Đám cưới không giọt rượu, bia
Sáng cuối tuần, trước dãy nhà ở bản A Tơi (trước thuộc thôn Cu Pua, nay sát nhập thành thôn Vùng Kho) nằm ngay bên Quốc lộ 9 đã đông người lui tới. Hôm nay là ngày cưới của Hồ Văn Sáp Ta (SN 1998) - con trai của ông Hồ Ê Nót.
Cách đây hơn 1 tháng, gia đình Ê Nót đã liên hệ với một nhà hàng làm dịch vụ đám cưới trọn gói. Khi đặt mâm tiệc, Ê Nót đề nghị thêm tiền để thêm thức ăn, “vì đám cưới không dọn bia, rượu”. Nghe vậy, chủ nhà hàng ngạc nhiên, và thuyết phục Ê Nót mỗi két bia chai kèm đá chỉ 150 nghìn đồng, nhưng nước ngọt mà gia đình yêu cầu lên đến 180 nghìn đồng/két. Không chỉ chủ nhà hàng, mà con trai Sáp Ta cũng nêu ý kiến, vì bạn bè của cậu góp ý rằng, nếu không có rượu bia thì đám cưới đời người có 1 lần sẽ mất vui. Nhưng rồi, gia đình Ê Nót thống nhất, 46 mâm tại tiệc cưới sẽ không dọn rượu, bia và cả thuốc lá.
Đến trưa, tiếng nhạc ở tiệc cưới của Sáp Ta nổi lên, 46 mâm tiệc kín người. Tiếng “1,2,3 zô” vẫn vang lên, từ bàn của các thanh niên đến người lớn đều là nước ngọt… Kết thúc tiệc cưới, nếu uống bia rượu thì đám bạn của Sáp Ta đã lên xe rồ ga chạy thục mạng, còn hôm nay, họ nán lại sau cùng để giúp gia đình dọn dẹp…
Không phải riêng ở gia đình Ê Nót, mà những gia đình ở bản A Tơi và A Tơng từ lâu đã quên mất vị của bia, rượu và thuốc lá. Mỗi khi tổ chức tiệc cưới hỏi, ma chay hay các lễ hội theo phong tục của người đồng bào, các gia đình dùng nước lá hoặc nước ngọt để thay thế bia rượu. Khi chưa sát nhập với thôn Vùng Kho, ở thôn Cu Pua có 78 hộ, thì 64 hộ tại bản A Tơi và A Tơng đã nói không với bia rượu cách nay mấy năm.
Từ côn đồ đến hình mẫu
Ông Hồ Văn Chuốp (SN 1937) nhớ lại, khi mới đến lập bản ở A Tơi và A Tơng nhà ai cũng nghèo đói. Nghèo đói vì trong nhà chỉ có phụ nữ lên nương, còn đàn ông thì ở nhà ăn và nhậu. Bản thân ông Chuốp mấy chục năm trước cũng vậy, sáng ra vợ lên nương thì ông lê la gọi đàn ông trong bản tụ tập, kiếm con cá và ché rượu uống đến tận đêm mới mò về nhà. Đến khi con trai ông là Hồ Ê Nót lớn, lập gia đình rồi cũng uống rượu, hút thuốc rất nhiều.
Năm 1998, Ê Nót được dân bản liệt vào dạng côn đồ, chuyên đánh vợ và đánh nhau. Có hôm, vợ Ê Nót đưa tiền, nhờ chồng đi mua gói mì tôm về cho con đang bị ốm. Ê Nót cầm tiền ra quán, nhưng không mua mì mà mua thuốc hút. Khi về, vợ khóc thì Ê Nót đánh vợ một trận bầm dập… “Chuyện đánh vợ, rồi đánh nhau lúc đó là như cơm bữa. Nghĩ lại vẫn còn thấy hối hận” - Ê Nót, chia sẻ.
Gia đình khuyên bảo không nghe, nhưng rồi Ê Nót thức tỉnh, tự “cai” rượu bia, thuốc lá, trở thành người đàn ông biết chăm lo cho gia đình. Đến năm 2002, Ê Nót được bầu làm trưởng thôn Cu Pua (gồm 3 bản A Tơi, A Tơng và Cu Pua), và bắt đầu đi tuyên truyền việc bỏ rượu bia, thuốc lá. “Mọi người nói, Ê Nót bỏ rượu bia cái là thành người. Nên tôi cũng phải giúp những ma men ở bản thành người” - Ê Nót, kể.
Từ 3 thành viên tham gia mô hình “bản không rượu bia, thuốc lá”, Ê Nót thuyết phục già làng hỗ trợ thêm. Đến năm 2009, A Tơi chính thức từ chối rượu bia, thuốc lá, đến nay mô hình đã lan sang cả bản A Tơng. Hỏi Ê Nót kinh nghiệm để thuyết phục người dân từ chối bia rượu, ông kể rằng đã áp dụng rất nhiều cách. Đơn cử, thời điểm làm trưởng thôn, Ê Nót kiêm luôn Tổ trưởng tổ vay vốn của Ngân hàng chính sách, nếu gia đình nào cam kết sẽ dùng tiền để làm kinh tế thì Ê Nót xác nhận cho vay, còn vay về để sắm sửa ăn nhậu thì không, và tiền vay Ê Nót chỉ cho phụ nữ đến nhận. Rồi vào ngày đại đoàn kết toàn dân 18.11 hàng năm, những hộ nào gương mẫu nói không với bia rượu sẽ được tặng quà, được ưu ái các chế độ… để khích lệ họ. Dần dần, khi những người đàn ông trong bản ít tụ tập nhậu nhẹt mà thay vào đó là lên nương giúp đỡ vợ con, thì kinh tế trong gia đình cũng khá lên. Thấy được lợi ích đó, và nhìn vào “hình mẫu” Ê Nót, nên nhiều người đã rời xa bia rượu, thuốc lá.
Thiếu tá Nguyễn Quang Khang - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc Công an huyện Đakrông cho hay, 64 hộ dân ở A Tơi và A Tơng không uống rượu bia đem lại rất nhiều cái lợi. Không chỉ đảm bảo tình hình an ninh trật tự, mà các tệ nạn cũng như an toàn giao thông ở nơi này rất tốt. Từ năm 2009 đến nay, ở 2 bản này chỉ có 3 vụ tai nạn khiến 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương nhưng nguyên nhân không phải vì bia rượu. Ở đây cũng hiếm xảy ra chuyện trộm cắp, đánh nhau. Lấy A Tơi và A Tơng mẫu, tháng 6.2019 Công an huyện Đakrông đã tổ chức ra mắt mô hình 3 giảm (giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông), 4 giữ (giữ người, tài sản, bình yên xóm làng, tình thương). “Thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông cũng như trộm cắp ở địa bàn huyện khá cao, nguyên nhân phần nhiều là do thanh niên uống rượu bia và sa vào các tệ nạn. Khi nhân rộng mô hình nói trên, chắc chắn sẽ đem lại nhiều hiệu quả” - Thượng tá Hoàng Văn Trung - Trưởng Công an huyện Đakrông, cho hay.