Nhiều nhà sập, tốc mái ở Kiên Giang
Theo ghi nhận, những tuyến đường trung tâm thành phố Rạch Giá như Nguyễn Trung Trực, Lâm Quang Ky, Lạc Hồng... nước ngập lênh láng, có đoạn ngập sâu gần hết bánh xe máy. Nhiều phương tiện giao thông bị chết máy, người dân phải lội nước để đẩy xe về nhà.
Theo người dân chia sẻ, tại đoạn đường Lạc Hồng, nơi đang xây dựng thí điểm mô hình thoát nước bền vững, mặc dù vẫn ngập nhưng khi mưa tạnh nước rút rất nhanh so với trước đây. Ngoài ra trên đường còn có nhiều cây xanh, băng rôn, khẩu hiệu bị gió giật ngã.
Cũng trong 2 ngày 16 và 17.7, mưa lớn kèm gió lốc đã bất ngờ làm sập 7 căn nhà, tốc mái 8 căn nhà trên địa bàn huyện Gò Quao và Giồng Riềng, ước tính thiệt hại ban đầu gần 300 triệu đồng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra lực lượng vũ trang cùng các ban, ngành, đoàn thể đã điều động gần 300 cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân, công an... nhanh chóng có mặt tại hiện trường hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Cà Mau khẩn trương lo sạt lở
Tại Cà Mau, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn tỉnh cũng có mưa to, gió lớn. Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau huy động nhiều lực lượng để ứng phó với sạt lở bờ biển, bờ sông.
Ngày 17.7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị UBND các huyện, thành phố Cà Mau thường xuyên, kịp thời thông tin tình hình thiên tai, các phương án ứng phó của địa phương để người dân biết chủ động phòng, tránh và phối hợp thực hiện hiệu quả.
Báo cáo nhanh các vụ việc xảy ra về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Chi cục Thủy lợi) để xử lý kịp thời. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó trong từng tình huống cụ thể.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm để chủ động tiêu thoát nước, ngăn triều bảo vệ sản xuất; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý, gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất, các đoạn đê, lộ thấp, để phòng tránh các thiệt hại, tăng cường hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, tránh thất thoát thủy sản nuôi, bảo vệ sản xuất... khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tổ chức xử lý ngay các sự cố sạt lở để đảm bảo an toàn đê biển; thường xuyên kiểm tra tuyến đê biển, các khu vực xung yếu. Thông tin, hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình (lưu ý các công trình điện năng lượng tái tạo, công trình ven biển)... chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó, tránh để xảy ra thiệt hại.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra gần 200 vụ sạt lở với tổng chiều dài trên 4.900 m (trong đó một nửa là lộ bê tông nông thôn) làm thiệt hại 78 căn nhà.
Hầu hết vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân, ước thiệt hại về tài sản gần 14 tỉ đồng.
Trước tình hình sạt lở khắp nơi, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương xem xét, hỗ trợ phần kinh phí vượt quá khả năng của tỉnh, với số tiền hơn 246 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
19 căn nhà ở Hậu Giang bị sập và tốc mái
Do ảnh hưởng bão số 1 Talim, trên địa bản tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa lớn, dông lốc làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 15 căn. Ước thiệt hại 262 triệu đồng.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tính đến 9 giờ ngày 17.7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Talim, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kèm dông lốc làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 15 căn tại huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh và thị xã Long Mỹ. Ước thiệt hại 262 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi xảy ra dông lốc, các địa phương đã khẩn trương xác định, đánh giá mức độ thiệt hại, khảo sát khu vực bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng và huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi cũng khuyến cáo người dân cần kiểm tra dường dây điện, chặt, tỉa cành cây to gần đường điện, gần nhà, trường học; kiểm tra chằng, chống, gia cố nhà cửa và các công trình phụ.
Khi có dông, sét, cần tìm nơi trú ẩn an toàn, không nên mang theo vật dụng bằng sắt, kim loại hút điện, dẫn điện; không trú ẩn dưới gốc trụ điện, gốc cây lớn, gầm cầu.
Tránh xa trạm biến thế, hệ thống thu lôi và chú ý quan sát tránh dây điện, tôn bay, nhà sập, cây gãy đổ; không chạy đò ngang, dọc chở khách khi trời chuyển dông, lốc, sét và chú ý an toàn khi tham gia giao thông.
Ngoài thiệt hại về nhà cửa do dông lốc, tình hình mưa kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến việc xuống giống lúa Thu Đông của người dân. Nhiều diện tích lúa Thu Đông vừa xuống giống bị chết giống và chết mạ non, trong đó có diện tích bị thiệt hại từ 30 – 40%.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang dự báo, do ảnh hưởng của bão số 1 (bão Talim), mưa dông trên địa bàn tỉnh gia tăng từ ngày 16 – 20.7; xuất hiện mưa dông trên diện rộng vào trưa và chiều tối, cục bộ có mưa dông có cường độ mạnh (trong cơn dông kèm theo gió giật cấp 6 - cấp 7 và sét đánh rất nguy hiểm).
Địa phương có khả năng xảy ra dông, sét mạnh là các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.