30 năm cùng “Đất Chín Rồng” cất cánh

Kỳ Quan |

30 năm ra đời và phát triển của Văn phòng Đại diện (VPĐD) Báo Lao Động tại Đông bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng là 30 năm đất và người vùng đất Chín Rồng quyết tâm thoát khỏi nghèo khổ, vươn lên ấm no hạnh phúc. VPĐD Báo Lao Động vinh dự và hạnh phúc được thở hơi thở cuộc sống đồng bằng, được đóng góp vào sự phát triển đó.

Ngày 20.4.1992, Tổng Biên tập Báo Lao Động ký Quyết định số 36/QĐ/LĐ về việc đặt VPĐD Báo Lao Động tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đặt tại TP.Cần Thơ. Lao Động trở thành 1 trong những tờ báo Trung ương đầu tiên thiết lập cơ quan đại diện tại vùng ĐBSCL, vựa lúa, vừa trái cây và thủy sản lớn của cả nước. Nhân sự ban đầu của VPĐD Báo Lao Động tại khu vực ĐBSCL chỉ có 3 người do nhà báo Ngô Hoàng Giang làm Trưởng văn phòng. Thuở mới ra đời, Văn phong còn khó khăn, thiếu thốn mọi bề, đến nơi làm việc cũng phải nhờ 1 căn phòng nhỏ do LĐLĐ TP.Cần Thơ bố trí tại số 71B đường Hùng Vương.

Năm 1992, vùng Tây Nam bộ còn rất nghèo. Ngày ấy, từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 1 với 2 làn xe ô tô đã xuống cấp, mặt đường bong tróc nhiều chỗ. Đoạn đường từ Tây Đô đến các cảng xuất khẩu nông sản ở TP.HCM chỉ dài khoảng 160km, nhưng do đường xấu, lại phải qua 2 phà, nên các phương tiện chuyên chở hàng hóa phải mất 7 – 8 tiếng đồng hồ di chuyển trên đường, làm chất lượng hàng hóa sụt giảm, chi phí tăng cao. Mà ngày ấy, cả cùng ĐBSCL, ngoài một số nhà máy chế biến thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, cùng một số nhà máy xay xát lúa gạo phục vụ xuất khẩu, công nghiệp trong vùng hầu như chẳng có thêm gì. Ngày ấy ở tỉnh Long An, tỉnh công nghiệp hàng đầu của vùng ĐBSCL hiện nay, thanh niên nam nữ phải chen nhau để xin 1 chỗ làm (lột tép) trong nhà máy chế biến thủy sản.

Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cứu trợ đồng bào vùng lũ Đồng Tháp Mười tỉnh Long An năm 2001.
Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cứu trợ đồng bào vùng lũ Đồng Tháp Mười tỉnh Long An năm 2001.

Cuối năm 1997, cơn báo số 5 mang tên Linda đã quét qua miền Tây, gây nên thảm họa kinh hoàng cho vùng đất khốn khó này với hơn 3 ngàn ngư phủ bỏ mạng ngoài biển cùng hàng ngàn tàu cá bị chìm hoặc hư hỏng, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hỏng… Là 1 trong ít tờ báo Trung ương có Văn phòng Đại diện tại ĐBSCL, Báo Lao Động thông qua Văn phòng Đại diện của mình đã đồng hành, chia sẻ, đóng góp, cùng người dân miến Tây khắc phục hậu quả thiên tai. Những bài viết lay động lòng người của phóng viên Văn phòng cùng với uy tín của Báo Lao Động đã giúp Văn phòng làm cầu nối hữu hiệu giúp biết bao cảnh đời khắc phục đau thương với hơn 4 tỉ đồng giúp nạn nhân cơn bão số 5.

Bước vào Thiên niên kỷ mới, VPĐD Báo Lao Động tại ĐBSCL đã có trụ sở riêng tại địa chỉ số 2/1 Nguyễn Trãi, TP.Cần Thơ. Lực lượng cán bộ, phóng viên, công tá viên của Văn phòng cũng lớn mạnh lên nhiều lần. Con đường từ TP.HCM đến Cần Thơ giờ đã có cầu Mỹ Thuận, nhưng vẫn còn phà Cần Thơ. Lúa gạo từ miền Tây đã xuất đi nhiều nước trên thế giới. Một vài khu công nghiệp bắt đầu được xây dựng ở Cần Thơ, Long An… Tuy vậy, miền Tây vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là những cơn lũ lớn liên tục xuất hiện vào những năm đầu của Thiên niên kỷ. Các phóng viên VPĐD Báo Lao Động tại ĐBSCL đã kịp thời có mặt ở những điểm nóng, sự kiện lớn hoặc những sự cố đau lòng xảy ra trên đất đồng bằng, với những thông tin nóng hổi, như: Hợp long, rồi thông xe cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng đầu tiên cả nước; những trận lũ nặng đầu những năm 2000, trao hàng trăm tấn gạo và đồ dung thiết yếu cho bà con vùng lũ;…

Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động phối hợp cùng Bệnh viện quân y 121 khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào vũng lũ ĐBSCL.
Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động phối hợp cùng Bệnh viện quân y 121 khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào vũng lũ ĐBSCL.

