Ứng xử cho phải đạo với di sản!

Ngô Viết Nam Sơn (*) |

Việc ứng xử sao cho phải đạo với di sản quy hoạch kiến trúc của tiền nhân, nhưng lại không kìm hãm đà phát triển kinh tế của các thành phố, đặc biệt tại TP.Hồ Chí Minh, là điều các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý đô thị, các nhà chuyên môn, người dân phải bàn bạc, hợp lực cùng nhau thực hiện.

Có thể nói, trong công tác quản lý bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc tại TP.Hồ Chí Minh, việc tìm lời giải phù hợp cho bốn bài toán cơ bản sau đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Bài toán tri thức

Bài toán tri thức, đặc biệt là vấn đề tuyển mộ và đào tạo chuyên gia là một vấn đề nan giải hiện nay khi xét đến thực trạng là cho đến nay, trên toàn quốc vẫn chưa có một chương trình đào tạo chuyên gia bảo tồn quy hoạch kiến trúc một cách khoa học, bài bản cho đất nước, gắn liền với các chương trình nghiên cứu bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc trong nước và nước ngoài mang tính học thuật và ứng dụng thực hành cao.

Với nhu cầu cấp bách và số lượng công trình di sản quy hoạch kiến trúc quá lớn, chúng ta đang đứng trước thực tế cần phải có nhiều chuyên gia nghiên cứu nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau của di sản lịch sử, chứ không chỉ riêng chuyên ngành kiến trúc. Do đó, chúng ta cần phải hướng đến hai giải pháp.

Thứ nhất là mời bổ sung các chuyên gia tư vấn quốc tế ở những ngành liên quan đến di sản mà chúng ta không có đủ chuyên gia, để về cùng tham gia các chương trình bảo vệ di sản trong nước cũng như tham gia giảng dạy.

Thứ hai là phải lưu tâm phát triển đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, để sau này họ sẽ đóng vai trò đào tạo tiếp các chuyên gia bảo vệ di sản lịch sử theo hướng đa ngành.

Trước mắt, trong khi việc đào tạo các ngành học liên quan trực tiếp đến việc bảo tồn di sản tại nước ta còn non yếu, chúng ta rất cần gửi nhiều nghiên cứu sinh du học nước ngoài để học hỏi về các cách tiếp cận đa ngành và bảo tồn di sản, để làm lực lượng giảng viên và chuyên gia nòng cốt cho việc phát triển chuyên ngành đào tạo về bảo tồn di sản trong nước theo kế hoạch dài hạn.

Bài toán tư vấn thiết kế

Bài toán tư vấn thiết kế, đặc biệt là việc đề ra các định hướng ứng xử bảo tồn và chỉnh trang phù hợp cho nhiều loại hình công trình di sản dựa trên một hệ thống cơ sở pháp lý và cơ chế thực hiện hiệu quả vẫn đang là một thử thách lớn trong bối cảnh đất nước đang phát triển rất nhanh, còn các nhà đầu tư luôn gây nên áp lực phá bỏ di sản để làm dự án địa ốc theo tư duy mét vuông.

Trái với điều đa số mọi người lầm tưởng là công tác bảo vệ di sản luôn luôn làm kìm hãm phát triển vì buộc phải giữ nguyên tình trạng xưa cổ mà có nhiều cách ứng xử, tùy theo giá trị và tình hình thực tế của công trình di sản. Đa số trường hợp đều có thể cho phép cải tạo và mở rộng theo nhu cầu sử dụng thực tế, miễn là tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về bảo tồn công trình di sản tương ứng.

Khu trung tâm lịch sử trong tương quan Khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn
Khu trung tâm lịch sử trong tương quan Khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Nguồn: Ngô Viết Nam Sơn

bốn cách ứng xử chính đối với công trình di sản:

* Bảo tồn di sản (preservation), là định hướng giữ lại các công trình và bao cảnh vào thời điểm lịch sử của chúng, tôn trọng và giữ lại tất cả thay đổi từng xảy ra trong các thời kỳ trong quá khứ, nếu có.

