Bệnh viện tự chủ: Bác sĩ được lợi, bệnh nhân hài lòng

Thùy Linh |

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ Bệnh viện K giai đoạn 2020- 2022 nhằm thực hiện mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19.5.2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33). Bệnh viện tự chủ, đời sống của cán bộ nhân viên y tế sẽ thay đổi ra sao, và quan trọng hơn, người bệnh sẽ được hưởng lợi gì?

Những thay đổi “nhìn thấy được”

Tại bệnh viện K, bệnh nhân đến bệnh viện luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng chờ đợi kết quả, những người bệnh đang điều trị ung thư thì mệt mỏi, đau đớn. Các nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chỉ dẫn, đón tiếp bệnh nhân phải luôn niềm nở và nhiệt tình. Từ khi bệnh viện K tự chủ, công việc ấy lại càng được chú trọng hơn, nhằm giúp đỡ bệnh nhân giảm bớt cảm giác khó chịu ngay từ khi bước chân vào bệnh viện.

“Tôi bị ung thư vú, điều trị ở bệnh viện K đến năm nay là năm thứ 5. Tôi thấy bệnh viện có thay đổi nhiều. Mỗi lần đi khám lại, lấy thuốc điều trị, các cô nhân viên y tế hướng dẫn chúng tôi kỹ càng, không hiểu gì cứ hỏi, sắp xếp trong bệnh viện giúp bệnh nhân dễ tìm đường đi lối lại hơn. Nếu là những năm trước thì bệnh nhân phải tự thân vận động, có khi tôi hỏi các cô nhân viên là họ cáu gắt” - bệnh nhân P.T.L (57 tuổi, Sơn Tây - Hà Nội) chia sẻ.

Một bác sĩ công tác lâu năm tại bệnh viện K chia sẻ: Bệnh viện đã thay đổi toàn diện, từ phong cách thái độ phục vụ người bệnh đến dần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thậm chí bệnh viện cho người tổ chức “đóng giả” người bệnh để phát hiện “tệ nạn”, rồi tìm cách xử lý, từ đó, các “tệ nạn” dần dần được bài trừ. Từ thời điểm năm 2016, tỉ lệ hài lòng người bệnh tại bệnh viện K chỉ ở khoảng 50%-60%. Nhưng đến năm 2019, theo khảo sát, tỉ lệ hài lòng của người bệnh đã tăng lên 95%.

Đáng chú ý, theo chia sẻ của một số y bác sĩ, từ khi bệnh viện K tự chủ, đời sống anh em được nâng lên, chế độ đãi ngộ cũng tốt hơn xưa. “Từ chỗ tiền lương tăng thêm năm 2016 trung bình là 2,5 triệu/tháng thì đến năm 2019 đã tăng lên 12 triệu. Đây là mức tăng cao rõ rệt. Anh em cán bộ nhân viên y tế chúng tôi rất phấn khởi và đồng lòng với nhau, cùng nhau cố gắng” - một bác sĩ của bệnh viện K chia sẻ với phóng viên Lao Động.

Theo lãnh đạo bệnh viện K, bệnh viện đã thực hiện tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017 nên có chính sách đầu tư cho nhân lực, vật lực, chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên. “Tại Bệnh viện K Trung ương, đời sống cán bộ công nhân viên của BV đã thay đổi rất nhiều từ sau khi tự chủ tài chính. Hiện tại, đời sống cán bộ nhân viên trong bệnh viện đã được đảm bảo, năm sau tăng cao hơn năm trước” - lãnh đạo bệnh viện K khẳng định.

Ngoài ra, bệnh viện cũng có những chính sách chăm lo sức khỏe cho cán bộ nhân viên y tế tốt nhất như khám sức khỏe định kỳ, được hỗ trợ chi phí khám bệnh, điều trị cho cả cán bộ nhân viên và người nhà cán bộ nhân viên khi điều trị tại bệnh viện.

Về tiền lương, bệnh viện được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập và được quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, bệnh viện tự đảm bảo tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị.

Giá dịch vụ y tế có tăng?

Trước những lo ngại về việc được tự chủ hoàn toàn có thể khiến cho các bệnh viện trở thành những “lãnh địa riêng”, không trực thuộc sự quản lý, dẫn đến những thiệt thòi cho người bệnh, giá dịch vụ y tế có thể thay đổi theo quyết định của bệnh viện, trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, đại diện bệnh viện K khẳng định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, Nghị quyết số 33 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã quy định rất rõ, đối với giá dịch vụ KCB BHYT, Bệnh viện áp dụng nguyên theo giá do BYT ban hành. Còn đối với giá dịch vụ theo yêu cầu: Bệnh viện được quyết định mức giá nhưng phải nằm trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá công khai theo quy định của pháp luật.

Tại Bệnh viện K, theo phản ánh của người bệnh, có một số dịch vụ có giá khá cao, cao hơn so với mặt bằng chung. Đơn cử như gói Khám ung thư vú, bao gồm Khám lâm sàng tổng quát, khám lâm sàng vú, Xét nghiệm chỉ điểm CA 15-3 phát hiện sớm ung thư vú, Chụp Xquang kỹ thuật số tuyến vú, Siêu âm vú..., tại Bệnh viện K, giá dịch vụ này là 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, một số bệnh viện khác, kể cả bệnh viện tư cũng có giá thấp hơn nhiều như Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt là 1,39 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc là 1,226 triệu đồng; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là 1,688 triệu đồng (Có thêm xét nghiệm nước tiểu, xết nghiệm chức năng gan - thận) hay Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là 1,260 triệu đồng.

