Ai về Miền Tây, có nghe xôn xao lòng ...

Lâm Hưng Thơ |

Khi vào miền Tây, chỉ cần nói chậm lại và nhớ đường mà ra” - tôi cười mỉm, khi nghe sếp dặn dò trước chuyến luân chuyển công tác vào Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực ĐBSCL.
Đ

áp xuống sân bay Cần Thơ khi trời nhá nhem tối, tôi di chuyển về trụ sở cơ quan số 101 Trần Văn Hoài ở quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) không chút trở ngại, vì có thổ địa dẫn đường. 21h đêm, trước trụ sở, có quán ăn còn sáng đèn. Chỉ cần mấy bước chân qua đường, là đến. Quán bán nhiều món, nhìn một lượt, tôi gọi to, rõ ràng: “Cho em tô hủ tiếu”. Chủ quán ngước nhìn, trả lời “không hiểu”. Sau mấy lượt to rõ ràng nữa, vẫn câu trả lời “không hiểu”, khách đành phải lấy tay chỉ món cho xong chuyện.

3 tháng ở các tỉnh miền Tây, dần dà tôi nói chậm lại, giao tiếp ổn cả. Thời gian ngắn ngủi, đến đâu cũng chỉ lướt qua, nhưng vùng đất, con người ở đây như có sức hút, nên không ít lần không “nhớ đường mà ra” nữa…

1. “Đơm” mấy lần, rồi tôi cũng lọt danh sách luân chuyển vào miền Tây 3 tháng. Trước, chỉ biết vùng đất này qua bộ phim “Đất Phương Nam”, với hình ảnh của dòng Cửu Long, của mênh mông rừng tràm, của bạt ngàn dừa xanh gắn với những con người đôn hậu, nên cứ ao ước sớm được đặt chân đến.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị - nơi được mệnh danh là xứ gió Lào và cát trắng, nên sự trù phú, màu mỡ của vùng đất cuối Việt có sức hút kỳ lạ. Bởi vậy, tôi đặt chân đến Cần Thơ vào ngày 1.9.2019, thì hôm sau đã nghe điện thoại của dì Liên – Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt thông báo, vài tiếng nữa cả đoàn quê Quảng Trị sẽ có mặt Cần Thơ, ở đâu để đến đón.

Cuối giờ chiều, xe chở đoàn dừng trước 101 Trần Văn Hoài để đón tôi. Ngoài dì Liên là người quen, trên xe còn có chị Linh, anh Hùng, chú Thiết... thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị.

Vừa lên xe, sau câu chào hỏi, dì Liên khai thác: Vô đây ra răng (vào đây thế nào). Tôi kể lại câu chuyện vào quán gọi tô hủ tiếu, cả xe cười ngất. Từ dì Liên, đến anh Hùng, chú Thiết đều dặn: Nói phải chậm lại, hãm cái nói nhanh lại.

Đoàn di chuyển đến quán bánh xèo 7 Tới nổi tiếng ở ngay quận Ninh Kiều. Bánh xèo ở quê, chỉ bằng 3 ngón tay, thì nơi nay to bằng cái quạt tay, dĩa rau ăn kèm bánh cũng rất tương xứng, to bằng nửa cái mâm. Ban đầu, chưa thấy bánh, trưởng đoàn dự định gọi mỗi người 2 cái, nhưng thấy quán đem bánh ra, thành thử 2 người ăn 1 cái, nên không gọi thêm nữa.

Ăn xong, dì Liên gọi to, rõ ràng, tay vẫy vẫy: “Em ơi, tính tiền, tính tiền cho chị với, tiền nghe”. Một bạn gái trắng trẻo trả lời “dạ” rồi đi vào, lúc sau hăng hái đi ra, tay cầm chai nước ngọt Sting đã khui nắp!.

