Bão số 4 Noru đổ bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi: Gió bão cấp 10 quần thảo Cù Lao Chàm

Nhóm phóng viên |

lúc 00 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 88 km, cách Quảng Nam khoảng 75 km về phía Đông, cách Quảng Ngãi khoảng 85 km về phía Đông Đông Nam. Cường độ cấp 13 (134-149 km/h), giật cấp 15.

0h30: Bão Noru sắp đổ bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn, lúc 00 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 88 km, cách Quảng Nam khoảng 75 km về phía Đông, cách Quảng Ngãi khoảng 85 km về phía Đông Đông Nam. Cường độ cấp 13 (134-149 km/h), giật cấp 15.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.

0h15: Cảnh sát giao thông hướng dẫn đường đi an toàn cho các lái xe đi qua TP Tam Kỳ, Quảng Nam

 
 
Đường phố Tam Kỳ, Quảng Nam đêm 27.9, rạng sáng 28.9.

0h05 ngày 28.9: Bình yên trong khu tránh bão ở Quảng Nam

 

Trong ảnh là một trong 5 phòng ngủ của Residence Villa ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam dành miễn phí cho người dân địa phương đến tránh trú bão số 4.

Tổng cộng có 30 người dân ở xã Cẩm Thanh và vùng phụ cận may mắn được có mặt để tránh bão ở một nơi ấm cúng và sang trọng như thế này. Ngoài việc cho người dân tránh bão ở miễn phí, bà chủ của Residence Villa còn đích thân vào bếp với thực đơn cơm trắng, gà kho, cá rán để cho người dân dùng bữa.

Trong đợt bão lần này trên địa bàn thành phố Hội An, ngoài Residence Villa còn có thêm 5 khách sạn và resort khác mở cửa đón người dân trên địa bàn đến trú tránh bão miễn phí, bao gồm các các suất ăn trong ngày.


24h00: Quảng Nam: Gió bão quần thảo ở Cù Lao Chàm

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng, sau 2 giờ tạm ngưng mưa gió, thì đến 23h15, gió bão tiếp tục quần thảo ở đảo Cù Lao Chàm. Hiện sức gió khoảng cấp 9, 10.

23h55: Bà con yên giấc trong khu tránh trú ở Cù Lao Chàm

 
 
 
 
Hình ảnh tại nơi trú ẩn tập trung ở đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: TH

23h50: Bão cách Quảng Ngãi 95 km

Báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 cho biết: Vị trí tâm bão lúc này khoảng 15,80N; 109,30E, cách Đà Nẵng 108 km, cách Quảng Nam 95 km, cách Quảng Ngãi 95 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13, giật cấp 15.

Gió thực đo tại một số trạm lúc 23h00: tại đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ gió cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới gió giật cấp 7; Huế có gió giật cấp 7; Đà Nẵng có gió giật cấp 7; Quảng Ngãi có giật cấp 6; Quy Nhơn có gió giật cấp 6; Tuy Hoà có gió giật cấp 6.

Lượng mưa tính từ 7h đến 23h ngày 27.9: Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, có nơi trên 200mm, trong đó: Quảng Trị 142-183mm; T.T. Huế 190-276mm, Đà Nẵng 145-234mm, Quảng Nam 140-191 mm; Quảng Ngãi 155-214mm.

23h45: 4 người bị thương, gãy đổ nhiều cây xanh vì bão

 
Lực lượng CSGT Đà Nẵng dọn dẹp cây đổ, bám đường trong tối 27.9 trước khi bão số 4 đổ bộ đất liền. Ảnh: Cục CSGT

Thiệt hại bước đầu do bão số 4 tính đến 24h đêm: Tại Quảng Trị, thiệt hại do lốc xoáy tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh: Nhiều quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (trong đó 2 ngôi nhà sập hoàn toàn), đang tiếp tục cập nhật. 4 người bị thương đã được đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Tại Quảng Ngãi, hiện đang có mưa vừa, gió khoảng cấp 5. Có một số nhà dân bị tốc mái nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể và gãy đổ một số cây xanh ở huyện đảo Lý Sơn.

Tại Đà Nẵng, đến thời điểm này vẫn còn khoảng 60 người vẫn đang ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang nhưng do gió lớn Biên phòng không tiếp cận được. Thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị các phương án cứu hộ khi cần.

23h30: Đà Nẵng gió mạnh, mưa trắng xóa

Lúc này tại Đà Nẵng đã có gió mạnh, giật liên hồi. Mưa trắng xóa. Cảm nhận về cơn bão mạnh rõ rệt dần.

Đường phố vắng hoe, cây xanh đã bị cắt tỉa gần hết cành nhánh, nhưng mưa gió vẫn rít lên từ hồi.

Tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, lúc này cũng bắt đầu có mưa to, gió rất mạnh. Gió xoáy theo hướng từ tây sang đông. Toàn thành phố Hội An đã bắt đầu cúp điện.

22h23: Tâm bão ở vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi

Hồi 22h ngày 27.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/h), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 70 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 28.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 7.

23h20: Tạm dừng phương tiện qua miền Trung - Tây Nguyên khi bão số 4 vào đất liền

CSGT họp bàn chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn giao thông khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Cục CSGT
CSGT họp bàn chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn giao thông khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Cục CSGT

Tối 27.9, Cục CSGT cho biết, tại tỉnh Quảng Trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn trong phòng chống bão số 4 (Noru). Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công an lưu ý việc yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…

PC08 Quảng Ngãi nhắc các phương tiện không lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi bão số 4 sắp đổ vào đất liền. Ảnh: Cục CSGT
PC08 Quảng Ngãi nhắc các phương tiện không lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi bão số 4 sắp đổ vào đất liền. Ảnh: Cục CSGT

Dự kiến sẽ triển khai đóng đường và mở đường các tuyến đường như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung.

23h10: Hà Tĩnh: Hàng trăm người gia cố chống sạt lở bờ sông trong đêm

Ảnh: Trần Tuấn
Ảnh: Trần Tuấn
Hình ảnh người dân tham gia gia cố chống sạt lở sông Ngàn Mọ đoạn qua xã Cẩm Thành vào đêm nay. Ảnh: CTV.

Dọc bờ sông Ngàn Mọ đoạn qua thôn Đồng Bàu (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến nhà cửa, tài sản của người dân.

Trong khi theo dự báo thời tiết, ảnh hưởng của bão số 4, Hà Tĩnh có thể xảy ra mưa lớn nên chính quyền xã Cẩm Thành đã huy động khoảng 200 người gồm dân quân, Công an xã, đoàn thanh niên và nhân dân tiến hành rọ lưới thép, tập kết hàng trăm khối đá, cọc tre để gia cố để chống sạt lở.

Việc gia cố thực hiện từ chiều cho đến tối muộn ngày 27.9. Hồ Kẻ Gỗ mỗi khi xả lũ, nước sẽ chảy về theo sông Ngàn Mọ để ra biển. Trận lũ lụt lịch sử năm 2020 có tác động từ việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ khiến dân cư vùng hạ du theo con sông này bị ngập cao có nơi hơn 2m.

22h50: Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm của hoàn lưu bão

22h45: Bão sắp đổ bộ, đảo Lý Sơn gió cấp 9 giật cấp 11

22h20: Còn 60 thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang vẫn chưa lên bờ

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 4, đến thời điểm này, vẫn còn 60 thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang vẫn chưa rời được tàu để lên bờ. Lực lượng cứu hộ của Bộ đội biên phòng đã cố gắng tiếp cận các thuyền viên.

Tuy nhiên, thời điểm này ở vùng biển Đà Nẵng thời tiết xấu, sóng lớn nên lực lượng biên phòng không thể tiếp cận được các thuyền viên. Trước đó, Bộ đội biên phòng đã cưỡng chế, đưa được 20 thuyền viên lên bờ an toàn.

