Theo phương án 1 của dự án đầu tư đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ đi qua các xã Ma Đa Guoil, Đạ Tồn, Phước Lộc, thị trấn Đam B’ri huyện Đạ Hoai; xã Đạ Pal huyện Đạ Tẻh; xã Lộc Tân huyện Bảo Lâm và xã Đam Bri thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trường hợp chiều rộng của nền đường là 17 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 93,5 ha, trong đó rừng tự nhiên là 22.754 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 38,68 ha).
Trường hợp chiều rộng của nền đường là 13,5 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 74,25 ha, trong đó rừng tự nhiên là 22.754 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 30,71 ha).
Theo phương án 2 của dự án đầu tư đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ đi qua thị trấn Ma Đa Guoil, xã Hà Lâm, Đam Ploa, thị trấn Đam B’ri huyện Đạ Hoai; xã Lộc Thành huyện Bảo Lâm và xã Đại Lào thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài toàn tuyến là 45 km.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trường hợp chiều rộng của nền đường là 17 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 76,5 ha, trong đó rừng phòng hộ chiều dài 11.573 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 19,67 ha).
Trường hợp chiều rộng của nền đường là 13,5 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 60,75 ha, trong đó rừng phòng hộ chiều dài 11.573 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 15,62 ha).
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đề xuất do dự án có ảnh hưởng một phần đến rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 thì dự án cần có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai, thực hiện.