Hay Gói tầm soát ung thư gan, bao gồm các dịch vụ Khám lâm sàng tổng quát; Xét nghiệm công thức máu; Xét nghiệm chức năng thận; Đánh giá tình trạng bài tiết mật; Xét nghiệm AFP định lượng phát hiện sớm ung thư gan; Xét nghiệm CA 199 phát hiện sớm ung thư tụy mật; Xét nghiệm viêm gan virus; Chụp Xquang tim phổi; Siêu âm ổ bụng... tại Bệnh viện K là 2,1 triệu đồng. Trong khi; Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc là 1,907 triệu đồng; Bệnh viện ung bướu Hà Nội 1,441 triệu đồng...

Ở một số gói dịch vụ có giá cao, Bệnh viện K cho biết là đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. “Như vậy người dân, người bệnh, đặc biệt những người có thẻ BHYT có thể hoàn toàn yên tâm, được đảm bảo mọi quyền lợi khi tới khám chữa bệnh tại bệnh viện. Giá dịch vụ nằm trong phạm vi Bộ Y tế quy định, không còn nguồn cung cấp tài chính từ Ngân sách Nhà nước, vậy nên việc các bệnh viện phải nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, đảm bảo môi trường khám chữa bệnh an toàn, xanh, sạch, đẹp… để thu hút người bệnh là điều tối quan trọng” - Đại diện bệnh viện K nói.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế thì cho rằng, hoàn toàn không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, kiểm toán nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này.

Ông Liên cũng nhấn mạnh, đối với 4 bệnh viện được tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai, đều là các bệnh viện của nhà nước, có vốn đầu tư ban đầu tư của nhà nước và khi được giao tự chủ, các bệnh viện này mới tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Khi đó, nhà nước sẽ không đầu tư mới, mà các bệnh viện sẽ phải tự lo đầu tư.

“Chính vì vậy, đây vẫn là các bệnh viện công của nhà nước, không phải là doanh nghiệp. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các bệnh viện này là phải khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và vẫn phải thực hiện mức giá theo Bộ Y tế quy định, không được thu cao hơn” - ông Liên cho biết.

“Người bệnh sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất”

Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội, một trong những bệnh viện tự chủ tài chính sớm nhất, bệnh nhân cảm thấy hài lòng với dịch vụ tại đây. “Chúng tôi biết là dịch vụ ở đây khá cao, nhưng cũng không cao hơn nhiều so với các phòng khám răng bên ngoài, đổi lại, chất lượng hơn hẳn. Tôi đi làm răng ở phòng khám ngoài rất đau đớn, ê buốt cả tháng trời nhưng khi làm răng tại BV thì yên tâm hơn. Chúng tôi chấp nhận giá cao để có được dịch vụ tốt” - bệnh nhân Nguyễn Bình An (Hà Nội) chia sẻ.

GS.TS Trịnh Đình Hải - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho rằng: “Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã tự chủ tài chính hơn 10 năm, có rất nhiều thuận lợi, nếu tự chủ hoàn toàn sẽ giúp các bệnh viện thuận lợi hơn, chủ động trong các hoạt động điều hành bệnh viện, mọi quyết định sẽ được thực hiện nhanh, linh hoạt hơn và quan trọng hơn là tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khi tự chủ, BV có thể tăng thêm nguồn thu, dù vẫn thực hiện chính sách cho bệnh nhân BHYT và bệnh nhân khó khăn, khi tăng thu nhập, sẽ tăng nộp thuế cho ngân sách, chính phủ không phải chi thêm tiền để nâng cấp bệnh viện”.

Theo GS Hải, người bệnh sẽ là đối tượng đươc hưởng lợi nhiều nhất từ việc tự chủ bệnh viện. Việc tự chủ không làm ảnh hưởng gì đến quyền lợi của những người bệnh đúng tuyến có BHYT, giá dịch vụ y tế vẫn do nhà nước quy định. Nếu bệnh viện có thể tự chủ, sẽ mạnh mẽ hơn trong hoạt động nhân đạo, sẽ chủ động trong các kỹ thuật cao, người bệnh được hưởng những kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới, giữ chân người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh, đồng thời tăng nguồn thu. Cán bộ y tế cũng say mê, luôn vươn lên trong khoa học, được cập nhật kỹ thuật cao thường xuyên. Hơn nữa, BV sẽ chủ động hợp tác quốc tế mạnh mẽ, để chủ động cử người ra nước ngoài học tập.

Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN

Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K được Thủ tướng phê duyệt

Thùy Linh |

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ Bệnh viện K giai đoạn 2020- 2022.

Cương quyết dừng hoạt động bệnh viện không an toàn phòng dịch COVID-19

Phạm Đông |

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Thành phố sẽ cương quyết dừng hoạt động các bệnh viện không đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh viện K tư vấn điều trị ung thư với sự đồng hành Roche Việt Nam

Ngoan Nguyễn |

Bệnh viện K tư vấn điều trị ung thư với sự đồng hành Roche Việt Nam.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện K được Thủ tướng phê duyệt

Thùy Linh |

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ Bệnh viện K giai đoạn 2020- 2022.

Cương quyết dừng hoạt động bệnh viện không an toàn phòng dịch COVID-19

Phạm Đông |

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Thành phố sẽ cương quyết dừng hoạt động các bệnh viện không đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh viện K tư vấn điều trị ung thư với sự đồng hành Roche Việt Nam

Ngoan Nguyễn |

Bệnh viện K tư vấn điều trị ung thư với sự đồng hành Roche Việt Nam.