Tuổi đẹp

Lê Thiết Cương |

Bức tranh chân dung người phụ nữ Việt Nam 100 năm qua đẹp là bởi nó có nhiều diện, nhiều điểm nhìn khác nhau, nó như một bản nhạc với nhiều chương hồi, được trình tấu bằng nhiều nhạc cụ, phong phú về chất liệu từ mầu nước trên giấy đến sơn mài, sơn dầu, nó có đủ dấu ấn của các thời kỳ lịch sử cho nên nó không chỉ đẹp mà nó chính là lịch sử, là ký ức của dân tộc.
Tranh: Lê Phổ. Ảnh: Nghệ thuật xưa
Tranh: Lê Phổ. Ảnh: Nghệ thuật xưa

Mỗi quốc gia, mỗi một giai đoạn, hội họa có một tiêu chuẩn riêng về nét đẹp của phụ nữ. Các hoạ sĩ đã đưa những người mẫu của mình thành hoa hậu của hội hoạ. Ở Việt Nam, mỗi một thời lại có một quan niệm riêng về đẹp. Từ nét đẹp của những vũ nữ trong điêu khắc Chăm thế kỷ 10, 11 hoặc tượng bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng chùa Dâu thế kỷ XVIII, đến vẻ đẹp của những Thị giả chùa Bút Tháp, cho đến nét đẹp thời hiện đại như “Thiếu nữ bên hoa huệ” (Tô Ngọc Vân, sơn dầu, 1943) hoặc “Thiếu nữ bên hoa sen” (Nguyễn Sáng, sơn dầu, 1972), mỗi thời mỗi vẻ, không giống nhau…

* * *

Thật khó hình dung, nếu không có trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thì hội họa Việt Nam hôm nay sẽ đi theo hướng nào. Nói cách khác, nếu không có trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thì không có Mỹ Thuật Việt Nam hiện đại. Chỉ với 20 năm (1925- 1945) nhưng trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương đã tạo ra nền móng vô cùng quan trọng cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam. Tất cả những bậc thầy của hội họa Việt Nam đều đã đi ra từ ngôi trường này. Hội họa hiện đại Việt Nam đã ngót trăm tuổi, 12.2020 cũng là sinh nhật lần thứ 95 của ngôi trường đặc biệt ấy.

Hình ảnh thiếu nữ với áo dài như là biểu trưng của nét đẹp phụ nữ Việt trong cả giai đoạn mỹ thuật đầu tiên – giai đoạn mỹ thuật Đông Dương. Tiêu biểu là các tác phẩm của 3 bộ tứ Trí - Vân - Lân - Cẩn, Phổ - Thứ Lựu - Đàm, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái.

Như đã nhắc, tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân (1906-1954), một vẻ đẹp điển hình của phụ nữ Việt Nam giai đoạn mỹ thuật Đông Dương, sang trọng, thanh tú, thành thị, từ nét mặt, thần thái, dáng người, mái tóc, tà áo dài, ánh sáng, bố cục và chất liệu sơn dầu hoàn hảo. Tô Ngọc Vân còn có nhiều tác phẩm nữa về phụ nữ / áo dài / hoa: Bức thư (lụa, 1931); Hai thiếu nữ và em bé (sơn dầu, 1944); Thiếu nữ với hoa sen (sơn dầu, 1944) đều ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

Tranh: Lưu Công Nhân. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp
Tranh: Lưu Công Nhân. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp
Tranh: Mai Long. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp.
Tranh: Mai Long. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp
Bên cạnh nét đẹp thị dân là nét đẹp của những người phụ nữ thôn quê trong tranh của Nguyễn Phan Chánh. Bình dị, giản dị, mộc mạc, thanh nhã, thuần khiết, mềm mại, an lành. Đó là những gì mà người xem có thể cảm được qua các tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Đó cũng chính là những đặc điểm trong không gian nghệ thuật của ông. Kiến thức hội họa Tây phương kết hợp nhuần nhụy với một tâm hồn Việt Nam, nói chính xác là tâm hồn “nhà quê” Việt Nam, đó là Nguyễn Phan Chánh.

