Tranh cãi chuyện hài Nam - Bắc

Bích Hà |

Lâu nay trên truyền thông diễn ra không ít lần tranh cãi về chuyện hài Nam – Bắc, mà nguồn cơn xuất phát từ những phát ngôn của chính diễn viên trong làng hài Việt. Đó là câu chuyện chưa có hồi kết, khi mà các nghệ sĩ chưa tìm được tiếng nói chung trong sứ mệnh mang tiếng cười đến cho khán giả của mình.

“Hạ thấp” hài Bắc?

Trong liveshow “Chàng hề xứ Quảng 2 - Về quê” diễn ra vào tối 1.12 tại TPHCM, MC Thành Trung vì quá xúc động trước tình cảm mà khán giả dành cho các nghệ sĩ hài, khi đội mưa đến động viên tinh thần nghệ sĩ, đã vô tình tạo nên nguồn cơn của những tranh cãi trong suốt mấy ngày qua. Nguyên văn câu nói ấy của Thành Trung như sau: “Thực sự bất ngờ khi trời mưa mà khán giả vẫn đến rất đông để ủng hộ các nghệ sĩ. Trong khi ở ngoài Bắc, mọi người xem hài ở nhà hát, có máy lạnh nhưng khán giả chỉ có ba hàng”.
Câu chuyện “Khán giả đội mưa xem – ngồi máy lạnh chỉ có 3 hàng ghế” đã được mang ra mổ xẻ, bàn luận, với ám chỉ rằng Thành Trung đang so sánh khập khiễng, “hạ thấp” hài Bắc và đề cao hài Nam. Trong khi các nghệ sĩ hài trong Nam chọn cách im lặng trước phát ngôn của Thành Trung, thì làng hài Bắc đã tranh cãi, bàn luận rôm rả, đưa ra đủ lý lẽ đề bác lại câu nói của anh MC.
 “Gần như tối nào tôi cũng đi diễn. Khán giả rất đông, từ người già đến người trẻ, hoàn toàn không có chuyện vài ba người. Tất nhiên, ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình nhưng cũng nên tìm hiểu kỹ và có sự khiêm tốn để tránh làm nghệ sĩ miền Bắc băn khoăn và day dứt” – một nghệ sĩ hài có tiếng ở miền Bắc bày tỏ.
“Hai miền có hai gu thưởng thức hài kịch khác biệt. Chương trình miền Nam ra ngoài Bắc cũng rất khó bán vé và ngược lại. Nhu cầu thưởng thức hài ở Hà Nội là hoàn toàn có thật và luôn luôn tồn tại. Hơn nữa, hài miền Bắc nghiêng về chất liệu xã hội, không phải là hài nhảm”- ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, chia sẻ.
Nghệ sĩ hài Quang Tèo cũng thừa nhận gu thưởng thức hài 2 miền khác nhau. Nghệ sĩ miền Bắc diễn chưa chắc khán giả miền Nam đã thích và ngược lại, chưa chắc những diễn viên hài nổi tiếng miền Nam lại làm được những chương trình “cháy” vé tại miền Bắc. “Người miền Bắc thường ăn hôm nay, nghĩ ngày mai, nghĩa là làm được 10 phần chỉ dám tiêu pha hết 5 phần. Do vậy, người Bắc thích hài sâu sắc, thâm thúy để nghĩ ngợi. Miền Nam thì khác, làm được bao nhiêu có thể tiêu hết luôn, mai lại làm tiếp. Do vậy, người Nam thích cười một cái rồi thôi, không thích phải nghĩ ngợi” –  nghệ sĩ Quang Tèo nhận xét.
Sau mỗi ý kiến của các nghệ sĩ hài miền Bắc được đăng tải trên báo chí, cuộc tranh cãi lại càng bùng nổ dữ dội hơn, không riêng gì với các nghệ sĩ mà lan sang cả khán giả hai miền. Vô tình những ý kiến bàn luận lại tiếp tục sa vào việc so sánh, “chê bên nọ, chì chiết bên kia”.

MC Thành Trung không ngờ phát ngôn của mình lại “châm ngòi” cho cuộc tranh luận về hài Nam - Bắc.

Hãy học hỏi và vì khán giả!

