BOT lại nóng với "cuộc chiến" tiền lẻ: Giảm phí cũng cần nhưng phải dời trạm đúng vị trí

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Sau “sự kiện” BOT tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), cho đến nay hàng loạt các trạm BOT đã phải đưa ra quyết định giảm mức giá khi qua trạm. Mới nhất là BOT tuyến tránh Biên Hòa - Đồng Nai chấp nhận giảm 20% cước cho phương tiện qua trạm và 100% phí cho gần 400 ôtô của người dân địa phương quanh trạm. Tuy nhiên, theo các chủ phương tiện, họ đồng ý giảm phí nhưng đòi hỏi cơ bản vẫn là phải dời trạm về đúng vị trí chứ không “nhao ra” QL1 để “tận thu”.

Còn các chủ đầu tư cũng đang sốt ruột và cho rằng, việc đặt trạm BOT đã được các ngành và địa phương thông qua nhưng khi xảy ra sự cố thì chỉ có “doanh nghiệp” chịu trận là không công bằng.

Vị trí đặt vô lý của 2 trạm BOT Biên Hòa (Đồng Nai) và Cai Lậy (Tiền Giang).
Vị trí đặt vô lý của 2 trạm BOT Biên Hòa (Đồng Nai) và Cai Lậy (Tiền Giang).

BOT Cai Lậy sẽ… nóng

Sau gần hai tháng tạm ngưng thu phí, ngày 6.10 Cty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, đang tiến hành ký hợp đồng giữa Bộ GTVT và BOT trạm Cai Lậy về việc thu phí theo mức giá mới. Nếu các bên thống nhất thì việc thu phí sẽ tiến hành trong tháng 10 này với giá vé sẽ giảm 20-30% so với mức giá ban đầu.

Theo phương án giá mới, mức phí qua trạm BOT Cai Lậy thấp nhất là 25.000 đồng (mức cũ là 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng (mức cũ là 180.000 đồng) mỗi lượt cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40ft.

Bên cãnh đó, chủ đầu tư cũng giảm phí 100% các hộ dân không kinh doanh vận tải có hộ khẩu thường trú tại các xã thuộc huyện Cai Lậy gồm xã Phú Nhuận, xã Mỹ Thành Nam, xã Bình Phú và xã Phú An có xe thuộc nhóm 1 và nhóm 2; giảm 50% phí cho hộ thuộc 4 xã trên có các nhóm xe 3, 4, 5 và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.

Dù chủ đầu tư qua BOT Cai Lậy đã “xuống nước” nhưng trao đổi với phóng viên, một số tài xế ở khu vực Tiền Giang cho biết sẽ lại dùng tiền lẻ để qua trạm khi trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại. Lý do, các tài xế cho biết họ không đồng tình với vị trí đặt trạm nên sẽ tiếp tục dùng tiền lẻ để bày tỏ thái độ ngay cả khi trạm này dự kiến sẽ giảm phí.

Đại diện chủ đầu tư cho hay, đang làm việc với chính quyền địa phương để bàn biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và khẳng định trạm thu phí không thể ngừng hoạt động kéo dài vì sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tuyến tránh Biên Hòa - chủ đầu tư oằn mình chịu trận

Sau nhiều lần các tài xế dùng tiền lẻ để trả phí, trạm BOT quốc lộ 1, tuyến tránh Biên Hòa đã kẹt xe, hỗn loạn và đỉnh điểm quốc lộ 1 đoạn qua H.Trảng Bom, Đồng Nai bị tê liệt” hàng giờ đồng hồ; thì ngày 5.10, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận chủ trương giảm 20% giá phí thực hiện từ ngày 1.11.

Tuy nhiên, các tài xế cho rằng, điều bức xúc nằm ở việc trạm thu phí được đặt bất hợp lý, còn chủ đầu tư thì cho biết, việc đặt trạm đã được thống nhất từ nhiều bộ, ngành, từ trung ương tới địa phương.

