Đây là một trong những con số thống kê trong báo cáo giữa kỳ về nhà ở và dân số do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới công bố đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo báo cáo, Việt Nam có hệ thống giáo dục quốc dân khá hoàn chỉnh, thống nhất và phong phú với đầy đủ các cấp học, các loại hình giáo dục và trình độ đào tạo từ mầm non đến sau đại học; mạng lưới các trường phổ thông, dạy nghề và đào tạo chuyên nghiệp được xây dựng rộng khắp trên toàn quốc.
Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết năm 2014 đạt 94,7%, tỷ lệ này tăng 4,2% giữa khu vực thành thị và nông thôn (97,5% ở thành thị và 93,3% ở nông thôn). Đồng bằng sông Hồng cao nhất ở mức 98,1%; trung du miền núi phía Bắc thấp nhất, mức 89,0%. Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học chỉ còn 4,4%. Trên phạm vi cả nước, tỷ trọng dân số 5 tuổi trở lên chưa học xong tiểu học vẫn ở mức 21,5%. Tỷ lệ này ở các vùng cũng rất khác nhau: Đồng bằng sông Hồng 14,3%; đồng bằng sông Cửu Long 32,6%. Chênh lệch thành thị và nông thôn cũng khá rõ ràng với tỷ lệ tương ứng là 17,0% và 23,9%.
Trình độ học vấn cao nhất đạt được cũng có sự chuyển dịch, hiện tỷ trọng dân số đạt được trình độ cao nhất là tiểu học giảm so với năm 2009 là 1,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ đạt được ở các cấp học cao hơn đã tăng lên: THPT đạt 26,5% năm 2014, cao hơn so với 20,8% năm 2009.
Về trình độ chuyên môn, nhiều năm qua việc phát triển đào tạo chuyên môn kỹ thuật của Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ trọng dân số 15 tuổi trở lên có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn kỹ thuật tăng lên sau 5 năm, tương ứng 18,0% năm 2014 so với 13,3% năm 2009. Trong đó, đáng lưu ý là tỷ trọng này giảm ở nhóm người có trình độ chứng chỉ sơ cấp nghề (1,8% năm 2014 so với 2,6% năm 2009) và tăng lên ở nhóm người đạt bằng cấp có trình độ cao hơn. Tỷ lệ người có trình độ cao nhất là đại học và trên đại học đã tăng lên 2 lần sau 5 năm: từ 4,4% năm 2009 lên 7,3% năm 2014. Khoảng cách về tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nông thôn so với thành thị còn khá lớn. Với các trình độ đạt được từ cao đẳng trở xuống, tỷ trọng này ở thành thị cao gấp 2 lần so với nông thôn. Riêng trình độ đại học và trên đại học, tỷ lệ này gấp đến 5 lần: 15,1% ở thành thị so với 3,3% ở nông thôn.
Theo đánh giá, số liệu thống kê lần này được thực hiện theo những phương pháp hiện đại, tính chuẩn xác cao. Do đó việc hoạch định chính sách trên số liệu thống kê sẽ rất sát thực với đời sống.