Ông Phạm Minh Đại – Giám đốc Công ty du lịch Minh Hải, người đã có gần 30 hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long – vừa bán phần xác của 2 con tàu du lịch nghỉ đêm, với giá “đồng nát”.
Ông chỉ bán phần xác tàu, để người mua muốn làm gì thì làm, và giữ lại phần giấy tờ để sau này đóng lại tàu mới, dù 2 con tàu này còn tuổi đời hoạt động khá dài.
Hơn 2 năm kể từ ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, có những lúc tưởng dịch được kiểm soát, ông lại hi vọng tàu hoạt động trở lại. Nhưng đến gần Tết vừa qua, ông quyết định bán xác tàu vì không thể chịu đựng hơn được nữa.
Không có khách nhưng hàng tháng vẫn phải vay mượn số tiền rất lớn để trả lãi ngân hàng, tiền trông coi, bảo dưỡng tàu.
Gần đây, “đuối sức”, tàu không được chăm sóc định kỳ nên xuống cấp, có con tự đắm ngay trong bến của một xưởng sửa chữa tàu ở phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long.
“Không lên đà bảo dưỡng thường xuyên thì xuống cấp rất nhanh, mà bảo dưỡng để làm gì khi không có khách trong khi lại rất tốt kém. Vì thế, tôi quyết định bán phần vỏ, để cắt được những khoản chi phí phát sinh, dù biết sau này đóng tàu mới sẽ tốn kém” – ông Đại chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng – Chi hội phó Chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long – phong trào bán xác tàu, nhưng vẫn giữ giấy tờ ở Hạ Long diễn ra phổ biến, chủ yếu tập trung ở loại tàu nghỉ đêm.
Đây là những người vẫn còn đam mê với nghề kinh doanh tàu du lịch và hi vọng đại dịch sẽ qua đi hoặc chuyển sang một trạng thái khác, khách sẽ trở lại vịnh Hạ Long đông đúc.
“Bán cả tàu và giấy tờ thì có thể được từ 2-3 tỉ đồng/tàu nghỉ đêm, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận chỉ bán xác tàu với giá vài trăm triệu, để sau này đóng lại tàu mới bởi Quảng Ninh đã chốt cố định số tàu trên vịnh Hạ Long từ lâu” – ông Phượng cho biết.
Theo tìm hiểu, có những người mua tàu cũ rồi chuyển đi nơi khác hoạt động, nhưng phần lớn là tháo dỡ ra lấy gỗ, máy móc, thiết bị để dùng vào việc khác.
Công ty TNHH Hải Phong có 7 con tàu du lịch, trong đó có 2 tàu nghỉ đêm đang hoạt động ở Cát Bà, Hải Phòng.
Do tình hình quá khó khăn, công ty muốn cơ cấu lại, thu hẹp hoạt động bằng việc xin chuyển 2 con tàu còn rất mới về vịnh Hạ Long; đổi lại sẽ cho xóa sổ 3 con tàu nghỉ đêm vẫn còn thời hạn hoạt động (trị giá hiện tại khoảng 8 tỉ đồng).
Ông Lê Văn Phong – Giám đốc công ty này – cho biết, theo quy định của tỉnh Quảng Ninh, 2 đổi 3 là đúng quy định của tỉnh Quảng Ninh, nhưng đến nay đề xuất của công ty vẫn không được chấp nhận.
Ông vẫn chờ đợi, nhưng nếu không được thì sẽ bán xác 3 con tàu ở vịnh Hạ Long để quẳng bớt đi khoản chi phí nuôi 3 con tàu này.
Hiện, ông gửi 2 tàu tại bãi đất của một xưởng sửa chữa tàu ở phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long, với giá 7 triệu đồng/tháng/tàu với thỏa thuận không trông coi.
Ông cũng muốn đưa tất cả tàu lên bờ vì để ở cảng chi phí lớn và nguy cơ chìm đắm rất cao do không bảo dưỡng thường xuyên, nhưng hết chỗ.
“Nếu bán đứt cả 3 tàu trên, gồm cả giấy tờ tàu thì có thể thu về được hơn 8 tỉ, nhưng chỉ bán xác tàu thì không được quá 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tỉnh Quảng Ninh không cho thay thế 3 con tàu này bằng 2 con tàu của công ty từ Cát Bà thì chúng tôi sẽ rao bán xác tàu, giữ lại giấy tờ để sau này đóng lại” – ông Phong tâm sự.
Theo Chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các tàu đều “nằm bờ” quá lâu, nên giờ muốn khởi động trở lại sẽ phải mất rất nhiều tiền để sửa chữa, trùng tu.
Vì thế, nhiều chủ tàu lựa chọn phương án bán đứt hoặc chỉ bán phần xác.
Cũng theo Chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long, hiện có khoảng 50 tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long đã hết tuổi đời hoạt động, nhưng các chủ tàu chưa dám hoặc không còn điều kiện để đóng mới thay thế.