Liên tiếp trong các ngày từ 2-5.10 có hàng chục ôtô mang biển số các tỉnh Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu dùng tiền lẻ trả phí qua trạm. Chia sẻ với PV - tài xế Đỗ Văn P. (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã dùng hàng chục đồng xu mệnh giá 200 đồng để trả phí qua trạm. Anh P. không đồng ý việc chủ đầu tư đặt trạm trên quốc lộ 1 vì cho rằng, giá vé đắt và dù tôi không đi đường tránh cũng phải trả tiền. “Tôi đang chịu mức phí 35.000 đồng mỗi lượt qua trạm, tôi cho rằng mức phí như vậy là quá cao. Tôi mong muốn trạm thu phí dời về đúng vị trí của nó trên đường tránh Biên Hòa” - anh P. chia sẻ.

Chủ đầu tư buộc phải ngưng thu phí thì mới “cứu vãn” được tình hình. Theo tìm hiểu của PV, chưa chính thức ngày trạm thu phí BOT quốc lộ 1, tuyến tránh Biên Hòa hoạt động trở lại.

Trước những động thái trên, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận chủ trương giảm 20% giá phí thực hiện từ ngày 1.11. Đồng thời, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã có báo cáo số 736 về việc chốt danh sách phương tiện của các chủ phương tiện cư trú trên địa bàn 4 xã trong huyện gần trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa để giảm phí. Bao gồm các xã Trung Hòa (177 xe ôtô), Tây Hòa (146 ôtô), Đông Hòa (51 ôtô) và xã Hưng Thịnh (24 ôtô). Tổng cộng có 317 chủ phương tiện với 398 xe ôtô.

Ông Lê Hữu Đảng - PCT UBND H.Trảng Bom - cho biết: UBND huyện đề xuất mức giảm vé các phương tiện của chủ sở hữu cư trú tại 4 xã Trung Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa, Hưng Thịnh là 100%.

Hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Biên Hoà - Đồng Nai ngày 5.10. Ảnh: P.V
Hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Biên Hoà - Đồng Nai ngày 5.10. Ảnh: P.V

Không thể đổ hết lên đầu doanh nghiệp

Mặc dù hầu hết bức xúc của tài xế và người dân không phải ở chuyện mức phí cao mà là vị trí đặt trạm bất hợp lý, điển hình là những trạm không nằm trên tuyến tránh mà nằm ngay trên QL1 như BOT Cai Lậy, BOT tránh Đồng Hới, BOT Biên Hòa…

Tuy nhiên việc dời các trạm này là chưa thể thực hiện được. Khi Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM có yêu cầu dời trạm BOT Cai Lậy thì Bộ GTVT đã có công văn trả lời: “Nếu di dời trạm thì Nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư, nhưng hiện nay ngân sách nhà nước hạn hẹp, không có tiền làm việc này”.

Tương tự, chủ đầu tư BOT Biên Hòa cũng đánh tiếng nếu phải dời trạm thì nhà nước phải mua lại vì nếu thế sẽ phá vỡ phương án tài chính ban đầu”.

Hiện nay “tội vạ” đang đổ hết lên chủ đầu tư gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chủ đầu tư trạm Cai Lậy cho biết mỗi tháng phải chi trả cho ngân hàng hơn 10 tỉ đồng tiền lãi, mỗi ngày huy động hơn 1 tỉ đồng để trả tiền vốn do vậy đơn vị phải sớm đưa trạm thu phí trở lại hoạt động. Trong khi đó chủ đầu tư BOT Biên Hòa cũng “như lửa đốt” bởi các khoản vay ngân hàng, xả trạm ngày nào mất tiền tỉ ngày đó.

Vì sao mỗi DN phải “chịu trận” trong khi để có được trạm BOT đặt ở QL1 thì phải có sự thống nhất của chính quyền cấp tỉnh, Bộ GTVT.

Theo chủ đầu tư của BOT tuyến tránh Biên Hòa là Công ty Đồng Thuận thì việc lập trạm trên Quốc lộ 1 đã được sự thống nhất của các cơ quan bộ, ngành liên quan từ trung ương tới địa phương. Trạm thu phí dự án BOT quốc lộ 1, tuyến tránh Biên Hòa có tổng mức đầu tư là 1.506 tỉ đồng thu phí trong thời gian 10 năm 2 tháng và đã thu phí được 3 năm.

Theo chủ đầu tư, trạm thu giá sử dụng dịch vụ của dự án được xác định và xây dựng theo đúng quy định, sự thống nhất, chấp thuận của các cơ quan bộ, ngành liên quan cụ thể là UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính trong giai đoạn lập và phê duyệt dự án; Năm 2006, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai ủy quyền làm đại diện Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BOT, đã thống nhất với Cục Đường bộ Việt Nam chọn vị trí 1842 Quốc lộ 1, thuộc ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, H.Trảng Bom, Đồng Nai để xây dựng trạm thu phí hoàn vốn cho dự án...