* Cải tạo di sản (rehabilitation), là định hướng cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm cho các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình.

* Phục hồi di sản (restoration), là định hướng tái lập tình trạng ban đầu khi công trình di sản được xây dựng đầu tiên, gỡ bỏ tất cả thay đổi điều chỉnh xảy ra trong các thời kỳ lịch sử kế tiếp.

* Tái thiết di sản (reconstruction), là định hướng tái tạo mới một công trình di sản, hoặc một tổ hợp di sản với bao cảnh, đã bị hủy hoại theo thời gian.

Tuy vậy, Luật Di sản Văn hóa và các cơ sở pháp lý cần thiết để phục vụ cho công tác bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu sót.

Tính tới ngày 31.12.2019, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có 177 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 50 di tích quốc gia, 2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử, 114 di tích cấp thành phố và 100 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016 - 2020.

Với trên 300 năm lịch sử phát triển, số lượng công trình di sản nói trên chỉ là một phần khá nhỏ của thực tế kho tàng di sản thành phố đang nắm giữ. Trong khi đó, danh sách nói trên chủ yếu tập trung vào các di tích bảo tồn nguyên trạng, chứ chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc nghiên cứu, đánh giá, thực hiện và quản lý theo một trong bốn cách ứng xử công trình di sản nêu trên cho các công trình di sản trên toàn thành phố.

Bài toán quản lý

Khi các thành phố lớn trên thế giới trải qua một giai đoạn bùng nổ phát triển trung tâm đô thị, đặc biệt là sau các cuộc chiến có sức tàn phá ở quy mô lớn, hay vào thời điểm nhảy vọt về phát triển kinh tế, thì hầu hết đô thị thường phải đối mặt trước hai áp lực lớn, tuy tương phản với nhau, nhưng đều quan trọng như nhau: Áp lực phát triển nhà cao tầng để kịp cung ứng diện tích sàn sử dụng cho nhu cầu ở và làm việc của người dân; áp lực bảo tồn các công trình có giá trị lịch sử trước làn sóng nhà cao tầng hiện đại.

Đối với TP.Hồ Chí Minh, một trong những đô thị năng động và phát triển nhanh hàng đầu thế giới hiện nay, bài toán quản lý di sản cần được khởi đầu bằng việc thống kê lại danh sách và vẽ ghi chi tiết các công trình có giá trị lịch sử, cũng như xác định khu vực lõi trung tâm lịch sử cần bảo vệ di sản.

Khu Trung tâm lịch sử đánh dấu 300 năm phát triển của Sài Gòn xưa và tồn tại đến ngày nay cần được đặc biệt quan tâm trong quy hoạch khu trung tâm. Đặc biệt là khu vực quận 1 và quận 3 và khu lõi trung tâm lịch sử giới hạn bởi Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và 3 con đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn, Cách Mạng Tháng Tám.

Trong khu lõi trung tâm này, các không gian di sản của Sài Gòn xưa có thể được chỉnh trang theo định hướng phát triển mới của TP.Hồ Chí Minh để tạo nên không gian bản sắc cũ và mới hài hòa với nhau.

Bài toán kinh tế

Người ta thường lầm tưởng là bảo tồn không đem lại lợi ích kinh tế. Nhưng kinh nghiệm thực tế tại các nước cho thấy, ngoài ý nghĩa văn hóa - xã hội, lợi ích đem lại từ nguồn thu du lịch thương mại thường rất cao khi có chiến lược bảo vệ di sản đúng đắn.

Các nhà đầu tư thiên về “tư duy mét vuông” không phải băn khoăn về câu hỏi lợi nhuận có kém đi chăng so với việc phá bỏ công trình cổ để xây nhà cao tầng, nếu như họ đi thăm và học được bài học thành công của những điển cứu tương tự như nhiều khu trung tâm lịch sử nổi tiếng trên thế giới (Khu Tân Thiên Địa Thượng Hải, khu phố cổ trung tâm Montréal, Khu trung tâm lịch sử Paris...).

Các khu trung tâm lịch sử nổi tiếng này có một số điểm chung là thường được tổ chức như những khu vực dịch vụ và giao tiếp xã hội đa chức năng hấp dẫn nhất của thành phố. Các công trình và bao cảnh lịch sử được bảo tồn, nhưng nội dung sinh hoạt của khu vực được tổ chức lại rất phong phú, từ quán café, nhà hàng, cửa hàng các loại, cho đến các bảo tàng, nhà triển lãm, sân khấu nhỏ, khu sinh hoạt văn nghệ ngoài trời, chợ đêm, festival… Tổng thu nhập đem về cho nhà đầu tư cũng như cho thành phố từ doanh số bán hàng và cung ứng dịch vụ các loại, sự gia tăng giá trị địa ốc và giá trị văn hóa du lịch tỉ lệ thuận với sự gia tăng thuế tiêu thụ, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất… của những nơi này chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong việc đóng góp cho việc phát triển kinh tế của thành phố và cả nước.

Việc bảo tồn bản sắc Sài Gòn xưa rất quan trọng, trong khi bản sắc hiện đại và độc đáo của một TP.Hồ Chí Minh mới trong thế kỷ XXI còn chưa được định hình.

Để việc bảo vệ di sản được hiệu quả nhất, danh sách các công trình và khu vực cần được bảo vệ di sản cần được kèm theo với các nghiên cứu cụ thể cho cách ứng xử với từng hạng mục công trình, với danh sách đăng ký các cơ quan hoặc chuyên gia về di sản mà người quản lý phải liên hệ để được tư vấn ý kiến khi có nhu cầu trùng tu, cải tạo, hoặc mở rộng. Các bộ luật, tiêu chuẩn và các hướng dẫn thực hiện trong công tác bảo vệ di sản phải được các chuyên gia đa ngành cùng nhau soạn thảo.

(*) Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là một chuyên gia quy hoạch và kiến trúc có trên 30 năm kinh nghiệm, làm việc tại Bắc Mỹ và Việt Nam.

Ngô Viết Nam Sơn (*)
TIN LIÊN QUAN

Những kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản tư liệu

Hoàng Văn Minh |

Vào ngày 19.5.2016, ngay tại diễn đàn hội nghị lần thứ 7 của Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO được tổ chức tại Cố đô Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới. Qua sự kiện này, Huế và Việt Nam có thêm được rất nhiều kinh nghiệm quý giá về xây dựng hồ sơ di sản tư liệu.

Mỗi di sản kiến trúc là một chứng nhân lịch sử

NGỌC DỦ |

Những di sản, công trình kiến trúc độc đáo ở TP.Hồ Chí Minh luôn tạo dấu ấn đặc sắc, cần được bảo tồn sống, bảo tồn động. Cần làm cho di sản tiếp tục sống cuộc đời của nó và đem lại những lợi ích về vật chất, tinh thần cho người dân...

Di sản văn hóa sẽ còn khi chúng ta thực tâm coi trọng di sản

T.S Nguyễn Thị Hậu |

75 năm qua, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của nước ta đã đạt được thành tựu lớn trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Những kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản tư liệu

Hoàng Văn Minh |

Vào ngày 19.5.2016, ngay tại diễn đàn hội nghị lần thứ 7 của Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) thuộc UNESCO được tổ chức tại Cố đô Huế, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới. Qua sự kiện này, Huế và Việt Nam có thêm được rất nhiều kinh nghiệm quý giá về xây dựng hồ sơ di sản tư liệu.

Mỗi di sản kiến trúc là một chứng nhân lịch sử

NGỌC DỦ |

Những di sản, công trình kiến trúc độc đáo ở TP.Hồ Chí Minh luôn tạo dấu ấn đặc sắc, cần được bảo tồn sống, bảo tồn động. Cần làm cho di sản tiếp tục sống cuộc đời của nó và đem lại những lợi ích về vật chất, tinh thần cho người dân...

Di sản văn hóa sẽ còn khi chúng ta thực tâm coi trọng di sản

T.S Nguyễn Thị Hậu |

75 năm qua, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của nước ta đã đạt được thành tựu lớn trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.