Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phú Quang trong ánh chớp lịch sử

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái |

Trong ánh chớp lịch sử - của ngày 30.4.1975, số phận của các nhạc sĩ nền tân nhạc Việt Nam, đương nhiên chịu nhiều biến động. Sự biến động có tính cách lịch sử này đã nghiễm nhiên dẫn đến sự hân hoan tươi mới và lãng mạn về cảm hứng trong sáng tác âm nhạc của họ, nhất là những ca khúc đầu tiên được viết trong niềm vui ngày thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Đặc biệt nữa là sự di chuyển của các nhạc sĩ trong không gian thống nhất, đã được nối liền một dải, theo chiều dài đất nước, cũng đã khiến các quan hệ bằng hữu giữa các nhạc sĩ, được thiết lập và hội tụ, đã bùng nổ những cảm thức âm nhạc tinh khôi, như tên một ca khúc hay của nhạc sĩ Quốc Bảo: “Em về tinh khôi”…

… Nên mới có những ca khúc không thể có lần thứ hai, mà chỉ có lần duy nhất và mãi mãi, đó là “Mùa xuân đầu tiên”, viết năm 1976 của nhạc sĩ Văn Cao. Văn Cao đã viết về mùa xuân đầu tiên trên quê hương hoà bình và thống nhất Việt Nam, sau ngày 30.4, với một cảm thức lãng mạn và hồn hậu, thanh thản, dịu dàng như thì thầm vọng về từ lòng đất Mẹ Việt Nam, và có thể vọng về từ chính tâm tưởng của ông, (từ năm 1946, thời trẻ trai, ông đã hành phương Nam lần đầu, trên một chuyến tàu lửa), khiến cho những ngày kỷ niệm 30.4 sau đó, trên toàn cõi Việt Nam, cho đến năm Nhâm Dần 2022 này, ai ai người Việt nghe hát, cũng vẫn rưng rưng nhớ mãi cái mùa xuân đầu, không thể nào quên ấy. Mùa xuân ấy của Văn Cao, đã không còn là nhịp đi hải hà của giời đất bốn mùa nữa, mà là mùa của hạnh phúc đong đầy, với “dặt dìu mùa xuân theo én về”…

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh… Cả một tình tự dân tộc bừng lên hân hoan khi mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh đã về, cái mùa xuân mơ ước đằng đẵng ấy của dân tộc đã về và đang đến như tình đầu, khiến nước mắt rơi những giọt sáng long lanh. Ca từ của Văn Cao thật êm đềm lạ biệt về tu từ và thật ấm áp đến nao lòng về giai điệu, như tình tự trai gái được gặp lại nhau sau nghìn trùng xa cách, và bất ngờ được cất cánh thăng hoa thành tình tự lớn của dân tộc - được sum họp sau dằng dặc chia cắt hai miền, để “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…”.

Không phải một hùng ca, lại không hề bi tráng, mà âm thầm như nước, năm nào dịp 30.4, ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” lại trở về êm đềm thầm lặng và sự tinh khôi đằm thắm trong tính cách âm nhạc riêng của Văn Cao.

Và chính tính cách đặc biệt này của Văn Cao đã đưa đẩy ông xuyên không gian văn hoá vùng miền, sau ngày 30.4, gặp gỡ Trịnh Công Sơn và kết thành một tình bạn âm nhạc đầy tình tri âm, tri kỉ. Và cũng chính sự kết nối xuyên không, qua ba miền văn hoá Bắc,Trung, Nam, thông qua ba thành phố Hà Nội -  Huế - Sài Gòn, mà hai vị nhạc sĩ tài hoa bậc nhất này của tân nhạc Việt, đã được nghe nhạc của nhau, sâu sắc cảm mến nhau, từ trước khi cham mặt.Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là “người của thi ca”. “Ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định”.

Văn Cao bồi hồi nhớ: “Hơn một năm sau ngày 30.4, chúng tôi mới thật sự mặt nhìn mặt, tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau từ bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn có một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia cắt hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc ở đây một kỷ niệm không thể nào quên ở nhà một bạn trẻ.

Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe, (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn. Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?). Họ hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghita duy nhất có trong nhà. Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học…Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc, thơ tự nó trào ra. Nói như Nguyễn Xuân Khoát, bạn già của tôi: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”…

Ta nhớ rằng, chính vào năm 1976 ấy, sau ngày 30.4 một năm, tất cả cảm thức tươi ròng về ngày lịch sử của đất nước thống nhất đã đem đến cho Văn Cao một ca khúc duy nhất mới mẻ và kỳ lạ về mọi phương diện âm nhạc, ca khúc “Mùa Xuân đầu tiên” được in trên báo SGGP, ngày 1.1.1976, ngay lập tức nổi tiếng, và ngay lập tức bị “quy kết chính trị” là giai điệu âm nhạc mơ hồ, lạc điệu với cách mạng giải phóng, tình yêu thì chung chung, trìu tượng và rốt cuộc… bị cấm.

Điều may là ca khúc này đã được chính nhà nước Nga xô viết - Liên xô thu thanh, phát sóng trong chương trình Việt ngữ của Đài phát thanh Matxcơva sau đó, như một khẳng định giá trị âm nhạc tuyệt đẹp của nó. Song, đến tận 20 năm sau, nó mới được tái sinh rực rỡ, được phổ biến rộng rãi, công khai...

Sự tự do di chuyển, hoán đổi không gian sống trong một đất nước thống nhất của các nhạc sĩ sau ngày 30.4, đã ảnh hưởng đến âm nhạc không chỉ của thế hệ Văn Cao - Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: TL
Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: TL

Trịnh Công Sơn ra vô Hà Nội nhiều lần, đã phải lòng Hà Nội với một ca khúc đặc biệt hay: “Nhớ mùa thu Hà Nội”, với nỗi nhớ riêng về một nữ danh cầm người Hà Nội, chơi đàn dương cầm, với một gia đình Hà Nội có truyền thống giáo dục rất kỹ về mỹ thuật, văn chương và âm nhạc, ở đường Quán Thánh, gần Hồ Tây. Với mặt nước hồ thu, như có ánh vàng lay động, bờ xa mời gọi bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời, trong không gian bát ngát hương thu  phố cổ Hà Nội, với mái ngói thâm nâu như tranh vẽ trầm mặc của Bùi Xuân Phái.

Và nhạc sĩ Phú Quang là một trong những tiếp nối đẹp, của thế hệ nhạc sĩ trẻ, sau Văn Cao và Trịnh Công Sơn, khi  Phú Quang khăn gói rời Hà Nội năm 1986 hành phương Nam, định cư ở TPHCM, lập nghiệp âm nhạc và sáng tác ca khúc về chủ đề bao trùm: nhớ Hà Nội quê nhà từ Sài Gòn đất mới…

Và số phận đã đưa đẩy họ gặp gỡ trong một chương trình âm nhạc định mệnh, mà lúc đó còn đủ cả bộ ba nhạc sĩ, tiêu biểu cho ba thế hệ, được tổ chức từ giữa thập niên cuối của thế kỷ 20, mang tên “Ấn tượng 94”. Đêm nhạc ấy của Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang được trình diễn ở Nhà Hát Lớn, vào trước đêm Noel Hà Nội tháng 12.1994. Tôi từ Liên Xô du học trở về, định cư ở TPHCM, đến xem cùng nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cũng từ Tp HCM công du Hà Nội. GS. Trần Quốc Vượng cũng háo hức xem chương trình, mời cả hai chúng tôi cùng lên chiếc xe Honda cũ và chở cả hai “cô nương” Sài thành đến Nhà Hát Lớn HN. Đó cũng là lần cuối tôi được nhìn thấy Văn Cao ở Nhà hát Lớn HN.

Với mái tóc bạc như hai cánh vạc bay, Văn Cao đăm đăm nhìn lên sân khấu, nghiêng tai nghe Thiên thai, Suối Mơ, Đàn chim Việt, Sông Lô, Buồn tàn thu, Ngày mùa, Trương Chi… được cất lên từ những giọng hát còn rất trẻ so với độ tuổi cổ điển của chuỗi ca khúc danh tiếng của ông. Đó là giọng của ThanhLam, Hồng Nhung, Mỹ Hạnh, Ngọc Thuý, Thuỳ Dung, Mỹ Linh, Ngọc Lan… Hôm đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng lẫy lừng trận mạc Điện Biên phủ, ngồi  hàng ghế đầu, say mê và trang trọng lắng nghe chuỗi tình khúc kinh điển của Văn Cao.

Đêm đó, nhìn hai ông già đầu bạc lặng ngồi nghe hát, tôi cả nghĩ,  hai ông đã không sa đà, cùng nhau “kể mãi chuyện Nguyên Phong”, mà chỉ thật thảnh thơi đắm mình vào âm nhạc lãng mạn, du dương của một thời ký ức hào hùng không thể quên. Và tôi chắc đó không chỉ là ấn tượng của tôi, mà còn là của cả  thế hệ tôi, đã và đang yêu những ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Phú Quang, trong một đêm nhạc rét ngọt đầu đông Hà Nội đến se lòng...

… Đêm ấy, những tình khúc hay nhất của Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Phú Quang đã được các giọng nữ cao và nữ trầm cất lên ngân nga, vang vọng du dương tha thiết trong vòm trần Nhà Hát Lớn Hà Nội…

Và như thế, một lý do lịch sử để ngày 30.4.1975 còn ngân mãi ý nghĩa thiêng liêng về ngày thống nhất, hoà bình, độc lập, và tự do, đẹp như mùa xuân đầu tiên, bởi nó đã được đong đầy tình tự dân tộc, được hiển lộ thành giai điệu không thể nào quên, trong ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam…

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
TIN LIÊN QUAN

Nghe những ca khúc bất hủ nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Minh Anh |

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng đối với nền âm nhạc Việt Nam với hàng trăm bài hát được công chúng biết đến.

Phương Dung tiết lộ điều ít biết về nhạc sĩ Văn Cao - cha đẻ "Tiến quân ca"

ĐÔNG DU |

Tại "Chân dung cuộc tình", câu chuyện của nhạc sĩ Văn Cao với những tác phẩm âm nhạc bất hủ và những điều ít biết về cuộc đời của ông được kể từ danh ca Phương Dung và đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân.

Góc nhìn mới về chiến thắng lịch sử 30.4

Việt Văn |

Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), khán giả sẽ được thưởng thức 5 tập phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất trong đề án phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn”.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Nghe những ca khúc bất hủ nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Minh Anh |

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng đối với nền âm nhạc Việt Nam với hàng trăm bài hát được công chúng biết đến.

Phương Dung tiết lộ điều ít biết về nhạc sĩ Văn Cao - cha đẻ "Tiến quân ca"

ĐÔNG DU |

Tại "Chân dung cuộc tình", câu chuyện của nhạc sĩ Văn Cao với những tác phẩm âm nhạc bất hủ và những điều ít biết về cuộc đời của ông được kể từ danh ca Phương Dung và đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân.

Góc nhìn mới về chiến thắng lịch sử 30.4

Việt Văn |

Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), khán giả sẽ được thưởng thức 5 tập phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất trong đề án phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn”.