Nguyễn Phan Chánh là bậc thày về lụa, thì Nguyễn Gia Trí là bậc thầy về sơn mài. Người có công đầu trong việc đưa sơn mài từ mỹ nghệ sang mỹ thuật. Từ những tác phẩm đầu tiên như Bên đầm sen; Đêm Trung Thu bên Hồ Gươm (1939); Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944) đến tác phẩm coi như cuối cùng của ông Vườn xuân Trung Nam Bắc đều là hình ảnh những cô gái mặc áo dài bay bổng, lãng mạn, thần tiên như trong một ngôi vườn cổ tích, những dáng hình thanh thoát, vàng son, vỏ trứng, bạc quỳ tung tẩy, thăng hoa để cùng tôn vinh vẻ đẹp của những đàn bà Việt.

Lê Phổ đỗ khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925). Nói đến tranh ông là phải nói đến hình ảnh những người phụ nữ Hà Nội mặc áo dài đang chơi đùa, trò chuyện trong một khu vườn tưởng tượng đầy hoa trái, đầy cây xanh, đầy nắng gió, ngập tràn niềm vui, tiếng cười trong một không khí đặc trưng của miền nhiệt đới với mầu vàng óng mật ong. Tranh ông là vẻ đẹp của kỷ niệm, của tiếc nuối, của hoài nhớ.

Bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm với một sự nghiệp hội họa đồ sộ, mà điệu múa cổ là một đề tài lớn ông vẽ trong nhiều năm, vẻ đẹp của những người đàn bà Việt dưới hình tượng vũ công, nhạc công, trong bộ phục trang tứ thân, ngũ thân. Hòa sắc cũng là hòa âm, bố cục cũng chính là nhịp điệu. Nguyễn Tư Nghiêm đã làm mới truyền thống, đã tạo ra được một truyền thống hiện đại từ cảm hứng trên những mảng chạm khắc của đình chùa Việt thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Ông là một hình mẫu của con đường đi đến tận cùng truyền thống để gặp hiện đại.

Tranh: Bùi Xuân Phái. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp
Tranh: Bùi Xuân Phái. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp
Tranh lụa: Chợ quê, 1937, của Nguyễn Phan Chánh. Tác phẩm nằm trong Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San (TPHCM)
Tranh lụa: Chợ quê, 1937, của Nguyễn Phan Chánh. Tác phẩm nằm trong Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San (TPHCM)

Nói đến vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam/ áo dài thì không thể không nhắc đến họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946). Ông học khóa 4 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1928-1933). Ông là cha đẻ của áo dài, cách tân từ chiếc áo tứ thân truyền thống.

Nguyễn Sáng có nhiều bức vẽ thiếu nữ nhưng đặc sắc nhất là Thiếu nữ bên hoa sen (sơn dầu, 1972). Nhân vật cô gái ở chính giữa tranh, mắt mở to nhìn thẳng, ngồi chống hai tay xuống ghế, bên cạnh là một lọ gốm đời Lý đầy sen và đằng sau là bức tranh ngựa. Tạo hình chắc khỏe, gần như mảng phẳng đi nét kiểu đồ họa không vờn tỉa, rất tối giản và hiện đại đặc trưng Nguyễn Sáng.

Ngược lại với Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên với bức Mùa thu thiếu nữ (sơn dầu, 1980), 3 cô gái mỗi cô một dáng, cũng vẫn là áo dài trắng trong một khung cảnh như rừng thu vàng xuộm. Các cô gái của Dương Bích Liên đều yểu điệu, lãng mạn, mềm mại, lụa là…

Bùi Xuân Phái ngoài đề tài ruột phố cổ Hà Nội còn có một đề tài khác nữa là Chèo. Những bức tranh về đề tài này của Bùi Xuân Phái, bao giờ nhân vật nữ cũng ở trung tâm, khi thì soi gương trang điểm trước giờ biểu diễn, khi thì cầm quạt, một đạo cụ đặc trưng của Chèo, khi thì chơi đàn… mầu sắc tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, yếm đào, thắt lưng thái thanh lam… rực rỡ.

