Ngày 29.6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Về tình hình mưa trên cả nước. Mưa ngày từ 27.6 đến 28.6, các khu vực trên cả nước rải rác có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40-80mm.
Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Thượng Sơn (Hà Giang) 195mm; Cao Bồ (Hà Giang) 155mm; Tĩnh Gia (Thanh Hoá) 101mm; Thắng Hải (Bình Thuận) 101mm; Phước Bình (Đồng Nai) 96mm; Dĩ An (Bình Dương) 131mm.
Mưa đêm từ 28.6-29.6, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ rải rác có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng phổ biến từ 30-60mm.
Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Việt Lâm (Hà Giang) 262 mm; Vị Xuyên (Hà Giang) 138mm; Tà Nung (Lâm Đồng) 107mm; Krông Nô (Đắk Lắc) 88mm; Kon Tum (Kon Tum) 77mm; Minh Tâm (Bình Phước) 75mm.
Mưa 3 ngày từ 25.6-28.6, các khu vực trên cả nước có tổng lượng mưa phổ biến từ 100-150mm.
Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như Thượng Sơn (Hà Giang) 212mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 230mm, Cát Bà (Hải Phòng) 167mm, Đắk Nông (Đắk Nông) 157mm, Bù Nho (Bình Phước) 171mm, Đăk Lua (Đồng Nai) 155mm.
Về tình hình nắng nóng. Ngày 29.6, ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Ngày 30.6, ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Mực nước sông Hồng tại Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Lúc 29.6 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,06m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,65m.
Dự báo đến 07h 30.6 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,0m; trong 36h tới mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 0,9m.
Mực nước các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều. Đến ngày 02.7 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,35m tại Châu Đốc ở mức 1,50m.
Về tình hình đê điều. Theo báo cáo nhanh của Bình Thuận, từ ngày 6.5 đến ngày 21.6, trên địa bàn huyện Đức Linh xảy ra mưa lớn, làm nước sông La Ngà dâng cao gây sạt lở chân và mái đê bao Võ Xu (đoạn qua thị trấn Võ Xu) với chiều dài khoảng 50m.
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã tổ chức căng dây, cắm biển cảnh báo, cấm các loại xe cơ giới lưu thông qua đoạn đê bao này và theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Trong ngày 29.6, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với UBND huyện Đức Linh kiểm tra hiện trường để tham mưu cho tỉnh phương án xử lý.
Về tình hình thiệt hại do mưa dông, lốc và sét. Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Hưng Yên, thiệt hại do mưa dông kèm theo lốc, sét xảy ra từ ngày 27 đến 28.6.2023 khiến 1 người chết (bà Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1977, thôn Tam Nông, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bị chết do sét đánh); 5 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng; 0,6ha lúa bị thiệt hại, 7 con gia súc bị chết (Hà Giang).
Còn theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, ngày 27.6, trên địa bàn huyện Đầm Dơi xảy ra 1 vụ sạt lở đất ven sông với chiều dài sạt lở 30m, rộng 0,4m đã làm 32m đường bê tông nông thôn bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.