Liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm
Những ngày tháng 8.2022, theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động tại các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình, mặc dù trời đã hửng nắng trở lại, nước sông, suối đang dần rút nhưng hậu quả do hoàn lưu bão số 2 (Mulan) vừa qua vẫn còn hiện rõ.
Cơn mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại về người và tài sản cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tính riêng tỉnh Hòa Bình đã có 5 thiệt mạng do đuối nước, lũ cuốn trôi, trong đó có 2 trẻ em.
Cụ thể, 18h30 chiều 11.8 tại xóm Nhả, xã Hợp Thành, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, do mưa lớn khiến ruộng và đường nội đồng ngập sâu, cháu N.M.H (SN 2012) khi đi chơi đã trượt chân ngã xuống ruộng sâu và tử vong.
Chiều cùng ngày, tại xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, em Bùi Đức T. (SN 2005) cùng bạn đi đánh cá tại sông Bôi, do nước sông lên cao, chảy xiết nên T. đã bị lũ cuốn trôi.
Khi xảy ra sự việc, người dân cùng xóm có lấy thuyền đuổi theo, nhưng không cứu được T., thi thể nạn nhân đã được tìm thấy sau đó 2 ngày, cách địa điểm xảy ra tai nạn 2km.
Cùng thời điểm trên, vụ lũ cuốn khiến 2 vợ chồng tử vong khi đi qua ngầm tràn cũng vừa xảy ra trên địa bàn huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, ngày 11.8, vợ chồng chị Đ.T.N (SN 1987, trú tại thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy) đi qua suối Ba Hang thuộc địa bàn thôn Đồng Bong, do nước lớn, chảy xiết nên hai vợ chồng đã bị lũ cuốn trôi.
Cần có giải pháp thiết thực
Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ đe dọa sinh mạng của người dân trong mùa mưa lũ.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, người dân sinh sống bên bờ sông Bôi, đoạn qua xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Sông Bôi bình thường nước trong xanh, chảy hiền hòa, người dân thường ra đó đánh cá. Ở nhiều bãi cỏ đẹp, các bạn trẻ còn thường ra cắm trại cuối tuần".
Theo chị Nguyệt, dòng sông hiền hòa, trữ tình là vậy nhưng cứ đến mùa mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về đục ngầu, chảy xiết.
"Hầu hết những vụ tai nạn đuối nước mùa lũ xảy ra vài năm gần đây chủ yếu do sự chủ quan của người dân. Bà con thường tận dụng nước lũ để đi đánh cá, chài lưới" - chị Nguyệt chia sẻ.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Minh Anh - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Đặc điểm chung của khu vực Tây Bắc là địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên mỗi khi mưa xuống khiến mực nước sông suối dâng cao rất nhanh gây lũ lụt nguy hiểm".
Theo bà Minh Anh, trên địa bàn huyện Kim Bôi có tổng số 85 ngầm tràn, phần đa các ngầm ở khu vực đông dân cư, nhu cầu đi lại của người dân cao.
"Để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế những tai nạn đuối nước khi mùa mưa lũ về, bà con cần cẩn trọng khi đi qua ngầm tràn những ngày mưa lũ, tuyệt đối không qua khi mực nước dâng cao, chảy xiết. Đồng thời không ra sông, suối đánh cá, chài lưới khi trời mưa bão lớn xảy ra" - vị lãnh đạo nói thêm.
Ngay sau khi xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm mùa mưa lũ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt không để người và phương tiện đi qua.
Đồng thời, quản lý, trông giữ, không để để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ngập nước để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.