CUỘC THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ VỀ CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HÀ TĨNH:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”

Phan Ấn |

Một ngày theo chân các cán bộ bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ, tôi mới cảm nhận được phần nào cuộc sống vất vả, thiếu thốn của người giữ rừng nơi đây. Giữa chốn đại ngàn sâu thẳm, không điện lưới, không sóng điện thoại, không nước sạch, nhưng họ vẫn ngày đêm kiên trì bám chốt, giữ rừng. Trong khi đó, đồng lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa thật sự tương xứng, đang là những thử thách mà không phải ai cũng có thể chấp nhận hi sinh để yên tâm cống hiến.

Trạm bảo vệ rừng “nhiều không”

Những ngày giữa tháng 6.2024, nắng như đổ lửa với nền nhiệt độ gần 40 độ C, theo chân một cán bộ bảo vệ rừng dẫn đường, vượt qua hàng chục cây số đường rừng bằng xe máy. Phải rất khó khăn, tôi mới đến được địa điểm cắm chốt của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 (thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ) đóng ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để ghi nhận về cuộc sống và công việc thường ngày của những người giữ rừng nơi đây.

Lúc này, ánh nắng buổi chiều đã khuất dần xuống núi. Một không gian yên tĩnh hiện ra trước mắt làm tôi có những cảm xúc khó tả. Căn lán được lợp bằng mái tranh đã cũ, là nơi che mưa, che nắng của 5 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại đây. Sau thời gian chống chọi với nắng gió đại ngàn, giờ đây, nó đã xác xơ, tiêu điều.

Căn lán tạm bợ, nhiều lần đã bị mưa bão xô ngã, là nơi sinh sống của 5 cán bộ, nhận viên tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2. Ảnh: Phan Ấn.
Căn lán tạm bợ, nhiều lần đã bị mưa bão xô ngã, là nơi sinh sống của 5 cán bộ, nhân viên tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2. Ảnh: Phan Ấn

Hơn 5h tối, nhưng trời vẫn còn nóng oi bức. Anh em làm nhiệm vụ tại Trạm bảo vệ rừng số 2 cũng mới đi tuần rừng trở về. Thấy sự xuất hiện của tôi, rất niềm nở, các anh cất lời chào khách: “Chú từ xa lên thăm anh em chúng tôi à?”. Rồi khẩn trương, người nhanh chân ra suối gánh nước, người đi vo gạo, thổi cơm… mỗi người mỗi việc, họ vội vàng chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Màn đêm buông xuống, anh em ngồi quây quần ăn cơm bên ánh điện chạy bằng năng lượng mặt trời, bữa cơm ở rừng đạm bạc, ngoài món cà muối, cá suối sấy khô, thì còn có thêm một ít rau rừng nấu canh. Mấy anh em vừa ăn cơm, vừa nhâm nhi một vài chén rượu cùng trò chuyện, hỏi thăm nhau.

“Cuộc sống ở đây chỉ có vậy thôi chú à, anh em có gì dùng nấy, không như ở nhà cần gì là có thể ra chợ mua được ngay. Mọi người ở lâu ngày, nên giờ cũng thành quen cả rồi” - anh Phan Khắc Tâm (44 tuổi, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2) chia sẻ.

Vừa ăn cơm, anh Tâm vừa kể về những chuyến đi rừng vất vả và nguy hiểm, có những lần, mấy anh em đi từ sáng sớm đến lúc trời “tối đen như mực” vẫn chưa ra được khỏi rừng. Cũng có nhiều hôm gặp phải mưa lớn, người “ướt như chuột lột”, đành phải dừng chân, mắc võng dưới tán cây nghỉ lại trong rừng, chờ mưa tạnh, mới có thể đi tiếp.

Sau những buổi đi tuần tra về, anh em tranh thủ trồng thêm rau xanh, nuôi gà, vịt để cải thiện cho bữa ăn hàng ngày. Nguồn nước duy nhất để duy trì cho việc sinh hoạt và ăn uống, họ đều phải chịu khó lấy từ khe, suối đưa về dùng.

