Bất thường công văn xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19

Nhóm Phóng viên |

Nhập khẩu vaccine COVID-19 được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe của người dân, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại ổn định, để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), hay AstraZeneca…

Chúng ta cần vaccine, huy động các nguồn lực tham gia, song đòi hỏi có sự giám sát hết sức chặt chẽ, vì sự an toàn của người dân. Thế nhưng, theo điều tra của Lao Động, đã xuất hiện những dấu hiệu cung cấp thông tin thiếu trung thực, giả mạo để đề nghị Bộ Y tế phê duyệt cho phép nhập khẩu vaccine COVID-19.

Bất thường công văn xin nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19

PV Lao Động phát hiện, công văn kèm theo các văn bản giấy tờ khác xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna (Mỹ) của Công ty Cổ phần y dược phẩm Vimedimex có dấu hiệu giả mạo thông tin.

Theo PV Lao Động ghi nhận, ngày 17.2.2021, Vimedimex có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế với nội dung công ty này đã liên hệ với Tập đoàn Moderna (Mỹ), Tập đoàn SB Capital Management và các bên đã thống nhất những nội dung liên quan đến việc nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna về Việt Nam.

Theo đó, ngày 16.2.2021, các bên đã thống nhất ký thỏa thuận bảo mật giữa Tập đoàn Moderna, Tập đoàn SB Capital Management Inc (SB Vina Trade Investment company Limited) và Vimedimex về việc thỏa thuận bảo mật phân phối vaccine COVID-19 Moderna tại thị trường Việt Nam.

Tại công văn này, Vimedimex khẳng định: Tập đoàn Moderna có văn bản ủy quyền cho Tập đoàn SB Capital Management đàm phán, thảo luận và trao đổi bằng bất kỳ phương thức nào khác với các người mua tiềm năng tại Châu Á liên quan đến vaccine COVID-19 Moderna. Đồng thời, ủy quyền thêm cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina và Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, thay mặt Tập đoàn Moderna thực hiện các vấn đề về vaccine COVID-19 Moderna tại Việt Nam.

Cũng chính nội dung công văn thể hiện, ngày 17.2.2021, Tập đoàn Moderna cho phép bán vaccine COVID-19 Moderna bởi nhà phân phối được ủy quyền của Moderna là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina (bên bán), 50 triệu liều 1,0ml, được ủy quyền và phân phối để bán từ bên bán cho Vimedimex (bên mua) trong năm 2021, đối với ngành dược tại Việt Nam.

Thậm chí, Vimedimex còn khẳng định "Moderna cho phép và sẽ cung cấp tất cả các tài liệu liên quan và cần thiết để Bên mua và Bên bán với tư cách là đại lý được ủy quyền, thay mặt Moderna đối chiếu các tài liệu liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna tại Việt Nam".

Chi tiết hơn, các thông tin về tiến độ phân phối vaccine, thanh toán giao dịch, đòi hỏi về việc bảo quản, vận chuyển vaccine, kho bãi, quy trình… cũng được đề cập tới. Từ đó, Vimedimex kiến nghị với Bộ Y tế: Công ty đủ điều kiện để nhập khẩu và phân phối vaccine COVID-19 Moderna tại thị trường Việt Nam, đề nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận cho phép công ty này được nhập khẩu 50 triệu liều vacicne COVID-19 Moderna.

Công ty "1 tuổi" được ủy quyền nhập khẩu 50 triệu liều vaccine

Trong công văn kiến nghị nhập khẩu vaccine COVID-19 Moderna mà Vimedimex gửi tới Bộ Y tế, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina được nhắc tới như là bên bán, được Moderna ủy quyền phân phối vaccine COVID-19 Moderna tại Việt Nam. Và 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna 1,0ml đã được ủy quyền và phân phối để bán từ bên bán cho Vimedimex (Bên Mua) trong năm dương lịch 2021.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina, ra đời sau thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, tính đến đúng ngày Vimedimex gửi công văn tới Bộ Y tế là vừa tròn 11 tháng, ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không.

Cụ thể, SB Vina được thành lập ngày 17.3.2020. Trải qua 4 lần thay đổi đăng ký kinh doanh trong gần 1 năm thành lập, hiện SB Vina có vốn điều lệ 136,8 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh tới 119 ngành nghề, từ xây dựng, bất động sản, vận tải, giáo dục, viễn thông tới kinh doanh nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh chính được xác định là Vận tải hành khách hàng không.

