Chiều 25.11, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Trung tâm y tế huyện/ thị xã/ thành phố cung cấp thông tin, số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo Sở Y tế Bình Dương, mỗi ngày tỉnh vẫn ghi nhận trên 600 người mắc COVID-19, hiện tổng số người bị lây nhiễm đã lên đến 278.102 (trong đó 267.783 bệnh nhân khỏi bệnh, 11.168 bệnh nhân đang điều trị). Đáng chú ý thời gian gần đây, số ca chuyển nặng, và tử vong có xu hướng tăng.
Ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương yêu cầu Trung tâm y tế huyện/ thị xã/ thành phố rà soát, cập nhật, công bố công khai cho người dân tiếp cận thông tin đường dây nóng của các Trung tâm y tế, Trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế lưu động.
Việc này nhằm giúp người dân được tiếp cận thông tin y tế nhanh chóng, kịp thời.
Thời gian gần đây, người dân, nhất là công nhân lao động ở Bình Dương tiếp tục có những than phiền về việc lơ là quản lý người bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc cho bệnh nhân COVID-19 khi điều trị tại nhà.
Sở Y tế Bình Dương cho biết, hiện có trên 8.000 bệnh nhân điều trị tại nhà, với lượng bệnh nhân điều trị tại nhà như vậy thì y tế ở cơ sở có phần quá tải.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Dương đã mở thêm Trạm Y tế lưu động ở các khu công nghiệp và khu vực đông dân cư lao động có nguy cơ dịch bệnh. Từ 143 Trạm Y tế lưu động trong tháng 10.2021, cho đến nay Sở đã thành lập tất cả 162 Trạm y tế lưu động. Trong đó 99 trạm ở xã phường, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ y tế lưu động của quân y.
Ngành y tế cũng đang lên kế hoạch lập đoàn giám sát hoạt động của các trạm y tế lưu động để tổ chức hiệu quả hơn, thực sự đưa y tế về cơ sở, gần người dân hơn.
Sở Y tế cũng sẽ bố trí thêm các điểm tiêm định kỳ ở xã/phường và tuyên truyền để tất cả người dân trong độ tuổi đi tiêm vaccine.
Cảnh báo xuất hiện trường hợp giấu bệnh
Theo Sở Y tế Bình Dương, hiện nay có những trường hợp F0 giấu bệnh, sợ căng dây cách ly và lo liên hệ y tế cơ sở không được, dẫn đến việc không khai báo. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp cũng ngại xét nghiệm, sợ tốn kém, sợ phát hiện F0 (mất lao động và thiếu lao động). Có doanh nghiệp phát hiện công nhân lao động mắc COVID-19 nhưng lại cho về nơi ở trong khu dân cư mà không báo cho địa phương.
Theo Sở Y tế Bình Dương, việc này làm tăng nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng. Không những vậy, người bệnh không được theo dõi, khi có triệu chứng không được phát hiện kịp thời, trong khi đó, việc suy hô hấp diễn ra rất nhanh - dẫn đến chuyển nặng, nguy cơ tử vong cao. Sở Y tế đề nghị người dân và doanh nghiệp khi biết trường hợp lây nhiễm COVID-19 cần báo cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ.