Từ khát vọng thiên thanh đến “Nhật ký phi công tiêm kích’’

lê quang vinh |

Nhật ký là những suy nghĩ riêng tư. Vậy nên, với tâm lý của tuổi học trò, Nguyễn Đức Soát đã lặng lẽ trải lòng qua các cuốn nhật ký nhỏ nhoi - từ khi sang Liên Xô học lái máy bay (1966), rồi về nước tham gia chiến đấu và ngừng ghi chép nhật ký ở ngày 31.12.1972 - sau khi Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng giờ đây, những trang nhật ký đó đã hiện hữu qua ấn phẩm “Nhật ký phi công tiêm kích’’ do NXB Trẻ ấn hành - như một kho tư liệu lịch sử quý về một thời hào hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Từ những ghi chép riêng tư

Thời học sinh, tác giả vốn là người giỏi văn với một tâm hồn lãng mạn, nên nếu không có chiến tranh, chắc hẳn Nguyễn Đức Soát cũng chẳng trở thành một phi công tiêm kích có tài xạ kích giỏi, rồi được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi, khiến những phi công Hoa Kỳ cũng phải ngỡ ngàng, vị nể.

Nguyễn Đức Soát bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20.3.1966 - sau khi sang Liên Xô được 8 tháng và viết đều từ khi học bay đến khi về nước. Trong đó, ông đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, giảng đường đại học... Ở “mặt trận trên không”, họ đã hiên ngang đối đầu với những cỗ máy chiến tranh tối tân, hiện đại nhất của Không lực Hoa Kỳ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - là một mốc son chói lọi của Không quân Nhân dân Việt Nam thời kỳ đầu non trẻ.

Tác giả tâm sự: “Tôi luôn muốn giữ riêng cho mình và không muốn bất kỳ ai đọc được những dòng ghi chép ấy. Bởi vậy, suốt những năm chiến tranh, tôi đã luôn mang theo cuốn sổ nhỏ bên mình, đút vào túi áo ngực bên trái, bên cạnh khẩu súng ngắn trong các những chuyến bay huấn luyện lẫn xuất kích chiến đấu, một mặt để tiện ghi chép, song chủ yếu là để nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi đi theo tôi’’, nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, như một sự tri ân đồng đội trong cuộc chiến ở "Đại dương thứ năm" - tên gọi bầu trời của lính không quân.

''Nhật ký phi công tiêm kích'' là nguồn tư liệu quý về một thời hào hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: L.Q.V
''Nhật ký phi công tiêm kích'' là nguồn tư liệu quý về một thời hào hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: L.Q.V

Một nguồn tư liệu quý

Theo thượng tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Thanh Ngân - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông rất khâm phục trí nhớ của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, khi tác giả đã ghi chép rất đầy đủ về những diễn biến của từng cuộc không chiến. Nên cuốn sách rất có sức sống, như một nguồn tư liệu quý về những chiến công anh hùng, những hy sinh to lớn của thế hệ phi công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam thời kỳ đánh Mỹ, làm cơ sở giáo dục lịch sử truyền thống thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều - đồng hương với trung tướng Nguyễn Đức Soát - hồi nhớ, cách đây 29 năm, ông đã đưa những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam tới thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân với tâm trạng đầy háo hức và tò mò, để “được nhìn thấy những người đã đánh bại Không lực Hoa Kỳ - một đội quân không lực mạnh nhất thế giới, mà khi họ bay đến đâu thì tất cả mây ở đó phải tan đi, nhưng lại bị thất bại trên bầu trời Việt Nam...’’.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hiện ở Mỹ đã có khoảng 7.000 đầu sách nhằm lý giải vì sao Mỹ lại thất bại trước Việt Nam, nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng. Năm 1977, một trường đại học ở Mỹ đã lần đầu xuất bản những bài thơ trong số tài liệu mà quân đội Mỹ đã thu giữ của bộ đội Việt Nam ở thời chiến tranh. Sau khi nghiên cứu, các nhà văn Mỹ đã phát hiện ra một điều kỳ bí, trong các cuốn sổ tay của bộ đội Việt Nam đều có hình vẽ chim bồ câu - một hình tượng về khát vọng hòa bình. Trong giấy tờ nói trên, họ còn thấy bài thơ chép tay. “Bài thơ nói về gì? Không hận thù, không đau khổ, không sợ hãi, chỉ có bài ca về quê hương đất nước, về khát vọng bình yên nhất của người lính sau chiến tranh trở về lấy vợ, sinh con, dựng nhà, chăm sóc bố mẹ, cày cấy trên cánh đồng bình yên... Đó chính là khát vọng kỳ vĩ nhất của những người lính”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay. Nhận xét về cuốn sách, ông cũng cho rằng, đây là cuốn nhật ký giản dị, nhưng đầy sức mạnh và có lẽ, cần phải đưa một số trích đoạn vào sách giáo khoa.

Những dòng nhật ký của tác giả Nguyễn Đức Soát ở bản gốc đôi khi chỉ là vắn tắt, nhưng ''để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử... Người đọc sẽ thấy hai cuốn sách trong một cuốn sách, nhưng đây là sự hòa quyện hợp lý của hai thể loại nhật ký và hồi ký, làm nên sự bổ sung hoàn hảo cho một tác phẩm văn học... Có lẽ là lần đầu tiên, bằng văn bản, cuốn nhật ký đã mở ra thế giới nội tâm của một phi công tiêm kích thành thật và thẳng thắn, riêng tư và xao xuyến, nghiệt ngã và ngời sáng” - nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Dễ thấy trong ấn phẩm nói trên của trung tướng Nguyễn Đức Soát là sự vượt lên khuôn khổ một cuốn nhật ký với việc mở rộng chiều kích một không gian rộng lớn về sự hào hùng của một dân tộc quyết đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất đất nước; một minh chứng của sự vươn lên của một thế hệ tuổi trẻ, trong đó toát lên sức sống và sức mạnh của lý tưởng. Đó là một ấn phẩm đặc biệt - vừa có sử, vừa có văn, có triết và còn nhuốm màu dân dã đời thường. Nó cũng chân thành trong các chi tiết, hiếm thấy trong những mô tả về chiến tranh - như những tổn thất bởi ''quân ta bắn nhầm quân mình’’, hoặc như tác giả đã tâm sự ''chẳng dám yêu sớm, vì sợ người ta buồn, bởi lính không quân là lực lượng gánh chịu rủi ro lớn nhất...’’ và nữa: "Mình nghiệm thấy bọn lái máy bay thường chả mấy đứa gặp may mắn trong hạnh phúc"...

Trích đoạn ‘’Nhật ký phi công tiêm kích’’:

Ngày 1.4.1966

Lần đầu tiên trong đời mình tiến hành công việc học tập của một người phi công - bay vào không trung. Thật khó mà nói hết cảm tưởng của mình trước cuộc bay. Vừa hồi hộp, sung sướng kèm theo sự lo lắng... Nghĩa là mình sống trong trạng thái không bình thường.

Mặc dầu thời tiết hôm nay, một ngày đầu hè, mà vẫn có mưa rải rác. Bọn mình đã dậy sớm hơn mọi hôm (dù chỉ 13 phút) ăn cơm vội vã và rồi lại vội vã ra sân bay. Ở đấy tất cả đã chuẩn bị đầy đủ cho bọn mình. Sự chăm lo, giúp đỡ của những cán bộ, sĩ quan Nga làm mình thấy hết sức cảm động...

