Bão số 4 Noru mạnh nhất 20 năm: Dân làng từng là tâm chấn động đất ở Kon Tum cất gạo dự trữ

Nhóm Phóng viên |

Dự báo, đến 22h ngày 27.9, vị trí tâm bão trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/h), giật trên cấp 17.

13h30: Kon Tum: Dân làng từng là tâm chấn động đất cất gạo dự trữ

Ảnh: Phan Tuấn
Ảnh: Phan Tuấn
Ảnh: Thanh Tuấn

Trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào đất liền, người dân miền núi Kon Tum ở vùng từng là tâm chấn các động đất tháng trước cùng nhau cất gạo dự trữ trong nhà rông, nhà kho ở thôn làng tránh bị hư hại.

Ngày 27.9, ông Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh ký quyết định số 3194/QĐ-BCH thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác ứng phó bão bão Noru tại 7 huyện. Thời gian kiểm tra từ ngày 27.9 đến hết ngày 29.9.

Các đoàn kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, đồi núi trên địa bàn các huyện. Kiểm tra các xã trọng điểm, các thôn, làng có khả năng ảnh hưởng bão, mưa lũ, có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng thiệt hại về người và tài sản của người dân để có phương án, kế hoạch di dời đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn để có giải pháp xử lý, khắc phục.

Tại huyện miền núi Kon Plông, người dân quanh vùng lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum như Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên…đã được vận động không được lên nương rẫy, di dời đến nơi cao ráo, tránh sạt lở, lũ quét.

Người dân miền núi đã đưa gạo, thóc cất trữ vào các kho của làng ở nhà rông, nhà dân kiên cố để lương thực không bị hư hại, ẩm mốc. Ông A Chiên – người dân xã Đăk Tăng – cho biết: “Nghe thông tin cơn bão lớn, dân làng ai cũng lo, đặc biệt là vùng tâm chấn động đất. Sợ sạt lở, mưa bão làm sập nhà”.

Hiện nay các hồ đập thuỷ điện đang xả lũ để đón lượng nước lớn đổ về sau mưa bão.

13h00: 5 sân bay đã đóng cửa, 5 tỉnh miền Trung chịu thiên tai nguy hiểm 


12h00: Đà Nẵng đẩy nhanh sơ tán dân - khoảng 70.000 người sẽ đến nơi trú ẩn trong đầu giờ chiều nay

 
 
 
Ảnh: TH

Việc đưa dân đi trú bảo, Đà Nẵng đã triển khai đồng thời nhiều phương án để bảo đảm an toàn tối đa tính mạng, sức khỏe nhân dân và đáp ứng điều kiện sinh hoạt tối thiểu, nhu cầu lương thực thực phẩm cho dân.

Trưa nay tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc. Đồng thời dừng họp tất cả các chợ trên địa bàn thành phố từ 12 giờ trưa 27.9.

Các Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở Công Thương, các quận, huyện và các doanh nghiệp được yêu cầu tự chủ động phương án sản xuất, kinh doanh để đừng ngưng trệ sản xuất, kinh doanh và cũng bảo đảm công tác phòng, chống lụt bão.

11h55: Hủy hàng trăm chuyến bay do đóng cửa 5 sân bay ở miền Trung - Tây Nguyên

 
Ảnh: TH

Trong đó hãng hàng không Vietnam Airlines thông báo hủy 106 chuyến bay đi đến tại 5 sân bay buộc phải đóng cửa là: Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Bình Định), Pleiku (Gia Lai), Chu Lai (Quảng Nam). Trong số này, nhiều nhất là các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng (70 chuyến), tiếp đó là Phú Bài (16 chuyến), Chu Lai (12 chuyến), Pleiku (4 chuyến) và Phù Cát (4 chuyến).

Hãng Bamboo Airways phải hủy khai thác 24 chuyến bay, đồng thời điều chỉnh kế hoạch khai thác 25 chuyến bay khác. 8 chuyến bay của Vietravel Airlines cũng bị hủy, nhiều chuyến khác của hãng này cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Ngoài ra, hàng chục chuyến bay của hãng VietJet cũng phải tạm dừng khai thác. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4 sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ).

Các hãng hàng không khuyến nghị hành khách có kế hoạch bay trong thời gian này cần theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết và thông tin từ hãng qua fanpage, website của hãng hoặc nhắn tin tới điện thoại, email mà khách hàng sử dụng khi đặt vé.

Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.

11h50: Bão số 4 Noru vào đến vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi đêm nay

Hồi 10h ngày 27.9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 111,7 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/h), giật trên cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 27.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 109,2 độ kinh đông, trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh trung Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 107,0 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 12. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 115,0 độ kinh đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/h).

11h45: Vẫn còn 16 tàu cá miền Trung vẫn còn trên vùng biển nguy hiểm trước bão Noru

 

Theo Ban chỉ huy tiền phương phòng chống bão Noru tại Đà Nẵng, thông qua hệ thống Giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản, hiện vẫn còn 16 tàu các hoạt động trên biển trong khu vực ảnh hưởng đường đi của bão số 4, cụ thể: Bình Định 3 chiếc, Hà Tĩnh 1 chiếc, Phú Yên 1 chiếc, Quảng Ngãi 11 chiếc

Có 14 tàu đang neo đậu tại đảo Lý Sơn.

Ngoài ra, các tàu cá tắt thiết bị VMS sẽ không quan sát được trên hệ thống giám sát hành trình VMS, vì vật chính quyền các tỉnh miền Trung được đề nghị rà soát, kiểm đếm.

11h42: Bình Định: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra tại Cảng cá Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn.

 

Chủ tỉnh yêu cầu 15h hôm nay phải hoàn thành việc di dời người dân đến nơi an toàn.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh: dự kiến di dời 14.104 hộ/48.592 nhân khẩu. Hiện đã di dời 89 hộ/383 (Quy Nhơn: 14 hộ/45 người Đống Đa, Thị Nại, Nhơn Hải; Phù Mỹ: 31 hộ/132 người xã Mỹ Thọ; Phù Cát: 44 hộ/206 người kv Núi Cấm, núi Gành).

11h40: Thừa Thiên Huế: Cấm chợ từ 14h, cấm đường hoàn toàn từ 21h ngày 27.9

Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, TT-Huế sáng nay 27.9. Ảnh: NgHa
Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, TT-Huế sáng nay 27.9. Ảnh: NgHa

Theo thống kê, tổng số hộ/khẩu cần sơ tán là 14.384 hộ/47.411 khẩu. Trong đó sơ tán tại chỗ 13.229 hộ/43.655 khẩu; sơ tán tập trung 751 hộ/2.140 khẩu.

Theo chỉ đạo, tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9h ngày 27.9 và hoàn thành trước 12h ngày 27.9. Tạm ngừng mua bán các chợ từ 14h ngày 27.9. Cấm đường hoàn toàn từ 21h ngày 27.9 đến khi có thông báo mới (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27 và 28.9 và hủy tổ chức hội nghị, sự kiện ngày 27-28.9.

11h35: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi được dự báo mưa cực lớn từ tối 27.9

Rà soát vùng có nguy cơ sạt lở núi ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: LP
Rà soát vùng có nguy cơ sạt lở núi ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: LP

Theo Ban chỉ huy tiền phương phòng chống bão Noru tại Đà Nẵng, từ tối và đêm nay, 27.9 ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng ngày mai.

Dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt: Tại Thừa Thiên Huế có 4/8 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 6/18 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 6/11 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình từ 0,3-0,6m.

Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

11h30: Đà Nẵng cấm lưu thông trên một số cầu, đường theo cấp bão

Đối với các cầu trên sông Hàn (Thuận Phước, sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng), cầu Phò Nam và tầng 3 cầu vượt ngã ba Huế: sẽ cấm lưu thông theo các cấp độ gió. Theo đó, khi gió đạt cấp 6 (tương ứng vận tốc từ 10,8 đến 13,8 m/s) thì sẽ có lực lượng chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi qua các cầu.

Khi gió đạt cấp 7 (tương ứng vận tốc từ 13,9 đến 17,1 m/s): cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để triển khai phương án cấm xe mô tô, xe máy.

Khi gió đạt cấp 10 (tương ứng vận tốc từ 24,5 đến 28,4 m/s): tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu.

Ảnh: Thanh Hải
Ảnh: Thanh Hải

Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn: Khi có sự cố ngập nước, cần thiết phải cấm các phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn. Do đó, Công an thành phố, UBND các quận huyện chỉ đạo Công an các quận Hải Châu, Thanh Khê quan tâm hỗ trợ bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn đảm bảo giao thông. 

Một số đoạn, tuyến đường: Các tuyến đường ven biển như Hoàng Sa - Trường Sa – Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành và các đoạn tuyến gần các khu vực nhà cao tầng như Trung tâm hành chính thành phố - đường Trần Phú, khách sạn Novotel - đường Bạch Đằng, chung cư Hoàng Anh Gia Lai đường Hàm Nghi, chung cư Azura đường Trần Hưng Đạo, tòa nhà Indochina đường Bạch Đằng,… trong thời gian gió lớn sẽ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Do đó, UBND các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu chủ động theo dõi tình hình, chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương phối hợp các lực lượng Công an cảnh báo người dân, hướng dẫn, điều tiết các phương tiện lưu thông theo các tuyến đường khác để đảm bảo an toàn.

11h20: Quảng Bình: Còn 4 phương tiện/23 lao động đang hoạt động trên biển

11h trưa 27.9, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện còn 4 phương tiện/23 lao động người Quảng Bình đang hoạt động trên biển.

Cụ thể: vùng biển ven bờ 2 phương tiện/14 lao động; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau 1 phương tiện/5 lao động; vùng biển Nam Biển Đông 1 phương tiện/4 lao động. Các phương tiện đã nắm bắt được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Liên quan đến ngư dân Đặng Văn Nhân (SN 1972, ở ở Trung Đức, xã Đức Trạch) bị rơi xuống biển vào sáng ngày 26.9 khi đang vào bờ trú tránh bão, do biển sóng to nên lực lượng biên phòng Nhật Lệ với chi cục Thủy sản và gia đình không thể tiếp tục tổ chức tìm kiếm trên biển nên lực lượng liên ngành kết thúc việc tìm kiếm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức tuần tra dọc bờ biển để hỗ trợ tìm kiếm.

Theo thống kê, hiện diện tích rau màu các loại chưa thu hoạch trên toàn tỉnh là 4.134 ha; về thủy sản, tổng diện tích hiện đang thả nuôi 2.479,5 ha và 743 lồng. Để ứng phó với bão Noru, UBND tỉnh Quảng Bình trong 2 ngày 26.9 và 27.9 đã tổ chức 4 đoàn tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương.

11h10: 6 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tập trung giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn

Cán bộ xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi giúp người già sơ tán đến nơi trú bão.
Cán bộ xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi giúp người già sơ tán đến nơi trú bão.
 

11h00: TPHCM lên phương án ứng phó với bão Noru và triều cường

Thông tin từ Đài Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Khu vực Nam bộ, trong 24h qua, khu vực TPHCM có mưa, mưa rào, rải rác mưa vừa và dông. Lượng mưa tính từ 7h ngày 26.9 đến 07h ngày 27.9 tại Lê Minh Xuân 31.6mm, Củ Chi 20.4mm, An Phú 16.4mm, Hóc Môn 15.6mm.

Trong ngày và đêm nay (27.9), khu vực TPHCM tiếp tục có mưa diện rộng, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 20-40mm/24h, có nơi trên 50mm/24h. Đợt mưa diện rộng này có khả năng còn duy trì trong 2 ngày tới sau đó suy giảm.

Trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai xuống chậm và ở mức cao. Đến 7h ngày 27.9, mực nước cao nhất tại trạm Phú An - sông Sài Gòn cao hơn báo động II 0,04m, trạm Thủ Dầu Một - sông Sài Gòn xấp xỉ báo động III...  Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện từ ngày 27-28.9 (tức vào ngày 2-3.9 âm lịch).

Thực hiện việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4 năm 2022 (bão Noru), đồng thời chủ động ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 9.2022, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Cụ thể, đối với bão số 4, đơn vị đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật, cây xanh ngã đổ trên địa bàn Thành phố.

UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải thành phố thường xuyên thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 4 để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng; đảm bảo giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, xử lý kịp thời các sự cố.

Đối với đợt triều cường cuối tháng 9.2022, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM đề nghị các sở, ngành, đơn vị thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẵn sàng triển khai thực hiện phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị UBND quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.

Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, phối hợp với UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm. Phối hợp với Công an thành phố bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra.

Các tuyến đường ngập do triều cường và mưa lớn do hoàn lưu của bão gây ra, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng...) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng...

10h50: Bộ Chỉ huy Quân sự Kiên Giang trực sẵn sàng chiến đấu trước ảnh hưởng bão

Bộ CHQS tỉnh chủ động triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” trước ảnh hưởng bão. Ảnh: PV
Bộ CHQS tỉnh chủ động triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” trước ảnh hưởng bão. Ảnh: PV

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang đã có công điện yêu cầu các đơn vị phải duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, đảm bảo thông tin liên lạc, duy trì quân số trực tại đơn vị; chủ động theo dõi nắm chắc tình hình; xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án và các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Cùng với đó, các đơn vị cần chủ động củng cố, chằng chống, di dời... đảm bảo an toàn hệ thống doanh trại, kho tàng, các công trình xây dựng trong đơn vị và chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm sẵn sàng cơ động giúp đỡ nhân dân ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão gây ra; phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt có thể xảy ra.

Riêng các cơ quan, đơn vị đóng quân tại các địa phương thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở và các cơ quan, đơn vị đóng quân ở các điểm cao, vách núi phải kiểm tra chặt chẽ an toàn doanh trại, chủ động các phương án để sẵn sàng ứng phó với bão.

10h30: Quảng Nam: Đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão

Từ sáng nay (27.9), tỉnh Quảng Nam đã thực hiện lệnh cấm biển, các tàu từ đất liền ra đảo Cù Lao Chàm dừng hoạt động hoàn toàn. Tại đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn đã cơ bản hoàn thành.

Tiểu đoàn 70, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đứng chân trên địa bàn đảo Cù Lao Chàm phối hợp với chính quyền địa phương cùng người dân trên đảo đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, giữ vững thông tin liên lạc, kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Ảnh: Thanh Hải
Ảnh: Thanh Hải
Ảnh: Thanh Hải

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, trước 15h chiều nay (27.9), đơn vị phối hợp với địa phương sơ tán 100% hộ dân ven biển, hộ dân sống trong nhà ở không kiên cố đến vị trí an toàn.

Từ hôm qua, thành phố Hội An tiếp tục triển khai công tác gia cố phòng, chằng chống các công trình kiến trúc cổ, như Chùa Cầu và các hội quán.

Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, thành phố có 45 di tích đã xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đối với 10 di tích là những ngôi nhà cổ không thể hạ giải, thành phố đã có kế hoạch di dời người sống trong các ngôi nhà này đến nơi an toàn khi bão đổ bộ.

10h15: Kon Tum: Người dân ở huyện Kon Rẫy chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào

Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào. Ảnh: Thanh Tuấn
Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào. Ảnh: Thanh Tuấn
Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào. Ảnh: Thanh Tuấn
Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào. Ảnh: Thanh Tuấn
Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào. Ảnh: Thanh Tuấn
Người dân ở huyện Kon Rẫy, Kon Tum chuẩn bị di dời đồ đạc trước khi bão vào. Ảnh: Thanh Tuấn

10h12: Huế: Tạm dừng khai thác tại sân bay Phú Bài từ 12h ngày 27.9

Sáng 27.9, đại diện lãnh đạo Cảng HKQT Phú Bài (sân bay Phú Bài) thông tin, để đảm bảo an toàn hoạt động bay và hạn chế tối đa tác động đến khai thác, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tạm dừng khai thác tại sân bay Phú Bài từ 12h ngày 27.9 đến đến 11h59 phút ngày 28.9.2022.

Theo đó, thời gian này sân bay Phú Bài sẽ đóng cửa, tạm dừng khai thác hoạt động. Trong ngày 27.9, theo kế hoạch sân bay Phú Bài có 26 chuyến đi và đến đón hơn 5.000 hành khách phải tạm hủy.

Những chuyến bay cuối cùng trước khi sân bay Phú Bài tạm đóng cửa phòng, chống bão Noru. Ảnh: Phúc Đạt
Những chuyến bay cuối cùng trước khi sân bay Phú Bài tạm đóng cửa phòng, chống bão Noru. Ảnh: Phúc Đạt

Số vé hành khách đã đăng ký mua đi trong những chuyến bay này sẽ được Cảng phối hợp với các hãng bay hoàn trả, hoặc hỗ trợ đi chuyến bay gần nhất, hợp lý sau khi bão tan. Bên cạnh tạm dừng khai thác các chuyến, sân bay Phú Bài đã có kế hoạch phòng chống bão Noru với phương châm 4 tại chỗ, như rà soát, thống kê các trang thiết bị giằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng; đảm bảo công tác bay an toàn trong tình huống đột xuất và có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng... nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

Đối với công trình xây nhà ga T2 đang dần hoàn thiện được Ban quản lý dự án này phân công trách nhiệm từng đơn vị, bộ phận nhà thầu ứng trực 24/24 an toàn để phòng ngừa thiệt hại, hư hỏng đến mức thấp nhất.