* * *

Như mọi người đều biết, năm 1950 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam thành lập ở chiến khu Việt Bắc (Phú Thọ) do Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, giáo viên là một số họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Kỹ thuật cũng như những điều căn bản hội họa được thầy Tô Ngọc Vân và các thầy truyền thụ cho học trò tạo nên một nền tảng vững chắc cho mỗi người phát triển tài năng của mình.

Nối tiếp thế hệ họa sĩ Đông Dương là thế hệ họa sĩ của khóa Mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân với những tên tuổi lừng danh Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Mai Long…

Họa sĩ Mai Long đóng góp cho “bộ sưu tập vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam 100 năm qua” bằng những tác phẩm lụa, chất liệu sở trường của ông, những cô gái dân tộc Thái có vẻ đẹp thuần khiết tự nhiên, áo chẽn với hàng khuy bạc, khăn Piêu ẩn hiện như sương khói bảng lảng của loang nhòe mà chỉ các bậc thầy vẽ lụa mới diễn tả được, mới làm chủ được.

Tranh : Lê Thị Minh Tâm. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp
Tranh : Lê Thị Minh Tâm. Ảnh: Lê Thiết Cương cung cấp

Họa sĩ Trần Lưu Hậu với loạt tranh phụ nữ khỏa thân vẽ theo tinh thần biểu hiện, những cô gái được tạo hình bằng những nét xanh đỏ, tím vàng to bé, đậm nhạt, đặc loãng, dày mỏng, ngắn dài, mạnh nhẹ, nhanh chậm, ngang dọc. Nét là hội họa nguyên thủy nhất, giản dị nhất, chạm vào bản chất, cốt lõi của hội họa nhất. Nét cũng chính là nơi tâm tính của người nghệ sĩ khai mở và bộc lộ rõ. Hội họa của họa sĩ Trần Lưu Hậu cũng như vậy.

Họa sĩ Lưu Công Nhân nói: Hội họa đích thực không cần sự hùng biện, họa sĩ đích thực vẽ bằng tình yêu. Ngoài phong cảnh thì ông dành tình yêu của mình cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt, chủ yếu là sơn dầu và mầu nước trên giấy dó. Tình yêu đâu phải nhiều lời, những người phụ nữ trong tranh ông luôn có vẻ đẹp kết hợp của 2 yếu tố duyên dáng “quê mùa” bình dị mộc mạc với hào hoa sang trọng.

Vẻ đẹp của những người phụ nữ Nam Bộ, đặc sắc nhất là trong tác phẩm của Đỗ Quang Em và Nguyễn Trung. Đỗ Quang Em theo đuổi lối vẽ gần cực thực, trên một nền tranh tối, những nhân vật nữ của ông được bố cục ở chính giữa, các chi tiết xung quanh rất ít. Những nhân vật luôn nổi bật vì đó là khoảng sáng duy nhất trên nền tối đậm, có vẻ như sắc đẹp của họ chính là một thứ ánh sáng tự thân, tự tỏa sáng? Đẹp là ánh sáng.

Nguyễn Trung khi thì vẽ trừu tượng, khi thì vẽ thực nhưng đã vẽ thực thì thành công nhất của ông là vẽ những người phụ nữ, áo bà ba bó, tôn thân hình chắc lẳn, cổ cao, khăn rằn, mắt to. Nguyễn Trung vừa vờn khối, tả sáng tối mà vẫn giữ nét, tài hoa là thế, điệu đà là thế và rất Nam Bộ, có lẽ bởi ông khá tinh tế để pha vào trong hội họa của mình một liều lượng đủ đẹp của không khí cải lương như một đặc sản ở vùng đất này.

