Thưa ông, liên quan đến thông tin lợn nhập khẩu chưa qua cách ly được đưa thẳng về lò mổ, việc xử lý cán bộ (cán bộ thú y tỉnh Quảng Bình, thú y tỉnh Nghệ An, Thú y vùng III, Thú y vùng II, Thú y vùng I), doanh nghiệp vi phạm đến thời điểm này như thế nào?
- Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông: Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan thú y rà soát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp và cán bộ kiểm dịch có vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về kiểm dịch nhập khẩu: Các Chi cục Thú y vùng đã lập Biên bản vi phạm hành chính chuyển về Cục Thú y ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) và bộ đã chỉ đạo xử lý các doanh nghiệp vi phạm như sau:
Đối với doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 lần sẽ tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu; Đối với doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính 1 lần sẽ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc nuôi cách ly kiểm dịch tại khu vực gần cửa khẩu nhập.
Đối với những cán bộ kiểm dịch vi phạm, cụ thể là Chi cục Thú y vùng III: Theo báo cáo của Chi cục Thú y vùng III, liên quan đến việc Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng đánh tráo biển số xe vận chuyển lợn đã qua cách ly kiểm dịch với lợn chưa qua cách ly kiểm dịch, Chi cục Thú y vùng III đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ kiểm dịch, chấn chỉnh công tác kiểm dịch nhập khẩu.
Đối với Chi cục Thú y vùng I và II, theo quy định, doanh nghiệp trước khi đưa lợn về khu cách ly kiểm dịch phải khai báo với Chi cục Thú y vùng và có trách nhiệm đưa lợn về khu cách ly kiểm dịch đúng với số lượng lợn nhập khẩu. Căn cứ vào khai báo của doanh nghiệp, Chi cục Thú y vùng cử cán bộ đến khu cách ly thực hiện công tác kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm.
Nếu doanh nghiệp không đưa lợn về khu nuôi cách ly kiểm dịch hoặc không đủ số lượng thì cán bộ kiểm dịch lập Biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Cục Thú y để ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp vi phạm quy định và đã bị xử lý theo quy định, còn cán bộ kiểm dịch đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Ý kiến của cơ quan chuyên môn về việc lập các khu cách ly động vật nhập khẩu quá xa khu vực cửa khẩu (có nơi hơn 700km) tiềm ẩn nhiều rủi ro như quá trình vận chuyển nếu động vật có bệnh dễ lây lan, việc quản lý khó khăn? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong thời gian vừa qua, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và giá cả thịt lợn tăng cao, Chính phủ và Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam để giết mổ nhằm sớm ổn định giá thịt lợn trong nước.
Do vậy, đã có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, nhưng không thể có điều kiện ngay để xây dựng các khu cách ly ở giáp biên giới và phải thuê các trang trại chăn nuôi lợn ở các tỉnh để nuôi cách ly.
Mặt khác, hiện tại cũng chưa có quy định nào bắt buộc phải nuôi cách ly lợn nhập khẩu ở gần khu vực cửa khẩu.
Xin Cục trưởng cho biết, việc lợn nhập khẩu chưa qua cách ly nhưng được cấp giấy kiểm dịch để đưa đi giết mổ có sự tiếp tay của cán bộ thú y hay không?
- Theo báo cáo của các Chi cục Thú y vùng và tỉnh có liên quan thì hiện tại chưa phát hiện cán bộ thú y tiếp tay cho việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển lợn nhập khẩu để đưa đi giết mổ ngay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác kiểm dịch lợn nhập khẩu, một số cán bộ thú y đã lơ là, sơ hở dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng để đánh tráo xe vận chuyển lợn.
Đối với những cán bộ này, cơ quan thú y đã nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh công tác kiểm dịch nhập khẩu, thu hồi thẻ kiểm dịch viên đối với trường hợp cán bộ kiểm dịch vi phạm.
Thưa ông, qua phản ánh của Báo Lao Động, đã có những chấn chỉnh gì để tránh lặp lại tình trạng tương tự?
- Để tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông, Cục Thú y đã chỉ đạo quyết liệt các Chi cục Thú y vùng và Chi cục Thú y và Chăn nuôi các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp sau: Thứ nhất, tổ chức thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam theo đúng quy định, đồng thời yêu cầu các Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm soát vận chuyển lợn sống sau khi kết thúc cách ly kiểm dịch, tại cơ sở giết mổ lợn theo đúng quy định.
Thứ hai, yêu cầu các Chi cục Thú y vùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố có liên quan tổ chức rà soát, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm khác cần báo cáo ngay về Cục Thú y để xử lý kịp thời; đồng thời tổ chức kiểm tra và báo cáo cụ thể các trường hợp cán bộ thú y vi phạm trong việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống không tuân thủ theo quy định.
Thứ ba, tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan nơi doanh nghiệp nuôi cách ly kiểm dịch để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam theo đúng quy định.
Sau khi Báo Lao Động có bài phản ánh, Bộ NNPTNT đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan và chỉ đạo xử lý các doanh nghiệp vi phạm như sau:
Đối với doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 lần sẽ tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính 1 lần sẽ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc nuôi cách ly kiểm dịch tại khu vực gần cửa khẩu nhập.
- Xin cảm ơn ông!