Đến năm 2005, VPĐD Báo Lao Động tại ĐBSCL đã có trụ sở mới khang trang ở số 101 đường Trần Văn Hoài, TP.Cần Thơ với các phương tiện, điều kiện làm việc được trang bị hiện đại. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, dòng sông Hậu hiền hòa và đôi bờ của nó đã chứng kiến 1 sự cố thảm khốc – sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm hơn 50 công nhân tử nạn và hàng trăm người khác bị thương. VPĐD Báo Lao Động đã làm chiếc cầu nối hữu hiệu kêu gọi đóng góp xây dựng hơn 50 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình nạn nhân trong sự cố đau thương này. Nỗi đau rồi cũng đi qua, năm 2010 cầu Cần Thơ thông xe trong niềm vui chung của người dân miền Tây. Cũng trong năm ấy, đường về miền Tây đã có tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Trước đó 1 năm, sân bay Cần Thơ đã bắt đầu đón khách từ mọi miền đất nước đến với Tây Đô. Đó là là giai đoạn Báo Lao Động mở điểm in tại Cần Thơ, giúp tờ báo đến nhanh, sâu rộng với người dân đồng bằng. Đấy cũng là giai đoạn người dân miền Tây, đặc biệt là các sĩ tử trường thi vào các trường đại học ở Cần Thơ, chứng kiến 1 chương trình xã hội từ thiện hoành tráng, đậm nét nhân văn của Báo Lao Động – Chương trình Chỗ trọ miễn phí giúp gần 50 ngàn lượt thí sinh có nơi ăn chốn ở khi về Cần Thơ thi đại học.

Năm 2022 này VPĐD Báo Lao Động kỷ niệm 30 năm thành lập, còn tờ báo Lao Động chuẩn bị mừng sinh nhật lần thứ 93 của mình. Những người có mặt từ những năm đầu của VPĐD Báo Lao Động tại TP.Cần Thơ giờ đều đã nghỉ, một vài người đã qua đời. Nhưng lực lượng kế thừa của Văn phòng đang rất trẻ trung, sung sức, có khả năng làm việc đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu báo chí hiện đại, phù hợp với tình hình mới. Miền Tây đang phát triển nhanh về mọi mặt, sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày càng mang tính hàng hóa cao, chú trọng tính hiệu quả. Công nghiệp và du lịch toàn vùng đang phát triển mạnh. Hệ thống giao thông miền Tây một thời gian dài lạc hậu, ỳ ạch, giờ đang khởi sắc với hàng loại dự án đường cao tốc đã, đang và sẽ ra đời trong tương lại gần như: Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề, Cao Lãnh – An Hữu… Cùng với đó là các cây cầu lớn đã có hoặc sẽ sớm ra đời như Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Hàm Luông, Mỹ Lợi, Cao Lãnh, Vàm Cống, Năm Căn, Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2,… giúp miền Tây có hệ thống giao thông đồng bô, hiện đại, thông thương thuận lợi với bên ngoài, kích thích sự phát triển của toàn vùng.

30 năm qua, những nhà lãnh đạo và người dân đồng bằng không ngừng nỗ lực đưa miền Tây phát triển cùng cả nước. Báo chí chính thống đã góp phần quan trọng vào sự thay đổi tốt đẹp đó. Những thông tin, bài viết dù là động viên hay phản biện, giới thiệu mô hình mới, cách làm hay… trên báo đã giúp nhà nhà lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng như các bộ, ngành Trung ương có thêm thông tin, nhận thức đa chiều về vùng đất này, làm tiền đề cho những quyết sách quan trọng liên quan đến toàn vùng cũng như từng địa phương trong vùng. Là tờ báo lớn của giai cấp công nhân, uy tín đã được khẳng định qua bề dày lịch sử, lại xâm nhập rất sớm ở vùng ĐBSCL, Lao Động đã có vị trí đặc biệt và đóng góp nhiều công sức vào sự phát triển của toàn vùng. Đặc biệt là vai trò tiếng nói của tổ chức Công đoàn và hàng triệu công nhân, viên chức và người lao động miền Tây, góp phần động viên cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Cùng với với đó là các hoạt động xã hội từ thiện như là điểm nhấn đáng tự hào, như Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, chương trình Vinh quang Việt Nam, Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động,…

ĐBSCL đang phát triển nhanh cùng cả nước, Báo Lao Động ngày càng vững mạnh ở tuổi 93, Văn phòng Đại diện tại ĐBSCL tròn 30 tuổi sung sức…Ba mươi năm gắn bó thủy chung, cùng những điều kiện, vận hội mới cho phép chúng ta tin tưởng về một tương lai xán lạn hơn giữa Báo Lao Động, VPĐD Báo Lao Động và vùng đất Tây Nam bộ, góp phần để vùng đất Chín Rồng bay cao. Bay xa!

Kỳ Quan
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.