Bác sĩ kiệt sức ở lằn ranh sinh tử
Ngày 26.2, tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã diễn ra buổi gặp mặt, tuyên dương thầy thuốc trẻ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chương trình được thực hiện khi Bình Dương đã qua cao điểm dịch, cuộc sống dần trở lại bình thường. Trong lúc này, người dân đang hướng về ngày kỷ niệm 27.2 - tri ân những thầy thuốc đã quên mình trong cuộc chiến chống COVID-19.
Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trao đổi với những bác sĩ trẻ đã trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến.
Bác sĩ Thạch Xăm Nang - bác sĩ Chuyên khoa 1 Bệnh viện viện Đa khoa Bình Dương - cho biết, thời điểm cao điểm dịch, ngày nào cũng đi ca 12 tiếng, chỉ nghỉ khoảng 15 phút lại vào để chuyển bệnh nhân.

"Bệnh nhân cứ vào là hồi sức, vào là hồi sức. Ai cũng trong tình trạng rất nặng, chúng tôi phải cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân. Làm việc liên tục từ tháng 5 đến đầu 8.2021, tôi có biểu hiện kiệt sức, nằm úp mặt trên giường, sốt cao 40 độ C. Đồng nghiệp hỏi: 'Bác sĩ Nang ơi còn làm nổi không?', tôi đáp 'Em còn làm nổi' và nghĩ chỉ bị sốt siêu vi thôi''.

''Sau đó, bác sĩ trưởng khoa làm test nhanh thì âm tính, PCR thì kết quả CT là 31 - dương tính nhẹ. Đến ngày thức 7, tôi vào trạng thái kiệt sức phải thở ôxy mũi. Qua ngày thứ 10 thì chuyển nặng, nguy kịch phải thở HFNC - ôxy dòng cao. Tôi không ngủ được, chỉ nghĩ làm sao phải mau khỏi vì bệnh nhân đang chờ mình, mình phải khỏe lại, mình phải cố gắng vượt qua, còn biết bao người mình cần phải phục vụ, chăm sóc nữa''- bác sĩ Nang chia sẻ suy nghĩ khi ở lằn ranh sự sinh tử và đã kiên cường vượt qua.
Ngay sau khi khỏi bệnh, bác sĩ Nang không về nhà nghỉ ngơi mà tiếp tục ở lại bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch.
"Chỉ có bệnh nhân và y bác sĩ, chúng tôi phải làm hết, cắt tóc gội đầu, thay tã, cho ăn, rót nước.... Bệnh nhân thì chỉ luôn nói, bác sĩ ơi cứu tôi với, cứu cứu tôi với. Có bệnh nhân không ăn được chỉ uống sữa, phần sữa của chúng tôi được bên ngoài gửi vào đã nhường lại cho bệnh nhân" - bác sĩ Nang chia sẻ.
Hạnh phúc là khi bệnh nhân xuất viện
Cùng trải qua cao điểm dịch khốc liệt, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Gấm - bác sĩ chuyên khoa 1 Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - chia sẻ: ''Sự vất vả chỉ cần đổi lại bệnh nhân khỏe và xuất viện là hạnh phúc nhất".
"Trong giai đoạn đầu, dịch bùng phát, bệnh nhân bị tiểu đường và cả y bác sĩ trong khoa cũng bị lây nhiễm chéo. Lúc đó, bệnh nhân cũng chưa được tiêm vaccine nên tâm lý hoảng loạn vì bị cô lập. Vì vậy khi đó, việc hướng dẫn tận tình, động viên của bác sĩ có ý nghĩa giúp bệnh nhân trấn tĩnh để kiên cường vượt qua dịch bệnh. Mình vừa điều trị cho bệnh nhân vừa trực tổng đài để tư vấn cho người mắc COVID-19 điều trị ở nhà. Bệnh nhân nhắn tin cảm ơn và báo đã khỏi bệnh là mình vui rồi" - bác sĩ Gấm kể lại.
"Giai đoạn sau, số lượng người mắc COVID-19 nhiều thì mình trực tiếp tham gia bệnh viện dã chiến làm việc. Bệnh nhân nhiều, còn có người già, trẻ em và không có người thân. Mình phải làm tất cả công việc, thay quần áo, thay băng vệ sinh cho người lớn, thay tã cho trẻ... Suốt 6 tháng, ai cũng mệt, vất vả nhưng điều cảm thấy vui và hạnh phúc là bệnh nhân được xuất viện về nhà" - bác sĩ Gấm nói.
Cảm ơn nghề y
Bác sĩ Nguyễn Thị Gấm cho biết, bản thân đến với nghề y bằng tình yêu từ thuở nhỏ. Cho đến nay, sau thời gian gắn bó, bác sĩ Gấm chia sẻ: “Đối với ngành y có nỗi vất vả, tâm tư của nghề nghiệp riêng nhưng thấy được kết quả bệnh nhân khỏe và nói lời cảm ơn khi ra viện là mình thấy vui, thấy yêu nghề hơn. Khó khăn thì còn nhiều nhưng mình vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nghề và cũng cảm ơn nghề y đã mang những cảm xúc, những thành quả nhất định trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống".
Sống chậm lại, chú ý sức khỏe của mình hơn
Trong quá trình cứu chữa bệnh nhân COVID-19, bản thân cũng cũng đã nếm trải cảm giác khi ở lằn ranh sinh tử, bác sĩ Thạch Xăm Nang muốn chia sẻ: "Sau đại dịch này, mong mọi người hãy sống chậm lại, yêu thương bản thân mình hơn và đoàn kết hơn"- bác sĩ Nang bày tỏ.