Thời gian gần đây, việc bốc rót clinker của Nhà máy xi măng Thăng Long lại gây bụi trắng mịt mù giữa vịnh Cửa Lục – nằm cách không xa vịnh Hạ Long và là đầu nguồn nước đổ ra vịnh Hạ Long. Hiện, nhà máy này cùng với Nhà máy xi măng Hạ Long – đều nằm xung quanh vịnh Cửa Lục, với các đường băng tải vận chuyển xi măng, than, clinker vươn ra giữa vịnh Cửa Lục – nằm trong diện di dời trước năm 2030.
Theo phản ánh của đại diện một số doanh nghiệp khu vực cảng Cái Lân, mỗi khi có tàu vào nhận clinker bốc dỡ từ băng tải giữa vịnh Cửa Lục là một vùng rộng lớn trên biển lại mịt mù bụi trắng. Các nhà, xưởng…ở gần đó có nơi luôn bị phủ một màu trắng của bụi clinker.
Năm 2016, lo ngại bụi clinker “tấn công” vào hàng ngàn xe nhập khẩu nằm ở bãi cảng Cái Lân là một trong những lý do khiến các nhà nhập khẩu xe ô tô đã rút khỏi cảng biển nước sâu này.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết đã nhận được thông tin việc bốc rót clinker của Nhà máy xi măng Thăng Long gây bụi giữa vịnh Hạ Long và đang cho kiểm tra.

Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Ninh, việc bốc rót clinker, xi măng, than của Nhà máy xi măng Hạ Long nằm gần đó đã được kiểm soát tốt.
Từ nhiều năm qua, các hộ dân, công sở, nhà máy ở xung quanh vịnh Cửa Lục luôn bị các loại bụi từ các nhà máy xi măng này tấn công, khiến nhiều hộ dân, công sở thường xuyên đóng chặt các loại cửa.
Dây chuyền 1 của Nhà máy Xi măng Thăng Long tại xã Lê Lợi, TP.Hạ Long đi vào hoạt động năm 2008, với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; trong khi dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Hạ Long tại xã Thống Nhất, TP.Hạ Long với công suất thiế kế 2,07 triệu tấn xi măng/năm cho sản phẩm từ 2010.
Cả 2 nhà máy này đều được duyệt quy hoạch cho phép mở rộng tiếp giai đoạn 2, với công suất tương đương với các nhà máy hiện nay. Vùng nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn 2 cũng đều được các cấp, ngành liên quan phê duyệt.

Tuy nhiên, việc di dời này không đơn giản, trong đó có vấn đề khá “đau đầu” là phương án đền bù…