Thể hiện trên Đăng ký kinh doanh mới nhất, Giám đốc - người đại diện pháp luật hiện nay của SB Vina là bà Ngô Minh Nguyệt sinh năm 1982, hiện nắm giữ 1% vốn tại SB Vina, tương đương với 1,368 tỉ đồng. Thời điểm góp vốn là ngày 18.8.2020. Chủ nhân thực sự đang nắm giữ 99% vốn của SB Vina, tương đương 135,432 tỉ đồng là ông Nguyễn Văn Mạnh. Thời điểm ông Mạnh góp vốn vào SB Vina là ngày 8.1.2021.

Theo ghi nhận, trụ sở của SB Vina tại tầng 1, số 134 trong một con ngõ trên đường Trường Chinh (Hà Nội). Cũng tại địa chỉ này, ngoài SB Vina, còn là trụ sở của Công ty Cổ phần Diamond Gate Việt Nam. Bà Ngô Minh Nguyệt - Giám đốc SB Vina - cũng đồng thời giữ chức danh Giám đốc - người đại diện pháp luật của Diamond Gate Việt Nam.

Từ đây, hàng loạt nghi ngại được đặt ra. Thứ nhất, kinh doanh dược cần được Bộ Y tế cấp chứng nhận đủ điều kiện, với các quy định hết sức ngặt nghèo. Một doanh nghiệp chưa hết "thôi nôi" như SB Vina, ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách, được công ty công nghệ sinh học Mỹ, tính đến hết năm 2020 có tổng tài sản 7,34 tỉ USD, thậm chí còn được định giá tới 35 tỉ USD, chọn lựa ủy quyền là Bên bán vaccine COVID-19 của họ tại thị trường Việt Nam - đó là điều thật sự ấn tượng.

Thứ hai, nếu SB Vina là Bên bán, được hiểu có vai trò nhập khẩu để cung cấp, thì tại sao Vimedimex lại đóng vai trò nhà nhập khẩu và gửi công văn tới Bộ Y tế đề nghị xem xét, chấp thuận cho phép Vimedimex được nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna?

Cuộc họp phủ nhận hoàn toàn từ phía Moderna

Sau khi tìm hiểu và phát hiện ra nhiều chi tiết bất thường, PV Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý Dược và lãnh đạo Vimedimex để làm rõ thông tin, song tới nay vẫn chưa thể trực tiếp đối thoại.

Sau thời điểm tiếp nhận công văn của Vimedimex, Bộ Y tế đã thực hiện một loạt các động thái liên quan tới việc xác tín với Moderna như gửi thư tới Moderna Hoa Kỳ và xúc tiến cuộc họp trực tuyến với Moderna. "Trong cuộc họp trực tuyến được tổ chức ngày 26.2.2021 giữa Bộ Y tế (thành phần gồm lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý Dược, Cục Y tế Dự phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế và một số đơn vị khác) với lãnh đạo Moderna, phía Moderna khẳng định nếu Moderna có ký kết các vấn đề liên quan đến vaccine COVID-19 thì sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, chứ không ký kết với bất cứ một đơn vị và pháp nhân nào khác. Phía Moderna cũng khẳng định sẽ thảo luận với Chính phủ và hiện tại không ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào cả"- nguồn tin của Báo Lao Động cho hay.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là việc Moderna đã ủy quyền cho Vimedimex và công ty SB theo những văn bản mà Vimedimex đã gửi đến Bộ Y tế có bao nhiêu phần sự thật?

Giả sử, Bộ Y tế thông qua chủ trương việc Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex và SB Vina được phép nhập 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna, trong khi Moderna không hề cho phép, vậy hai đối tác này lấy nguồn vaccine từ đâu để cung cấp cho thị trường? Câu trả lời cần được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Thông tin của Lao Động, theo quy trình xét duyệt hồ sơ nhập khẩu thuốc, hay vaccine COVID-19, tất cả giấy tờ, hồ sơ xin chủ trương nhập khẩu của các đơn vị phải gửi qua Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để thẩm định. Sau khi có ý kiến của đơn vị này, hồ sơ mới được trình lên lãnh đạo Bộ Y tế ký duyệt. Trong công văn trả lời Lao Động liên quan đến các giấy tờ xin nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna của Vimedimex, Cục Quản lý Dược khẳng định: Cho tới thời điểm hiện tại, Cục chưa nhận được hồ sơ của Vimedimex về việc này. Vậy bằng cách nào, có một “quy trình ngược” hay không khi công văn xin nhập khẩu 50 triệu liều vaccine Moderna của Vimedimex lại được gửi thẳng tới lãnh đạo Bộ Y tế để từ đó có bút phê chỉ đạo Cục Quản lý Dược trả lời?

Cần phải nhắc lại, bài học về vụ việc tai tiếng của ngành Dược sau vụ VN Pharma chính là do những sơ hở, thiếu sót trong công tác thẩm định và quản lý xuất phát từ Cục Quản lý Dược giai đoạn 2010 - 2014, đã dẫn tới việc VN Pharma làm giả hồ sơ pháp lý, dễ dàng được tổ thẩm định đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả vào thị trường Việt Nam.