Ngày 1.9.1966

Buổi sáng. Đang chuẩn bị bay trong lớp học, nhìn qua cửa sổ thấy một máy bay thể thao IAK-52 bị cháy ở độ cao thấp. Phi công kịp nhảy dù. Chúng mình chạy cả ra cửa sổ để xem. Mặt đứa nào cũng tái mét. Ông giáo dạy bay nói với cả bọn: “Nếu các anh đã chọn để trở thành phi công chiến đấu thì phải coi đây là chuyện bình thường. Sau này, khi đánh nhau, không may bị địch bắn rơi, tình huống còn nguy hiểm hơn gấp bội. Hãy quen dần với tai nạn và sẵn sàng xử lý tình huống cho thật tốt nghe chưa!”. Ông thầy dạy thật chí lý! Đúng là một ký ức khó quên.

Sân bay Đa Phúc, ngày 11.5.1968

Lần đầu cất cánh bay trên bầu trời Tổ quốc thân yêu...

Tổ quốc mình đẹp thật! Từ trên nhìn xuống, ngô lúa, cỏ cây trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Dòng sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn lao ra biển, hai bên bờ là những làng mạc nhỏ bé, ẩn hiện trong biển cả của màu xanh.

Lòng mình rộn lên một niềm vui không khác gì lần đầu được tung cánh. Đây là trời của mình, đất của mình, người của mình, mình có trách nhiệm gìn giữ.

Thợ máy phục vụ khá đông. Hầu hết là bạn cũ. Họ rất nhiệt tình. Trách nhiệm bỗng tăng lên gấp bội.

Hai chuyến kèm góc lao hơi cao, do thói quen. Bay đơn trên loại mới. Máy bay nhẹ tênh. Mình có cảm tình với nó ngay. Hạ cánh bình thường.

Ngày 16.4.1972

Một ngày chủ nhật đáng nhớ. Khó mà viết đúng được tâm trạng của mình sau khi bọn Mỹ ồ ạt dùng B-52 và một lực lượng lớn máy bay đánh phá cảng Hải Phòng và Hà Nội. Ba đợt đánh vào Hải Phòng với khoảng 150 chiếc máy bay tham gia. Đợt 9 giờ đến 10 giờ đánh vào Hà Nội bé hơn. Song bóng 4 chiếc máy bay F-4 bay ngang sân bay bổ xuống ném bom vào kho xăng Đức Giang với những đám khói đen làm vẩn cả một góc trời như thiêu đốt lòng mình.

Căm thù. Tức giận. Hổ thẹn... Tất cả đều lẫn lộn, xoáy tung trong mình. 3 đứa bị bắn rơi phải nhảy dù đều là phi công MiG-21... Ta không bắn được cái nào của nó.

Ngày 29.12.1972

Mình đã giao ban buổi tối ở đại đội xong, đoàn trưởng lại gọi sang gặp máy. Sau khi hỏi về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội ngày mai xong, đoàn trưởng thông báo: “Trên chính thức công nhận đêm qua Vũ Xuân Thiều hạ được 1 B-52. Radar C-26 ở Cẩm Thủy dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy - mật danh XB-90 lên đánh vào 1 tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội”. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi. Ở độ cao 10km, mà góc vào 90o, cự ly chỉ 4km (nó nhìn bằng đèn vì không dám bật radar). Thiều vào công kích. Một phút sau, chỉ huy sở mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù được hay đã hy sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Sợ nó thoát ly sau khi bắn bị cắm xuống núi. Hiện nay, bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái ở Sơn La. Đồng thời, anh Nhị còn báo: “Hùng, hôm qua hạ 2 máy bay. Người ta bắt thêm 2 thiếu tá Mỹ. Chúng khai bị MiG bắn rơi. Hùng đã hy sinh”.

Thiều là bạn thân của mình. Nó thông minh, sống chân tình và rất mực đức độ. Trong chuyện riêng, nhiều lần mình đã tìm đến Thiều. Mới đây, trung đoàn giao cả trung đội bay đêm về đại đội mình. Thiều là trung đội trưởng.

Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi.

Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách.