10h10: Kon Tum có thể xuất hiện lũ lớn, biên độ từ 3 đến 5 mét

Lo ngại hoàn lưu sau bão gây mưa lớn dẫn đến sạt lở, lũ quét, lũ ống, tỉnh Kon Tum yêu cầu các chủ thuỷ điện có phương án ứng phó khẩn cấp với bão Noru.

Thầy cô giáo ở huyện Kon Rẫy dọn dẹp đồ đạc chống bão. Ảnh T.T
Thầy cô giáo ở huyện Kon Rẫy dọn dẹp đồ đạc chống bão. Ảnh T.T

Theo đó, các huyện miền núi, có nguy cơ sạt lở cao như: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, lượng mưa có khả năng đạt từ 250 - 350 mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt; gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Từ ngày 27 – 30.9, trên các sông ở tỉnh Kon Tum có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ lớn, với biên độ lũ đạt từ 3  đến 5 mét, mực nước lớn nhất đạt trên mức báo động cấp 3 từ 0,3 – 1,5m. Đỉnh lũ lớn nhất có khả năng xuất hiện trong đêm 28, ngày 29.9.2022.

Nước lũ có nguy cơ gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà và TP.Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió bão: Cấp 3, do mưa lớn: Cấp 2; do lũ, ngập lụt: Cấp 2.

Người dân chằng chéo mái nhà chống bão. Ảnh T.T
Người dân chằng chéo mái nhà chống bão. Ảnh T.T

Các công ty thủy điện như: Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân (thủy điện Đăk Re), Công ty Thủy điện Sông Đà 3 (thủy điện Đăk Lô), Công ty Cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (thủy điện Đăk Pô Ne)…triển khai ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Tại huyện miền núi Kon Plông, ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện – cho biết: “Sáng nay 27.9 huyện chia thành các nhóm vào tận thôn làng, nếu khu vực dân cư nào nguy cơ cao sạt lở thì di dời dân, chằng chéo mái nhà, cảnh báo mưa bão cho người dân được biết”. 

Đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. 

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cũng cho tất cả học sinh trên địa bàn được nghỉ học từ ngày 27.9 cho đến khi có thông báo mới để ứng phó bão số 4 và nguy cơ mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú chủ động báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với cha mẹ học sinh có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường trong trường hợp nghỉ học tại chỗ.

10h05: Bình Định còn 216 tàu, 1.610 người trong vùng nguy hiểm

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, đến 4h sáng 27.9 vẫn còn 216 tàu/1.610 người nằm trong vùng nguy hiểm của bão Noru.

Cụ thể, 4 tàu/30 người nằm trong vùng di chuyển của bão, 212 tàu/1.580 người cá nằm phía dưới (phía nam) vùng di chuyển của bão. Các tàu cá đã nhận thông tin về diễn biến của cơn bão số 4 và hiện đang di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.Toàn tỉnh toàn tỉnh có 13 khu vực nguy cơ sạt lở đất cao. Địa phương đã lên kế hoạch sơ tán 827 hộ/3.274 người. Các địa phương cũng đang tiến hành sơ tán dân vùng ven biển do nước biển dâng là 7.255 hộ/25.695 người, sơ tán do bão 18.995 hộ/ 65.404 người.

Để ứng phó với bão số 4, Bình Định sẽ huy động 42.249 người. Trong đó Quân đội 1.042 chiến sĩ, Biên phòng 279 chiến sĩ, Công an 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.805 người.

Có 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dùng phòng chống thiên tai. Và huy động thêm 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các công ty trong tỉnh dự trữ 2.191.600 gói mì ăn liền, 1.500 kg lương khô, 144.690 chai nước uống, 274.000 nghìn viên Cloramin B, 1.350 kg bột Cloramin B.

10h03: Đắk Lắk: Chạy đua thu hoạch nông, thủy sản do thủy điện xả tràn trước bão số 4

Ngày 27.9, đại diện Công ty thủy điện Buôn Kuốp thông tin, do ảnh hưởng rìa phía Nam dải hội tụ nhiệt đới có  trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 4 (Noru)... nên dự kiến 2 ngày tới lưu vực các hồ chứa có mưa vừa đến mưa to nên đơn vị đang tính toán việc vận hành điều tiết các hồ chứa.

Cụ thể, hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 sẽ tiếp tục điều tiết xả tràn với tổng lưu lượng xả về hạ du tương đương với lưu lượng đến hồ.

Hồ Buôn Tua Srah dự kiến sẽ có mực nước đạt mức cao nhất trước lũ trong vòng 4 đến 5 ngày tới và hồ sẽ phải tiến hành điều tiết xả tràn để đảm bảo mực nước theo quy định.

Một góc Thuỷ điện Buôn Kuốp. Ảnh: M.T
Một góc Thuỷ điện Buôn Kuốp. Ảnh: M.T

Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập... các hồ chứa, phía Công ty Thuỷ điện Buôn Kuốp đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp Chỉ đạo phổ biến cho nhân dân vùng hạ du các hồ chứa biết và chủ động phòng tránh kết hợp thu hoạch nông, thủy sản và không để các nông cụ ở vùng trũng, thấp và vùng thoát lũ dọc sông.

Mưa lũ gây ngập nặng, chia cắt giao thông huyện vùng biên Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: B.T
Mưa lũ gây ngập nặng, chia cắt giao thông huyện vùng biên Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: B.T

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Cơ quan chức năng kiểm tra, có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn. Các địa phương theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ, chủ động điều tiết hạ thấp cao trình đón lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi.

Sở Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện, dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm theo phương án đã phê duyệt.

Đơn vị chỉ đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và các chủ quản lý hồ chứa thủy điện vận hành hồ đập thủy điện đảm bảo an toàn, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để thông tin kịp thời đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương trong tỉnh chủ động sẵn sàng để khắc phục nhanh các sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt khi có tình huống xảy ra.

10h00: Hơn 27.000 hộ dân Bình Định phải di dời trước 13h chiều nay

Sáng 27.9, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tất cả các lực lượng tập trung nhân lực vật lực để ứng phó với bão số 4 đang tới.

"Các lực lượng thực hiện sát việc di dời dân, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại nhất là về người. Tập trung khu vực ven biển huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ... Yêu cầu 159 xã phường trên địa bàn trực 24/24, chủ động ứng phó với bão, đảm bảo nơi ăn ở cho bà con sơ tán..."- ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đến thời điểm này tỉnh Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển đối với tàu cá và người dân; cho học sinh nghỉ học bắt đầu từ ngày 27.9, thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương cấp tỉnh đặt tại thị xã Hoài Nhơn.

Người dân ven biển Bình Định di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn tránh bão Noru. Ảnh: H.Luân
Người dân ven biển Bình Định di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn tránh bão Noru. Ảnh: H.Luân

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai- Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, đến 4h sáng 27.9 vẫn còn 216 tàu/1.610 người nằm trong vùng nguy hiểm của bão Noru.

Cụ thể, 4 tàu/30 người nằm trong vùng di chuyển của bão, 212 tàu/1.580 người cá nằm phía dưới (phía nam) vùng di chuyển của bão. Các tàu cá đã nhận thông tin về diễn biến của cơn bão số 4 và hiện đang di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

3 khu neo đậu tàu cá gồm: Cảng Tam Quan đã tiếp nhận 1.538 tàu; cảng Đề Gi tiếp nhận 220 tàu; cảng Quy Nhơn tiếp nhận 350 tàu. Toàn bộ các tàu hàng đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn đã di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) từ chiều ngày 26.9. Còn lại tàu lai dắt và tàu cứu hộ ở lại cảng Quy Nhơn.

Người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị sơ tán trước khi bão đổ bộ. Ảnh: H.Luân
Người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị sơ tán trước khi bão đổ bộ. Ảnh: H.Luân

Về khách du lịch hiện còn 1.033 khách du lịch đang lưu trú ở Quy Nhơn. Các du khách đã nhận đầy đủ thông tin về bão số 4.

Toàn tỉnh toàn tỉnh có 13 khu vực nguy cơ sạt lở đất cao. Địa phương đã lên kế hoạch sơ tán 827 hộ/3.274 người. Các địa phương cũng đang tiến hành sơ tán dân vùng ven biển do nước biển dâng là 7.255 hộ/25.695 người, sơ tán do bão 18.995 hộ/ 65.404 người.

Để ứng phó với bão số 4, Bình Định sẽ huy động 42.249 người. Trong đó Quân đội 1.042 chiến sĩ, Biên phòng 279 chiến sĩ, Công an 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.805 người.

Có 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dùng phòng chống thiên tai. Và huy động thêm 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các công ty trong tỉnh dự trữ 2.191.600 gói mì ăn liền, 1.500 kg lương khô, 144.690 chai nước uống, 274.000 nghìn viên Cloramin B, 1.350 kg bột Cloramin B.

9h55: Đà Nẵng: Bếp ga mini hết sạch hàng; Nhà máy nước yêu cầu dân dự trữ nước

Với cấp bão mạnh, nhiều người dân dự đoán nếu bão số 4 – bão Noru đổ bộ sẽ gây mất điện diện rộng. Chính vì vậy các vật dụng như quạt, đèn sạc điện hay bình ga mini đang bị cháy hàng ở một vài nơi. Và dân càng lo lắng hơn, khi Công ty cấp nước Đà Nẵng có thông báo yêu cầu dân dự trữ, tiết kiệm nước, phòng khi hệ thống cấp nước thành phố dừng vận hành, do bị cúp điện.

Tại một cửa hàng đồ điện trên đường Nguyễn Phan Vinh, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, nhiều người dân tìm mua quạt sạc điện nhưng không có hàng. Chị Thanh Hoa, chủ cửa hàng cho biết: “Mặt hàng này thường bán chạy vào mùa hè hay lúc có bão, nhất là nhà có trẻ nhỏ cần dùng quạt và đèn sáng. Tuy nhiên mấy ngày nay hàng đã bị cháy. Chúng tôi liên lạc qua kho hàng thì chỉ còn loại mắc tiền, hơn 1 triệu đồng/cái thì người dân khó mua hơn”.

Nhiều mặt hàng chuẩn bị đón bão Noru bị cháy hàng. Ảnh: TT
Nhiều mặt hàng chuẩn bị đón bão Noru bị cháy hàng. Ảnh: TT

Không có quạt sạc điện kèm đèn pin, anh Phạm Bình, người dân quận Sơn Trà phải chuyển qua mua đèn pin sạc điện với mức giá 60.000 đồng/cái. Mặt hàng này đang được nhiều người dân mua dùng vì có thể sạc điện và chiếu sáng như một đèn hoặc dùng như đèn pin.

Một mặt khác cũng đang bị cháy hàng là bình ga mini. Ông Nguyễn Lan, một chủ cửa hàng ga trên đường Lê Tấn Trung, quận Sơn Trà cho biết: “Lâu nay người dân dần chuyển qua dùng bếp từ, bếp điện nên khi cần dùng cho mùa bão thì họ chọn mua bếp ga mini để dùng tạm. Tuy nhiên 2 ngày nay bình ga mini đã cháy hàng. Tôi gọi bên đại lý họ cũng không còn hàng cung cấp nữa”.

Phải đến 3 cửa hàng, bà Trương Thị Phượng mới mua được bếp ga mini. “Đây là cái bếp cuối cùng của cửa hàng rồi mà khi hỏi mua bình ga mini thì họ báo không có. Tôi hỏi qua nhiều cửa hàng ga ở gần nhà thì họ cũng cháy hàng. Lâu nay nhà dùng bếp điện, nghĩ bão có thể mất điện nên mua bếp ga mini dùng mà nay không có bình ga thì cũng chịu. chắc tôi lại phải mua bếp cồn để dự phòng” – bà Phượng nói.

Tại quận Liên Chiểu, mặt hàng túi đựng cát, túi đựng nước và dây cáp chằng nhà cũng được nhiều người dân tìm mua. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng cũng trong tình trạng cháy hàng.

Túi đựng cát chằng nhà cháy hàng ở nhiều nơi. Ảnh: TT
Túi đựng cát chằng nhà cháy hàng ở nhiều nơi. Ảnh: TT

Trong sáng 27.9, người dân Đà Nẵng tập trung mua nhu yếu phẩm để tích trữ. Một số người rút tiền mặt để phòng khi cần.

9h50: Quảng Ngãi gấp rút sơ tán 85.000 người dân đến nơi an toàn

 
 
Ảnh: Ngọc Viên
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi dùng xe ô tô, đưa đón người đân đi tránh bão Noru. Ảnh: Ngọc Viên
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi dùng xe ô tô, đưa đón người đân đi tránh bão Noru. Ảnh: Ngọc Viên
Để hoàn thành kế hoạch sơ tán dân trước 10h ngày 27.9, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đến tận nhà dân, vận động người dân đi trú bão.
Để hoàn thành kế hoạch sơ tán dân trước 10h ngày 27.9, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đến tận nhà dân, vận động người dân đi trú bão.
Để hoàn thành kế hoạch sơ tán dân trước 10h ngày 27.9, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đến tận nhà dân, vận động người dân đi trú bão.

9h45: Đà Nẵng cấm toàn dân ra khỏi nhà từ 20h tối 27.9

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa ra thông báo khẩn, ngắn gọn, chỉ đạo thông báo lệnh cấm toàn dân không được ra khỏi nhà, nơi trú bão Noru kể từ 20 giờ tối 27.9.

Thông báo của chính quyền Đà Nẵng còn chỉ đạo, tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào ở lại trên tàu thuyền, lồng bè trên sông, biển. Tổ chức sơ tán dân triệt để theo kịch bản, và hoàn thành 14 giờ 27.9.

Trước đó, Đà Nẵng cũng có thông báo, để chủ động ứng phó với bão số 4 - Noru, thành phố sẽ cho công chức, viên chức, công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố nghỉ làm việc, dừng họp và các hoạt động tại các chợ bắt đầu từ 12 giờ 00 phút ngày 27.9.

Hiện nay, UBND các quận, huyện tại thành phố này đã lập kế hoạch ứng phó với bão số 4 sẽ tiến hành sơ tán  hơn 80 ngàn người, trong đó sơ tán tập trung hơn 25 ngàn người.

Thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm về công tác thông tin, thông báo tình hình bão đến mọi người biết và chủ động phòng chống bão. Các xã, thôn đã dùng loa đưa tin đến tận người dân. Đà Nẵng cơ bản hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường chính.

Các quận, huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã tiến hành nạo vét hệ thống cống rãnh, tập trung tại các khu vực xung yếu về thoát nước, có nguy cơ xảy ra ngập úng tại khu vực đô thị. Các quận, huyện đang phối hợp với các lực lượng vũ trang hỗ trợ công tác ứng phó, chằng chống, gia cố nhà cửa, sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân trong thiên tai.

9h40: Quảng Nam: Sơ tán trên 45.000 hộ dân

Sáng 27.9, tỉnh Quảng Nam đã huy động hơn 25.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, bộ đội, dân quân và thanh niên xung kích để sơ tán hơn 45.000 hộ dân vùng xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn.

Dân quân và thanh niên xung kích đã được huy động tăng cường cho các xã vùng xung yếu như: Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình; Phước Sơn, Nam Trà My… để cùng với chính quyền thực hiện sơ tán dân đến các trường học, trụ sở làm việc – nơi có cơ sở hạ tầng kiên cố.

Riêng thành phố Hội An, nhiều doanh nghiệp lưu trú cũng đã bố trí phòng để đón nhân dân đến trú bão miễn phí. Đến sáng 27.9, Quảng Nam còn 3 tàu với 28 lao động từ khu vực đảo Hoàng Sa di chuyển xuống phía Nam, hiện lực lượng BĐBP Quảng Nam liên tục liên lạc với các tàu và hướng dẫn thoát khỏi vùng nguy hiểm để tránh, trú an toàn. Các hồ thủy điện trên địa bàn Quảng Nam cũng đang ở mực nước thấp, khả năng đón lũ với dung lượng khoảng hơn 900 triệu khối nước, đáp ứng nhận nước sau hoàn lưu của bão.

9h35: Bão Noru duy trì sức gió giật trên cấp 17, gây mưa lớn ở Quảng Trị đến Quảng Ngãi

Hồi 7h ngày 27.9, vị trí tâm bão số 4 Noru trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/h), giật trên cấp 17. Dự báo trong 12 giờ tới cường độ bão mạnh hơn và sức gió mạnh nhất duy trì giật trên cấp 17. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 19h ngày 27.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 170km về phía Đông Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/h), giật trên cấp 17.

 
Hồi 7h ngày 27.9, vị trí tâm bão số 4 Noru trên vùng biển phía nam quần đảo Hoàng.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh trung Trung Bộ. Đến 7 giờ ngày 28.9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (118-149 km/h), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 115,0 độ kinh đông. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/h).

9h33: Bão Noru khiến hàng trăm chuyến bay phải huỷ

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 (bão Noru), các hãng hàng không đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay có điểm đến/đi tại các sân bay miền Trung. Cùng đó, 5 sân bay tại khu vực này buộc phải đóng cửa.

Đến sáng 27.9, Cảng vụ Hàng không Miền Trung đã chính thức thông báo đóng cửa các sân bay chịu ảnh hưởng của bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và các chuyến bay.

Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h00 sáng 27.9 đến 6h59 ngày 28.9.

Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h00 ngày 27.9 đến 11h59 ngày 28.9.2022. Các chuyến bay đến và đi các sân bay trên trong thời gian ảnh hưởng của bão vì thế sẽ tạm ngừng.

Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.