“Lộn (nhầm) rồi, tính tiền, không phải Sting” - chị Linh kế toán xua tay, nói. Bạn gái hiểu ra, “dạ” thêm lần nữa rồi đi vào quầy. Nháy mắt lại đi ra, trên tay là một chai bia Tiger nâu, nhưng lần này rút kinh nghiệm là còn nguyên nắp!.

“Khung (không) phải, khung uống chi nữa, tính tiền cho anh á, tính tiền á” - anh Hùng - nhạc sĩ, nhà báo - nói với bạn gái. Bạn gái lại đi vào, và khoảng 3 phút sau, một bạn gái khác trở ra bàn, nói: “Dạ, cô chú kêu gì bạn con không hiểu”.

Phải đến khi ông chủ quán đến, cái bàn có 8 người, đều là người Việt Nam, nhưng nói giọng ngoại tỉnh… mới được trả tiền. Và tranh thủ lúc lên xe, tôi lại cướp diễn đàn, nói đúng chuẩn giọng Quảng Trị một lúc, để lát chia tay, phải nhớ lời dặn của sếp, của dì Liên, của anh Hùng, của chú Thiết là: Nói chậm và hãm lại.

2. Ở lại Cần Thơ nửa tháng, tôi chưa có cơ hội ra ngoài, chỉ quanh quẩn quán hủ tiếu trước trụ sở, vài quán nhậu ven đường, đến một số cơ quan đơn vị để tác nghiệp và đến thăm nhà của anh chị cùng cơ quan.

Nhà của vợ chồng anh Nhân ở trong con hẻm, chỉ đi lọt chiếc xe máy. Nhưng bước chân đến, thì thật ngỡ ngàng vì bao vây nhà là cây, cỏ, hoa, quả và hồ nuôi cá. Lấy chiếc cần câu bằng tre dựng bên tường, móc vào chút mồi rồi trong tích tắc đã câu được cá. Vừa thưởng thức thú vui này, vui tay bẻ thêm chùm nhãn bên cạnh và ngó nghiêng ở cây sầu riêng xem có quả rụng.

Biết ở lại trụ sở một mình sẽ không tránh được cảnh nhớ nhà, nên cứ vài ba hôm, anh đồng nghiệp Trần Lưu lại xuất hiện trước cửa, alo tôi cầm mũ bảo hiểm rồi chở đến bờ kênh, nơi có 1 quán nhậu quen. Gọi là quán nhậu, nhưng mọi người đến đây, không chỉ để uống bia, mà phần lớn là đàn hát. Chủ quán, là người đàn ông gần 50 tuổi ôm đàn guitar rất điệu nghệ, đàn bất kỳ bài nào mà người khác yêu cầu. “Thích thì lai rai vài chai bia, thích thì cầm đàn, thích thì hát. Thích gì làm đó, không ai ép” – anh Lưu, nói.

Chất giọng của người miền Tây ngọt ngào, nhẹ nhàng, ở quán phần lớn là người sành hát, nên ai cất giọng tôi cũng tròn mắt. Đến lượt người lạ, mọi người động viên, nên cũng cố gắng hát 1 bài, chỉ dám khẳng định hát đúng nhạc, còn hay thì rõ ràng không hay. Nhưng vì là người lạ, được ưu ái, nên ai cũng vỗ tay. Vào miền Tây nửa tháng nhưng loanh quanh chỉ vài chỗ. Nhưng chỗ nào cũng khiến tôi tròn mắt, vì những cảm giác mới lạ.

3. Sau gần 1 tháng bám ở văn phòng, thì mấy đồng nghiệp rủ đi An Giang xem mùa nước nổi. Chạy xe máy từ Cần Thơ đến xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang), đang hỏi nhà nghỉ để trú lại, thì ông Tư Cương hào phóng rủ về ngôi nhà của ông ở ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu). Ông Tư Cương ở trong ngôi nhà gỗ xây dựng như kiểu nhà sàn giữa cánh đồng, xung quanh mênh mông nước, chỉ có con đường vào nhà được đổ cao nên nước chỉ mấp mé. Trong nhà, chỉ có vợ chồng ông và đứa cháu. Các con của ông bà đã lập gia đình hết rồi rủ nhau đi làm công nhân ở Bình Dương. Cháu nhỏ để ở nhà, giao bố mẹ chăm sóc.