22h15: Đà Nẵng: Xót lòng tiếng gọi ngư dân nằm tàu giữ tài sản, không chịu rời đi tránh bão

Tối 27.9, từ công an đến biên phòng TP.Đà Nẵng vẫn đang túc trực ở Âu thuyền Thọ Quang quận Sơn Trà và khu vực neo đậu tàu thuyền quận Ngũ Hành Sơn để kêu gọi người dân lên bờ trú bão.

Mới đây, một clip được chia sẻ lên mạng xã hội với hình ảnh một người làm nhiệm vụ cầm loa kêu gọi: “Đề nghị các công dân trên tàu rời tàu để đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu không chấp hành sẽ xử lý theo quy định pháp luật”.

Clip: Tiên Sa

Nhiều người xem bày tỏ bất bình khi người dân quá vô ý, tại sao đã thông báo và vận động nhiều như vậy nhưng vẫn có ngư dân ở lại tàu thuyền. Trong khi đó, bão số 4 được dự báo là siêu bão đang áp sát vào đất liền và Đà Nẵng sẽ là tâm bão.

Tuy nhiên, với nhiều người dân Đà Nẵng, khi xem clip lại cảm thấy xót xa, cảm thông nhiều hơn.

Xem tiếp TẠI ĐÂY

21h35: Quảng Bình: Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển khi vào bờ tránh bão

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, lúc 20h15 ngày 27.9, Đồn Biên phòng Nhật Lệ (TP Đồng Hới) nhận được tin báo từ người nhà ngư dân Nguyễn Đăng Nhâm (thuyền viên của tàu cá QB-92005 TS bị rơi trên biển lúc 9h20 ngày 26.9) cho hay đã phát hiện thấy thi thể anh Nhâm tại bờ biển xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới.

Ngư dân trên bị rơi xuống biển vào sáng ngày 26.9 khi đang vào bờ trú tránh bão. Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định; bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân mai táng theo phong tục địa phương.

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, tại Quảng Bình đến thời điểm 21h30 ngày 27.9 trời mưa nhẹ, gió không còn lớn như thời điểm trước đó 1 tiếng. Kịch bản chi tiết khi bão đổ bộ vào đất liền đã được các cơ quan chức năng địa phương lên phương án cụ thể.

21h30: Tâm bão áp sát đất liền, cách Quảng Ngãi 117 km

 

Vị trí tâm bão lúc 21h ngày 27.9 cách Đà Nẵng khoảng 140 km, cách Quảng Nam khoảng 127 km, cách Quảng Ngãi khoảng 117 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/h.

21h25: Cây cối ở Đà Nẵng ngã đổ khi bão Noru tiến sát bờ

 
 
 
 
Ảnh: Tiên Sa

Gió to đã khiến một số cây xanh trên đường phố quận Hải Châu, Đà Nẵng bị gãy đổ, cản trở giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Công ty cây xanh quận cưa cây, dọn cây chắn chắn ngang đường đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn trong bão được kịp thời.

Trước đó, trong lúc tuần tra trên đường, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phát hiện 1 người dân hỏng xe máy, dắt bộ giữa đường. Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã hỗ trợ, chở cả người và phương tiện về nhà.

21h21: Đà Nẵng đã sơ tán hơn 65.000 nhân khẩu

Cơ bản người dân đồng thuận di dời, chỉ một số trường hợp phải cưỡng chế. Trên vịnh Đà Nẵng, hiện có 10 tàu hàng, đa số thuyền viên chấp hành việc rời tàu lên bờ tránh bão. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuyền viên không chịu lên bờ bởi phải ở lại thuyền chống đắm tàu.

Tối nay, còn 100 ngư dân khu vực âu thuyền ở lại dưới tàu để chống đắm tàu. Còn tại khu vực neo đậu tàu thuyền Đồng Nò, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, có 134 người không chịu lên bờ.

Thành phố Đà Nẵng đã cho lập biên bản cưỡng chế lên bờ đối với những người này. Thành phố đã bố trí chỗ ăn nghỉ cho số người này. Đối với 100 thuyền viên còn trên tàu ở khu vực âu thuyền Thọ Quang. Bộ đội Biên phòng thành phố đã cho xuống bơm nước chống đắm tàu, sau đó đưa họ lên bờ.

21h20: Đêm nay là thời điểm bão số 4 Noru mạnh nhất, áp sát đất liền Trung Bộ

 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8,...

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần.

Đến 7h ngày 28.9, vị trí tâm bão trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/h), giật cấp 13.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25km, di chuyển sang Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 28.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61 km/h), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 113,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 4.

21h15: Bão chưa vào, lốc xoáy đã xé toạc nhiều ngôi nhà ở tỉnh Quảng Trị

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm bà con nhân dân đang sơ tán phòng tránh bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị lúc 21 giờ tối nay- 27.9
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm bà con nhân dân đang sơ tán phòng tránh bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị lúc 21 giờ tối nay- 27.9.

21h00: Đường sắt Bắc Nam tạm dừng một số tàu do ảnh hưởng của bão

Ngày mai (28.9) ngành đường sắt sẽ tạm dừng chạy tàu SE21 từ ga Đà Nẵng đi ga Sài Gòn. Đồng thời, tàu SE3 từ phía Bắc vào nam, khi chạy đến ga Huế sẽ quay ra bắc, còn tàu SE 4 từ phía Nam ra khi đến ga Diêu Trì, tỉnh Bình Định sẽ quay lại TP.HCM. Vì lý do thiên tai, tàu chỉ chạy được một số cung đoạn nên ngành Đường sắt sẽ hoàn trả chi phí tiền vé cung đoạn chưa đi.

20h40: Huế: Người dân trú bão an toàn tại các phòng học

Người dân trú an toàn tại các phòng học trong điểm Trường THCS Thuận An.
Người dân trú an toàn tại các phòng học trong điểm Trường THCS Thuận An.
Người dân trú an toàn tại các phòng học trong điểm Trường THCS Thuận An. Ảnh: Phúc Đạt
 

Ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP. Huế đến thăm, kiểm tra nơi ăn, chốn ở của người dân đến sơ tán tập trung tại điểm Trường THCS Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế).

Chủ tịch UBND TP. Huế yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo lương thực, thực phẩm cũng như quán triệt người dân nên ở trong các phòng để đảm bảo an toàn trước bão Noru.

20h30: Bão di chuyển chậm trong vòng 1 giờ qua

Ảnh chụp màn hình: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam
Dự báo đường đi của bão Noru. Ảnh chụp màn hình: VNDMS

Thông tin mới nhận, trong vòng một tiếng đồng hồ qua, bão Noru hầu như đứng yên, chỉ di chuyển khoảng 10 km và có lệch một chút về hướng tây tây bắc nhưng cường độ ko giảm. Cho đến hiện tại, tâm điểm vẫn là Đà Nẵng - Quảng Nam.

20h20: Dân làng chài Bình Định an tâm trú ẩn trước giờ siêu bão Noru đổ bộ

20h16: Đà Nẵng hiện tại ngừng gió, giảm mưa. Tuy nhiên đấy thường là dấu hiệu của đáng lo ngại trước một cơn bão lớn.

 
Mưa ngớt, nhưng một số tuyến đường ngập nước. Đây là đoạn đường Quang Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng - nước tràn cả mặt đường.
Mưa ngớt, nhưng một số tuyến đường ngập nước. Đây là đoạn đường Quang Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng - nước tràn cả mặt đường. Ảnh: Thanh Hải

20h13: Thêm nhiều chuyến bay bị huỷ vì bão Noru

Do ảnh hưởng của bão số 4 (Noru), theo quyết định của nhà chức trách Hàng không, 10 sân bay tạm ngừng tiếp nhận tàu bay bao gồm Chu Lai, Đà Nẵng, Huế, Pleiku, Quy Nhơn, Đồng Hới, Vinh, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt. Hãng hàng không Vietjet tiếp tục cập nhật thông tin các chuyến bay phải tạm ngừng trong ngày 28.9.

