Xuất khẩu văn hóa Việt nhìn từ chiếc áo dài: Hàng nghìn tỉ mỗi năm đang chờ cơ hội

Tường Minh (thực hiện) |

Trao đổi với phóng viên Lao Động xung quanh chuyện áo dài và công nghiệp văn hóa, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Thừa Thiên Huế cho rằng: Nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn chưa định hình rõ nét và đồng bộ. Hiện nay, mô hình kinh doanh vẫn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ ở từng lĩnh vực kể cả ở các ngành chủ lực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật...

Thưa ông, với tư cách là người được giao chủ trì đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”, ông có thể phân tích những tiềm năng, cơ hội, thách thức của Việt Nam, của Huế trong việc đẩy mạnh “xuất khẩu văn hóa Việt” ra thế giới nhìn từ câu chuyện của chiếc áo dài mà ông đang thực hiện?

Cố đô Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn, và điều đó đã kéo dài hàng trăm năm. Bởi vậy, Huế không chỉ là kinh đô của Việt Nam dưới hai triều đại quân chủ Tây Sơn (1788-1801) và Nguyễn (1802-1945), mà còn là kinh đô của trang phục Việt, kinh đô áo dài Nam. Đây chính là lợi thế to lớn để Huế có thể biến di sản trang phục (mà ở đây chính là áo dài) thành sản phẩm độc đáo, thành thế mạnh riêng để xuất khẩu văn hóa và phát triển du lịch dịch vụ.

Sau đổi mới, thành phố Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Và từ năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội. Đồng thời, hình ảnh chiếc áo dài luôn gắn bó với các hoạt động xúc tiến du lịch cả ở trong và ngoài nước, và ở góc độ nào đó có thể nói, áo dài đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, góp phần quảng bá không nhỏ cho ngành du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta đang chú ý quá nhiều đến áo dài nữ và áo dài cách tân, trong khi đó lại ít quan tâm hơn đến các loại áo dài truyền thống đúng nghĩa mà nhất là áo dài nam. Thực ra, các loại áo dài truyền thống của cả nam và nữ vốn rất đẹp và rất phù hợp với người Việt Nam vì đã được sáng tạo và hoàn chỉnh qua hàng trăm năm, tiêu biểu là các loại áo Nhật bình, áo ngũ thân của phụ nữ; áo ngũ thân, áo tấc (áo ngũ thân tay rộng) và các loại lễ phục, triều phục của nam giới…

Nếu nghiên cứu kỹ thì hoàn toàn có thể lựa chọn một số loại hình áo dài truyền thống để giới thiệu, quảng bá về văn hóa Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến văn hóa, du lịch. Đây là tiềm năng, cơ hội để “xuất khẩu văn hóa Việt”. Bởi vì cốt lõi của “xuất khẩu văn hóa Việt” là xuất khẩu một giá trị bản sắc dân tộc. Áo dài sẽ là một sản phẩm có giá trị hữu hình và vô hình to lớn nếu chúng ta biết cách khai thác và “xuất khẩu” đúng cách.

Du khách nữ với áo ngũ thân tay rộng. Ảnh: TLa
Du khách nữ với áo ngũ thân tay rộng. Ảnh: TLa

Thực tế, trong khi nền công nghiệp văn hóa đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia thì Việt Nam vẫn lãng phí tiềm năng. Theo ông thì nguyên nhân đến từ đâu và chúng ta cần làm gì để thực hiện được mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể nhất là chiếc áo dài?

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một điều rằng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030” với nhiều kỳ vọng về phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn chưa định hình rõ nét và đồng bộ. Hiện nay, mô hình kinh doanh vẫn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ ở từng lĩnh vực kể cả ở các ngành chủ lực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật... Chất lượng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa còn thấp; năng lực cạnh tranh chưa tạo nên đối trọng để cân bằng cán cân giữa nhập khẩu văn hóa vào Việt Nam so với xuất khẩu văn hóa ra thế giới.

Vì vậy, muốn đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần hội tụ nhiều yếu tố như chính sách vĩ mô, nguồn nhân lực, đầu tư kinh phí tương xứng. Việc xuất khẩu văn hóa Việt cũng cần được hiện thực hóa bằng các chiến lược, hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa. Bây giờ vẫn chưa quá muộn nếu chúng ta bắt tay vào xây dựng một chiến lược lâu dài và bền vững cho vấn đề phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam và để thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Riêng với Huế thì áo dài đã được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực (cùng ẩm thực, ca Huế, tác phẩm mỹ thuật), đang được định hình, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá quan trọng để phục vụ du lịch, dịch vụ.

Ông từng có tham vọng sẽ biến áo dài Huế thành một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch, xin ông cho biết ý tưởng này có tính khả thi như thế nào và Huế đã thực hiện đến đâu?