Chiều tà, ông Tư Cương tháo ghe đi kiểm tra mấy tấm lưới, tôi xin theo cùng. Vào mùa nước nổi, nhưng cánh đồng Phú Hữu nước không cao như mọi năm. Trên cánh đồng mùa nước nổi này, chúng tôi gặp nhiều nông dân với công việc là “mùa nào nghề nấy”. Nghĩa là, vào mùa nước nổi, họ sẽ đánh bắt cá, hái bông điên điển để kiếm sống, còn khi nước rút đi, họ sẽ trồng màu trên cánh đồng.

Không chỉ được ở lại miễn phí, tối hôm đó chúng tôi còn được vợ chồng ông Tư Cương đãi món cá linh nấu với bông điên điển, nhường cho chỗ ngủ và hứa tạo điều kiện để trải nghiệm hái điên điển trên cánh đồng giáp biên giới Campuchia.

Mới chợp mắt được một lát, thì đã nghe tiếng lục đục ở góc nhà. Đồng hồ báo 2h, trời tối đen nhưng vợ chồng ông Tư Cương mỗi người một chiếc ghe bắt đầu tiến ra đồng. Đêm khuya, cả cánh đồng lặng lẽ, ngoài tiếng máy nổ từ chiếc ghe những lúc phải di chuyển quãng đường xa, thi thoảng chỉ có vài ánh đèn pin rọi ngang dọc, cũng xuất phát từ những chiếc ghe đi hái điên điển như vợ chồng ông Tư Cương.

Nước ngập đồng sâu hơn cả mét, một nửa cây điên điển chìm dưới nước, nên ngồi trên ghe vẫn dễ dàng hái. Bàn tay vợ chồng ông Tư Cương thoăn thoát ngắt từng chùm hoa điên điển cho vào ghe, cây này hết bông, thì với tay lấy mái chèo bằng gỗ, khua xuống nước để di chuyển ghe đến cây khác. Mỗi ngày, vợ chồng ông Tư Cương hái điên điển từ nửa đêm đến khoảng 10h sáng hôm sau, ngày nhiều thì được 15 đến 20kg điên điển, ngày ít thì dưới 10kg. Bán cho thương lái với giá từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, thu nhập không nhiều nhưng đối với đôi vợ chồng già là một món hời. Hái điên điển đến sáng, chia tay vợ chồng Tư Cương với món quà là ít khô cá do ông bà tự làm được, khiến ai cũng cảm động. “Lúc nào đến đây thì ghé Tư Cương. Nhà vắng người, thêm người là thêm vui, không có gì ngại” – ông Tư Cương nhắn nhủ kèm nụ cười hiền.

Xong chuyến trải nghiệm mùa nước nổi, tôi lại lang thang đi xem đua bò Bảy Núi, rồi được anh Nhật Hồ, anh Lục Tùng, chú Phấn Đấu - đồng nghiệp cùng cơ quan dẫn đi đây đi đó. Cứ thế, tôi lang thang tỉnh này đến tỉnh khác, may mắn, là cứ đến tỉnh nào, phóng viên thường trú của Báo Lao Động ở đó lại tình nguyện làm hướng dẫn viên. Khi hết 3 tháng luân chuyển, 13 tỉnh ở miền Tây tôi đều được đặt chân đến. Nơi nào ở các tỉnh miền Tây này, cũng đầy ắp sự thú vị. Con người ở các tỉnh miền Tây, người nào cũng dễ mến, tình cảm. Bởi vậy, khi rời đi, tránh sao được vương vấn, nên tôi buộc phải nhớ lại lời sếp để “nhớ đường mà ra”.

Lâm Hưng Thơ
TIN LIÊN QUAN

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.