Hãng này đã có tổng cộng đã có 111 chuyến bay phải tạm ngừng khai thác cùng nhiều chuyến bay khác trong các ngày 27 và 28.9 phải điều chỉnh thời gian khởi hành.

20h10: Bãi biển Thuận An, TP Huế: Cửa đóng then cài

Ảnh: Phúc Đạt
Ảnh: Phúc Đạt
Ảnh: Phúc Đạt
20h tối 27.9, tại Biển Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế), sóng biển dâng cao và gió rít mạnh, đường sá vắng tanh, nhà dân cửa đóng then cài. Ảnh: Phúc Đạt
 
 
 
Ông Ngọc (chủ nhà hàng hải sản Sao Biển) sát bờ biển Thuận An bám trụ lại nhà hàng để bảo vệ tài sản. Nhà hàng của ông này được xây kiên cố. Ảnh: Phúc Đạt

20h05: Quảng Trị, Đà Nẵng: Vẫn còn tình trạng thuyền viên không rời tàu

Hiện vẫn còn một số địa phương, mặc dù các tàu đã vào nơi trú ẩn, nhưng thuyền viên lại không chịu rời tàu lên bờ. “Trước khi cuộc họp diễn ra, tôi đi kiểm tra ở Quảng Trị và phát hiện có khoảng 400 tàu neo đậu trong các âu thuyền vẫn còn sáng đèn, chứng tỏ trên đó vẫn còn người”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 nói.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Trước khi cuộc họp diễn ra, Đà Nẵng còn 34 thuyền viên của các tàu ngoài tỉnh đang neo đậu tại nơi trú bão Đồng Nò và khoảng 100 người ở âu thuyền Thọ Quang không chịu lên bờ với lý do lo sợ chìm tàu.

“Tôi đã trực tiếp xuống 2 tàu để thuyết phục nhưng họ không lên. Họ còn chất vấn lại tôi nếu tôi lên bờ, tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Quảng kể.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản, tổ chức cưỡng chế 30 thuyền viên ở nơi trú bão Đồng Nò lên bờ. Còn lại khoảng 100 thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang, chính quyền địa phương đã đồng ý cho các thuyền viên ở lại bơm nước cạn tàu trước khi lên bờ.

“Tôi đã cho lập biên bản tất cả trước khi cưỡng chế. Đồng thời tuyên bố với các chủ tàu sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không cho thuyền viên lên bờ và để xảy ra tai nạn chết người khi bão vào”, ông Quảng nói.

20h00: Đảo Cồn Cỏ ở Quảng Trị gió cấp 7, biển động dữ dội

Gió giật trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: BP.
Gió giật trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: BP.

Do ảnh hưởng bão Noru, hiện ở Huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) có gió cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội.

Theo Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Biên phòng Quảng Trị), vì chuẩn bị kỹ các phương án phòng tránh, nên hiện chưa có thiệt hại gì. Gần 300 người dân sau được đưa vào 2 hầm quân sự trên đảo Cồn Cỏ để trú bão hiện đã ổn định.

19h50: Thành phố Huế mưa lớn, đường phố vắng hoe

Ảnh: Hưng Thơ
Chủ quán cafe ở số 74 đường Hai Bà Trưng đang đóng cửa quán vì không có khách. Ảnh: Trần Tuấn
 
Ảnh ngã 5 đường Nguyễn Huệ, Đống Đa và Hai Bà Trưng vắng hoe. Ảnh: Trần Tuấn
Đường Đống Đa vắng hoe. Ảnh: Trần Tuấn
Đường Đống Đa vắng hoe. Ảnh: Trần Tuấn

Lúc 19h30 tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) trời đã mưa lớn, ở các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Lê Lợi... thường ngày vào thời điểm này phương tiện và người dân qua lại tấp nập. Thế nhưng, hôm nay do chủ động phòng tránh bão nên đường phố vắng hoe, rất ít người lưu thông trên phố.

Nhiều quán cafe, quán nhậu, quán ăn cũng đã đóng cửa không phục vụ. Chủ quán cafe ở địa chỉ số 74 đường Hai Bà Trưng đang gia cố lại cửa để chống bão chia sẻ “Bình thường thì khách đã kín quán rồi. Hôm nay không có khách nên chúng tôi đóng cửa để tránh bão luôn đây.”

Chủ quán đóng cửa trong khi trên Tivi đang diễn ra trận bóng đá giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Ấn Độ. Thế nhưng, vì trời mưa và bão sắp vào nên không có người đến xem.

19h45: 55 tàu cá miền Trung trú bão an toàn ở Trường Sa

Trước tình hình diễn biến nguy hiểm của cơn bão số 4 Noru, Các Âu tàu, Làng chài do Hải đoàn 129 quản lý tại Quần đảo Trường Sa bố trí sắp xếp cho bà con ngư dân vào tránh trú bão.

19h35: Bão số 4 Noru áp sát Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ảnh hưởng của bão số 4: Tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8; lượng mưa đo được từ 7h đến 18h ngày 27.9, một số nơi có mưa rất to trên 130mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 215mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 152mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 115mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 141mm.

Cảnh báo thời điểm bão số 4 Noru nguy hiểm nhất.

Vị trí tâm bão lúc 19h ngày 27.9: Khoảng 15.7 độ Vĩ Bắc; 110.0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 186km, cách Quảng Nam khoảng 170km, cách Quảng Ngãi khoảng 147km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: Cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.

19h32: Các tỉnh miền Trung đã đã sơ tán 81.152 hộ/ 253.032 người, đạt 71%

 

Theo Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão Noru tại Đà Nẵng - đến 17h ngày 27.9, Quảng Trị đã sơ tán được 4.124 hộ/ 12.926 người, Thừa Thiên Huế: 2.552 hộ/ 8.407 người, Đà Nẵng: 9.300 hộ/ 30.721 người, Quảng Nam: 39.897 hộ/ 123.714 người, Quảng Ngãi: 23.006 hộ/ 68.034 người, Bình Định: 5.109 hộ/ 14.729 người. Số còn lại sẽ sơ tán hoàn thành ở mốc 18h ngày 27.9.

Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm (đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/ 299.678 lao động di chuyển tránh trú). Có 983 tàu thuyền (433 tàu biển và 550 phương tiện thủy nội địa) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh - Bình Thuận. Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sẵn sàng ứng trực với 244.768 cán bộ, chiến sỹ, 2.921 phương tiện; tổ chức bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển.

19h30: Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi: Cây đổ hàng loạt, biển động dữ dội

 
 
 
 
 
Hình ảnh phóng viên ghi lại lúc 18h chiều 27.9 trên đảo Lý Sơn.

19h10: Bão áp sát Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vẫn rất mạnh, giật cấp 17

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 4 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/h), giật cấp 15.

19h05: Đảo Lý Sơn ghi nhận gió cấp 9, giật cấp 1

Hình ảnh gió giật mạnh tại Lý Sơn do ảnh hưởng của bão số 4 được người dân ghi lại vào chiều 27.9. Nguồn: Hạnh Lê.

Hiện tại, đảo Lý Sơn ghi nhận gió cấp 9, giật cấp 11 biển động dữ dội.

Theo ghi nhận, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, chiều tối nay đảo Lý Sơn sóng biển liên tục dâng cao, mưa khá to. Sóng biển, mưa lớn bao phủ hòn đảo hơn 2 vạn dân. Các hộ dân sống ven tuyến đường kè chắn sóng xung quanh đảo nhà không kiên cố đã được di dời đến nơi an toàn.

