không có tiền chẳng dám đi viện nên sức khỏe ngày càng giảm sút.

Mọi thứ trong gia đình đều tạm bợ, chật chội, quanh năm làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.
Mọi thứ trong "nhà" đều tạm bợ.

“Không có tiền nên 2 cháu nhà tôi chưa tổ chức lễ cưới và chưa đăng ký kết hôn. Giờ đẻ con gần 1 tuổi rồi vẫn chưa khai sinh được. Hiện cả nhà trông chờ chủ yếu vào ngày công làm thuê của con trai. Nhưng cháu ít được học hành. Chữ viết chập chọe. Đi làm thuê cũng bập bõm hôm làm, hôm nghỉ. Lương thấp lắm”, bà Ổn tâm sự.

Được biết, gia đình bà Ồn là một trong 13 hộ vừa được xét thoát nghèo. Bà Ồn nói chẳng hiểu tại sao. Bà cũng không thấy ai đến hỏi han, trao đổi và cũng chẳng được ký tá gì vì trong nhà không ai biết chữ.

"Có đồi núi, có thể coi là tiêu chí để thoát nghèo"?

Cùng hoàn cảnh với gia đình bà Ồn, gia đình anh Phạm Văn Sính (SN 1980) cũng mới biết được thoát nghèo từ hơn 1 tháng trước, khi nhà trường bỗng có thông báo thu tiền học phí cho con anh.

Anh Sính kể, gia đình thu nhập hàng tháng 2-3 triệu đồng bằng nghề đi bóc quế thuê, không có đất rừng, khai hoang được 2 sào ruộng để sinh sống. Những năm đi làm gom góp mua được ít vật liệu nên cả thôn cùng giúp dựng cho cái nhà trên đất vườn của ông bà để lại.

Nhà anh Sính khá hơn đôi chút nhưng tiền đi làm thuê cũng chưa có mảnh đất cắm dùi, phải làm nhà tạm trên đất vườn của bố mẹ để lại trước đây.
Nhà anh Sính khá hơn đôi chút nhưng cũng chưa thể "ở riêng", phải làm nhà tạm trên đất vườn của bố mẹ để lại.

Anh Sính cho biết, bản thân không biết chữ nên cũng không hiểu về việc thoát nghèo. Cũng không hiểu vì sao thoát nhèo. Tuy nhiên gia đình anh rất mong muốn được xem xét lại để con cái đi học đỡ vất vả. Hàng năm cũng được thêm đồng hỗ trợ cây giống, tiền dầu đốt, rồi được vay vốn...

Nói về các trường hợp thoát nghèo tại địa phương, ông Triệu Quý Huy – Trưởng thôn Khe Đâm cho PV Lao Động biết, đáng thương nhất là gia cảnh của nhà bà Ồn.

“Hoàn cảnh nhà bà Ồn rất khó khăn. Nhưng chỉ tiêu xã giao cho thôn trong năm 2020 phải có 15 hộ thoát nghèo. Lúc cuối năm họp thôn bình xét hộ thoát nghèo, chấm điểm nới tay hết cỡ cũng mới được 13 hộ. Không thể cố thêm được nữa”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, các hộ khó khăn thực sự như trường hợp bà Ồn, anh Sính, ông Bàn Văn Liền… thôn đã nhiều lần báo cáo xã là chưa thoát nghèo được, nhưng xã không chịu. Xã nói theo tiêu chí Nông thôn mới huyện đã giao xuống xã. Rồi xã buộc xuống thôn. Cứ thế mà làm. Dù biết không thoát nghèo được cũng phải làm bằng được.

Phải nhờ cậy vào hàng xóm gia đình anh Sính mới làm tạm được ngôi nhà để sinh sống.
Phải nhờ cậy vào hàng xóm gia đình anh Sính mới làm tạm được ngôi nhà để che mưa nắng.

Vị trưởng thôn bộc bạch, hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế, các chính sách vay vốn, tiền điện, cây con giống, học phí... nên bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo là thiệt thòi lớn cho những hộ khó khăn thực sự.

