5 lần giành lại vỉa hè cho người đi bộ
Người dân Hà Nội đã quen thuộc với những đợt ra quân rầm rộ giành lại vỉa hè của lực lượng chức năng, đồng thời cũng quen với khái niệm “ném đá ao bèo”, hết cao điểm đâu lại vào đó.
Gần 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ". Cụ thể, năm 2014, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Năm 2015, thành phố tiếp tục thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” với kì vọng sẽ tạo ra những kết quả thiết thực hơn.
Năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lí vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện.
Năm 2018, UBND TP Hà Nội ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng tạm thời hè phố đối với đường đô thị trên địa bàn Hà Nội. Đến năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra xử lí vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn.
Giai đoạn 2014-2015, lãnh đạo Hà Nội nhìn nhận công tác quản lí vỉa hè, lòng đường của Hà Nội còn yếu, nên phải nâng cao vai trò quản lí Nhà nước trong lĩnh vực này. Sau đó năm 2016-2017, Hà Nội quyết liệt áp dụng nhiều giải pháp mạnh để lập lại trật tự vỉa hè, với những hoạt động rất cụ thể như đưa máy xúc đập bậc tam cấp ở những nhà mặt đường vi phạm; cưỡng chế dọn dẹp, tịch thu, xử phạt những biển quảng cáo, hàng quán chiếm vỉa hè, xe cộ dừng đỗ dưới lòng đường... Thậm chí, một số phường lập chốt canh để chống tái lấn chiếm.
Trao đổi với Lao Động, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết, vỉa hè luôn là vấn đề dư luận rất quan tâm, bức xúc. Hà Nội đã có nhiều năm để lập lại trật tự vỉa hè nhưng không có kết quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó một nguyên nhân chính là nguồn lợi từ hoạt động kinh tế trên vỉa hè rất lớn, một phần cũng tạo sinh kế cho người dân.
Ông Tạo cho rằng, thành phố cần sớm tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình trật tự ATGT tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố. Đặc biệt, cần hài hòa lợi ích các bên mới có thể giữ gìn trật tự.Bàn đi bàn lại nhưng đâu lại vào đó
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - nhìn nhận, để có thể xử lí vi phạm vỉa hè, thành phố không chỉ cần có kế hoạch xử lí nghiêm vi phạm, mà cần có quy định về trách nhiệm cá nhân khi để vi phạm này tái diễn.
"Các cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè cụ thể để có phương án cần thiết, hữu hiệu giải quyết được bài toán lợi ích của người dân và lợi ích chung của cộng đồng. Nếu được như vậy, tôi tin, vỉa hè ở Hà Nội sẽ là không gian công cộng sạch đẹp, trật tự, ngăn nắp, sống động, thân thiện và an toàn dành cho người đi bộ và mọi hoạt động thường ngày của đô thị" - ông Nghiêm nói.
Một giải pháp được Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra mới đây tại buổi tiếp xúc cử tri là cần phải làm quy củ hơn, bài bản hơn mới tránh được tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
"Nếu mình làm được quy củ, ngăn nắp thì mình có cơ sở để giải quyết các vấn đề vỉa hè, lòng đường. Hiện nay làm như vậy là kiểu bắt cóc bỏ đĩa" - ông Dũng thông tin.
Bí thư Hà Nội cho biết, đã trao đổi với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về việc quy hoạch lại bãi đỗ xe. Theo đó, thành phố sẽ tính toán tới việc làm các bãi đỗ xe thông minh cao 5 - 7 tầng cạnh các tòa nhà cao ốc.