Tài nguyên nước cho nông nghiệp: Vẫn còn nhiều thách thức
Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Đối với sự tăng trưởng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam như chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của nước trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây khi với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng đó, tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức vô cùng nghiêm trọng. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng. Cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Thiên tai bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng,... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.
Đây là những thách thức khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà trái lại, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Tại diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững” do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội vừa qua, một số doanh nghiệp đã gây ấn tượng với sáng kiến hiệu quả trong việc bảo về tài nguyên nước, góp phần thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.

Bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại khu vực Đông Dương, Công ty Coca-Cola cho biết, trước những tác động của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của người dân, Coca-Cola đã và đang triển khai các sáng kiến về “Bảo tồn nguồn nước và xây dựng môi trường sống” tại các quốc gia ASEAN mà Coca-Cola đang hoạt động.
Cụ thể, tại Việt Nam, công ty đang đồng thời phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ uy tín, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng chính quyền địa phương nhằm nghiên cứu mô hình khoa học - kỹ thuật và áp dụng thực tiễn tại Việt Nam, tập trung vào các tỉnh thuộc khu vực thượng nguồn sông Mekong, áp dụng các giải pháp tiên tiến nhằm quản lý nguồn nước và hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.
Bênh cạnh đó, công ty còn triển khai nhiều dự án mang lại nước sạch cho người dân địa phương. Trong 10 năm qua, Coca-Cola đã đầu tư 4 triệu USD để cung cấp nước sạch cho hơn 65.000 người tại 7 tỉnh thông qua một loạt các dự án như lắp đặt đường ống dẫn nước, hệ thống lọc nước sạch tại các trường học… Đáng kể nhất có thể kể đến dự án EKOCENTER, cung cấp 6.000 lít nước mỗi ngày để phục vụ khoảng 3.000 người dân khu vực xung quanh.
“Mục tiêu của Coca-Cola là đến năm 2020, công ty sẽ hoàn trả lại lượng nước sạch cho cộng đồng và thiên nhiên đúng bằng lượng nước mà chúng tôi đã sử dụng trong việc sản xuất và đóng chai”, Bà Lê Từ Cẩm Ly chia sẻ. Tuy nhiên, bà cũng cho biết thêm, trong Tuần lễ Nước Thế giới diễn ra ở Stockholm vào năm ngoái, tập đoàn Coca-Cola thông báo, từ 2015 họ đã hoàn thành mục tiêu hoàn trả nước sạch về cho cộng đồng và thiên nhiên, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.
Bên cạnh Coca-Cola, các doanh nghiệp khác như Unilever, Heneiken Việt Nam cũng được ghi nhận có nhiều đóng góp đáng kể cho chiến lược bảo vệ tài nguyên nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.