Tương tự, với dự án Cai Lậy, Bộ GTVT đã tổ chức họp báo và khẳng định vị trí đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 là hợp lý vì nằm trên dự án mở rộng quốc lộ 1 và làm mới tuyến tránh Cai Lậy; vị trí đặt trạm đã được các bộ, ngành và địa phương thống nhất.

Vậy, việc đặt trạm cũng như những vấn đề xung quanh các trạm BOT hiện nay thì địa phương, các Bộ GTVT, KHĐT, Tài Chính… phải có trách nhiệm chia sẻ với chủ đầu tư.

Ngày 2.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề liên quan đến tổ chức thu phí tại một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, các địa phương và chủ đầu tư liên quan rà soát việc đặt trạm thu phí và mức thu phí (kể cả các dự án chưa tổ chức thu), có giải pháp xử lý kịp thời; đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan để không phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Đây mới chính là “chìa khóa” cho vấn đề nóng BOT hiện nay.

BOT tại Gia Lai: Người dân đòi đối thoại, miễn giảm vé

Người dân đã kéo lên trụ sở doanh nghiệp đòi đối thoại, đòi miễn giảm giá vé khi qua trạm thu phí của Cty TNHH BOT 36.71 (TCty 36, Bộ Quốc phòng) đặt tại xã Đắc TaLey, huyện Mang Yang, Gia Lai. Sự bất cập của các trạm BOT, đã được người dân và UBND tỉnh Gia Lai nhận ra, và đang chờ Bộ GTVT lên tiếng.

Vị trí xây dựng trạm BOT của Cty 36.71 đặt trên QL19, chắn sát trụ sở UBND xã Đắc Ta Ley. Vào xã chỉ vài trăm mét, bị chặn ngay để thu tiền phí. Người dân trong xã hợp đồng “thời vụ” chở vật liệu, nông sản cũng không thoát khỏi bị “móc túi”. Bác T.V.T (trú huyện Mang Yang) bức xúc: “Tôi làm thuê cho trại giam, một lần đi bị thu 75 nghìn đồng, tôi đi 4 lượt như vậy, một ngày phải đóng cho BOT 36.71 là 300 ngàn đồng, một tháng người nông dân mất 9 triệu bạc”.

Cty BOT 36.71 chính thức thu phí xe qua trạm từ ngày 1.6.2016. Ngày 1.10.2017, người dân xã Đắc Ta Ley kéo đến Khu điều hành của Trạm BOT Cty 36.71 gây áp lực, yêu cầu được giảm 100% giá vé cho người dân khu vực xã.

Trước sự phản kháng của người dân, Phụ trách Trạm BOT 36.71 là ông Trịnh Văn Chiến cùng trợ lý Trạm là ông Thái Khắc Dũng phải “xuống nước” chấp nhận miễn giảm 100% giá vé qua trạm trong bán kính 5km. Biên bản được ký, đóng dấu vào ngày 1.10. “Việc miễn giảm 100% giá vé chúng tôi chỉ tạm thời đồng ý, vì việc miễn giảm hay không là quyền quyết định của Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam” - Giám đốc Cty BOT 36.71 Nguyễn Trung Dũng trả lời.

Người dân bức xúc khi Cty 36.71 chỉ làm được 23km tại QL19 rồi “tự tiện” đặt trạm thu phí tại xã Đắc Ta Ley (huyện Mang Yang, Gia Lai), đồng thời, cách đó 56km đặt thêm trạm thu phí thứ hai ở xã Tây Giang, huyện Sơn Tây (Bình Định), thay vì khoảng cách tối thiểu là 70km. Chủ tịch huyện Mang Yang (Gia Lai) Nguyễn Như Phi nhấn mạnh: “Quan điểm của huyện là đứng về phía dân, huyện đã nhiều lần làm việc với Cty BOT 36.71 kiến nghị cần có chính sách giảm dần giá vé cho dân”. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ GTVT, TCĐB Việt Nam có chính sách miễn hoặc giảm giá cho người dân, DN sống gần các trạm thu phí tại QL14 và QL19. ĐÌNH VĂN

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.