Cùng với đó, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ phải huỷ 106 chuyến bay đi đến 5 sân bay trên. Trong đó, các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng (70 chuyến). Kế đó là Phú Bài (16 chuyến), Chu Lai (12 chuyến), Pleiku (4 chuyến) và Phù Cát (4 chuyến).

Đại diện Bamboo Airways cho biết do ảnh hưởng của bão số 4 hãng đã buộc phải hủy khai thác 24 chuyến bay đồng thời điều chỉnh kế hoạch khai thác 25 chuyến bay khác.

8 chuyến bay của Vietravel Airlines cũng bị huỷ, nhiều chuyến khác của hãng này cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trước yếu tố thời tiết bất khả kháng. Rất mong nhận được sự thông cảm của các hành khách có lịch trình bị ảnh hưởng bởi bão Noru.

Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cơn bão Noru sẽ được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu (nếu còn chỗ).

Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru), từ trưa nay (27.9) sẽ có mưa to đến rất to cùng gió giật mạnh tại khu vực miền Trung. Với gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14, đây có thể là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây.

9h10: Bão Noru mạnh nhất trong vòng 20 năm, ảnh hưởng có thể cao hơn bão Xangsane 

Theo dự báo của Việt Nam, bão số 4 có thể mạnh thêm trong 12h tới, cấp 14-15, giật cấp 17. Khi đổ bộ gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Bắc Tây Nguyên từ khoảng tối hôm nay (27.9).

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam.

Ông Trần Hồng Thái thông tin, nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất lúc này là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 13-14, có khả năng đạt cấp 15, gió giật cấp 17, sóng cao 8-10m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn.

Khoảng đêm nay đến sáng 28.9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 12-13, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng tổng cộng 3-4m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.

Về gió mạnh, mưa, lũ trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 là rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp; trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.

Từ tối và đêm nay, ở đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ đêm nay đến sáng ngày mai.

Dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Bắc Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt.

Tại Thừa Thiên Huế có 4/8 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 6/18 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 6/11 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình từ 0,3-0,6m.

Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Ông Thái cho biết, Bộ TNMT đã xây dựng và vận hành các hệ thống giám sát vận hành 11 quy trình liên hồ chứa và hệ thống giám sát tài nguyên nước. Trong đó với hơn 130 hồ chứa, đập dâng quan trọng trong 11 quy trình được cập nhật hàng giờ và khoảng trên 450 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ đã kết nối và truyền dữ liệu tự động, liên tục tối thiểu 15 phút/lần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Bão Xangsane tháng 9.2006

Bão Xangsane tiến vào Biển Đông những ngày cuối tháng 9.2006 với sức càn quét kinh hoàng. Thời điểm đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Nam, bão có sức mạnh cấp 13, giật cấp 14. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, riêng Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, lượng mưa trong 5 ngày đạt 300-400mm.

Bão Xangsane gây thiệt hại nặng nề với 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.

9h00: Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố, đón tàu cá tránh trú bão

Hải đoàn 129 Hải quân cho biết, Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn thuộc Hải đoàn 129 Hải quân đã khắc phục thành công sự cố trục bánh lái cho 1 tàu cá. Đồng thời, các Trung tâm thuộc Hải đoàn cũng làm tốt công tác chuẩn bị đón ngư dân vào tránh trú bão số 4.

Trước đó, tối ngày 25.9, khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa, tàu cá QNg-96279.TS của tỉnh Quảng Ngãi do ông Dương Văn Đạt làm Thuyền trưởng gặp sự cố bánh lái, khả năng cơ động hạn chế. Vì vậy, thuyền trưởng tàu cá QNg96279TS đã liên lạc Trung tâm Dịch vụ hậu cần – kỹ thuật đảo Sinh Tồn nhờ giúp đỡ. Đồng thời, cơ động về cảng âu tàu của Trung tâm.

Khoảng 8h30 ngày 26.9, tàu cá QNg-96279.TS đã cập cảng Âu tàu Sinh Tồn an toàn. Tổ kỹ thuật của Trung tâm đã kiểm tra, phát hiện cong trục bánh lái và tháo đưa về xưởng để sửa chữa, cắt nắn và hàn gia công lại.

Sau gần 10h tích cực, khẩn trương sửa chữa; sự cố bánh trục bánh lái của tàu cá QNg-96279.TS được nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn khắc phục thành công; lắp đặt, thử tải hoạt động bình thường.

Hỗ trợ các tàu cá, ngư dân vào tránh trú bão trong đêm 26.9. Ảnh: HĐ129
Hỗ trợ các tàu cá, ngư dân vào tránh trú bão trong đêm 26.9. Ảnh: HĐ129

Bên cạnh việc hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố trên biển, các Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật và làng chài ở các đảo (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) do Hải đoàn 129 quản lý cùng với quân, dân trên đảo cũng đang khẩn trương tổ chức phòng chống bão số 4 và chuẩn bị tốt các mặt, sẵn sàng đón ngư dân vào tránh trú bão.

Đã có hàng chục tàu cá và gần 1.000 ngư dân được hỗ trợ, hướng dẫn vào neo đậu tránh trú bão. Theo ước tính, đến khoảng 18h ngày 26.9, Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn đã bố trí nơi neo đậu cho 11 tàu cá cùng 426 ngư dân thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam,…; Phân đội làng chài đảo Tốc Tan và đảo Núi Le đã hướng dẫn cho 25 lượt tàu cá thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Tiền Giang vào lòng hồ đảo neo đậu an toàn...

8h00: Tàu, phà đi Phú Quốc và các đảo tạm ngưng hoạt động

Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang, toàn bộ các phương tiện vận tải hành khách từ đất liền ra các đảo và ngược lại đều phải tạm dừng hoạt động do thời tiết xấu. Thời gian tạm dừng từ 6 giờ ngày 27.9 cho đến khi thời tiết bình thường trở lại.