Nguồn nước duy nhất dành cho việc ăn uống và sinh hoạt của anh em làm nhiệm vụ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 đều lấy từ khe, suối. Ảnh: Phan Ấn.
Nguồn nước duy nhất dành cho việc ăn uống và sinh hoạt của anh em làm nhiệm vụ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 đều lấy từ khe, suối. Ảnh: Phan Ấn

"Buổi tối ở đây chán lắm, buồn cũng chẳng biết làm gì. Không có sóng điện thoại nên muốn gọi điện về hỏi thăm vợ con cũng chịu, ăn cơm xong một lúc là anh em đều lên giường đi ngủ cả” - anh Tâm chia sẻ thêm.

Theo anh Tâm, mới đây, đơn vị đã được đầu tư hệ thống điện chạy bằng năng lượng mặt trời. Anh em ai nấy đều đang háo hức, chờ đợi hệ thống đưa vào sử dụng để có thể xem được tivi và dùng thêm quạt điện…

Đêm hôm ấy, với tôi là trải nghiệm đầu tiên ngủ trong rừng sâu, hiểm trở. Nằm giữa một không gian tĩnh mịch, trên chiếc giường tạm bợ được làm từ những nhánh cây rừng ghép lại, không quạt điện, không sóng điện thoại, không Internet làm tôi cứ thổn thức không thể nào chợp mắt được.

Ba tháng mới về thăm nhà

Buổi sáng thức dậy, công việc thường ngày của những nhân viên tại Trạm bảo vệ rừng số 2 là chuẩn bị đồ đạc lên đường tuần tra. Trung bình mỗi ngày, anh em ở đây phải đi bộ hàng chục cây số xuyên qua những cánh rừng cheo leo, hiểm trở. Đó là chuỗi ngày "ăn rừng, ngủ lán", họ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy.

Anh Bùi Đức Hạnh - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2 - cho biết, đơn vị quản lý hơn 5.000 ha rừng đặc dụng tại tiểu khu 366, nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn. Rừng đặc dụng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và nguồn gene động, thực vật nên đòi hỏi lực lượng bảo vệ rừng phải tăng cường tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt.

“Theo quy định, một cán bộ bảo vệ rừng được giao quản lý 500ha. Trong khi đó, quân số đơn vị chỉ có 5 người, trung bình một người phải làm việc gấp đôi là quá mỏng so với diện tích rừng quản lý” - anh Hạnh chia sẻ.

Một cuộc hội ý của lực lượng bảo vệ rừng trên đường tuần tra. Ảnh: Phan Ấn.
Một cuộc hội ý của lực lượng bảo vệ rừng trên đường tuần tra. Ảnh: Phan Ấn

Vừa hành quân, anh Hạnh vừa kể về những ngày đi tuần rừng, anh em phải chuẩn bị mọi thứ từ gạo, mì tôm, mắm muối đến chăn màn, thuốc men để phòng khi bất trắc gặp mưa bão phải nghỉ lại trong rừng. Cùng với đó, ở chốn “rừng thiêng, nước độc” muỗi vằn, côn trùng, rắn độc và cạm bẫy chi chít như “thiên la, địa võng” luôn rình rập tấn công bất kể lúc nào.

Vất vả nhất là vào mùa nắng nóng kéo dài, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng cao, nhiều hôm, anh em phải đi tuần tra xuyên đêm, đến sáng hôm sau mới về lán nghỉ ngơi một lúc, lại tiếp tục lên đường hành quân.

Mùa cháy rừng chưa qua, mùa mưa bão lại cận kề, bước chân của những người bảo vệ rừng không lúc nào ngừng nghỉ. Có những tháng mưa bão triền miên, nước lũ từ thượng nguồn ồ ạt đổ về chặn hết các lối đi, anh em làm nhiệm vụ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, cây rừng đổ gãy, nguy hiểm đến tính mạng.

“Những lúc như vậy, chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ, không để kẻ xấu lợi dụng lẻn vào rừng khai thác lâm sản và săn bắt động vật trái phép. Có những lần vì yêu cầu nhiệm vụ, anh em phải bám trụ suốt 3 tháng trời trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt” - anh Hạnh trải lòng.

