Vàng Trinh Nữ

Truyện ngắn của HỮU NHÂN |

Trời đêm oi bức. Tiếng vạc kêu sương gieo vào lưng trời những âm thanh nghe đến não lòng. Phan bày con gà luộc chín cùng nải chuối và đĩa xôi ra bờ ruộng rồi thắp hương khấn vái tứ phương. Tiếng rì rầm xen lẫn tiếng côn trùng rả rích.

Những nén hương cháy đỏ lập lòe, cánh đồng vắng chợt ẩn hiện bóng người tựa những hồn ma lang thang, vật vờ tìm kiếm hương hoa. Anh sờ vào chiếc đèn pin đeo bên hông, sửa lại dây đeo chiếc cuốc cán ngắn ở vai rồi gắn tai nghe, bật máy dò tìm kim loại, dò dẫm bước đi trong đêm đen. 

Tiếng máy u...u... dội vào tai như tiếng kêu than của những oan hồn bị chôn sâu dưới lòng đất qua hàng thế kỷ. Cứ mỗi lần dứt tín hiệu âm thanh bên tai, anh hối hả dang đôi tay cơ bắp cuồn cuộn bổ những nhát cuốc cắm sâu vào nền ruộng nóng ẩm. Khi nhát cuốc dội lại làm ê cả bàn tay, anh liền hé mở đèn pin chỉ đủ soi sáng hố đất vừa đào bới. Chỉ là những mảnh bom còn sót lại sau chiến tranh, những chiếc răng bừa bằng sắt đã hoen gỉ.

Tay chân Phan như tê dại, mồ hôi vã ra như tắm. Những bóng người như ảo ảnh trên đồng lặng lẽ bật lửa, thắp hương sì sụp khấn vái. Tiếng cuốc cắm phập vào lòng đất. Thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng “keng” khô khốc như sắt va vào đá. Anh nhủ thầm: Chắc họ gặp phải tảng đá lớn lát trên mặt chum đựng những thỏi vàng màu sáng pha xanh mang hình hoa, lá, buồng cau và cả gà trống.

Làng Gò Tháp, với gần trăm nóc nhà nằm dưới chân Núi Lớn ngày thường rất đỗi yên bình, chẳng mấy khi người làng to tiếng với nhau. Sở dĩ có tên Gò Tháp là do làng nằm trên đồi, cạnh khu tháp cổ của người Chăm thuở trước, giờ đã bị hư hại chỉ còn lại phần móng với những viên gạch đỏ sẫm bị bể nát do sự bào mòn theo thời gian. Người trong làng sáng sáng í ới gọi nhau vác cuốc ra đồng chăm bón ruộng lúa, lên gò đồi cuốc xới trồng khoai.

Câu chuyện thường ngày cũng chỉ là lúa, khoai, trâu, bò, lại thêm vài lời hỏi han về những đứa con đi bán hủ tiếu gõ ở phương xa. Ấy vậy mà hơn cả tháng qua, người làng cứ rì rầm bàn tán chuyện ông Ngãi đi tát nước đêm ở đồng Cây Me về ngang qua khu tháp cổ thì gặp cả bầy gà vàng đi kiếm ăn. Ông vội quăng chiếc gầu sòng khỏi vai lao đến thì bầy gà hoảng hốt chạy nhanh rồi biến mất trong nháy mắt.

Họ còn rỉ tai nhau chuyện về người đàn bà lạ mặt mang bánh, kẹo ra đồng chia cho lũ trẻ chăn bò rồi dò hỏi hòn đá nhỏ mang dáng hình con thỏ để đục lấy vàng của ông bà cất giấu thuở trước. Rồi chuyện những người lạ mượn cớ bẫy cò gần khu vực tháp cổ để tìm nơi cất giấu vàng.

Nhiều người còn kể: Vào những đêm tối trời, gần hòn đá to như ngôi nhà trên Gò Bà Giá bỗng nhiên sáng rực. Những người bạo gan rủ nhau đến gần để xem thì ánh sáng chợt tắt, mọi vật chìm vào đêm tối mịt mùng. Họ phán đoán: Có lẽ người Hời lúc trước chôn vàng ở khu vực xung quanh đó nên nó mới sáng rực như thế? Câu chuyện vàng Hời cứ thế lan truyền từ người nọ sang người kia.

Rằm tháng trước, ông Sáu Nhật mời thầy cúng người Chăm tận Ninh Thuận về sắm sửa lễ vật khấn vái tại tảng đá Mặt Quỷ, cạnh cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Từ nửa đêm đến gần sáng, lửa hương cứ lập lòe như ma trơi. Nhiều người tò mò đến xem sởn tóc gáy khi thấy thầy tay cầm nắm hương đỏ rực nhảy múa như người bị động kinh cùng với những tiếng gầm gừ trong cổ họng.

Cứ mỗi lần thầy chỉ nắm hương xuống đất thì các con của ông Sáu Nhật vội chạy đến bổ cuốc nháo nhào. Sự tình chưa rõ, nhưng trông gương mặt nhàu nhĩ của bà Sáu Nhật vào buổi sáng hôm sau, nhiều bà đi chợ chép miệng: Thôi! Mất cả chục triệu đồng cho ông thầy đó rồi...!

Lúc chiều, chú Tư lê bước chân khó nhọc sang nhà với vẻ mặt thiểu não, thở những hơi dài như người sắp chết. Chỉ sau bảy đêm cùng Phan đào bới kiếm tìm mà đôi mắt chú thâm quầng, hai bên gò má hõm sâu, râu mọc tua tủa như rễ tre. Chú thều thào: Chắc tao bị con ma vàng nó ám rồi vì cứ đào bới cạnh khu Tháp Chăm. Thiêng lắm đấy! Đừng đào bới nữa con ơi!

- Anh đừng có đào bới mồ mả, miếu mạo của người Chăm, sẽ bị họ bắt hồn rồi đau ốm đến chết mất! Thuở trước, họ chôn sống trinh nữ ngậm ngải cùng với vàng. Những oan hồn ấy không được siêu thoát để đầu thai vào kiếp khác, đâu dễ gì lấy được vàng của họ - Nga, vợ Phan chen vào câu chuyện.

- Đàn bà biết gì mà nhiều chuyện - Phan nạt vợ.

Chú Tư và Nga im lặng thở dài, sự lo lắng và mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt. Phan vào trong nhà nằm trên tấm phản gỗ trước cái lắc đầu ngao ngán của ông chú họ. Khi chú Tư bước thấp bước cao trở về nhà, vợ xuống bếp xắt rau cho heo, anh lục tìm cuốn sổ viết tay của ông nội để lại trong chiếc tủ gỗ khá cũ kỹ.

Nghe lời cha anh kể lúc còn sống: Ông nội được ông cố dạy chữ nho khá rành rẽ rồi sau đó mới học ít chữ quốc ngữ. Vì ông đọc thông, viết thạo chữ nho và rành xem tướng số nên lúc sinh thời được nhiều người nể trọng. Dân trong làng thường đến nhờ ông xem ngày giờ để dựng nhà, tổ chức cưới hỏi cho con cháu...

Lúc rỗi rãi, ông nghiền ngẫm sách chữ nho rồi chép lại nội dung vào những cuốn sổ giấy vàng ệch và thô ráp. Sổ sách quý giá như báu vật tan thành tro bụi khi lính của ông Diệm châm lửa đốt nhà vì ông nội không chịu theo lệnh của chúng di dời gia đình vào sống trong ấp chiến lược. Quá uất ức, ông nội phát bệnh nặng rồi qua đời, sau khi căn dặn các con an táng mình bên cạnh tổ tiên và người vợ hiền lìa trần cách đó vài năm.

Gia tài chữ nghĩa cả đời của ông chỉ còn lại cuốn sổ tay ghi chép trên giấy vàng bị cháy nham nhở. Cha của Phan là con trai duy nhất của nội, luôn trân trọng cuốn sổ như vật báu gia truyền. Vào ngày giỗ ông, sau khi thắp hương vái lạy, cha anh mang cuốn sổ đặt lên bàn thờ rồi lầm rầm khấn nguyện. Khi những nén hương cháy đến chân, hai tay cha kính cẩn nâng cuốn sổ lên ngang đầu vái lạy rồi mở tủ cất vào chỗ cũ.

Phan nhẹ nhàng lật từng trang sổ vớt nét viết nguệch ngoạc: “Trước kia, tổ tiên của người Chăm sinh sống ở vùng biển Sa Huỳnh. Ban đầu, họ sống ven bờ một đầm nước rộng, có tên là đầm An Khê, để lấy nước ăn uống, tắm giặt và đánh bắt cá. Sau này, con cháu của họ khá đông nên chuyển đến sống ở nhiều nơi. Những nơi họ đến ở thường xây dựng Tháp Chăm bằng gạch đất sét rất chắc chắn, còn gọi là tháp người Hời.

Khi người Kinh ở phía bắc thiên di về phương Nam có xảy ra mâu thuẫn với người Chăm nhưng rồi mọi việc được giải quyết ổn thỏa. Khi người Kinh lấn đến đầm vùng An Khê, nơi tổ tiên người Chăm sinh sống trước kia, thì xảy ra xung đội dữ dội. Hai bên dàn trận chuẩn bị đánh nhau.

Những người Kinh lanh trí thách đố với người Chăm thi làm cầu bắc qua con lạch từ đầm chảy ra biển. Hai bên giao ước là phe nào làm cầu xong trước thì thắng cuộc và phe kia phải rút lui. Người Chăm lựa chọn thanh niên khỏe mạnh và những người thạo nghề lên núi chẻ đá rồi chuyên chở đến nơi chuẩn bị làm cầu chất thành đống khá to. Người Kinh cử những binh lính khéo tay lên chặt cây rừng về làm cầu gỗ nên chỉ trong thời gian ngắn đã xong, người và ngựa qua lại dễ dàng. Thế là người Chăm thua cuộc, đành phải rút lui về phương Nam.

Trước khi xuôi về phương Nam, nhiều người giàu có âm thầm chôn lại vàng bạc và những đồ quý giá dưới lòng đất. Họ cẩn thận vẽ sơ đồ, đánh dấu địa điểm cất giấu để sau này quay trở lại đào lấy rồi mang đi...”.

Bỏ mặc những lời can ngăn, anh vẫn đào bới kiếm tìm. Chỉ cần ánh sáng lóe lên từ lòng đất là anh xây được căn nhà ba tầng thua gì ở phố. Anh cũng sẽ mua xe máy đắt tiền để chở vợ chạy rong khắp xóm, đâu thua gì mấy thằng bạn bán hủ tiếu ở Sài Gòn.

Hồi còn chăn bò, tụi nó đít quần thủng lỗ, áo rách te tua trông đến thảm hại. Đứa nào da cũng xanh rớt lòi cả bộ xương sườn như con kỳ nhông ốm đói vì cơm độn khoai mì ăn chẳng đủ no. Chỉ sau mấy năm bán hủ tiếu mà tụi nó mua đất xây nhà to, sắm cả tivi, tủ lạnh và xe máy đắt tiền, lại còn dự tính mua xe hơi nữa chứ.

Nhiều lúc, Phan muốn dẫn vợ vào Sài Gòn tìm mua xe mì gõ để buôn bán, kiếm được nhiều tiền như tụi nó. Nhưng ngặt một nỗi, anh trai của Phan đưa cả mẹ già cùng vợ con vào sinh sống tận thành phố Cần Thơ nên anh phải bám trụ ở quê để lo hương khói cho cha và ông bà tổ tiên.

Mỗi lần máy dò bắt được tín hiệu kim loại, Phan ra sức đào bới. Bỗng một ánh chớp lóe sáng giữa cánh đồng trơ gốc rạ. “Rầm...” Trên cánh đồng giữa đêm đen giờ lấp lóa ánh đèn pin và nhiều tiếng người la hoảng.

Mọi người vội chạy đến nơi vừa phát ra tiếng nổ thì thấy thằng Sơn, nhà ở cạnh Phan, đang oằn oại, thân thể đầm đìa máu, hơi thở đứt quãng rồi tắt lịm. Sơn được khiêng về đặt nằm trên chiếc giường tre. Máu vẫn còn rỉ từ những vết thương khắp cơ thể.

Hàng xóm nháo nhác chạy đến nhà khi nghe tiếng gào thét đau đớn của vợ Sơn. Hai đứa trẻ mắt tròn xoe ngơ ngác, mếu máo khóc theo mẹ. Con chó vàng chạy quanh nhà, rên ư ử, ý chừng như muốn hỏi: “Sao mà khốn khổ thế này, hả trời?”.

Phan thẫn thờ như người mất hồn. Loáng thoáng tiếng người xầm xì: Bữa trước, thằng Sơn đào bới một hũ sành chứa bên trong toàn là tro. Chắc là tro cốt của người chết thuở trước nên giờ bị báo oán... Cả làng lặng lẽ đưa Sơn ra nghĩa địa trong buổi chiều u ám, mây đen giăng kín bầu trời.

Nấm mộ của Sơn được thanh niên trong làng đắp cao hơn hẳn những ngôi mộ bên cạnh. Khói hương phất phơ bay theo gió. Tiếng khóc than thảm thiết của vợ Sơn cùng tiếng khóc gọi cha của hai đứa nhỏ nghe nhói lòng.

Bỗng gió kéo đến ào ào làm nghiêng ngả cỏ cây. Một tia chớp lóe sáng, theo sau là tiếng nổ buốt óc dội vào núi Lớn vang vọng cả hồi lâu mới dứt. Đoàn người nhốn nháo vội ngồi chồm hổm, hai tay ôm lấy đầu. Phan bấn loạn tâm thần, ngã ra đất bất tỉnh.

Trong cơn mơ, anh thấy mình gặp cô gái da nâu, tóc đen tuyền xõa xuống bờ vai thon. Vòm ngực nàng căng tròn ẩn hiện sau lớp vải trắng mỏng của chiếc áo cánh xẻ ngực. Chiếc cổ cao với chiếc vòng bạc và những chuỗi hạt cườm sáng lấp lánh. Chiếc khăn mỏng với sắc màu sặc sỡ quấn quanh vào vòng eo thon làm cho đôi mông đầy đặn của nàng thêm khêu gợi sau những bước chân lùi dần vào bên trong hầm mộ. Hàng mi cong dài với đôi mắt đen lóng lánh chớp khẽ như mời gọi.

Anh chới với bước theo nàng trong vô thức đến cạnh chiếc giường bằng đá xanh phẳng lỳ rồi cả hai đắm chìm trong cơn hoan lạc. Khi buông tay khỏi cơ thể nàng tìm áo quần, anh thấy những vết máu đỏ loang lổ trên chiếc giường đá và trên hai bắp đùi non của nàng.

Nàng chợt tỉnh vội kéo tay Phan vào sâu trong hầm mộ đến cạnh chiếc chum sành cỡ lớn và ra hiệu bảo anh mở nắp. Anh như đứa trẻ ngoan, hai tay nhấc chiếc nắp khá nặng ra khỏi chum và ngỡ ngàng kêu lên: Ối..! Trước mắt anh là hoa, lá, buồng cau, nải chuối và gà trống loại nhỏ cùng với heo con mang màu vàng sáng ngời pha sắc xanh.

Anh liền cởi phăng áo quần đang mặc trên cơ thể rồi gói tất cả các thứ trong chum thành hai túi nặng lặc lè mang ra khỏi hầm mộ. Nhưng nàng lắc đầu rồi giữ tay anh lại, nhất quyết không chịu rời xa. Anh cố sức vùng vẫy, nhưng vẫn không thể thoát khỏi đôi tay mềm mại của nàng.

Phan chợt tỉnh người, thấy mình đang nằm trên chiếc giường trải drap trắng muốt. Bên cạnh là Nga, người vợ thương yêu của anh, đang nắm chặt cánh tay chồng, đầu gục bên cạnh giường vì mệt mỏi. Cánh tay còn lại của anh bị cột hờ vào mép giường nối với bình nước truyền qua ống nhựa trong suốt nhỏ từng giọt đều đặn.

Anh chợt nhớ lại đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ. Nga rên khe khẽ trong đau đớn khi anh lao vào nàng như hổ vồ mồi, như giống đực lao vào giống cái trong mùa giao hoan. Cặp đùi non trắng nõn nà của nàng loang lổ vết máu, tấm vải trắng trải giường cũng nhuộm một vạt đỏ. Giờ nàng ngồi ngủ gục cạnh giường bệnh của chồng trông thật xót xa.

Gần nửa năm cưới nhau, Nga chiều chuộng chồng hết mực, chăm lo cho anh từng bữa ăn đến giấc ngủ. Chưa bao giờ dám trái ý chồng. “Vậy mà...!” - Phan chợt thở dài. Nga tỉnh giấc, vội rút tay ra khỏi cánh tay chồng vuốt vội mái tóc lòa xòa trước trán.

Nàng âu yếm nhìn chồng: Để em pha sữa cho anh uống nha! Anh đã ngủ mê man hơn hai ngày hai đêm rồi đấy, chưa có gì vào bụng cả, chỉ truyền toàn nước biển. Nga toan đứng lên, nhưng đã bị Phan đưa tay kéo về phía mình. Nga mỉm cười thật tươi, đôi gò má của nàng ửng hồng rạng rỡ. Trên cành phượng vĩ cạnh cửa sổ phòng bệnh, đôi chim bồ câu đang giao mỏ dưới nắng mai.

Truyện ngắn của HỮU NHÂN
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.