Tỉ mẩn chăm sóc nghĩa trang
Nhớ lại nhiều năm trước, khi vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Lê Quang Trung (SN 1960) cũng như bao bạn bè cùng lên đường tình nguyện nhập ngũ. Những năm tháng đó, anh cùng đồng đội trải qua đủ “mưa bom bão đạn”, nhưng có với nhau vô vàn kỷ niệm đẹp về tình đồng đội, đồng chí kề vai sát cánh.
Sau một thời gian, anh Trung bị bệnh nặng nên được đưa về hậu phương để chữa trị. Thời gian sau đó, người cựu chiến binh Quang Trung trở lại quê nhà, lao động làm việc và lập gia đình.
Có lẽ vì cơ duyên, cũng có lẽ là sự lựa chọn, hơn 13 năm nay, người cựu binh đã trở thành quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). “Tôi nhớ đồng đội, cảm thấy mình đã may mắn khi có thể lành lặn trở về và sống cho tới bây giờ, còn những thanh niên trẻ ngày ấy ở khắp các chiến trường, có người đã ngã xuống không thể trở về. Vì vậy, khi ở nghĩa trang này, tôi cảm thấy “gần gũi” hơn với những đồng chí, đồng đội đã hi sinh” - ông Trung bộc bạch.
Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc hiện là nơi yên nghỉ của hơn 3.000 phần mộ liệt sĩ đến từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có nhiều phần mộ liệt sĩ vô danh. Từ sáng sớm, khi bắt đầu có thân nhân đến viếng, người quản trang đã làm xong công việc mỗi ngày của mình là giữ cho khuôn viên của nghĩa trang tươm tất, sạch sẽ và trang nghiêm.
Ông Trung tâm sự: “Tôi dậy từ lúc 4h30 để bắt đầu dọn dẹp. Những ngày tháng 7 này lượng người ghé đến nghĩa trang nhiều hơn, nên tôi cũng muốn mọi vị trí đều sạch sẽ, để các gia đình yên tâm rằng người thân của mình luôn được chăm sóc”.
Người đón đưa đồng đội
Chừng đó thời gian làm quản trang, ông Lê Quang Trung có đủ những kỷ niệm vui buồn, nhưng có lẽ làm người “đón đưa” là công việc ông thực hiện nhiều nhất. Đó là đón những thân nhân, gia đình liệt sĩ, đồng đội, các đoàn đến thăm viếng; đón những liệt sĩ hi sinh ở nước bạn trở về với đất mẹ; và cả đón những liệt sĩ vô danh tại đây nhận được tên tuổi, gia đình…
Gần đây nhất là câu chuyện của một cựu chiến binh lặn lội từ Hà Nội vào tìm mộ em trai. Những năm tuổi thanh xuân, hai anh em đều lên đường nhập ngũ. Bác chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ năm 1970, sau đó bị thương rồi ra quân. Em trai tham gia tại chiến trường biên giới miền Trung năm 1973-1974 và mất liên lạc. Gia đình nhận tin báo tử nhưng không thể tìm thấy được mộ phần. Chừng đó năm gia đình đau đáu đi khắp nơi để tìm kiếm, đến khi mái tóc đã ngả màu bạc.
Vài tháng trước, một số người quen tình cờ thấy được mộ của người em và đã báo với gia đình. Gần ngày 27.7, ông Trung đón người cựu chiến binh ấy vào thắp hương cho em trai.
“Tìm được em tôi rất vui, cũng toại ước nguyện bao nhiêu lâu nay. Thấy mộ phần em ở đây được anh Trung chăm sóc chu đáo, gia đình càng yên tâm hơn vì thời gian qua em đã không đơn độc. Sắp tới, gia đình mong muốn đưa em trai về gần nhà, anh Trung cũng tận tình hướng dẫn” - thân nhân liệt sĩ chia sẻ.
Những ngày tháng 7 lịch sử, dòng người đổ về nghĩa trang nhiều hơn để thăm viếng, tri ân đến các liệt sĩ đã hi sinh. Ở một góc nghĩa trang, cựu chiến binh Lê Quang Trung vẫn tỉ mẩn nhổ cỏ, lau sạch bia mộ, chỉnh từng góc hương, để tất cả các mộ phần luôn được trang trọng.