Tôi cho rằng, biến áo dài Huế trở thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn toàn có tính khả thi. Bởi, Thừa Thiên Huế rất thuận lợi để ban hành các chính sách, cơ chế phát huy nghề may đo áo dài truyền thống nhằm phục vụ những người có điều kiện, yêu chuộng sự cầu kỷ, tỉ mẩn, tài hoa của các nghệ nhân. Chiếc áo dài theo đó không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị văn hóa Huế. Nhưng, cũng phải hướng đến tạo dựng những sản phẩm công nghiệp phục vụ khách hàng đơn giản hơn nhưng lại chiếm số đông, có yêu cầu khác về tỷ lệ, hàm lượng thủ công và công nghiệp ở từng khâu sản xuất và từng sản phẩm.

Năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19 và du lịch hoạt động bình thường, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 4,9 triệu lượt khách. Chỉ lấy khiêm tốn con số khoảng 10% du khách đến Huế, mỗi người may một bộ áo dài thì Huế đã bán đươc 490.000 bộ áo dài. Chỉ tính trung bình mỗi bộ áo dài giá 1 triệu đồng thì đã có doanh thu 490 tỉ đồng.

Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách. Nếu nhân với các con số khiêm tốn tương tự thì sẽ có doanh thu trung bình mỗi năm là 700 tỉ đồng từ công nghiệp áo dài, còn nếu xây dựng thành công thương hiệu “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” để 30-40% du khách đến Huế may áo dài thì doanh thu từ sản phẩm này có thể đạt từ 2.100 -2.800 tỉ đồng. Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo chiếc áo dài. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn mở ra nhiều khía cạnh khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật…

Từ kinh nghiệm của những mặt được và chưa được của áo dài trong nhiều năm nay, theo ông làm thế nào để chúng ta vừa giữ được bản sắc Việt mà vẫn phù hợp với thời kỳ hội nhập?

Theo tôi, phải coi di sản áo dài là tài nguyên thật sự để nuôi sống cộng đồng. Đây là linh hồn, là đòn bẩy phát triển du lịch, kêu gọi du khách đến với chính quê hương của di sản áo dài để tìm hiểu, thưởng thức, trải nghiệm.

Hiện nay, áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân nên chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả không có một mẫu áo dài nào bất biến, càng không thể có một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho xứ Huế. Nhiều nhà thiết kế thời trang ở khắp trong Nam, ngoài Bắc và ở hải ngoại đã tiến hành cách tân, sáng tạo nhiều kiểu áo dài mới lạ, hấp dẫn. Áo dài có chất liệu, màu sắc và các họa tiết được thiết kế, phối hợp rất tinh tế tạo cảm giác nhã nhặn, đằm thắm nhưng vẫn không kém phần trẻ trung, sinh động.

Tuy nhiên, thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng vẫn hướng đến những kiểu dáng áo dài truyền thống mà giá trị của nó đã được chắt lọc qua thời gian. Áo dài có thể cách tân cho phù hợp với hơi thở của cuộc sống thời đại nhưng phải tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn được các giá trị truyền thống để tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ và đàn ông Việt.

Tôi hy vọng rằng trong thời gian sắp đến, câu chuyện “xuất khẩu văn hóa Việt” sẽ được quan tâm nhiều hơn, giúp cho những giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa Huế nói riêng ngày càng được nhiều người biết đến.

Xin cám ơn ông vì cuộc trao đổi này!

Tường Minh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Sứ mệnh thầm lặng của áo dài

Hào Hoa |

Câu chuyện về lễ phục, quốc phục tiếp tục làm nóng các diễn đàn màn trình quốc thư của một vị đại sứ. Câu chuyện này đã được bàn đi bàn lại trong hơn một thập kỷ nhưng đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ.

Tiềm lực kinh tế của áo dài

Hào Hoa |

Giới chuyên gia và các nhà thiết kế khẳng định, họ nhìn thấy tiềm lực kinh tế rất lớn của chiếc áo dài.

Áo dài góp phần quảng bá du lịch Việt như thế nào?

Trang Ngọc |

Không chỉ là trang phục truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, tà áo dài Việt Nam còn góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển theo nhiều cách.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Sứ mệnh thầm lặng của áo dài

Hào Hoa |

Câu chuyện về lễ phục, quốc phục tiếp tục làm nóng các diễn đàn màn trình quốc thư của một vị đại sứ. Câu chuyện này đã được bàn đi bàn lại trong hơn một thập kỷ nhưng đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ.

Tiềm lực kinh tế của áo dài

Hào Hoa |

Giới chuyên gia và các nhà thiết kế khẳng định, họ nhìn thấy tiềm lực kinh tế rất lớn của chiếc áo dài.

Áo dài góp phần quảng bá du lịch Việt như thế nào?

Trang Ngọc |

Không chỉ là trang phục truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, tà áo dài Việt Nam còn góp phần thúc đẩy nền du lịch phát triển theo nhiều cách.