Chất lượng tiến sĩ không chỉ thể hiện ở bài báo quốc tế

PGS-TS Bùi Xuân Đính |

LTS: Những ngày gần đây, đã cón nhiều tranh luận về quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc đào tạo tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021), với điểm mấu chốt là công bố các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh.

Góp phần làm rõ vấn đề và tạo thêm kênh tranh luận mang tính khoa học, Báo Lao Động xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Bùi Xuân Đính - là người từng tham gia giảng dạy, đào tạo tiến sĩ ở một số học viện và trường đại học, đã từng hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh hoàn thành bảo vệ luận án.

Quy chế 2017: Nhiều điểm không hợp lý, làm khó NCS, không xét đến yếu tố đặc thù, cần phải sửa

Trước năm 2017, các NCS về cơ bản không gặp khó khăn khi tính số bài báo được công bố có liên quan đến đề tài luận án, khi chỉ cần có 2 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong nước. Tuy nhiên, Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế 2017) yêu cầu NCS phải có tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus. Không rõ quy định này có gây khó khăn cho các NCS các ngành khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ không, còn đối với đa số NCS của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn thì “không kịp trở tay” vì “quay ngoắt 180 độ, từ dễ sang quá khó”, thiếu một lộ trình chuẩn bị, nhiều NCS sau đó phải “bỏ cuộc”, vì trên thực tế, họ không đủ trình độ để viết một bài có thể đăng được tại các tạp chí trên và cũng không có mối liên hệ/quan hệ với các tạp chí đó. Một số NCS sau đó buộc phải “chạy” bài bằng các hình thức khác nhau, chủ yếu là thuê viết, rất tốn kém; từ đó, xuất hiện “đội quân” viết thuê, chạy đăng thuê bài báo quốc tế.

Quy chế 2017 không tính đến những ngành học đặc thù, không thể hoặc khó có thể có bài viết đăng trên các tạp chí ISI hoặc Scopus, chẳng hạn ngành quân sự, ngành công an có nhiều vấn đề thuộc bí mật quốc gia; hoặc những ngành học của khoa học xã hội - nhân văn tiếp cận theo chủ nghĩa Mác - Lênin; những ngành học bao quát những vấn đề chỉ có ở Việt Nam, làm sao có thể được các tạp chí ISI hoặc Scopus chấp thuận; cũng không dễ dàng đăng được 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Cũng vì quy định này mà nhiều người biết “không thể qua cầu” nên không đăng ký đi học tiến sĩ, làm cho lượng NCS từ đó đến nay sụt giảm, nhiều cơ sở đào tạo không tuyển được NCS. Dư luận lo lắng, nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ hẫng hụt đội ngũ trong tương lai không xa.

Quy chế 2017 còn quy định người hướng dẫn NCS cũng phải có bài báo quốc tế. Quy định này đã coi cả sự nghiệp, trình độ và kinh nghiệm và uy tín của một nhà khoa học, một cán bộ giảng dạy lâu năm không bằng một người trẻ có bài báo quốc tế, nên đã “loại” họ khỏi “sân chơi hướng dẫn luận án tiến sĩ”. Vì thế có tình trạng, một vị tiến sĩ trẻ sớm có bài báo quốc tế đã được phân công hướng dẫn 2 NCS, nhưng rồi không đủ kiến thức và kinh nghiệm để hướng dẫn, làm cho các NCS phải trầy trật tìm người “phụ giúp”, mà không hoàn thành luận án đúng tiến độ.

Chất lượng tiến sĩ không chỉ ở bài báo quốc tế

Có lẽ, thấy được những điểm bất hợp lý của Quy chế 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế 2021, không bắt buộc NCS phải có bài báo quốc tế, mà có thể thay thế bằng các sách chuyên khảo, các bài báo trên các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Quy định này lập tức vấp phải những phản đối của nhà khoa học ở các ngành có lẽ thuận lợi trong việc đăng công bố quốc tế. Tuy nhiên, coi “Chuẩn tiến sĩ mới (Quy chế 2021) là nỗi hổ thẹn với thế giới”; hay là “một sự thụt lùi, xóa bỏ hoàn toàn điểm tiến bộ ưu việt nhất của Quy chế 2017” thì cần được nhìn nhận một cách đa chiều và khách quan hơn.