Những khi có việc đột xuất, cần gọi về cho gia đình, anh em ở đây phải chịu khó đi ra khu vực gần nhà dân sinh sống, cách trạm tầm 10 cây số, mới có sóng điện thoại. Gọi xong một lúc lại “lọ mọ” vượt núi, băng rừng quay về và phải rất yêu nghề, họ mới chấp nhận bám trụ như vậy.

Đội đèn ăn cơm, là hình ảnh quen thuộc với anh em bảo vệ rừng tại Trạm số 2 vào những lúc tuần tra ban đêm. Ảnh: Phan Ấn.
Đội đèn ăn cơm, là hình ảnh quen thuộc với anh em bảo vệ rừng tại Trạm số 2 vào những lúc tuần tra ban đêm. Ảnh: Phan Ấn

Ông Lê Văn Lãm - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) - cho hay, địa phương có 2 Trạm quản lý bảo vệ rừng đóng trên địa bàn. Trong đó, địa điểm cắm chốt của Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 nằm ở khu vực rừng sâu hiểm trở, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của anh em làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại đây đang hết sức khó khăn, vất vả.

“Trạm bảo vệ rừng số 2 cách trung tâm hành chính của xã hơn 20 cây số, nếu đi bộ thì phải mất gần nữa ngày mới tới nơi. Con đường đất duy nhất dẫn vào trạm hàng năm đã bị mưa lũ xói mòn, phá hủy, anh em bảo vệ rừng phải thường xuyên tu sửa mới có thể đi lại được" - ông Lãm chia sẻ.

Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có tổng số 85 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, với 8 Trạm quản lý bảo vệ rừng và 3 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ được giao quản lý 44.271,81 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Anh Phan Khắc Tâm - cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 đến với công việc bảo vệ rừng từ năm 2001. Từ đó đến nay, anh đã có gần 24 năm công tác. Tuy nhiên, hiện nay, lương cơ bản của anh mới chỉ đạt 5.5 triệu đồng/tháng, với mức lương này, việc chi tiêu trong gia đình hết sức chật vật. Anh lại thường xuyên phải xa nhà, nên mọi công việc gia đình đều nhờ cả vào một mình người vợ vất vả lo toan, để anh yên tâm công tác.

“Nhiều đêm nằm trằn trọc, nhớ nhà, thương vợ con, lắm lúc cũng muốn từ bỏ công việc này chú ạ, nhưng rồi, tình yêu và trách nhiệm với nghề, đã thôi thúc tôi tiếp tục gắn bó” - anh Tâm trải lòng.

Vào mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về chặn hết các lối đi, lực lượng bảo vệ rừng phải rất vả để di chuyển và đi lại trong rừng. Ảnh: Lực lượng BVR cung cấp.
Vào mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về chặn hết các lối đi, lực lượng bảo vệ rừng phải rất vả để di chuyển và đi lại trong rừng. Ảnh: Lực lượng bảo vệ rừng cung cấp

Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch công đoàn cơ sở Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - cho biết, hiện nay, chính sách đãi ngộ đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Chế độ tiền lương và tiền công chưa tương xứng để người lao động yên tâm công tác. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc đi rừng vất vả, nguy hiểm và nhiều áp lực đã phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Duy Khai - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - cho hay, những năm gần đây, một vấn đề đáng buồn cho ngành lâm nghiệp nói chung và các đơn vị chủ rừng nói riêng là tình trạng lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc, xin chuyển công tác, trong khi tuyển dụng lao động không có người vào. Nguyên nhân xuất phát từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng thấp, không liên tục và thiếu cơ chế tạo ra tính đột phá về nguồn nhân lực.

Đến nay, thu nhập bình quân của viên chức, người lao động tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ là 7,5 triệu đồng/tháng. Trong khi nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng vất vả, nhiều nguy hiểm và phải thường xuyên sống xa gia đình trong rừng sâu hiểm trở. Chính sách đãi ngộ này, chưa tương xứng để người lao động yên tâm công tác.

Phan Ấn
TIN LIÊN QUAN

Những "bóng hồng" trên công trường, xí nghiệp khu kinh tế Vũng Áng

Thu Trang - Kiều Minh |

Giữa cái nắng bỏng rát của "chảo lửa" miền Trung, những nữ công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở khu kinh tế Vũng Áng vẫn miệt mài, hăng say với công việc thao tác máy, vận hành dây chuyền sản xuất. Họ là những "bóng hồng" tô đẹp thêm cho bức tranh lao động, sản xuất của khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh.