* * *

Vẻ đẹp của phụ nữ Việt trong hội họa hôm nay thì sao? Sự phân kỳ trong lịch sử nghệ thuật cũng như lịch sử hội họa chỉ tương đối và dựa trên nhiều yếu tố nhưng nhất định phải có yếu tố đặc trưng về nghệ thuật. Tức là nghệ thuật của giai đoạn này so với giai đoạn trước có gì khác biệt hay không? Ví dụ hội họa thời đổi mới 1986-2000 khác hẳn hội họa thời chiến tranh và thời hậu chiến. Hội họa hôm nay khác hẳn hội họa thời đổi mới. Tôi chọn vài họa sĩ chuyên vẽ phụ nữ để minh họa cho nhận định trên và đặc biệt họ đều là nữ họa sĩ.

Lê Thị Minh Tâm tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003. Chị đã có nhiều triển lãm cá nhân. Điểm dễ nhận ra nhất trong tranh vẽ về phụ nữ của Tâm là bảng mầu mạnh, chói chang tương phản nóng lạnh, xanh đỏ ở trong nhau, đối nhau, gọi nhau, rực rỡ, lung linh… Những người đàn bà Việt của Tâm tự do, cởi mở, thẳng thắn bộc lộ mình, dám bày tỏ khát khao cá nhân riêng tư một cách trực tiếp.

Tranh: Thiếu nữ áo lam, 1940, của Lương Xuân Nhị. (Triển lãm “Việt Nam con sông đang chảy” tại Mỹ, hiện thuộc bộ sưu tập của quỹ Nghệ Thuật Xưa)
Tranh: Thiếu nữ áo lam, 1940, của Lương Xuân Nhị. (Triển lãm “Việt Nam con sông đang chảy” tại Mỹ, hiện thuộc bộ sưu tập của quỹ Nghệ Thuật Xưa)

Tranh vẽ đàn bà của Lý Trần Quỳnh Giang kể câu chuyện nhỏ thôi, riêng tư, không dễ gì nói được, không nhất thiết phải nói ra… Những đôi mắt luôn mở to nhưng không nhìn gì cả, không muốn nhìn? Nhìn vào trong? Những bàn tay, ngón tay gầy, dài, ôm lấy mình, những ngón tay khẳng khiu, thao thức. Vẫn là bảng mầu rất Lý Trần Quỳnh Giang, mầu đơn sắc, lạnh, đến cả nâu cũng lạnh, chủ yếu là biến thể của xanh, ít tương phản về đậm nhạt, xanh xỉn, xanh tái, xanh úa, héo úa. Bên cạnh đó là một bảng mầu nữa: trắng đục, mù mờ, đùng đục…

Nếu “Lý Trần Quỳnh Giang vẽ bằng lục phủ ngũ tạng” (lời bình của nhà thơ Dương Tường) thì Đinh Ý Nhi vẽ bằng ngũ quan. Nhi chủ động, nhanh. Giang chủ tĩnh, chậm. 35 bức trong triển lãm “Những niềm vô hạn bỏ quên” của Nhi cách đây vài năm đều không có tên, 35 nhân vật trong tranh không tên, không tuổi, 35 “bỏ quên”, 35 hình người, hình như là đàn bà, không đi, không đứng. Chỉ ngồi, 35 ngồi, bó gối, dạng chân, co ro... Nhi ưa toan mịn, trên cái bề mặt toan nhẵn phẳng, Nhi bắt đầu phá cho ồn ào, gồ ghề bằng bay, những nhát bay thô, chồng đè nhầy nhụa, dấp dính, miết nhanh, gạt mạnh, đè ngay khi lớp dưới còn chưa khô, nhão, mầu loãng, lem nhem, trộn, day... tình cơ vu vơ.

