Nằm bên cạnh dòng Kiến Giang thơ mộng với những cánh đồng xanh mát, ngôi nhà nhỏ mà nơi ấy gắn bó với Đại tướng suốt những năm tháng tuổi thơ của mình nay được ông Võ Đại Hàm - người cháu của Đại tướng trông coi suốt mấy chục năm nay. Những kí ức về người bác vĩ đại và căn nhà nhỏ vẫn in sâu trong tâm trí ông đến tận bây giờ.
Ông Võ Đại Hàm là người cháu thúc bá gọi Đại tướng bằng bác, năm nay đã gần 80 tuổi. Nửa đời người trông coi ngôi nhà mà Đại tướng để lại, hàng ngày việc đầu tiên mà ông làm khi thức dậy chính là sang nhà Đại tướng, quét dọn, thắp hương rồi mới mở cửa tiếp khách tham quan.
Ông cho hay, nhiều lúc mình ở nhà Đại tướng còn nhiều hơn nhà mình, quý còn quý hơn nhà mình, ông cũng rất tự hào và xem đó như là phúc phận được Đại tướng giao phó. Ông vẫn nhớ như in lời căn dặn của người bác khi nhận lời trông coi nhà và vườn rằng, không để ảnh hưởng đến lương thưởng của Nhà nước, không có ruộng thì xin cấp ruộng để cấy, không được để vườn trống mà phải trồng trọt. Cho đến nay, mảnh vườn nhỏ trong nhà Đại tướng vẫn luôn được phủ xanh và chăm nom.
Trong căn nhà ở quê, Đại tướng quý nhất là cây khế sau vườn, bởi theo ông Hàm, cây khế là thứ duy nhất còn lại sau khi ngôi nhà bị thực dân Pháp đốt vào năm 1947. Tuổi thơ của Đại tướng gắn liền với cây khế này, khi từ nhỏ ông đã nhiều lần trèo lên cây khế để học bài mỗi trưa hè.
Ông Hàm cho biết, Đại tướng là một người rất hiếu học và học rất giỏi, từ nhỏ đã theo cha học Ngũ kinh, từ lúc nhỏ cho tới 13 tuổi đã phải đổi rất nhiều trường cấp để học, điều kiện khó khăn là vậy nhưng Đại tướng chưa bao giờ lơ là việc học của mình.
Tuổi thơ của Đại tướng cũng gắn liền với con sông quê, dòng Kiến Giang hiền hòa xanh biếc, mà qua lời kể của ông Hàm, lúc nhỏ Đại tướng cũng thường tắm sông ở đây, nhiều lần Ông được mẹ chèo thuyền chở đi trả lúa thuê cho người ta ở phía bên kia sông, và Đại tướng cũng rất thích thú.
Mỗi lần về thăm quê, Tướng Giáp đều đi bộ từ ngoài đường vào, xuống bến nước ngắm nhìn dòng sông, vọc nước lên để rửa mặt. Đại tướng cũng nhiều lần kể về kỷ niệm lần nước lũ, khi nước tràn bờ sông Kiến Giang, nhấn chìm nhà Đại tướng, Đại tướng đã nghĩ cách trèo lên cây mít trước nhà để ngồi trong khi đợi người lớn dọn dẹp đồ đạc lên cao cho đỡ vướng víu người nhà. Có lẽ vì chống chọi với lũ lụt từ nhỏ, mà Đại tướng cũng như người dân ở đây đều có ý chí mạnh mẽ và nghị lực luôn luôn vươn lên.
Mỗi năm, vào ngày 2.9, tại địa phương đều diễn ra hội đua thuyền truyền thống. Các trai bơi, nữ đua từ các làng sẽ thi đua với nhau để giành lấy giải nhất, để làng mình được vinh danh trên bảng vàng. Ông Hàm còn nhớ, nhiều năm về trước, trong một lần về thăm quê vào đúng dịp lễ Quốc khánh, Đại tướng đã cùng người dân đi xem và cổ vũ các thuyền đua trong lễ hội.
Những năm bận việc không về được mà theo ông Hàm là khoảng 9 năm, Đại tướng thường gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, tình hình thôn xóm, người dân thế nào, năm nay có đua thuyền không, làng nào giải nhất… Mặc dù ở xa, nhưng Đại tướng luôn hướng về quê hương mình.
Đại tướng cũng là người rất mê hò khoan Lệ Thủy, mỗi lần về quê người dân đều tổ chức hát hò khoan ngay trước sân nhà cho Ông nghe.
Theo ông Hàm, ít người biết rằng Đại tướng rất mê món cá bống kho, nhất là cá bống bắt từ sông Kiến Giang, món này ăn với cơm trắng vào mùa mưa gió thì phải gọi là “đúng bài”.
Tình yêu mà Đại tướng dành cho quê hương, cho làng xóm và cho dòng sông nơi thuở thiếu thời Đại tướng vẫn thường tắm đã in sâu vào trong tâm khảm của mình.