Thời gian bão đang đổ bộ đất liền nên người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà, kể cả thời điểm bão nhập bờ tránh tình trạng gió thổi ngược gây thiệt hại về người và tài sản.

Hiện tại, các tuyến đường trên đảo đã xuất hiện tình trạng cây cối ngã đổ. Hàng chục héc ta hành vụ mùa tháng 7 âm lịch chưa đến kỳ thu hoạch bị gió mưa quật ngã. 50 héc ta hành vụ này có nguy cơ mất trắng.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Lý Sơn trực ban 24/24, tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

19h00: Đà Nẵng đóng các cầu bắc qua Sông Hàn

 
 
 
Ảnh: T.Trang

Khoảng 16h ngày 27.9, nhận thấy mức độ nguy hiểm khi để các phương tiện giao thông lưu thông qua cầu, Công ty Cổ phần Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước trước khi bão Noru đổ bộ. Sau cầu Thuận Phước, các cây cầu khác như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Ngã Ba Huế cũng lần lượt đóng cửa trước 20h30.

Việc đóng cầu sẽ áp dụng theo các cấp độ gió. Khi gió đạt cấp 6 sẽ chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Khi gió đạt cấp 7, cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để cấm xe mô tô, xe máy. Khi gió đạt cấp 10, tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu.

Đối với các hầm chui tại các nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, lực lượng chức năng sẽ cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn.

18h50: Đà Nẵng đã sơ tán 11.813 hộ dân

Đến chiều ngày 27, Đà Nẵng đã sơ tán 11.813 hộ dân/41.602 khẩu và 3.303 sinh viên, công nhân,đậu tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang: 840 phương tiện (Đà Nẵng: 297 phương tiện; ngoại tỉnh: 543 phương tiện). Các khu vực khác: 225 phương tiện. Ghe thúng: 664 phương tiện; Tàu du lịch: 24 phương tiện; Tàu hàng: 24 phương tiện; Các tàu dầu neo đậu tại Âu thuyền: Đã di chuyển 23 chiếc ra khỏi Âu thuyền.

 

18h30: Quảng Ngãi: Ấm áp bữa cơm nơi trú bão

Tính đến tối 27.9, Quảng Ngãi đã sơ tán, di dời khoảng 70.000 người dân đến nơi trú ẩn an toàn. Các lực lượng chức năng cùng nhiều doanh nghiệp đã tổ chức nấu ăn, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để người dân sử dụng trong thời gian trú bão.

18h25: Người dân ở đảo Cồn Cỏ vào hầm quân sự trú bão

 

Chiều tối 27.9, 325 người dân, công nhân, bộ đội ở trên đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đã được đưa xuống 2 hầm quân sự để trú bão.

Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Biên phòng Quảng Trị) cho biết, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ của biên phòng, công an, hải quân... sẽ ở lại trụ sở để trực phòng chống bão. Còn lại, khoảng 325 người dân đã được đưa xuống 2 hầm trú bão.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lương thực, đảm bảo các điều kiện khi đón người dân xuống trú bão" - trung tá Nguyễn Đình Cường, nói

Đơn vị tuyên truyền, vận động các hộ gia đình huyện đảo di dời vào hầm trú ẩn trước khi Bão số 4 đổ bộ vào.

Chú thích ảnh: Người dân được lực lượng biên phòng đưa đến địa điểm hầm trú ẩn. Ảnh: BP.
Chú thích ảnh: Người dân được lực lượng biên phòng đưa đến địa điểm hầm trú ẩn. Ảnh: BP.
Chú thích ảnh: Người dân được lực lượng biên phòng đưa đến địa điểm hầm trú ẩn. Ảnh: BP.
Chú thích ảnh: Người dân được lực lượng biên phòng đưa đến địa điểm hầm trú ẩn. Ảnh: BP.

18h16: Hội An: Nhiều khách sạn mở cửa miễn phí đón dân trú bão số 4 Noru

18h15: Quảng Ngãi dùng xe đặc chủng thiết giáp hỗ trợ dân sơ tán

Chiều 27.9, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi thành lập Sở Chỉ huy bổ trợ ứng phó bão số 4 ở huyện Bình Sơn.

Bộ CHQS tỉnh này đã huy động 30 cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy bổ trợ ứng phó bão số 4. Đồng thời, bảo đảm 1 xe đặc chủng thiết giáp, 2 ca nô máy đẩy sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời, sơ tán và xử lý các tình huống trước, trong và sau bão.

18h07: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra thiệt hại do lốc xoáy ở Quảng Trị

Một ngôi nhà ở thị trấn Cửa Việt bị lốc xoáy san phẳng. Ảnh: Hưng Thơ.
Một ngôi nhà ở thị trấn Cửa Việt bị lốc xoáy san phẳng. Ảnh: Hưng Thơ.
 
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác có mặt tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt – nơi vừa bị lốc xoáy quét qua. Ảnh: Hưng Thơ.

Chiều 27.9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Quảng Trị và đến kiểm tra thiệt hại do lốc xoáy gây ra ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Tại đây, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại trước mắt, và yêu cầu rà soát lại người dân nằm trong vùng khả năng bị ảnh hưởng bão Noru.

Qua kiểm tra hiện trường ảnh hưởng bởi cơn lốc xoáy, Phó Thủ tướng lưu ý, nhiều ngôi nhà cấp 4 ở khu vực này nhìn bên ngoài có vẻ kiên cố, nhưng nếu bão cấp 14 thì không trụ được. Vì vậy, Quảng Trị cần rà soát lại và nhanh chóng di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn.

Trước đó, khoảng 15h chiều 27.9, một trận lốc xoáy kèm mưa lớn quét qua thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ông Võ Đắc Hóa - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, 180 hàng quán, ki ốt và 120 nhà dân bị sập, tốc mái; 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương tương đối nặng.

18h05: Bố trí sắp xếp cho 55 lượt tàu cá ngư dân vào tránh trú

Chiều tối 27.9, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn 129 quản lý tại quần đảo Trường Sa đã chuẩn bị sẵn sàng về con người, phương tiện, nhu yếu phẩm và lên phương án bố trí sắp xếp cho bà con ngư dân vào tránh trú bão số 4.

Đến thời điểm chiều cùng ngày, 2 Âu tàu thuộc đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn và 2 Làng chài thuộc đảo Núi Le, đảo Tốc Tan đã đón, bố trí sắp xếp cho 55 lượt tàu cá ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Tiền Giang, Bình Định, Quảng Ngãi vào tránh trú bão.

18h00: Một máy bay bị mắc kẹt giữa sân bay Đà Nẵng

 

Một máy bay của hãng Hàng không Pacific Airlines bị sự cố kỹ thuật, mắc kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng sau giờ đóng cửa sân bay.

Theo đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, sau khi gặp sự cố kỹ thuật, các hành khách trên chuyến bay của Hãng hàng không Pacific Airlines được chuyển qua chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airline để tiếp tục hành trình.

17h45: Đà Nẵng: Khách sạn mở cửa, đón dân tránh bão Noru

 

Đến 17h ngày 27.9, công tác ứng phó với cơn bão số 4 - Noru ở thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hoàn tất.

Khách sạn Santori, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng thông báo, từ nay cho đến hết ngày 28.9, khách sạn mở cửa toàn bộ số phòng còn lại để đón người dân, du khách từ các tỉnh, thành hay sinh viên đến học tại thành phố đang ở trọ tại những khu vực không đảm bảo an toàn vào ở, miễn phí tiền phòng cho khách trong thời gian này.

Hiện, khách sạn đang có 20 khách lưu trú đang ở tại 14 trên tổng số 28 phòng của khách sạn.