Ngày 31.12.1972

Chiến tranh đã làm sáng thêm những gì tốt đẹp mà trước đây mình không thể thấy, đốt cháy những cái xấu mà mình khư khư ôm ấp như mang một bệnh tật để mình thích ứng nhanh với khó khăn. Chiến tranh đã thử thách mình, đã tôi luyện mình. Sẽ không một trường đại học nào, một học viện quân sự nào giúp mình tiến bộ nhanh được bằng cuộc chiến đấu vừa qua trên đất nước thân yêu này!

Chiến tranh cũng giúp mình nhìn đồng chí, bè bạn bằng con mắt sáng suốt hơn. Adam Mickiewicz đã viết: Phải nhìn bằng trái tim mình mới thấy. Mình thương yêu bè bạn hơn. Còn gì đẹp hơn là tình yêu đồng chí, đồng đội trong chiến đấu!

Đêm nay, nằm đây, mình nghĩ đến những người bạn đã mãi mãi sống trong “đại dương thứ năm”. Đó là Khảo, là Giáp, là Đức, Thiên, Thiều, Tuế, Hùng... Mình biết, trong cuộc chiến đấu này, nhân dân mình đã mất đi bao nhiêu người con thông minh, ưu tú trong đó có cả những người bạn của mình, những người từng chia bùi, sẻ ngọt với mình bây giờ không còn nữa. Thật là xót xa!..

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, tiến sĩ Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24.6.1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ), nhập ngũ năm 1965, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân (1997 - 1999), Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (1999 - 2002), Tiến sĩ Khoa học Quân sự (2002), Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông tốt nghiệp Trường Không quân Krasnodar (Liên Xô, 1965 - 1968), Học viện Không quân I.Gagarin (Liên Xô, 1977 - 1980), Học viện Bộ Tổng tham mưu Quân đội Vorosilov (Liên Xô, 1982 - 1984); là phi công tiêm kích MiG-21, SU-22, SU-27; bắn rơi 6 máy bay Mỹ, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và 6 Huy hiệu Bác Hồ.

lê quang vinh
TIN LIÊN QUAN

Viết lên trang nhật ký sống động nhất nhân 90 năm thành lập Đoàn thanh niên

Vương Trần - Mai Dung |

90 ngày thi đua cao điểm này sẽ thực sự là một dấu ấn trưởng thành của tổ chức Đoàn và cũng là trang nhật ký sống động nhất, đẹp nhất của tuổi trẻ thế hệ hôm nay.

Gặp phi công từng 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (sinh năm 1946) là phi công tiêm kích của MiG-21, SU-22, SU-27. Trong những ngày tháng chiến đấu, ông đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Xác lập kỷ lục Việt Nam cho Nhà văn Đặng Vương Hưng và “Nhật ký thời chiến"

NGỌC DỦ |

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục tôn vinh Kỷ lục gia, đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng với bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” (ảnh) trước thềm kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12.

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Quốc hội họp bất thường lần 3, xem xét công tác nhân sự

Vương Trần |

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét nội dung về công tác nhân sự.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Viết lên trang nhật ký sống động nhất nhân 90 năm thành lập Đoàn thanh niên

Vương Trần - Mai Dung |

90 ngày thi đua cao điểm này sẽ thực sự là một dấu ấn trưởng thành của tổ chức Đoàn và cũng là trang nhật ký sống động nhất, đẹp nhất của tuổi trẻ thế hệ hôm nay.

Gặp phi công từng 6 lần bắn rơi máy bay Mỹ

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (sinh năm 1946) là phi công tiêm kích của MiG-21, SU-22, SU-27. Trong những ngày tháng chiến đấu, ông đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Xác lập kỷ lục Việt Nam cho Nhà văn Đặng Vương Hưng và “Nhật ký thời chiến"

NGỌC DỦ |

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục tôn vinh Kỷ lục gia, đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng với bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” (ảnh) trước thềm kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12.