Bản thân chính MC Thành Trung cũng không ngờ phát ngôn của mình lại “châm ngòi” cho cuộc tranh luận rôm rả đến thế.  “Tôi không hề có ý định so sánh tài năng hay sức hút của các nghệ sĩ hai miền. Tuy nhiên, chính sự nhiệt tình của truyền thông đã gây ra sự hiểu nhầm không đáng có. Tôi tự hào mình là nghệ sĩ đứng trên sân khấu phía Bắc và lúc này cũng tham gia một số sân khấu phía Nam nên rất hiểu cách yêu thương của khán giả hai miền và rõ ràng với việc khán giả yêu thương mình bằng cách đến ủng hộ trực tiếp họ, sẽ có cơ hội để sống và sống tốt so với việc khán giả chỉ đến xem khi được tặng vé hay chương trình miễn phí thông qua truyền hình. Nam hay Bắc chúng ta đều là người Việt Nam và phải học hỏi lẫn nhau”.  Thành Trung nói đúng, điều quan trọng nhất với nghệ sĩ là học hỏi và tiếp thu ý kiến, tôn trọng lẫn nhau, thay vì “chê hài Nam nhảm vì mình là diễn viên hài Bắc, hay chê diễn viên Bắc vì mình là hài Nam”.
Những tên tuổi như Xuân Hinh, Hoài Linh, Xuân Bắc, Tự Long, Trấn Thành… đã tạo nên sự đa dạng và sôi động của hài kịch Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây. Chính tài năng của họ đã góp phần quan trọng giúp cho hài kịch nói riêng, sân khấu kịch Việt nói chung đứng vững và phát triển trong sự bùng nổ của các loại hình giải trí khác. Tuy nhiên, đôi khi, những phát ngôn thẳng thắn, bộc trực của các danh hài lại tạo ra những “cơn bão” trong cộng đồng mạng.
Năm 2011, Vượng “râu” khiến cộng đồng mạng xôn xao khi tuyên bố trong một bài trả lời phỏng vấn: “Ai đứng thứ nhất tôi không biết, nhưng dám khẳng định, Vượng “râu” là số 2, bên cạnh Chiến Thắng ở đất Bắc này. Tuyên bố của Vượng “râu” ngay lập tức nhận được những phản ứng gay gắt của cộng đồng thời điểm đó. Từ phát ngôn này, cộng đồng mạng cũng sôi sục câu hỏi: Ai là số 1 của hài miền Bắc. Cuộc “tranh luận” để tìm ra người “số 1” của làng hài xứ Bắc cũng tốn không ít giấy mực của báo chí.
Năm 2012, diễn viên hài Công Lý trong một lần trả lời phỏng vấn đã khẳng định anh không thích xem hài miền Nam, “bởi đơn giản tôi không thích phong cách của họ và khi diễn tôi cũng không diễn theo phong cách của hài Nam. Ở trong Nam hay có kiểu diễn tự biên tự tiện nên tôi phải tiết chế Trấn Thành. Cậu ấy cứ bô lô ba loa, tập một đằng, diễn một nẻo!”
Câu nói này của Công Lý ngay lập tức nhận được những phản ứng trái chiều của người trong nghề cũng như khán giả. Trấn Thành cũng lên tiếng trước những nhận xét của Công Lý về diễn xuất của mình. Theo anh, việc góp ý về diễn xuất của đồng nghiệp thông qua báo chí là không nên. Đồng thời, anh cũng khẳng định: “Khi anh Công Lý nói tôi luyên thuyên như thế có nghĩa là anh không hiểu được tính chất của hài miền Nam”. Câu chuyện của Trấn Thành và Công Lý cũng tạo ra một cuộc tranh luận khác về “tính chất” của hài Nam và hài Bắc. Cho đến tận bận giờ, khi hỏi về tính chất hài hai miền, nhiều nghệ sĩ hài “né tránh”, bởi mỗi lần nói ra lại gây tranh cãi, lại sợ bị quy chụp là miệt thị, chê bai bên nọ, đề cao bên kia.
Bởi khi đặt lên bàn cân để nói hài nào nặng cân hơn thì rất khó so sánh, bởi sự đan xen của nhiều yếu tố, từ văn hóa vùng miền đến thị hiếu khán giả. Nhất là thời buổi này đang là thời thịnh của hài, khi hài có nhiều đất diễn hơn, không chỉ trong nhà hát, mà ở không gian ngoài trời và cả trên truyền hình nữa. Nhất là ở phía Nam, với sự phát triển của ngành giải trí, thì thị trường, sân khấu hài cũng ngày càng sôi động.
Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, có chuyện hài ngày càng nhảm, khi sự dung tục lên ngôi, sự sâu sắc ngày càng vắng bóng. Làng hài cả nước bây giờ, lực lượng diễn viên ngày càng đông, show diễn cũng đều đặn hơn, nhưng lại rất ít những vở diễn thuộc hàng kinh điển, khiến khán giả cười đấy, nhưng cũng khóc đấy. Hài kịch bây giờ phát triển về lượng, nhưng đếm không ra những vở diễn sâu sắc thuộc hàng kinh điển của sân khấu kịch Việt Nam như “Người nhà quê”, “Dạ cổ hoài lang”, “Người ngựa, ngựa người”, “Cu sứt”. Không ít nghệ sĩ hài bây giờ, vì chạy theo lợi nhuận, nên chạy show liên tục, đi diễn mà kịch bản chưa được trau chuốt, thậm chí diễn theo kiểu “tùy cơ ứng biến”, thích nói gì cũng được. Sự phát triển của các game show hài giúp nghệ sĩ nổi tiếng nhanh, nhưng cũng “cào mòn” ý tưởng của nghệ sĩ và đôi khi họ quên mất rằng, tiếp thu những lời chê cũng là cách học hỏi, vì sự phát triển chung của hài kịch Việt Nam.  

Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.