17h35: Quảng Bình: Học sinh toàn tỉnh tạm nghỉ học từ ngày 28.9

Chiều tối 27.9 Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, thực hiện công điện của Bộ GDĐT và UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó cơn bão Noru, Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 28.9.2022 cho đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm;

Đồng thời triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; có kế hoạch sơ tán học sinh tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão, mưa lũ, khu vực trũng thấp, ven sông, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.

17h30: Xã đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam có gió cấp 8, giật trên cấp 9, 10

17h20: Quảng Bình: Sẵn sàng di dời hàng chục ngàn hộ dân

Chiều tối 27.9 Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, các địa phương, đơn vị đã sẵn sàng kế hoạch di dời hàng chục ngàn hộ dân trong tình huống cần thiết.

Theo đó, trường hợp hoàn lưu bão gây mưa lũ trên mức báo động III, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện di dời 18.967 hộ/ 65.337 khẩu. Trong đó: xen ghép 13.520 hộ/50.790 khẩu; tập trung 5.447 hộ/14.547 hộ tại các địa điểm như trường học, trạm y tế, hội trường xã, nhà văn hóa, trụ sở tôn giáo với 1065 điểm. Sẵn sàng di dời 314 hộ/1144 khẩu tại 9 điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Đến thời điểm 17 giờ ngày 27.9, còn 2 phương tiện/9 lao động người Quảng Bình đang hoạt trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, tuy nhiên hoạt động ngoài khu vực nguy hiểm.

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, từ cuối giờ chiều ngày 27.9 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện đợt mưa vừa, hiện tại mực nước tại các sông dưới báo động I.

17h15: Hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ - Phú Yên xả lũ để ứng phó bão Noru

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã ra lệnh cho hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ xả lũ để ứng phó với bão Noru (bão số 4).

Chiều 27.9, ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Phú Yên, đã ban hành lệnh vận hành hồ chứa thuỷ điện Sông Ba Hạ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ vận hành điều tiết xả nước qua tràn ngày 27.9của hồ Sông Ba Hạ như sau: Từ 15h30 phút xả qua tràn, vận hành máy: 1.500 m/s. Từ 19h xả qua tràn, vận hành máy: 2.000 m3/s. Duy trì đến khi lũ đến hồ đạt đỉnh, sau đó xả để mực nước hồ duy trì ở mực nước trước lũ +103m.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu Công ty CP thuỷ điện Sông Ba Hạ điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp thực tế, không làm thay đổi lưu lượng đột ngột về hạ lưu sông Ba. Được biết, mực nước hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ lúc 12h ngày 27/9/2022 là 102,93m. Mực nước đo đạc tại Trạm thủy văn Củng Sơn vào lúc 7h ngày 27/9/2022 là 29,2m; dưới báo động 1 là 0,29m.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, từ chiều nay (27/9) đến ngày 29/9, các sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Sông Ba tại Củng Sơn lũ ở mức báo động 1-2, các sông suối khác lũ ở mức xấp xỉ trên dưới báo động 1.

17h00: TP Đà Nẵng đã xuất hiện mưa kèm gió to

 

Một số tuyến đường trũng thấp có hiện tượng ngập úng cục bộ. Trước tình hình thời tiết này, người dân Đà Nẵng đã hạn chế ra đường trước giờ quy định. UBND TP.Đà Nẵng vừa công bố số điện thoại người dân cần biết và lưu lại để gọi ngay khi cần, giúp bản thân và gia đình an toàn hơn trước trong và sau bão Noru.

Chiều ngày 27.9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến khảo sát và thăm hỏi bà con sơ tán tránh bão tại phường Thọ Quang.

16h55: Đắk Nông: Người dân vùng trũng cơ bản thu hoạch xong nông sản trước khi bão vào

Huyện Krông Nô là vùng gieo trồng hoa màu lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Vụ hè thu năm nay toàn huyện sản xuất trên 15.000ha lúa, ngô, khoai lang, rau xanh... các loại.

Theo UBND huyện Krông Nô, với phương châm xanh nhà còn hơn già đồng, địa phương đã vận động Nhân dân thu hoạch được hơn 70% diện tích hoa màu các loại.

 
Lúa ở huyện Krông Nô được gặt trước khi bão vào

"Chỉ khi có lũ lớn, vượt đỉnh lũ mọi nằm thì ở địa phương mới nguy cơ thiệt hại trong vụ gieo trồng hè thu" - ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết.

16h30: Clip lũ ở xã đảo Cù Lao Chàm

16h20: Đường sắt điều chỉnh lịch chạy tàu để tránh bão Noru

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đường sắt tiếp tục điều chỉnh lịch chạy tàu tuyến Bắc - Nam để tránh ảnh hưởng bão Noru, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Theo đó, tạm dừng chạy tàu SE22 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27.9 và tàu SE21 xuất phát ga Đà Nẵng ngày 28.9.

Đối với đôi tàu khách Thống nhất SE3/SE4 giữa Hà Nội - TP. HCM tạm dừng chạy đoạn Huế - Diêu Trì. Tàu SE3 xuất phát ga Hà Nội ngày 27.9 chạy đến Huế là ga cuối. Tại đây sẽ đón khách tàu SE4 xuất phát ga Huế ngày 28.9 đi ga Hà Nội.

Tàu SE4 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27.9 chạy đến Diêu Trì là ga cuối, đón khách đi tàu SE3 xuất phát ga Diêu Trì ngày 28.9 đi ga Sài Gòn.

Hành khách có vé đi tàu các hành trình bị hủy bỏ liên hệ nhà ga gần nhất để được đổi, trả vé không thu phí.

Các đơn vị vận tải đường sắt cũng sẽ gửi tin nhắn đến hành khách đã mua vé kế hoạch chạy tàu điều chỉnh để làm thủ tục trả vé trên các đoàn tàu tạm dừng chạy hoặc trên các cung chặng không chạy tàu.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN cũng thông báo hôm nay (27.9) tạm dừng chạy đôi tàu khách Thống nhất SE5/SE6 xuất phát hai ga Hà Nội, Sài Gòn để tránh bão Noru.

16h15: Quảng Bình: Hỗ trợ gạo cho đồng bào Rục trước nguy cơ bị cô lập do bão, lũ

Chiều 27.9 UBND huyện Minh Hóa cho biết, vừa phân bổ khẩn cấp 4 tấn gạo để cấp cho 2 xã Thượng Hóa và Trọng Hóa nhằm giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới chủ động ứng phó với bão Noru, đề phòng lũ lụt chia cắt dài ngày.

Theo đó, hiện toàn bộ số gạo đã được vận chuyển, bàn giao cho Đồn Biên phòng Ra Mai và Cà Xèng để chủ động phối hợp với chính quyền hai địa phương phân bổ kịp thời cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói trong thời điểm xảy ra bão, lũ.

Địa bàn được chú trọng hỗ trợ cứu đói là đồng bào Rục sinh sống tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ; và những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, sống trong vùng có nguy cơ bị chia cắt, cô lập dài ngày do bão, lũ lớn, như: Ra Mai, Lòm... Đây là những địa phương tại huyện Minh Hóa thường xuyên bị lũ lụt cô lập dài ngày.  

16h10: Bão chưa vào, đã xuất hiện lốc xoáy gây ảnh hưởng ở Quảng Trị

16h ngày 27.9, ghi nhận tại khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho thấy, một số cây xanh bị gãy, nhà cửa và quán xá bị tốc mái do ảnh hưởng của 1 cơn lốc xoáy quét qua. Người dân cho biết, vào khoảng 15h20, đi kèm với cơn mưa lớn, là một luồng gió mạnh quét qua. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng phần mái ở chợ thị trấn Cửa Việt bị tốc, biến dạng; các ngôi nhà ở cạnh đó cũng bị tốc mái. Theo lãnh đạo UBND huyện Gio Linh, cơ quan chức năng vừa mới đến hiện trường để thống kê thiệt hại. Trước mắt, có 2 người bị thương.

