7 nhóm đối tượng nguy cơ cao
Chiều 29.3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các sở y tế từ Hà Tĩnh trở ra và các đầu cầu tuyến huyện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay ngay sau khi xác định Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch, các biện pháp cần thiết đã được đưa ra để cùng nhau đưa ra hành động, giải quyết thật nhanh, khoanh vùng triệt để.
Tính đến ngày 29.3, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 179. Trong đó, 16 ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Nơi đây được xác định là ổ dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất của Việt Nam.
Sáng nay, thành phố đã chuyển 613 người nhà của bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT và đã có quyết định cách ly toàn bộ 1.592 trường hợp khám, chữa tại bệnh viện đã được trả về Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định có 7 nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, cần rà soát kỹ:
Nhóm 1, tất cả bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai được chuyển ra khỏi bệnh viện về nhà hoặc chuyển về ở các tuyến. Hiện nay, số người này là hơn 5.000.
Nhóm 2, đối tượng có nguy cơ "cực kỳ cao" là người nhà bệnh nhân. Đây là những người thường xuyên đến và giao lưu ở căng tin.
Nhóm 3 là cán bộ nhân viên y tế. Đặc biệt, người có nguy cơ hơn là từng đến căng tin và từng tiếp xúc người bệnh. Trong đó, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai mà có tiếp xúc với bệnh nhân hiện tại đều được xác định âm tính.
Nhóm 4, tất cả người đã học, thực tập hoặc trao đổi về mặt chuyên môn từ ngày 12.3 trở lại đây.
Nhóm 5 là những người phục vụ trong bệnh viện có giao lưu đi lại, những người vào thăm bệnh nhân.
Nhóm 6 là nhân viên Công ty Trường Sinh ( công ty chuyên cung cấp đồ ăn uống cho bệnh nhân và nhân viên BV Bạch Mai).
Nhóm 7 là mạng lưới chăm sóc bệnh nhân. Mạng lưới này rất lớn, dự kiến khoảng 800 người.
Qua việc sàng lọc tất cả nhân viên của bệnh viện, kể cả người phục vụ, chúng ta phát hiện 7 nhân viên Công ty Trường sinh mắc bệnh.
"Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị giám sát y tế thật chặt nhóm này và Công ty Trường Sinh. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc sớm", lãnh đạo Bộ Y tế cho hay.

Khó khăn lớn của bệnh viện Bạch Mai
Tại cuộc họp, Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện đã hợp tác với quân đội để di chuyển gần hết số người nhà. Hiện tại, bệnh viện chỉ còn lại một số ít người nhà và bệnh nhân có nguy cơ tử vong đang tiếp tục được điều trị. Cụ thể, 793 bệnh nhân còn lại trong viện, 353 bệnh nhân có thể xuất viện, 153 người có thể chuyển tuyến.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho biết 7.064 mẫu xét nghiệm bệnh viện đã lấy đã có kết quả xét nghiệm, hiện chỉ còn 600 mẫu sẽ có kết quả trong ngày hôm nay. Hiện tại, các ca dương tính mới đều tập trung tại Công ty Trường Sinh. Ngoài 2 điều dưỡng, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào là nhân viên y tế mắc COVID-19.
Ông cho biết hiện Bệnh viện Bạch Mai đối diện nhiều khó khăn.
Sau khi UBND Hà Nội yêu cầu bệnh viện phải cách ly, toàn bộ nhân viên tập trung tại chỗ. Nhân viên không được ra khỏi nhà. Điều này gây khó khăn cho công việc tại viện, nhất là trong những ngày tới, cần tăng cường thêm người.
Khó khăn thứ 2 là vấn đề dinh dưỡng. Khu nhà ăn của bệnh viện đã bị phong tỏa. Hiện tại, một số đơn vị cung cấp suất ăn cho nhân viên nhưng không đảm bảo về lâu dài. Bệnh viện đang tìm kiếm giải pháp nhưng chưa giải quyết ngay được vấn đề này.
Khó khăn thứ 3, ông Hùng đặt câu hỏi thời hạn cách ly dịch tễ là bao nhiêu ngày?
Theo lãnh đạo bệnh viện, thời gian 28 ngày sẽ "vô cùng khó khăn và mệt mỏi". Ngoài ra, ông Hùng kiến nghị được sử dụng khách sạn Mường Thanh để nhân viên, đặc biệt nhân viên trực liên tục ở khu hồi sức có thời gian nghỉ.
Để đảm bảo hoạt động của bệnh viện trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất:
"Chúng tôi đề nghị cho nhân viên được ra khỏi nhà, đến bệnh viện. Khi đã đi sẽ không về nhà, ở lại bệnh viện".