Theo các đại lý vé tàu cho biết đại lý đã nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động của công ty vận tải hành khách và thông báo đến hành khách để hoàn tiền hoặc chuyển vé sang ngày khác chờ thời tiết ổn định.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, khu vực tỉnh Kiên Giang chịu ảnh hưởng chính bởi trường gió Tây Nam có xu hướng mạnh dần và đạt cường độ mạnh trong các ngày 28 - 29.9. Ngoài ra, khu vực còn chịu ảnh hưởng bởi rìa phía Nam của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung trung bộ nối với cơn bão Noru.

Thời tiết Kiên Giang ngày 27.9 có mưa rào rải rác và có nơi có dông, gió Tây đến Tây nam cấp 4. Vùng biển Kiên Giang sáng và trưa 27.9 có mưa rào rải rác và dông, gió Tây đến Tây nam cấp 4-5, biển động nhẹ. Từ chiều tối 27-29.9, có mưa mưa rào trên các vùng biển, mưa lớn tập trung trên các vùng biển Phú Quốc, Nam Du, Hà Tiên. Gió Tây đến Tây nam cấp 5, giật cấp 6-7, biển động.

Trước đó, chiều 26.9, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã phát đi công văn hỏa tốc gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thành phố chủ động ứng phó với bão số 4.

7h00: Huyện đảo Trường Sa chủ động trước bão Noru 

Trước diễn biến của bão Noru, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công điện tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Nhiều cuộc họp, hoạt động quy mô lớn trên địa bàn đã tạm dừng để ứng phó với bão.

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn  tỉnh cũng đã ban hành công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng trước 16h ngày 26.9, phối hợp với các địa phương không để tàu khai thác, đánh bắt hải sản ra khơi; thực hiện cấm biển (trừ các phương tiện thực hiện cứu hộ, cứu nạn) trước 14h ngày 27.9 cho đến khi có thông báo mới.

Đến nay đã có 2.839 phương tiện tàu thuyền neo đậu tại bờ, không còn phương tiện ở khu vực nguy hiểm. Số lao động tại các lồng bè được yêu cầu vào bờ trú ẩn trước 14h ngày 27.9.

 
Quân dân huyện đảo Trường Sa cắt tỉa cây xanh phòng, chống bão Noru. Ảnh: N.Ninh

​Tại huyện đảo Trường Sa, các lực lượng cũng đang tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống bão với phương châm “4 tại chỗ”.

Trong đó, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã khẩn trương cắt tỉa cành cây, chằng buộc mái nhà, kho tàng, hệ thống pin, đèn năng lượng sạch; triển khai các phương án phòng, chống ngập úng, triều cường, di dời nhân dân và các lực lượng về các khu vực nhà kiên cố, tổ chức luyện tập phương án cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển.

​Đến 17h ngày 26.9, quân dân các đảo Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa đã hướng dẫn cho 47 tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với hơn 1.000 ngư dân vào âu tàu tránh trú bão an toàn.

Tàu cá của ngư dân vào tránh trú bão trong âu tàu ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: N.Ninh
Tàu cá của ngư dân vào tránh trú bão trong âu tàu ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: N.Ninh

Đồng thời, các đảo thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về diễn biến của bão, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị y tế sẵn sàng đón ngư dân lên đảo khi có thời tiết xấu.

Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Hàng loạt tỉnh thành cho học sinh nghỉ học tránh bão Noru

Tường Vân |

Bão Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua từng gây thiệt hại nặng ở Trung Bộ. Để ứng phó với siêu bão, nhiều tỉnh thành chủ động cho học sinh nghỉ học để phòng tránh.

Cảnh báo mưa lớn kèm dông lốc do ảnh hưởng bão Noru

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - Trong mưa dông có khả năng xảy ra dông lốc, sét, gió giật mạnh, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại đô thị, các vùng trũng thấp.

Các tỉnh lên phương án sơ tán 868.230 dân để ứng phó với siêu bão Noru

Vân Trang |

Siêu bão Noru di chuyển rất nhanh và có xu hướng mạnh lên. Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người

Viện Pasteur TPHCM ra công văn khẩn về giám sát viêm phổi nặng do virus

Thanh Chân |

Ngày 24.2, Viện Pasteur TPHCM có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phía nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus sau khi Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1).

Nếu Quang Hải, Công Phượng trở lại V.League...

PHẠM ĐÌNH |

Những cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng có nên tính chuyện trở lại V.League khi ít được thi đấu ở nước ngoài?

Khởi tố 2 giám đốc Trung tâm Đăng kiểm ở Hưng Yên

HỮU CHÁNH |

Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố, bắt tạm giam 2 giám đốc và 5 đồng phạm để điều tra về hành vi "Giả mạo trong công tác và Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-02S và 89-05D.

Những điều thú vị khi khám phá tiểu vương quốc Brunei

Minh Anh |

Đất nước Brunei nhỏ bé, yên bình với nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng là điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng dành cho du khách muốn trốn chạy khỏi sự náo nhiệt, xô bồ của thành phố

Người lao động cả tin chuyển hơn 100 triệu đồng nhờ rút tiền bảo hiểm xã hội

ANH THƯ |

Tin vào một số đối tượng trên mạng xã hội, người lao động đã nghe theo, chuyển hơn 100 triệu đồng nhờ rút tiền bảo hiểm xã hội. Tiền vẫn chưa về tay người lao động, nhóm đối tượng trên đã mất hút.

Hàng loạt tỉnh thành cho học sinh nghỉ học tránh bão Noru

Tường Vân |

Bão Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua từng gây thiệt hại nặng ở Trung Bộ. Để ứng phó với siêu bão, nhiều tỉnh thành chủ động cho học sinh nghỉ học để phòng tránh.

Cảnh báo mưa lớn kèm dông lốc do ảnh hưởng bão Noru

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - Trong mưa dông có khả năng xảy ra dông lốc, sét, gió giật mạnh, nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ tại đô thị, các vùng trũng thấp.

Các tỉnh lên phương án sơ tán 868.230 dân để ứng phó với siêu bão Noru

Vân Trang |

Siêu bão Noru di chuyển rất nhanh và có xu hướng mạnh lên. Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người