 
 
 
Nhà người dân bị tốc mái sau khi lốc xoáy quét qua. Ảnh: Hưng Thơ.
Nhà người dân bị tốc mái sau khi lốc xoáy quét qua. Ảnh: Hưng Thơ.

16h00: TP Vũng Tàu khuyến cáo không tắm biển trong thời gian ảnh hưởng bão Noru

 
Công ty CP phát triển công viên cây xanh đang nhanh chóng cắt các cành nhánh hư để tránh ảnh hưởng do bão Noru trên địa bàn TP.Vũng Tàu.

Ngày 27.9, Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Vũng Tàu cho biết dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng việc biển động, dông lốc, mưa to ... do ảnh hưởng của bão số 4 Noru là khó tránh khỏi, cơ quan chức năng yêu cầu tuyên truyền vận động người dân, du khách không tắm biển trong thời gian ảnh hưởng của bão Noru.

Đơn vị đã yêu cầu Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch; Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao; UBND các phường, xã; các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn chủ động tuyên truyền, khuyến cáo người dân và du khách không tham gia tắm biển cho đến khi bão đi qua và có thông báo mới.

Các đơn vị chủ động triển khai phương án phòng chống lụt bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để sơ tán cho nhân dân, người lao động và du khách theo phương châm 4 tại chỗ; theo dõi, cập nhật thường xuyên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình bão để có phương án xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng khẩn trương kiểm tra và phối hợp với các ban, ngành liên quan để thông báo, tháo dỡ các vật dụng không đảm bảo an toàn, hư hỏng có nguy cơ gãy đổ, đề phòng gió lớn gây sự cố, tai nạn.

15h35: Đại học Huế mở cửa đón sinh viên trú bão Noru

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế mở cửa cho sinh viên tránh trú bão Noru. Ảnh: Phúc Đạt
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế mở cửa cho sinh viên tránh trú bão Noru. Ảnh: Phúc Đạt

Ngày 27.9, Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế thông tin, nhiều trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế như: Sư phạm, Khoa học, Ngoại ngữ, Trường Du lịch… đã dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất và thông báo mở cửa, hỗ trợ sinh viên tránh trú bão Noru. Các trường sử dụng phòng học, giảng đường để sinh viên tạm trú, tránh bão từ chiều 27.9, đồng thời bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên để hỗ trợ.

Các trường thông qua nhiều kênh thông tin kết nối, thông báo đến sinh viên đang ở tại các khu vực phòng trọ, nhà cấp 4 không an toàn, có nguy cơ bị thiệt hại do bão; sinh viên ở vùng thấp trũng đăng ký và di chuyển đến trường tạm trú trước thời gian bão Noru đổ bộ cho đến khi có thông báo bão tan.

"Các trường phải đảm bảo được việc ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên. Đặc biệt, phải bố trí người trực, thường xuyên tương tác, liên hệ với sinh viên để hỗ trợ kịp thời cũng như đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày tránh bão", PGS. TS Lê Anh Phương nói.

Được biết, sinh viên Đại học Huế được nghỉ học trong 2 ngày 27-28.9 nhằm đảm bảo an toàn trước siêu bão Noru.

15h30: CSGT Quảng Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa hướng dẫn các lái xe đường dài tìm nơi tránh bão

 

Cục Cảnh sát giao thông (C08, CSGT, Bộ Công an) vừa có điện khẩn ứng phó với siêu bão Noru. Theo đó Cục CSGT yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) các địa phương 2 đầu tâm bão đi qua gồm Quảng Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa bố trí lực lượng dự kiến từ 22h00 ngày 27.9.2022 tổ chức hướng dẫn các lái xe đường dài tìm nơi dừng nghỉ, không cho đi vào khu vực tâm bão, chờ bão qua mới tiếp tục di chuyển. Khi phương tiện dừng chờ nhiều tại 3 địa phương trên thì báo cáo C08 trao đổi với PC08 Hà Tĩnh, Đắk Nông, Ninh Thuận và các địa phương giáp danh phía trước tiếp tục thực hiện.

Trên cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi dự kiến khoảng 22h ngày 27.9.2022 không cho xe lưu thông vào. PC08 các địa phương vùng tâm bão hướng dẫn các phương tiện đã đi vào tâm bão chủ động tìm bãi trú ẩn, không cho di chuyển.

15h25: Quảng Bình: Tạm thời đóng cửa Cảng hàng không Đồng Hới từ 22 giờ ngày 27.9

Chiều 27.9 Thông tin từ Cảng Hàng không Đồng Hới cho biết, sẽ đóng cửa tạm thời trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày 27.9 đến 20 giờ ngày 28.9 do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru).

Theo thống kê, hiện có 10 sân bay khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ không đón máy bay trong hai ngày 27 và 28.9.2022. Đến nay, tổng cộng có 148 chuyến bay/14.000 hành khách đi, đến 10 sân bay nói trên.

Để bảo vệ quyền lợi hành khách, hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng do bão Noru sẽ được các hãng hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang chuyến bay khác cùng hành trình.

15h21: Hà Nội và Bắc Bộ cũng sắp đón đợt mưa lớn diện rộng do bão số 4

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 Noru, Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ trở mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ ngày mai 28.9.

Từ đêm 27.9 đến đêm 28.9, khu vực bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Ngày và đêm 28.9, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi trên 100mm.

15h20: Bình Định: Người dân khu vực ven biển và các vùng trũng thấp gấp rút sơ tán

Trước diễn biến nhanh và khó lường của bão số 4, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra, yêu cầu các huyện phía Bắc tỉnh như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Lão... khẩn trương sơ tán những hộ dân nhà không kiên cố khu vực ven biển vào nơi an toàn.

15h17: Bạc Liêu: Kêu gọi tàu cá vào bờ, sẵn sàng công tác ứng cứu

Tàu cá tại tỉnh Bạc Liêu được kêu gọi trú, trách bão an toàn. Ảnh: Nhật Hồ
Tàu cá tại tỉnh Bạc Liêu được kêu gọi trú, trách bão an toàn. Ảnh: Nhật Hồ

Dù không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 4 - NORU, tuy nhiên, để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Hiện tỉnh Bạc Liêu có 388 phương tiện với 2.476 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 244 phương tiện đánh bắt xa bờ với 1.832 thuyền viên. Thông qua hệ thống liên lạc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu và Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kêu gọi 493 phương tiện hoạt động trong vùng biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão NORU vào bờ và tìm nơi tránh trú an toàn.

Đồng thời, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã bố trí trực ban 24/24 và chuẩn bị sẵn các phương tiện ứng cứu để chủ động thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và bà con ngư dân.

15h15: Khuyến cáo không đi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi bão số 4 Noru đổ bộ

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú.

Do tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú nên khuyến cáo các phương tiện không lưu thông trên đường này khi bão Noru đổ bộ.

Trong điện khẩn ứng phó với siêu bão Noru, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) yêu cầu Công an các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cảnh báo tài xế và người dân không đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian bão hoạt động. Lý do bởi trên tuyến này không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú bão trong trường hợp khẩn cấp.

Người dân được khuyến cáo không lưu thông vào khu vực bão đang hoạt động. Lực lượng CSGT được bố trí giám sát chặt các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở.

