Trao đổi với PV Lao Động ngày 31.3, chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh sống ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thông tin, trong khi giá cả các mặt hàng tăng cao, với mức lương 12 triệu đồng/tháng, chị đã phải lập kế hoạch chi tiêu cụ thể mới có thể tiết kiệm được 3-4 triệu đồng/tháng.
Chị Tuyết kể, một tháng, chị thường phải chi trả các khoản như: 3 triệu đồng tiền nhà trọ, 2 triệu đồng tiền ăn uống, sinh hoạt, 1 triệu đồng tiền xăng xe, đi lại, tiền internet, 2 triệu đồng tiền hiếu hỉ...
"Với mức lương cơ bản 12 triệu đồng/tháng, tôi đã phải rất tiết kiệm mới có thể để dư ra một khoản tiền tiết kiệm nhỏ, chưa kể những lúc ốm đau" - chị Tuyết nói.
Tương tự, anh Minh (sinh sống ở khu nhà trọ phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) tâm sự, việc giá cả leo thang đã khiến cho không ít gia đình sinh sống tại Thủ đô như anh gặp áp lực, thậm chí, vợ chồng anh Minh hiện tại đang phải làm cùng lúc 2-3 công việc để đảm bảo, nuôi con học hành, duy trì cuộc sống.
Mức thu nhập hằng tháng của gia đình anh là 30 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu thấp nhất là 25-26 triệu đồng/tháng. Chưa kể những lúc con cái ốm đau, phải nằm viện thường xuyên...
Theo Tổng cục Thống kê, SCOLI là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm).
Theo kết quả báo cáo năm 2023, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Đứng thứ hai là Đông Nam Bộ với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 99,97%, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 99,86%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,08%, Tây Nguyên 97,67% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long 95,93%.
Tại báo cáo này, Hà Nội là địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất: 100%, TP Hồ Chí Minh là địa phương xếp thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, địa phương này có 3 nhóm chỉ số giá bình quân cao hơn Hà Nội như hàng hóa và dịch vụ khác (121%), giáo dục (117%), đồ uống và thuốc lá (115%).
Trong khi đó, một số nhóm hàng của thành phố Hồ Chí Minh có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội là may mặc, mũ nón và giày dép (82%), văn hóa, giải trí và du lịch (92%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (94%), thiết bị và đồ dùng gia đình (95%).
Ở chiều ngược lại, Bến Tre là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2023 thấp nhất cả nước, bằng 85,93% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre so với Hà Nội trong khoảng từ 72,02-101,22%.
Địa phương có mức giá thấp khác là Nam Định với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 86,35%, Sóc Trăng (87,82%), Gia Lai (87,91%), Long An (87,97%), Nghệ An (88,34%), Hậu Giang (88,47%), Trà Vinh (88,73%), Phú Thọ (88,74%).
Cơ quan thống kê cũng đánh giá, các tỉnh có mức giá thấp nhất cả nước phần lớn do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, mũ nón và giày dép, nhà ở thuê, thiết bị và đồ dùng gia đình, giao thông, bưu chính, viễn thông, dịch vụ giáo dục, dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp...
Đánh giá chung, Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho hay, chỉ số SCOLI năm 2023 của các vùng kinh tế - xã hội không thay đổi nhiều so với năm 2022.