Nơi những người thầy mang màu áo công đoàn

Quốc Cường |

Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh tiền thân là Trung tâm xúc tiến việc làm thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập năm 1995, có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong quá trình xây dựng và phát triển, để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường trong từng giai đoạn, đến nay trường đã qua 6 lần đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ. Những người thầy mang màu áo công đoàn đã và đang khẳng định giá trị trong việc đào tạo nghề, mở hướng đi cho lớp trẻ lập nghiệp.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

QUANG ĐẠI |

Hà Tĩnh - Đã 7 năm trôi qua, thầy Hoàng Bá Dũng - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - rơi vào tình trạng sống thực vật vì hậu quả của tai nạn giao thông. Chừng ấy năm, tổ chức Công đoàn nhà trường cùng tập thể lãnh đạo, chuyên môn tận tình hỗ trợ, chia sẻ yêu thương, chung tay giúp gia đình nhỏ của người đoàn viên bất hạnh đứng vững và từng bước vượt qua khó khăn.

Cháy xe container trong đêm tại Hà Tĩnh

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Chiếc xe container bốc cháy khi lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn gần Cầu Cày 2 (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà), Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải có mặt mới có thể dập tắt đám cháy.

Chính thức đình chỉ hoạt động đối với Trường Quốc tế Mỹ

Chân Phúc |

TPHCM - Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) chính thức bị đình chỉ hoạt động từ tháng 7.2024. Thời gian đình chỉ 12 tháng.

Dọn mảnh vỡ thủy tinh sau phản ánh "Vừa đi vừa run khi đi bộ trên vỉa hè ở Cần Thơ"

Vân Hi |

Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng người dân "Vừa đi vừa run khi đi bộ trên vỉa hè ở Cần Thơ", UBND phường Xuân Khánh đã phối hợp các lực lượng ra quân dọn dẹp.

Người dân thắc mắc về 2 cây cầu cụt ở Bắc Ninh

Vân Trường |

Bắc Ninh - Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 2 cây cầu cụt, trống toác 2 đầu, tồn tại gần 20 năm. Nhiều người dân không khỏi thắc mắc về nguồn gốc dự án 2 cây cầu này và đặt vấn đề về sự lãng phí nguồn lực.

Dự báo khả năng bão gần Biển Đông hướng về Việt Nam trong tháng 7

Thanh Hà |

Dự báo bão mới nhất cho hay, có 2 hoặc 3 cơn bão gần Biển Đông có thể hình thành trong tháng 7 này.

Những "bóng hồng" trên công trường, xí nghiệp khu kinh tế Vũng Áng

Thu Trang - Kiều Minh |

Giữa cái nắng bỏng rát của "chảo lửa" miền Trung, những nữ công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp ở khu kinh tế Vũng Áng vẫn miệt mài, hăng say với công việc thao tác máy, vận hành dây chuyền sản xuất. Họ là những "bóng hồng" tô đẹp thêm cho bức tranh lao động, sản xuất của khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh.

Nơi những người thầy mang màu áo công đoàn

Quốc Cường |

Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh tiền thân là Trung tâm xúc tiến việc làm thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập năm 1995, có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong quá trình xây dựng và phát triển, để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường trong từng giai đoạn, đến nay trường đã qua 6 lần đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ. Những người thầy mang màu áo công đoàn đã và đang khẳng định giá trị trong việc đào tạo nghề, mở hướng đi cho lớp trẻ lập nghiệp.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

QUANG ĐẠI |

Hà Tĩnh - Đã 7 năm trôi qua, thầy Hoàng Bá Dũng - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - rơi vào tình trạng sống thực vật vì hậu quả của tai nạn giao thông. Chừng ấy năm, tổ chức Công đoàn nhà trường cùng tập thể lãnh đạo, chuyên môn tận tình hỗ trợ, chia sẻ yêu thương, chung tay giúp gia đình nhỏ của người đoàn viên bất hạnh đứng vững và từng bước vượt qua khó khăn.