Ngày 9.10, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã làm lễ công bố đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một”.
Theo đề án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt, giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Dầu Một đầu tư 70 tỉ đồng vốn ngân sách để xây dựng khu làng nghề - du lịch sơn mài trên diện tích 6ha, đồng thời đi kèm các hoạt động nghiên cứu, khảo sát quảng bá. Ngoài ra, Bình Dương huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư 35 tỉ đồng để xây dựng xưởng sản xuất tập trung, khu trung bày và hệ thống kết nối tham quan du lịch...
Theo các nghệ nhân, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có từ trước những năm 1930. Nghề truyền thống này phát triển mạnh những năm 1945-1975, có cả chục cơ sở sản xuất.
Thời kỳ phát triển đỉnh cao từ năm 1980-1990, có cả 100 cơ sở sản xuất. Mặt hàng tranh sơn mài Tương Bình Hiệp được làm công phu tỉ mỉ, tính thẩm mỹ cao được xuất khẩu đi các nước ở Châu Âu có giá trị cao, mang lại đời sống khấm khá cho người dân.
Về sau, do nhiều điều kiện nên làng nghề này đi xuống, đến năm 2000, làng nghề đối mặt với nhiều khó khăn, hàng chục cơ sở ngưng hoạt động.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn giá trị truyền thống của làng nghề này.
Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ được thực hiện trong 4 năm với nhiều nội dung. Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh Bình Dương, việc bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là trách nhiệm của địa phương Tương Bình Hiệp, đây còn là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự đồng tình quyết tâm ủng hộ của nhân dân tỉnh Bình Dương.