Trước hết, học vị “Tiến sĩ” ở ta hiện nay mới được gọi từ năm 2000, trước đó là “Phó tiến sĩ”, có nguyên gốc là “Kandidat nauk” ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, để trao cho những người thực hiện việc nghiên cứu có sự hướng dẫn của một nhà khoa học; hiểu nôm na là “tập làm nghiên cứu”. Đã là “tập nghiên cứu” thì không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ, thiếu sót; vì vậy, không thể đòi hỏi quá cao, ngang bằng với Doktor nauk (tiến sĩ khoa học), tức người tự nghiên cứu độc lập, không có người hướng dẫn. Bởi vậy, yêu cầu một NCS, nhất là ở các ngành KHXH - NV đang tập làm nghiên cứu bắt buộc phải có bài báo quốc tế là sự đỏi hỏi quá cao.

Thứ hai, ngoài khả năng và sự nỗ lực của bản thân NCS, chất lượng tiến sĩ còn phụ thuộc rất lớn vào người hướng dẫn. Thực tế cho thấy, ở nhiều cơ sở đào tạo, người hướng dẫn không đúng chuyên ngành, nên vất vả cho NCS, không giải quyết được những vấn đề cơ bản của luận án. Nhiều thầy có trình độ, đúng chuyên ngành, nhưng “quá tải” số NCS, nên không thể hỗ trợ tốt cho NCS, nên chất lượng luận án không cao.

Thứ ba, đánh giá chất lượng một người mang học vị tiến sĩ, trước hết phải căn cứ vào tổng thể luận án của họ, không nên chỉ thấy người đó có một - hai bài báo được đăng ở nước ngoài mà cho rằng, đó là “tiến sĩ có chất lượng”, còn người chỉ có bài đăng ở trong nước là “tiến sĩ kém chất lượng”, vì các bài báo đó chỉ là một phần của luận án. Nếu phần đã được đưa ra đăng tại tạp chí quốc tế được coi là tốt, là tinh túy thì liệu các phần còn lại không được (hay chưa được đăng báo) có chất lượng tương xứng và đồng bộ không, hay nói chung, có giải quyết tốt các mục đích, nhiệm vụ của luận án đặt ra không… cần được tính đến.

Bên cạnh đó, chất lượng học tập của một NCS còn thể hiện ở việc bảo vệ luận án: Có nắm chắc vấn đề của luận án cùng các kiến thức có liên quan để tự tin bảo vệ trước hội đồng chấm luận án hay không. Thực tế cho thấy, ngày nay, không mấy NCS dám tranh luận sòng phẳng lại người phản biện tại hội đồng, dù có khi người ấy hiểu sai, bình luận không đúng vấn đề trong luận án.

Thứ tư, chấm luận án - khâu quan trọng, quyết định chất lượng luận án, chất lượng của người mang học vị tiến sĩ đã bị “lỏng lẻo”. Rất nhiều luận án kém chất lượng, các thầy trong hội đồng biết cả, nhưng vẫn “chặc lưỡi” bỏ phiếu thông qua, vì nhiều lý do. Ở nhiều hội đồng, có vị phản biện hoàn toàn không thuộc chuyên ngành hoặc am hiểu vấn đề của luận án, nhưng vẫn “hùng hồn” phán xét. Theo nguyên lý, luận án như một bài thi, “có thi thì phải có đỗ, có trượt”, nhưng dường như từ trước đến nay, không có luận án nào không được thông qua cả.

