Ông L.T.T (ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, ông có thời gian làm việc ở TPHCMhơn 15 năm, nhưng nghỉ vì muốn về quê làm vườn.
Theo ông T, khoản trợ cấp thất nghiệp hơn 5 triệu đồng/tháng trong vòng 12 tháng đã góp 1 phần vào chi phí đầu tư cây trồng.
“Đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, cán bộ có tư vấn học nghề để xin việc làm mới nhưng tôi từ chối vì không muốn đi làm công ăn lương nữa mà chỉ muốn chuyên tâm trồng nông sản tại vườn nhà”, ông T cho biết thêm.

Bên cạnh đó, một người lao động khác cho biết sau khi nghỉ việc ở các khu công nghiệp họ chuyển về địa phương tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt nên không có nhu cầu học nghề.
Là lao động may giày da tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), chị N.H.C (22 tuổi, huyện Trà Ôn) cho biết, vừa tốt nghiệp lớp 12 chị xin vào công ty làm, nhưng đến đầu năm 2023, giảm giờ làm nên lương cũng giảm hơn 1 triệu đồng/tháng nên chị phải nghỉ việc.
“Mức lương thấp hơn trước nhưng chi phí nhà trọ, ăn uống vẫn như cũ nên tôi quyết định nghỉ việc về quê làm để được gần nhà. Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp tôi sẽ học thêm việc may quần áo tại cơ sở mới nên tôi không đăng ký học việc theo chế độ”, chị C cho biết thêm.
Ông V.T.H (sinh năm 1980, ở TP Vĩnh Long) cho biết, có người bạn giới thiệu xưởng cơ khí cũng tại TP Vĩnh Long có thời gian làm việc đúng 8 giờ/ngày mà mức lương cao hơn, có đầy đủ chính sách bảo hiểm, tặng quà các dịp lễ Tết, nên tôi nghỉ làm ở công ty cũ.
“Tôi đã có tay nghề sẵn, qua xưởng mới là có thể làm việc được ngay nên tôi không cần học nghề. Hiện tại tôi chỉ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp chứ không đăng ký học việc đỡ tốn thời gian hơn”, ông H cho biết.

Bà H.K.T (ở huyện Mang Thít) cho biết, khi vào công ty mới đơn vị có nhận đào tạo nghề và có trợ cấp tiền lúc học và sẽ có mức lương sản phẩm ngang với những công nhân trước đây nên bà không tham gia đăng ký học nghề theo chính sách trợ cấp thất nghiệp.
Trao đổi với Lao Động ông Nguyễn Thanh Đông - Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp tỉnh Vĩnh Long - thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có trên 11.200 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi gần 100 tỉ đồng.
Theo ông Đông, Quyết định 17 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng và tối đa không quá 6 tháng.
"Tuy nhiên, trong số những người thất nghiệp, chỉ có hơn 1.600 người tham gia học nghề. với nhiều nguyên nhân khác nhau như lao động tự do, chưa tham gia lao động mới, học việc tại công ty mới...", ông Đông cho biết thêm.