Khả năng cung ứng vaccine COVID-19 của Moderna như thế nào?

Trong khi Vimedimex khẳng định nhập được tới 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna thì ngay chính “Moderna cho biết họ sẽ cung cấp khoảng 20 triệu liều cho chính phủ Mỹ trong năm nay và dự kiến sẽ có từ 100 triệu đến 125 triệu liều trên toàn cầu trong quý đầu tiên của năm tới, trong đó có 85-100 triệu liều dành cho Mỹ. Moderna đã thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp tổng cộng 200 triệu liều vào cuối tháng 6.2021”. Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 19.12.2020

Cục Quản lý Dược: Chưa nhận được văn bản đề nghị của Vimedimex

Ngày 25.3.2021, Cục Quản lý Dược ban hành văn bản 2649/QLD-KD phản hồi đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến Vimedimex do Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng ký. Theo đó, phía Cục khẳng định: “Cho tới thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Dược chưa nhận được hồ sơ của Công ty Cổ phần y dược phẩm Vimedimex đề nghị phê duyệt vaccine phòng COVID-19 do Công ty Moderna sản xuất”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Lao Động, ngày 18.2.2021, Công văn đề nghị số 37/2021/CV-VMD của Vimedimex gửi Bộ trưởng Bộ Y tế đã được Bộ Y tế tiếp nhận và ngày 19.2.2021 được lãnh đạo Bộ Y tế chuyển văn bản này tới 2 lãnh đạo là Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường và Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Đặng Việt Hùng trả lời. Một nguồn tin khác cũng cho thấy, Cục Quản lý Dược đã tiếp nhận văn bản trên qua đường công văn đến, số công văn đến là 1064, ngày 19.2.2021, được chuyển tới cán bộ tên C - lãnh đạo Phòng Kinh doanh Dược.

Cảnh báo gian lận, lừa đảo trong mua bán vaccine COVID-19

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ). Moderna cũng đã khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam đến thời điểm hiện tại.

Ngày 15.2.2021, Cơ quan Chống gian lận Châu Âu (OLAF) đã cảnh báo các hình thức lừa đảo có thể gồm: (1) Tự nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vaccine và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vaccine phòng COVID-19 để mời chào bán vaccine; (2) chào bán số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 cho Chính phủ hoặc các tổ chức, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng; hoặc (3) cung cấp các lô vaccine phòng COVID-19 giả mạo.

Bộ Y tế đề nghị: Các cơ quan, tổ chức khi nhận được các thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại. Trong trường hợp cần thiết, có thể đề nghị các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công an, Cơ quan ngoại giao, Thương mại…) giúp xác minh thông tin liên quan đến việc cung cấp vaccine phòng COVID-19.

Việc đàm phán, mua vaccine phòng COVID-19 cần được thông báo kịp thời cho Bộ Y tế.

Các quốc gia, tổ chức có trách nhiệm tăng cường chia sẻ thông tin để chủ động phòng chống các hoạt động giả mạo trong cung ứng, mua bán vaccine phòng COVID-19.

(Thông cáo báo chí của Bộ Y tế ngày 10.3.2021)

Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca vẫn ở mức an toàn

Thùy Linh |

Tính đến ngày 9.4.2021, sau một tháng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tất cả trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca đều an toàn do Việt Nam áp dụng quy trình tiêm chủng an toàn.

Hải Dương sẽ tiêm 200.000 liều vaccine COVID-19 cho nhân dân

Đặng Luân |

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhất trí với phương án tiêm vaccine COVID-19 cho 100.000 người dân, với số lượng 200.000 liều. Tiêm đủ mỗi người 2 mũi để phát huy hiệu quả của vaccine.

Gần 54.000 người đã được tiêm vaccine COVID-19

Lệ Hà |

Sáng 7.4, Bộ Y tế cho biết gần 54.000 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca vẫn ở mức an toàn

Thùy Linh |

Tính đến ngày 9.4.2021, sau một tháng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tất cả trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca đều an toàn do Việt Nam áp dụng quy trình tiêm chủng an toàn.

Hải Dương sẽ tiêm 200.000 liều vaccine COVID-19 cho nhân dân

Đặng Luân |

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhất trí với phương án tiêm vaccine COVID-19 cho 100.000 người dân, với số lượng 200.000 liều. Tiêm đủ mỗi người 2 mũi để phát huy hiệu quả của vaccine.

Gần 54.000 người đã được tiêm vaccine COVID-19

Lệ Hà |

Sáng 7.4, Bộ Y tế cho biết gần 54.000 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.