Vấn đề trên, được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đưa ra khi phát biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa X, ngày 15.7.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị TPHCM cần tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn giá, nhất là trong bối cảnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.
“Thành phố cần tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá để góp phần kiểm soát lạm phát chung. Làm cái gì thì làm, lương tăng mà nếu giá cả không giữ được, không bình ổn được, lạm phát tăng cao thì cái tăng đó nó cũng không có ý nghĩa. Cho nên thành phố chúng ta phải góp phần để cùng với cả nước giữ bình ổn” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Để tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của thành phố, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị khẩn trương ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện các Nghị quyết, Luật thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Đồng thời, triển khai Nghị định 84/2024/NĐ-CP của Chính Phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM trong thực hiện Nghị quyết 98.
Liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, góp phần quan trọng làm lành mạnh thị trường bất động sản, đảm bảo thực thi các nhiệm vụ mục tiêu xã hội, đóng góp cho sự phát triển.
“Làm sao cụ thể hóa triển khai sớm, đưa vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, giải quyết các tồn đọng liên quan đến sử dụng đất. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì kiến nghị” - ông Nguyễn Văn Nên lưu ý.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị thành phố quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội như cụ thể hóa nhiều nội dung, thẩm quyền trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Thành phố cũng cần quan tâm giám sát quản lý lao động việc làm, quản lý trật tự xây dựng, xử lý rác, công tác chống ngập, giảm kẹt xe, quản lý lòng đường vỉa hè. Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm khác như nhà ở xã hội, đề án di dời nhà ven và trên kênh rạch…
Ngày 11.7, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TPHCM) cho biết, từ ngày 1.7 việc tăng lương sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ, gây tác động dây chuyền, nên cần động thái chuẩn bị và hạn chế.
Hiện các quận, huyện đang bám sát thị trường, doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa…
"Chúng tôi cũng đang tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định" - ông Hùng nói