Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nhiều đóng góp to lớn cả về nhân lực, vật lực. Trong đó, không thể không kể đến những ngày đêm kiên cường, vất vả trên bến Âu Lâu huyền thoại.
Thực hiện mở rộng tuyến đường 13 từ Việt Bắc qua Yên Bái lên Tây Bắc theo nhiệm vụ Trung ương giao, từ tháng 8 đến hết tháng 10.1953, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 125.000 lượt người, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, làm mới và sửa chữa 188km đường.
Bến Âu Lâu là cửa ngõ, có vị trí quan trọng là nối liền hệ thống giao thông Việt Bắc với Tây Bắc, là nơi duy nhất có thể cẩu các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ôtô chở đạn dược, khí tài quân sự qua sông tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Từ 11.1953 - 5.1954, thực dân Pháp tập trung bắn phá ác liệt bến Âu Lâu suốt 200 ngày đêm với 2.700 tấn bom đạn. Để đảm bảo giao thông, vừa chống trả địch, tỉnh Yên Bái vừa huy động nhân dân trong vùng tập trung vật liệu bắc cầu phao qua sông, đồng thời tăng tần suất những chuyến phà.
Bằng sự nỗ lực, chỉ trong thời gian ngắn, mỗi chuyến phà qua sông giảm từ 30 phút xuống còn 15 phút, từ chỗ đưa 8 - 9 xe qua sông một đêm lên tới 30 - 50 xe một đêm, có đêm đạt tới gần 100 xe qua phà. Tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3km/giờ tăng lên 13km/giờ…
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 31.600 lượt dân công, trung bình cứ 4 người dân thì có 1 người đi phục vụ chiến dịch. Riêng xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) có chưa đầy 300 hộ nhưng có tới có 300 lượt người đi dân công lên chiến trường.
Cụ bà Phạm Thị Hoa (phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái) - một nhân chứng lịch sử chia sẻ: Tính từ tháng 4.1952 đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn.
Bên cạnh những chiếc phà ròng rã vận chuyển, phải kể đến đội quân hàng trăm lái đò, lái thuyền là người dân địa phương. Ban ngày lao động, sản xuất, chăm sóc bộ đội, ban đêm lại hăng hái ra bến Âu Lâu chở bộ đội và phương tiện, vũ khí qua sông.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sơn (xã Âu Lâu, TP Yên Bái) cũng cho biết: Sau này, khi đất nước thống nhất, bến Âu Lâu vẫn là tuyến huyết mạch nối hai bờ sông Hồng. Ngày 30.12.1992, cầu Yên Bái được khánh thành cũng là lúc bến phà Âu Lâu kết thúc sứ mệnh sau gần 40 năm hoạt động.
Hiện nay, di tích lịch sử bến Âu Lâu đứng sừng sững phía tả ngạn sông Hồng, thuộc phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái. Bờ hữu thuộc xã Âu Lâu, nằm im lìm dưới những rặng tre xanh ngắt, ngay cửa Ngòi Lâu chảy ra sông Hồng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái nhắc lại sự kiện bến Âu Lâu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012, đồng thời nhấn mạnh: "Phát huy truyền thống yêu nước, 70 năm qua Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã có đóng góp to lớn vào chiến dịch Điện Biên Phủ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước".