8 năm trước, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km được đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Lưu lượng phương tiện liên tục tăng cao, trung bình gần 12% mỗi năm. Hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải, đoạn từ nút giao An Phú (TPHCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai) có lưu lượng vượt 25% so với năng lực. Đặc biệt, đến năm 2026, sân bay Long Thành khai thác, cao tốc sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Trong dịp nghỉ lễ 2.9 năm nay, lượng xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây rất lớn, gây ùn ứ kéo dài. Lực lượng chức năng đã đóng - mở cao tốc liên tục để điều tiết, việc này khiến xe phải quay đầu về lại nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM), gây ùn ứ kéo dài tại khu vực nút giao này.
Sau nhiều lần lấy ý kiến, mới đây Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ về phương án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo phương án đề xuất, phạm vi dự án sẽ mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành trên tổng chiều dài gần 22km. Điểm đầu tại nút giao Vành đai 2 (TP Thủ Đức, TPHCM) và điểm cuối tại nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Về quy mô, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 được đầu tư 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đầu tư 10 làn xe theo quy hoạch.
Cầu Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng một đơn nguyên cầu mới, quy mô tương tự cầu hiện tại, tổ chức giao thông khai thác với quy mô 10 làn xe (châm trước không bố trí làn khẩn cấp, kết hợp tổ chức giao thông mỗi bên 5 làn xe, rộng 35m).
Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 14.955 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 5.555 tỉ đồng (37%), vốn vay thương mại là 9.400 tỉ đồng (63%).
Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành cuối năm 2027.
Để đồng bộ với cao tốc, TPHCM cũng dự kiến mở rộng đoạn đường dẫn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 TPHCM (dài gần 4km) từ 4 làn xe lên 8 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TPHCM.
Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện từ năm 2024 đến quý II/2025. Dự án khởi công xây dựng từ quý III/2025 đến quý IV/2026, đưa vào khai thác.
Đồng thời, dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) quy mô 3 tầng đã được TPHCM khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn gần 3.400 tỉ đồng.
TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2025. Trong đó, năm nay sẽ xong một số hạng mục như cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố, đoạn hầm chui giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.