15h10: Quảng Trị: Gặt hết lúa chín trên ruộng giúp dân trước khi bão Noru ảnh hưởng

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập gặt lúa giúp dân. Ảnh: Lâm Hưng Thơ
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập gặt lúa giúp dân. Ảnh: Lâm Hưng Thơ
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập gặt lúa giúp dân. Ảnh: Lâm Hưng Thơ

Vụ Hè Thu, tỉnh Quảng Trị gieo cấy 23.087ha và cơ bản đã thu hoạch xong. Riêng ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông do đặc thù gieo muộn, nên còn hàng trăm ha lúa chưa thu hoạch. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng bão Noru, các lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân, quân đội, biên phòng… đã hỗ trợ người dân thu hoạch lúa.

Như tại xã Hướng Lập còn 5ha lúa của người đồng bào thiểu số Vân Kiều chưa thu hoạch, trong đó 1,5ha đã chín. Đồn Biên phòng Hướng Lập đã huy động 15 cán bộ chiến sĩ cùng người dân gặt hết số lúa chín trước 15h ngày 27.9.

15h00: Quảng Bình: Kêu gọi những người đi rừng trở về nhà trước khi bão đổ bộ

Lực lượng BĐBP Quảng Bình giúp dân ứng phó trước khi bão đến.
Lực lượng BĐBP Quảng Bình giúp dân ứng phó trước khi bão đến.
Lực lượng BĐBP Quảng Bình giúp dân ứng phó trước khi bão đến. Ảnh: Lê Phi Long

Chiều 27.9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình cho biết, trong 2 ngày qua đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị BĐBP về giúp nhân dân trên các tuyến biên giới nhằm ứng phó với bão số 4 (bão Noru) và mưa lũ kéo dài có thể xảy ra.

Thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa) cho biết, hiện có 18 người đi rừng, làm nương rẫy chưa về nhà. Hiện lực lượng BĐBP và chính quyền địa phương đang tìm cách liên hệ, kêu gọi những người này về nhà, trước thời điểm bão đổ bộ, đề phòng trường hợp mưa lớn, nước ở các khe suối dâng cao, nguy hiểm tính mạng.

Đối với khu vực miền núi, lực lượng BĐBP đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, rà soát, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để có phương án di dời, sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; đồng thời, chủ động nguồn lực tại chỗ, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men khi xảy ra mưa lũ chia cắt dài ngày.

14h55: Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại Quảng Ngãi

 
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại Cảng PTSC và thăm hỏi, động viên người dân tại điểm sơ tán thuộc trụ sở Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Chiều 27.9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn). Đơn vị đã chủ động triển khai phương án ứng phó với bão số 4 đồng bộ, khẩn trương.

Công ty huy động hàng trăm nhân lực và phương tiện theo phương án “4 tại chỗ” để đảm bảo vận hành nhà máy liên tục, ổn định và tuyệt đối an toàn. Đồng thời, sẵn sàng ứng phó với mọi sự cố có thể xảy ra do ảnh hưởng của bão số 4.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại Cảng PTSC và điểm sơ tán dân tại trụ sở Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, bão số 4 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong vòng 20 năm qua. Quảng Ngãi là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão vào bờ.

Do đó, tỉnh cần tập trung cao độ hoàn thành di dời dân trước 18 giờ chiều 27.9, neo đậu tàu thuyền an toàn và sẵn sàng các phương án hỗ trợ người dân, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất có thể.

14h50: Quảng Nam chỉ đạo đảm bảo điện lực, viễn thông, giao thông thông suốt ứng phó bão

UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Nam, Viettel Quảng Nam, VNPT Quảng Nam, Mobifone Quảng Nam, FPT Quảng Nam, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam,... ngay sau khi bão đi qua, triển khai ngay lực lượng để kiểm tra tình trạng các công trình hạ tầng thiết yếu của đơn vị mình trên các tuyến đường (hoặc nhận được thông tin của các đơn vị, cá nhân cung cấp), nếu có công trình bị sự cố gây cản trở giao thông thì khẩn trương, kịp thời bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị.

Phối hợp với các lực lượng của Sở Giao thông vận tải khắc phục ngay các sự cố nhằm đảm giao thông được thông suốt, an toàn; đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình giao thông và phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngành giao thông vận tải Quảng Nam, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý, bảo trì thường xuyên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã.

14h46: Quảng Ngãi tăng số người cần di dời lên 200.000 người

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút sơ tán dân đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Viên
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút sơ tán dân đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Viên

Ban đầu, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chỉ di dời, sơ tán 85.000 người dân, tuy nhiên trước mức độ nguy hiểm của siêu bão Noru, tỉnh Quảng Ngãi gấp rút tăng số người cần di dời, sơ tán lên đến 200.000 người. Các địa phương đang khẩn trương hoàn thành việc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo chỉ đạo của tỉnh.

14h45: Quảng Nam cấm mọi lưu thông thủy bộ từ 18h ngày 27.9

 
Ảnh: TH

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ra thông báo, từ 18h tối 27.9, cấm tất cả các phương tiện tham gia giao thông và các phương tiện xe máy chuyên dùng khác (trừ các phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai) hoạt động, lưu thông trên các tuyến đường cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.

Đối với các phương tiện tham gia giao thông ngoài tỉnh di chuyển qua địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian nêu trên, yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho các phương tiện tìm nơi tránh, trú bão an toàn.

14h40: Mưa lớn và gió to tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Bão chưa chạm bờ, nhưng đầu giờ chiều nay, hoàn lưu bão số 4 Noru đã gây mưa lớn và gió to tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Gió hướng tây tây bắc đã mạnh lên cấp 8, giật cấp 11 kèm theo mưa lớn, biển động dữ dội.

Đến thời điểm này, công tác phòng chống bão số 4 tại Lý Sơn đã cơ bản hoàn tất toàn bộ 725 tàu thuyền và 51 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào neo trú ẩn toàn. Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Lý Sơn đã kiểm tra các điểm xung yếu tại các tuyến đê kè ven biển, chỉ đạo cho các ngành chức năng tuyên truyền vận động các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm vào nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ vào đất liền, đồng thời triển khai phương án đưa người dân vào tránh trú tại một số hầm trú quân sự nếu mưa bão diễn biến phức tạp để đảm bảo an toàn.

14h35: Bão số 4 giật trên cấp 17, cách Đà Nẵng - Quảng Ngãi 270km

Vị trí và đường đi của bão số 4.
Vị trí và đường đi của bão số 4.

Hồi 13h ngày 27.9, vị trí tâm bão số 4 Noru ở khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 111,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/h), giật trên cấp 17.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ vĩ bắc; 108,6 độ kinh đông, trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (167-183 km/h), giật cấp 17.

14h30: Thừa Thiên Huế: Người dân bị ngã chấn thương khi chằng chống nhà ứng phó bão Noru

Lực lượng công an hỗ trợ đưa người già đi sơ tán. Ảnh: Phúc Đạt
Lực lượng công an hỗ trợ đưa người già đi sơ tán. Ảnh: Phúc Đạt
Ngày 27.9, các địa phương trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang gấp rút sơ tán người dân tránh bão Noru.
Ngày 27.9, các địa phương trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang gấp rút sơ tán người dân tránh bão Noru.

Chiều 27.9, Công an Thừa Thiên Huế thông tin, lực lượng chức năng vừa phát hiện, kịp thời sơ cứu cho 1 người đàn ông bị té ngã khi đang chằng chống nhà ứng phó bão Noru.

Thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào khoảng 10h sáng cùng ngày. Cụ thể, trong lúc giúp dân sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, Công an xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) đã phát hiện ông Ngô X. (SN 1968, trú thôn Phú Gia) trong lúc chằng chống mái nhà bị ngã từ trên cao xuống.

Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành sơ cứu cho ông X., đồng thời thông báo cho lực lượng y tế. Hiện, sức khỏe ông này đang dần ổn định.