Việc thẩm định các luận án sau khi bảo vệ ở cấp cao nhất chỉ là hình thức. Cá nhân tôi từng được giao thẩm định một luận án và đã phê “Luận án không đáp ứng được yêu cầu”, vì tiếp cận sai chuyên ngành, “lấn sân” sang chuyên ngành khác; phần chính của luận án chỉ chiếm 17% toàn bộ nội dung luận án, không giải quyết được mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu đề ra; đặc biệt luận án lấy tài liệu của nhiều người khác mà không trích dẫn, “bịa” rất nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo.

Điều cuối cùng, chất lượng tiến sĩ còn phải được thể hiện sau khi “vượt được vũ môn”, người mang học vị đó làm việc như thế nào. Nếu là cán bộ nghiên cứu hay cán bộ giảng dạy, có tiếp tục được mạch khoa học, thể hiện ở số công trình được xuất bản, đóng góp được những gì cho ngành, cho xã hội? Đây mới là tiêu chí để đánh giá chất lượng tiến sĩ mà bấy lâu nay bị xem nhẹ.

Với những trình bày trên đây, nên coi Quy chế 2021 là một sự điều chỉnh hợp lý cho một số ngành đặc thù, chủ yếu ở KHXH - NV, không nên coi là “bước thụt lùi”, hay là “sự hổ thẹn với quốc tế”, đành rằng, chúng ta đang ở trong giai đoạn cần đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới.

PGS-TS Bùi Xuân Đính
TIN LIÊN QUAN

Lo ngại chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai

Thiều Trang |

Nhận định quy chế mới về chuẩn trình độ tiến sĩ mà Bộ GDĐT vừa ban hành là một bước thụt lùi trong việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế, GS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - người đang trực tiếp đào tạo tiến sĩ cho Học viện Khoa học và Công nghệ - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai.

4 điểm tiên quyết cần tiếp thu trong Quy chế đào tạo tiến sĩ mới

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức |

Theo ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 4 điểm tiên quyết cần tiếp thu để Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới không cải tiến hơn nhưng chí ít có sự kế thừa những điểm tiến bộ của Quy chế 2017 mà chúng ta đã tốn bao giấy mực và tranh luận, thậm chí quyết liệt để có được Quy chế này. Báo Lao Động xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của GS Nguyễn Đình Đức góp ý về quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.

Giáo dục 24/7: Nới lỏng quy chế, lo ngại gia tăng tiến sĩ “giấy”

Minh Ánh - Tạ Quang |

Tin tức giáo dục mới nhất 16.7: Nới lỏng quy chế, lo ngại gia tăng tiến sĩ “giấy”; Vào cuộc xác minh vụ giáo viên chỉnh sửa điểm cho học sinh; Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố điểm chuẩn học bạ cao nhất 21 điểm;...

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Lo ngại chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai

Thiều Trang |

Nhận định quy chế mới về chuẩn trình độ tiến sĩ mà Bộ GDĐT vừa ban hành là một bước thụt lùi trong việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế, GS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - người đang trực tiếp đào tạo tiến sĩ cho Học viện Khoa học và Công nghệ - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai.

4 điểm tiên quyết cần tiếp thu trong Quy chế đào tạo tiến sĩ mới

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức |

Theo ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 4 điểm tiên quyết cần tiếp thu để Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới không cải tiến hơn nhưng chí ít có sự kế thừa những điểm tiến bộ của Quy chế 2017 mà chúng ta đã tốn bao giấy mực và tranh luận, thậm chí quyết liệt để có được Quy chế này. Báo Lao Động xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của GS Nguyễn Đình Đức góp ý về quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.

Giáo dục 24/7: Nới lỏng quy chế, lo ngại gia tăng tiến sĩ “giấy”

Minh Ánh - Tạ Quang |

Tin tức giáo dục mới nhất 16.7: Nới lỏng quy chế, lo ngại gia tăng tiến sĩ “giấy”; Vào cuộc xác minh vụ giáo viên chỉnh sửa điểm cho học sinh; Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố điểm chuẩn học bạ cao nhất 21 điểm;...