Và trên cái nền đó, Nhi dùng bút nhỏ, mầu lỏng vẽ lên những người, mặt người bằng một bút pháp “lỏng lẻo”, nhanh, một nét (không tô đi tô lại). Thế mạnh của Nhi, độc đáo, đẹp của Nhi là nét “nguệch ngoạc”, nét thiếu, nét thừa, nét đứt, rời rạc, lẫn lộn. Thích nhất là những nét sai làm hình sai đi nên động hơn. Nhi vẽ như xóa, như chưa xong, như nháp, như bỏ. Buông, trùng, lỏng, bỏ đi, bỏ “đẹp”, bỏ “thói quen”, xóa “đẹp”. Trước đây Nhi chỉ đen trắng, sau đó là giai đoạn đen trắng - đỏ. Lần này là đen trắng và một số mầu nhờ nhờ, bầm bầm, tai tái, nhờn nhợt.

Lê Thị Minh Tâm, Lý Trần Quỳnh Giang và Đinh Ý Nhi, mỗi người bằng một cách kể riêng, kể về câu chuyện cũng rất riêng của họ nhưng vẫn chạm được vào chuyện chung, nỗi niềm và thân phận chung của nhiều người đàn bà hôm nay. Tranh của Tâm, Giang và Nhi đều kén người xem và không dễ xem vì cái đẹp mà họ đưa ra không đèm đẹp chung chung nhưng cũng không phải do họ khai thác những chuyện cao siêu thần bí. Họ chỉ đi đến tận cùng mình thôi. Hội họa hôm nay đang dần dần rời bỏ cái chuẩn chỉ cần đẹp. Trên cái nền đẹp thị giác, dứt khoát mỗi bức tranh cần phải chuyển tải một thông điệp, một ý niệm nào đó…

11.2020

Lê Thiết Cương
TIN LIÊN QUAN

Hoa hậu Hương Giang: "Phụ nữ muốn có hạnh phúc phải đấu tranh"

ĐÔNG DU |

Xuất hiện tại dự án cộng đồng, hoa hậu Hương Giang đã bày tỏ quan điểm của mình về việc phụ nữ cần đấu tranh để có được hạnh phúc.

Nghệ sĩ Việt Hương: "Tuổi ngoài 40, phụ nữ mới đẹp và thành công nhất"

ĐÌNH DY |

Nữ nghệ sĩ hài Việt Hương chia sẻ rằng, với cô, đa số phụ nữ ngoài 40 thường có những chỗ đứng nhất định ngoài xã hội. Chính vì vậy, đây là lứa tuổi thành công và đẹp nhất của họ.

Ca khúc về người phụ nữ Việt Nam lay động người nghe

Hương Mai |

Hình ảnh người phụ nữ Việt luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ. Hầu hết các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam đều đậm đà hay thấp thoáng bóng hình người phụ nữ Việt Nam yêu kiều, duyên dáng với những phẩm chất cao quý...

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Hoa hậu Hương Giang: "Phụ nữ muốn có hạnh phúc phải đấu tranh"

ĐÔNG DU |

Xuất hiện tại dự án cộng đồng, hoa hậu Hương Giang đã bày tỏ quan điểm của mình về việc phụ nữ cần đấu tranh để có được hạnh phúc.

Nghệ sĩ Việt Hương: "Tuổi ngoài 40, phụ nữ mới đẹp và thành công nhất"

ĐÌNH DY |

Nữ nghệ sĩ hài Việt Hương chia sẻ rằng, với cô, đa số phụ nữ ngoài 40 thường có những chỗ đứng nhất định ngoài xã hội. Chính vì vậy, đây là lứa tuổi thành công và đẹp nhất của họ.

Ca khúc về người phụ nữ Việt Nam lay động người nghe

Hương Mai |

Hình ảnh người phụ nữ Việt luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ. Hầu hết các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam đều đậm đà hay thấp thoáng bóng hình người phụ nữ Việt Nam yêu kiều, duyên dáng với những phẩm chất cao quý...