14h20: Người dân Quảng Ngãi, Quảng Nam được yêu cầu hạn chế ra đường trong tối 27.9

Người dân phải hạn chế ra đường khi siêu bão Noro đổ bộ.
Người dân phải hạn chế ra đường khi siêu bão Noru đổ bộ.

Ngày 27.9, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ. Đồng thời, tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão đổ bộ.

Riêng huyện Lý Sơn không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 10h ngày 27.9, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6). Các địa phương khác hạn chế người và phương tiện ra đường trong tối 27.9, khi bão Noru được dự báo vào đất liền với sức gió cấp 15 (183 km/h).

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27.9, cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Riêng huyện Lý Sơn không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 10h ngày 27.9. Trong ảnh, lực lượng chức năng huyện Lý Sơn giúp người dân chằng chống nhà cửa trước siêu bão Noru.
Riêng huyện Lý Sơn không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 10h ngày 27.9. Trong ảnh, lực lượng chức năng huyện Lý Sơn giúp người dân chằng chống nhà cửa trước siêu bão Noru.

Từ 12h ngày 27.9, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được nghỉ làm việc cho đến khi có thông báo mới từ cấp có thẩm quyền, trừ những người được Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công tham gia phòng chống lụt, bão của cơ quan, đơn vị mình.

Tương tự ở Quảng Nam, từ 12h ngày 27.9 đến hết ngày 28.9, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc (trừ các bộ phận liên quan đến phòng chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).

Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động... được nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27.9 đến hết ngày 28.9 nhằm đảm bảo phòng chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.

14h00: Nghệ An: Sân bay Vinh sẽ tạm thời đóng cửa

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 Noru, sân bay Vinh tạm thời đóng cửa từ 3h00 đến 16h00 ngày 28.9.2022. Do vậy, các hãng hàng không phải điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đi.đến liên quan sân bay Vinh.

Hiện tại, các cảng hàng không trong khu vực Miền Trung đang triển khai phương án phòng chống bão. Theo đó, 9 sân bay đóng cửa gồm: Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 7 giờ ngày 27.9 đến 7 giờ ngày 28.9. Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12 giờ ngày 27.9 đến 11h 59 ngày 28.9.

Tại cuộc giao ban Bộ GTVT sáng 27.9, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngoài sân bay Vinh (Nghệ An) đã quyết định đóng cửa thêm các sân bay: Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng) do ảnh hưởng của bão.

Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão Noru sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ). Hành khách cần lưu ý thông tin ảnh hưởng của bão đến các tuyến đường, phương tiện giao thông đến sân bay để chủ động thời gian, phương án di chuyển, đảm bảo đến sân bay kịp thời gian.

13h30: Kon Tum: Dân làng từng là tâm chấn động đất cất gạo dự trữ

Ảnh: Phan Tuấn
Ảnh: Phan Tuấn
Ảnh: Thanh Tuấn

Trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào đất liền, người dân miền núi Kon Tum ở vùng từng là tâm chấn các động đất tháng trước cùng nhau cất gạo dự trữ trong nhà rông, nhà kho ở thôn làng tránh bị hư hại.

Ngày 27.9, ông Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh ký quyết định số 3194/QĐ-BCH thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác ứng phó bão bão Noru tại 7 huyện. Thời gian kiểm tra từ ngày 27.9 đến hết ngày 29.9.

Các đoàn kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, đồi núi trên địa bàn các huyện. Kiểm tra các xã trọng điểm, các thôn, làng có khả năng ảnh hưởng bão, mưa lũ, có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng thiệt hại về người và tài sản của người dân để có phương án, kế hoạch di dời đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn để có giải pháp xử lý, khắc phục.

Tại huyện miền núi Kon Plông, người dân quanh vùng lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum như Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên…đã được vận động không được lên nương rẫy, di dời đến nơi cao ráo, tránh sạt lở, lũ quét.

Người dân miền núi đã đưa gạo, thóc cất trữ vào các kho của làng ở nhà rông, nhà dân kiên cố để lương thực không bị hư hại, ẩm mốc. Ông A Chiên – người dân xã Đăk Tăng – cho biết: “Nghe thông tin cơn bão lớn, dân làng ai cũng lo, đặc biệt là vùng tâm chấn động đất. Sợ sạt lở, mưa bão làm sập nhà”.

Hiện nay các hồ đập thuỷ điện đang xả lũ để đón lượng nước lớn đổ về sau mưa bão.

13h00: 5 sân bay đã đóng cửa, 5 tỉnh miền Trung chịu thiên tai nguy hiểm


Xem thêm: Các tỉnh miền Trung khẩn trương chống bão Noru mạnh nhất 20 năm qua


Nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Bão số 4: 5 sân bay đã đóng cửa, 5 tỉnh miền Trung chịu thiên tai nguy hiểm

Nhóm PV |

Dự kiến từ chiều 27.9, bão số 4 (Noru) ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Theo dự báo của Trung tâm KTTV Quốc gia, khi bão số 4 đổ bộ, có 5 tỉnh ở miền Trung chịu rủi ro thiên tai cấp độ 4 - cấp độ rất nguy hiểm. 5 sân bay tại khu vực này cũng chính thức dừng khai thác.

Đêm nay, bão số 4 Noru vào đến vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi và mạnh thêm

MẠNH HOẠT |

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 4 Noru có khả năng mạnh thêm. Đến 22h ngày 27.9, vị trí tâm bão trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Thừa Thiên Huế: Cấm chợ từ 14h, không ra đường từ 21h để tránh bão Noru

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Ngay từ sớm, nhiều người dân ở vùng xung yếu trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã bắt đầu tập trung đến nơi an toàn, 14h chiều nay cấm chợ, 21h đêm nay (27.9) chính quyền cấm người dân ra đường ứng phó bão Noru.

Tránh bão số 4 Noru: Sơ tán dân ven biển, vùng núi trước 14h chiều nay

Thanh Hải |

Quảng Nam - Dù dự báo rạng sáng mai 28.9, bão số 4 Noru mới chính thức đổ bộ vào đất liền miền Trung, nhưng từ sáng sớm nay khắp nơi đã triển khai sơ tán, đưa dân đến nơi trú ẩn an toàn.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Bão số 4: 5 sân bay đã đóng cửa, 5 tỉnh miền Trung chịu thiên tai nguy hiểm

Nhóm PV |

Dự kiến từ chiều 27.9, bão số 4 (Noru) ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Theo dự báo của Trung tâm KTTV Quốc gia, khi bão số 4 đổ bộ, có 5 tỉnh ở miền Trung chịu rủi ro thiên tai cấp độ 4 - cấp độ rất nguy hiểm. 5 sân bay tại khu vực này cũng chính thức dừng khai thác.

Đêm nay, bão số 4 Noru vào đến vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi và mạnh thêm

MẠNH HOẠT |

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 4 Noru có khả năng mạnh thêm. Đến 22h ngày 27.9, vị trí tâm bão trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Thừa Thiên Huế: Cấm chợ từ 14h, không ra đường từ 21h để tránh bão Noru

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Ngay từ sớm, nhiều người dân ở vùng xung yếu trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã bắt đầu tập trung đến nơi an toàn, 14h chiều nay cấm chợ, 21h đêm nay (27.9) chính quyền cấm người dân ra đường ứng phó bão Noru.

Tránh bão số 4 Noru: Sơ tán dân ven biển, vùng núi trước 14h chiều nay

Thanh Hải |

Quảng Nam - Dù dự báo rạng sáng mai 28.9, bão số 4 Noru mới chính thức đổ bộ vào đất liền miền Trung, nhưng từ sáng sớm nay khắp nơi đã triển khai sơ tán, đưa dân đến nơi trú ẩn an toàn.