Trong 13 hộ thoát nghèo năm 2020 nếu chấm đúng chỉ khoảng một nửa đủ tiêu chuẩn thoát nghèo. Số còn lại là buộc phải cho ra, thế nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng để làm rõ hơn câu chuyện trên. Ông Tuấn Anh xác nhận, có việc xã giao chỉ tiêu thoát nghèo xuống các thôn. Trên cơ sở đó, các thôn bình xét hàng năm rồi lập danh sách gửi xã để ra quyết định.

Vị chủ tịch xã giải thích thêm, nhiều hộ trông nhà cửa tạm bợ nhưng lại có đồi núi, có tiềm lực phát triển, nên có thể coi là một tiêu chí để thoát nghèo.

Áp chỉ tiêu - không phải chuyện hiếm thấy

Khảo sát của PV Báo Lao Động cho thấy, việc áp "chỉ tiêu thoát nghèo" không chỉ diễn ra tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Tại thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp (Văn Yên) trong năm 2020 có 40 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo trên tổng số 324 hộ dân.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Ánh – Trưởng thôn Hạnh Phúc cho biết, năm vừa qua, thôn đã giảm được 19 hộ nghèo, hiện còn 21 hộ. Thiếu đúng 1 hộ là đạt chỉ tiêu trên giao xuống.

Bà Ánh kể, để giảm từ 40 hộ nghèo năm 2020 xuống còn 21 hộ, thôn đã phải chấm “nới lỏng hết sức” các tiêu chí. Trên thực tế chỉ khoảng 15 hộ "tạm gọi là đạt", còn các hộ khác dù không muốn nhưng vẫn phải cho ra.

Còn ông Đào Xuân Phóng - Trưởng thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) thì cho hay, năm 2020, thôn đã thoát nghèo 30 hộ, hiện còn 20 hộ.

Ông Phóng xác nhận: "Trong 30 hộ thoát nghèo năm 2020 nếu chấm đúng tiêu chí thì chỉ khoảng 20 hộ. Số còn lại là gượng ép".

Tuy vậy, theo lời vị trưởng thôn, việc này là bắt buộc bởi xã đã giao tiêu chỉ tiêu thoát nghèo cho từng thôn. Nếu không hoàn thành thì ảnh hưởng đến thành tích chung của xã.

Cũng theo lời ông Phóng, chính việc giao chỉ tiêu quá cao nên việc chấm điểm cho các hộ thoát nghèo được các thôn làm rất khiên cưỡng, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Nhiều phụ nữ biên giới có cơ hội thoát nghèo nhờ ông Đoàn Ngọc Hải

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Với 500 triệu được ông Đoàn Ngọc Hải trích từ “Quỹ vì đồng bào” cho phụ nữ nghèo vay để phát triển kinh tế, sau gần nửa năm, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định và đứng trước cơ hội thoát nghèo.

Kẹp giữa 2 thủy điện, vẫn không có điện dùng

Văn Đức |

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) dù sống cạnh 2 thủy điện nhưng vẫn không có điện dùng.

Yên Bái lần đầu thu hoạch đặc sản vụ đông giữa nắng hè đổ lửa

Thanh Miền - Thanh Thủy |

Lần đầu tiên Hợp tác xã trên địa bàn Yên Bái thu hoạch củ cải trắng trong vụ hè trên đất bãi phù sa ven sông Hồng cho thu hoạch cao.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Nhiều phụ nữ biên giới có cơ hội thoát nghèo nhờ ông Đoàn Ngọc Hải

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Với 500 triệu được ông Đoàn Ngọc Hải trích từ “Quỹ vì đồng bào” cho phụ nữ nghèo vay để phát triển kinh tế, sau gần nửa năm, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định và đứng trước cơ hội thoát nghèo.

Kẹp giữa 2 thủy điện, vẫn không có điện dùng

Văn Đức |

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) dù sống cạnh 2 thủy điện nhưng vẫn không có điện dùng.

Yên Bái lần đầu thu hoạch đặc sản vụ đông giữa nắng hè đổ lửa

Thanh Miền - Thanh Thủy |

Lần đầu tiên Hợp tác xã trên địa bàn Yên Bái thu hoạch củ cải trắng trong vụ hè trên đất bãi phù sa ven sông Hồng cho thu hoạch cao.