Giải trình trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng không đáng ngại, vì khi KTNN muốn truy cập vào thì phải được cơ quan đó đồng ý mới làm được. Dự thảo quy định rõ chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật); đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật. Nội dung tiếp thu thể hiện tại khoản 3, khoản 6 Điều 1 Dự thảo luật.
Đồng tình với tính cần thiết của quy định, song đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị dự luật cần làm rõ quyền truy cập, khai thác trên hệ thống dữ liệu quốc gia thì phạm vi truy cập đến đâu. Cũng theo ông Giang, việc quy định đơn vị kiểm toán và đơn vị được kiểm toán phải thống nhất về phạm vi dữ liệu truy cập và quá trình truy cập diễn ra dưới sự giám sát của đơn vị được kiểm toán là không phù hợp.
* Cần kiểm toán các dự án BOT thường xuyên: Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho rằng, vấn đề kiểm toán các dự án BOT cần được thực hiện thường xuyên, để minh bạch trong quản lý nguồn vốn đầu tư. Lý do là BOT cũng là một dạng tài sản công, là một nhóm đối tượng kiểm toán.
Về một số ý kiến cho rằng nên kiểm toán tiền công đức trong cơ sở thờ tự, theo đại biểu Sinh, đối tượng này không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước, tuy nhiên nếu nghi ngờ sự minh bạch thì người dân có thể kiểm toán độc lập.