Vòng luẩn quẩn cấp phép và tác quyền

Minh Thi |

Có hai sự kiện nóng liên tục gây tranh cãi từ một, hai tuần nay, đó là vụ Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đi cấp phép lại cho những tác phẩm quá phổ biến và trở thành di sản của dân tộc như Quốc ca, và vụ bật ti vi ở khách sạn là bị thu tác quyền. Có người cho rằng, nhà quản lý thích “hành” doanh nghiệp và người dân, đưa ra những quy định chưa hợp lòng người.

Ấm ức vì cái “ách” xin-cho

Lâu nay, mọi việc tưởng như xuôi chèo mát mái khi các hãng sản xuất băng đĩa cứ chịu ấm ức khi muốn sản xuất chương trình nào cũng phải cung cúc đi…xin phép. Hết chương trình đó, đến chương trình khác lại phải đi xin phép lại. Khi báo chí đề nghị Cục NTBD nên cung cấp danh mục những bài hát cấm, còn lại nghĩa là được phép hát, cho khỏi bị “hành”, đỡ mất thời gian, tiền của, công sức thẩm định, thì câu trả lời rất chung chung là “không thể”.

Cơ chế xin cho cứ dùng dằng hàng chục năm trời, mà không nhà sản xuất hay đơn vị tổ chức biểu diễn, ông bầu nào dám hó hé vì sợ bị làm khó. Thế nên, mới có cảnh tréo nghoe, là cùng trên một đất nước nhưng có nơi Sở VHTT tỉnh này cấp phép, nơi khác thì không; nơi được Cục NTBD cho phép, song địa phương nói không, thì phải… chịu.

Sự việc gần đây trở nên bùng nổ tới đỉnh điểm là vụ Cục NTBD đưa ra văn bản cấm 5 ca khúc nhạc xưa, trong đó có “Con đường xưa em đi” với lý do không thuyết phục. Trước sự phản ứng ồn ào của dư luận, ngay sau đó, Cục NTBD đã phải thu hồi lại văn bản dừng lưu hành 5 ca khúc và thừa nhận sai. Bản thân lãnh đạo Cục NTBD đã phải xin lỗi công chúng và xin rút kinh nghiệm sâu sắc.

Tuy nhiên, dường như việc “rút kinh nghiệm sâu sắc” là câu cửa miệng, khi đầu tháng 5, Cục NTBD lại có hành động khá “lãng nhách” là cập nhật hơn 300 bài “nhạc đỏ” trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến”, gây ra làn sóng phản ứng. Chẳng có nhà quản lý nào lại bất nhất khi cấp phép cả…ca khúc được Quốc hội thông qua là quốc ca, và những bài phổ biến đương nhiên lại bị “khoác áo” cấp phép!

Tình trạng lạm quyền, làm việc thiếu căn cứ này đã khiến Cục NTBD bị cho là đi ngược lòng dân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải vào cuộc, yêu cầu Bộ VHTTDL phải chỉ thị rõ cho Cục NTBD điều mà ai cũng biết: Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Bị dư luận phản ứng gay gắt, ông Nguyễn Đăng Chương phải thôi giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về nhận lãnh nhiệm vụ khác, và lời xin lỗi trước đó cũng bị vô hiệu vì chính nhà quản lý không hiểu mình đang làm gì, vì sao lại đến cơ sự như vậy.

Tuy một cá nhân thôi chức, song, không có nghĩa những đường hướng tiếp theo trong quản lý và cấp phép ca khúc sẽ là đúng đắn, nếu người đứng đầu Cục NTBD chưa ý thức được con đường bài bản chuyên nghiệp mà nhà quản lý hiểu biết cần làm. Song câu chuyện mất chức ở đây có thể hiểu là một khi lối quản lý lạc hậu, thiếu khoa học, thiếu lý lẽ, sẽ tất yếu dẫn đến sự thiệt thòi cho các nhà sản xuất, cho nhạc sĩ, nghệ sĩ và cả cho công chúng.

Liệu xem gameshow trong khách sạn có phải mất tiền? Ảnh: T.L

 

Bật ti vi lên là phải mất tiền!

Câu chuyện thứ hai, cũng vô lý không kém, song lâu nay nhiều địa phương, tỉnh thành chấp nhận ngậm bồ hòn làm ngọt, nộp tiền cho xong chuyện. Đó là việc thu phí âm nhạc ti vi tại các phòng nghỉ khách sạn. Chỉ khi đến truy thu ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp miền Trung mới mạnh mẽ lên tiếng phản đối.

Dù không nắm được nội dung, bài hát, tác giả được phát trên ti vi, trong đó ai ủy quyền thu tác quyền cho Trung tâm, ai không, song Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc (VCPMC) vẫn cứ việc …đếm ti vi trong phòng ngủ khách sạn để thu tiền. Việc thu tiền đã thực hiện ở quầy bar và sảnh khách sạn, nhưng phòng ngủ thì rất khó kiểm soát, vì không biết liệu khách hàng có mở ti vi lên xem hay không, có xem chương trình ca nhạc không hay xem những chương trình khác.

Mặt khác, phía người thu cũng không rõ khách sạn có yêu cầu nhà đài phải phát các ca khúc theo yêu cầu, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của họ, mà chỉ đơn thuần là những chương trình phổ cập trên truyền hình, nhà nhà vẫn được xem. Hàng tháng, khách sạn vẫn trả cả gói thuê bao đường truyền cho truyền hình cáp, theo lập luận của trung tâm, đó mới là phần đường truyền, chứ chưa có phần nội dung. Các khách sạn ở trên thế giới đều bị truy thu tác quyền như thế. Song xem ra ở đây có điểm khác, khi ở các nước, dịch vụ truyền hình trả tiền theo yêu cầu của người xem khác với chương trình phổ cập cho mọi khán giả. Thế nên chuyện vào phòng ngủ đếm ti vi để trả tiền tác quyền 25.000 đồng/chiếc tivi truyền phát nghe hơi khiên cưỡng.

Dư luận còn thắc mắc, muốn tiến hành việc thu tác quyền, VCPMC cần phải thống kê bên khách sạn và người thuê phòng đã “sử dụng” bài hát nào, của ai, người đó có ủy quyền cho mình hay không và cũng nên công khai danh sách ca khúc được ủy quyền để bên chủ khách sạn được biết và đối chiếu.

Bên luật sư cũng vào cuộc, làm bùng lên ý kiến nhiều chiều xung quanh việc này. Song trước chứng cứ thu tác quyền chưa đầy đủ cơ sở và tính pháp lý, việc thu tác quyền này đã phải tạm hoãn lại để VCPMC phải tìm những lý do giải thích một cách xác đáng hơn.

Theo ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, TT có thể “thu hộ” các tác giả chưa uỷ quyền...Song muốn làm được điều đó khá phức tạp, phía TT phải có danh sách tác phẩm đang dùng và TT “sẽ tách ra những tác giả, tác phẩm nào không uỷ quyền cho TT, ai muốn nhờ thu hộ thì cũng mạnh dạn đảm nhận.”

“Việc thu phí âm nhạc trên ti vi trong các phòng nghỉ khách sạn, dù không biết trên ti vi phát những chương trình nào, có những tác phẩm âm nhạc của các tác giả nào nhưng chắc chắn là nếu các phòng nghỉ khách sạn có sử dụng ti vi thì thế nào cũng có khách mở nhạc và được nghe nhạc thì họ sẽ thấy thú vị hơn khi ở các khách sạn không dùng ti vi (!).

Để không thiếu sót, chúng tôi đưa ra hình thức khoán một mức nhỏ nhất rồi sau đó tìm cách trả tiền cho các tác giả. Quan trọng nhất là chúng tôi không được quyền giữ tiền đó để tiêu riêng mà phải trả cho các tác giả. Trả cho các tác giả như thế nào thì chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm, để đưa ra giải pháp tạm chấp nhận được”, ông Phương trả lời phỏng vấn báo chí khá mơ hồ.

Nhiều luật sư cho rằng, ở nhiều nước châu Âu, người xem sẽ trả giá trực tiếp cho kênh truyền hình họ muốn thưởng thức. Bảng giá từng chương trình được niêm yết trong phòng khách sạn. Ở ta, các đài truyền hình đã đóng tiền tác quyền cho VCPMC, vì vậy, việc đơn vị này thu tiếp từ khách sạn là trùng lặp. Và khách sạn không thuộc diện đối tượng nộp tác quyền là “tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền”.

Thêm nữa, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng”. Với quyền này, họ có thể cho phép người khác biểu diễn tác phẩm trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Người biểu diễn ở đây phải là ca sĩ, nhạc công… hoặc chính tác giả. Khách sạn không thuộc đối tượng trên. Trong khi đó, “quyền truyền đạt tác phẩm trước công chúng” thuộc về đài truyền hình chứ không phải khách sạn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng khách sạn có thể từ chối yêu cầu từ VCPMC bằng lập luận họ nghe nhạc nước ngoài, sử dụng máy tính kết nối internet chứ không phải tivi. 

- Người ta ngầm hiểu, một khi còn cơ chế xin-cho thì ai được lợi, ai bị “hành”. Đó cũng chính là lý do vì sao cấp phép thì dễ, mà đưa ra danh mục bài hát bị cấm thì lại khó.

- Xem ra, muốn thu tiền tác quyền cũng không phải dễ, nếu chỉ nhăm nhăm về lý mà thiếu đi cái tình, lẫn sự linh động áp dụng ở Việt Nam. Và khi chưa thuyết phục được đối tượng bị thu tác quyền “tâm phục khẩu phục”, thì xem như, cơ sở để tận thu còn cần phải xem lại.


Minh Thi
TIN LIÊN QUAN

Thu phí hát karaoke 2.000 đồng/bài hát: Không minh bạch thông tin, sẽ gây bức xúc!

Đặng Chung |

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đang rốt ráo triển khai thực hiện thu tiền quyền liên quan đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke với mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ.

“Bài hát Tiến quân ca được cấp phép, tôi thấy ngạc nhiên và bất ngờ“

Xuân Hải |

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đã nói như vậy với báo chí bên lề Quốc hội sáng 23.5, về việc bài hát “Tiến quân ca” được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến rộng rãi.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Thu phí hát karaoke 2.000 đồng/bài hát: Không minh bạch thông tin, sẽ gây bức xúc!

Đặng Chung |

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đang rốt ráo triển khai thực hiện thu tiền quyền liên quan đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke với mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ.

“Bài hát Tiến quân ca được cấp phép, tôi thấy ngạc nhiên và bất ngờ“

Xuân Hải |

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đã nói như vậy với báo chí bên lề Quốc hội sáng 23.5, về việc bài hát “Tiến quân ca” được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến rộng rãi.