Căng mình bảo vệ rừng
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cho biết, đơn vị được giao quản lý bảo vệ hơn 23.000ha rừng và đất rừng.
Tết Nguyên đán là thời điểm mà ai ai cũng muốn được về bên gia đình, người thân. Thế nhưng, do công việc đặc thù nên 52 người (100%) cán bộ quản lý bảo vệ rừng của đơn vị đều phải tham gia trực chiến. Ở Khu bảo tồn có nhiều người đã có cả chục năm ăn Tết ở trong rừng, một số người thì chỉ mới một vài năm nay.
"Phải ăn tết, đón năm mới ở giữa rừng thú thật anh em ai cũng có chút chạnh lòng vì nhớ nhà. Dù rất buồn, nhưng đây là công việc mà anh em đã chọn, đã yêu thích nên họ đã động viên nhau chia sẻ với gia đình, cùng cố gắng vượt qua khó khăn" - ông Mạnh cho biết.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng hiện đang quản lý 6.567ha rừng và đất rừng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại 2 trạm quản lý bảo vệ rừng đều được đơn vị bố trí 100% quân số trực Tết.
Vào ngày 30 Tết, thay vì ở nhà sửa soạn đồ đạc để đón Tết thì anh Hà Văn Huấn cùng đồng nghiệp đang trải qua 5 giờ đồng hồ lội bộ, tuần tra lâm phần mình được giao nhiệm vụ quản lý. Chỉ khi đã có mặt ở các điểm nóng phá rừng, các anh mới thảnh thơi dừng chân, dựng lán trại bên cạnh một con suối để có nước uống nghĩ đến chuyện ăn uống.
"Đêm nay anh em chúng tôi đón giao thừa ở trong rừng nên trước khi lên đường anh em mang theo miếng thịt heo vào rừng để nhen lửa nướng. Đây là bữa ăn thịnh soạn nhất của anh em chúng tôi trong một năm làm nhiệm vụ ở trong rừng. Bởi trước đây, mỗi khi đi rừng thức ăn chúng tôi mang theo chỉ là cá khô, bánh mỳ... bởi nó nó để dành được nhiều ngày mà không bị hư hỏng" - anh Huấn chia sẻ.
Vườn Quốc Gia Tà Đùng, ở tỉnh Đắk Nông có hơn 21.000ha. Nhằm chủ động ngăn chặn lâm tặc phá rừng, kịp thời phòng chống cháy rừng trong mùa khô đơn vị đã bố trí 4 trạm, 1 tổ cơ động và 2 chốt ở vùng lõi của rừng. Mỗi thời điểm, ở các vị trí luôn bảo đảm số lượng từ 6 -10 người sẵn sàng làm việc 24/24h.
Đúng vào ngày 30 Tết, thay vì ở nhà sum vầy bên gia đình, nhóm 5 cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Tà Đùng đã trải qua 6 giờ trèo đèo, vượt suối và quyết định dựng lều ngủ lại giữa rừng sâu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Anh Lý Hoài Quang, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 (Vườn Quốc gia Tà Đùng) cho biết: "Đêm giao thừa, toàn bộ chốt quản lý bảo vệ rừng của đơn vị đều phải vào rừng để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và chỉ trở về trạm thì trời đã sáng. Nhiều lúc cũng cảm thấy thiệt thòi, thiếu sót với gia đình, nhưng chúng tôi rất tự hào vì sự hy sinh của mình đã góp phần giữ lại được "lá phổi xanh" cho đại ngàn".
Chủ động các phương án bảo vệ rừng
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 247.762ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 196.285ha, rừng trồng hơn 51.477ha.
Trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng tăng cường quản lý, bảo vệ rừng một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn để tránh các nguy cơ mất rừng. Nắm bắt được tinh thần này, ngoài việc tự thân vận động, các đơn vị chủ rừng còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cùng tham gia làm "tai mắt", tham gia nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
"Nhiệm vụ bảo vệ rừng ngày thường đã vất vả, ngày Tết anh em lại phải hi sinh nhiều hơn khi không được đón tết trọn vẹn bên gia đình. Thế nhưng, tất cả cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng ở địa phương đều vui vẻ thực hiện nhiệm vụ, không có ai thoái thác hay né tránh nhiệm vụ được giao. Bởi vì, tất cả đều ý thức được rằng, đã là cán bộ quản lý bảo vệ rừng thì nhiệm vụ giữ rừng phải luôn là trên hết” - ông Dần cho biết.