Ngày 4.4, Thường trực Thành ủy TP Cần Thơ làm việc với ngành Lao động, thương binh và xã hội thành phố về các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của thành phố trong năm 2024.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tiêu Minh Dưỡng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Cần Thơ cho biết, hiện toàn thành phố có 28 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Cần Thơ đã đưa 224 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các thị trường khác, đạt 47,66% so với kế hoạch năm.
Riêng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ có 18 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua chương trình hợp tác thông qua các Bản thỏa thuận, Bản Ghi nhớ với các nước tiếp nhận (Chương trình Chính phủ) đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản.
Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với 7 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhận định công tác xuất khẩu lao động đi nước ngoài còn nhiều hạn chế do tài sản thế chấp của người lao động hạn hẹp, người lao động thiếu trình độ ngoại ngữ, lao động chất lượng cao chưa đáp ứng,... Sở LĐTBXH cho biết, sẽ tiếp tục duy trì và đa dạng hơn nữa các nội dung truyền thông với nhiều hình thức, đặc biệt thường xuyên thông tin nội dung chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Nghị quyết số 11 với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú.
"Hy vọng năm nay với chính sách cho người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng thì số lượng người lao động TP Cần Thơ đi làm việc nước ngoài sẽ khả quan hơn", bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ cho hay.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, hiện TP Cần Thơ vẫn chưa thực sự chuẩn bị lao động tốt, đáp ứng cho các thị trường lao động. Do đó, ngành LĐTBXH thành phố cần có kế hoạch, bắt tay gửi chính sách cho các trường, các huyện, phường, xã, cho những người có khả năng đào tạo và tham gia thị trường lao động nước ngoài.
Ngoài ra, đối với chuỗi ngày hội việc làm, Cần Thơ cần đổi mới cách làm để có chiều sâu hoặc tiến hành xây dựng sớm sàn giao dịch việc làm trực tuyến để nhiều người lao động có cơ hội tiếp cận.
"Việc đưa lao động đi nước ngoài cần có chủ đích, đi có mục tiêu, đi để thay đổi cuộc sống, để thay đổi kinh tế gia đình rồi sau đó trở về xây dựng thành phố. Chúng ta không thể để người lao động tự bơi mà cần có chương trình liên kết xuất khẩu lao động, xem doanh nghiệp là “cánh tay nối dài” để phát triển", Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh.