Kỳ I: Mánh khóe làm ăn
Hàng trăm lượt xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… tấp nập ra vào bến cóc, công tác đón trả khách hết sức mau lẹ, khách xuống, khách lên chẳng khác gì bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát hay Gia Lâm…
Nửa đêm “tập kích” bến cóc khổng lồ
Ngơ ngơ, ngác ngác như một vị khách không biết đường bắt xe về quê, chúng tôi được cánh xe ôm ở bến xe Mỹ Đình nhanh chóng tiếp cận. Qua vài ba câu trao đổi nhanh, biết những vị “khách sộp” này đang có nhu cầu bắt xe về thành phố Vinh (Nghệ An) - anh xe ôm nhanh nhảu: “Ở đây không có xe về Nghệ An đâu, cô chú có đi thì anh chở về bến khác, đảm bảo có xe đi luôn”.
Thấy khách có vẻ không tin tưởng, anh xe ôm tiếp tục “cô chú yên tâm, bọn anh làm ăn với bến này lâu năm rồi, ở đây toàn các hãng xe lớn chạy Thanh Hóa, Nghệ An… thôi, cô chú có đi thì lên nhanh anh chở ra bến, không 22h là xe H&N đi rồi”. Tỏ vẻ tò mò về khoản tiền đến bến xe khách này, chúng tôi hỏi bến đó có xa không thì anh lái xe trả lời luôn, “cứ ngồi lên, chỉ vài phút là đến, anh lấy cô chú 30 nghìn thôi”.
Thấy khách có vẻ ưng lòng, anh xe ôm lấy xe, giục khách nhanh ngồi lên xe để chở đi cho kịp. Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, chiếc xe chở hai vị khách lạ di chuyển dọc theo đường Phạm Hùng, đi được khoảng 600m thì bất ngờ xi nhan chuyển làn, sau đó đi thẳng vào con đường đất mấp mô (đối diện cổng khu dân cư Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm). Đường vào bên trong cây cối um tùm, mấp mô gạch đá lại tối om khiến khách không khỏi giật mình. Anh lái xe chấn an ngay, sắp đến nơi rồi, bến ở ngay bên trong thôi.
Vượt qua gần 100m đường đất, cuối cùng bến cóc cũng lộ diện. Anh xe ôm phóng thẳng vào bên trong khu đất rộng cả nghìn mét vuông, xung quanh được quây tôn kín mít, phía cuối là một căn nhà dựng tạm bằng tôn, bên trong có phòng ngủ với nhiều giường chiếu, còn phía ngoài là lán uống nước dành cho lái xe và khách chờ xe. Đặc biệt, xung quanh bến cóc này, hàng chục xe ôtô chở khách với đủ loại từ 29-45 chỗ, chạy tuyến cố định Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thừa Thiên - Huế… đã đỗ sẵn đón khách.
Sau khi những vị khách lạ rút 30 nghìn đồng ra trả tiền xe ôm, người này chuẩn bị sẵn tờ 5 nghìn đồng đưa cho một thanh niên ngồi cạnh đó. Thắc mắc về số tiền này, anh xe ôm cho biết, ở đây như vậy đó, chú đừng hỏi nhiều, không phải đương nhiên mà người ta lại mở được bến xe như vậy đâu. Chúng tôi muốn vào đón trả khách ở đây thì đều phải nộp khoản phí ra vào, không nộp thì không có đất sống.
Trong lúc chờ xe H&N chạy tuyến Hà Nội đi Vinh - Nghệ An xuất bến, chúng tôi tiếp cận được một nam thanh niên khoảng hơn 20 tuổi, làm nhiệm vụ trông giữ phương tiện và thu phí của các loại xe về bến. Theo nam thanh niên này, bến xe được mở từ lâu nhưng anh ta thì mới về quản lý, công việc chủ yếu là thu phí các xe khách và thu tiền của cánh xe ôm, xe taxi. Khi chúng tôi hỏi xe về Nghệ An mấy giờ xuất bến, anh ta cho biết: “xe về Nghệ An thì có nhiều chuyến, nhưng chuyến gần nhất chỉ có xe H&N xuất bến lúc 10h, anh chị ngồi đợi một lúc là xe đi thôi”.
Quan sát bên trong bến xe cóc “khủng” nhất thủ đô, hàng chục vị khách có nhu cầu về các tỉnh Bắc Trung Bộ đã được người nhà, xe ôm, xe taxi chở đến chờ sẵn, chuẩn bị lên đường. Hàng hóa ký gửi cũng được xếp đống to, đống nhỏ trong khoang chứa. Khoảng 21h50, phụ xe H&N bắt đầu ra mở cửa cho khách chuyển đồ lên xe và nhận giường của mình. Tất cả diễn ra nhanh chóng, thi thoảng một vài khách quen đến muộn phụ xe thúc giục “nhanh nhanh một chút không xe xuất bến ngay giờ”…
Bóc mẽ mánh khóe làm ăn “bẩn”
Tiếp tục trong vai hành khách, chúng tôi tiếp cận sâu hơn việc quản lý, vận hành bến xe cóc khủng này. Sau gần 1 tháng đi xe liên tục, chúng tôi dần được người quản lý bến xe và những nhà xe ở đây coi như khách quen. Những câu chuyện xoay quanh bến xe bắt đầu được hé mở...
Theo người quản lý bến xe, không phải ai cũng mở được bến cóc như ở đây, từ trước đến giờ, có rất nhiều bến cóc được mở ra, điển hình như ở 52A Phạm Hùng hay ở Nguyễn Hoàng, nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn là bị dẹp ngay. Anh này huênh hoang, chủ nhân bến xe chỗ tôi có mối quan hệ rất đặc biệt với cơ quan chức năng nên làm ăn mấy năm nay mà không có chuyện gì xảy ra, anh nhìn thì biết, khách đi miền trong toàn vào bến chỗ tôi, xe chỗ tôi xuất bến liên tục, nhất là các ngày cuối tuần, nhiều khi đến muộn là không có chỗ ngồi ngay.
Nhiều ngày di chuyển trên các chuyến xe ở bến cóc này về Nghệ An và Thừa Thiên - Huế, chúng tôi nắm tường tận lịch trình hoạt động của các xe ở đây. Điều đặc biệt, một số nhà xe chạy tuyến miền trong không được đăng ký nốt tại bến xe Mỹ Đình, nhưng bất chấp quy định, qua mặt nhà quản lý, sử dụng bến cóc này là nơi bắt khách. Cứ mỗi chuyến như vậy, nhà xe phải trả cho người quản lý bến cóc này từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/xe, tùy theo từng loại xe từ 29 đến 45 chỗ. Bên cạnh đó, các xe ôm, xe taxi vào bắt khách hay chở khách trong bến ra cũng phải đóng phí 5 nghìn đồng/xe máy và 10 nghìn đồng với taxi.
Mỗi lần xe vào bến đón khách, quản lý bến cóc sẽ trực tiếp thu tiền xe máy và xe taxi, còn đối với ôtô khách, quản lý sẽ ghi trong một cuốn sổ nhỏ, và căn cứ vào số lần xuất bến hằng tháng, nhà xe sẽ thanh toán với chủ nhân bến xe. Cũng theo quan sát của chúng tôi, hằng ngày có hàng trăm lượt xe thuộc các hãng xe chạy tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế ra vào bến cóc này, như vậy doanh thu mỗi ngày của chủ bến quả là con số khủng.
Việc thì diễn ra hằng ngày, nhiều lần nhóm PV chúng tôi tác nghiệp ở lối vào bến xe trên đường Phạm Hùng, lực lượng chức năng vô tư ngồi uống nước cách đó chừng vài mét, nhưng nhà xe vẫn ung dung đánh xe vào bến trả khách, bất chấp sự có mặt của lực lượng này. Mọi chuyện đều diễn ra công khai minh bạch như ban ngày. Nhà xe nào bất chấp các quy định pháp luật đón trả khách tại bến cóc “khủng” này, mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo…