Năm nay, những cái tên như NSƯT Chí Trung, Công Lý, Hoài Linh được đưa lên “bàn cân”, với những bàn luận người xứng đáng, người chưa xứng đáng. Trong đó, Công Lý là người trẻ nhất, nhưng lại được đề nghị xét tặng NSND, trong khi những đàn anh, đàn chị… còn phải chờ.
Nếu để so sánh, rất khó để nói ai xứng đáng hơn. Bởi đây đều là những nghệ sĩ đã được công chúng nhớ mặt đặt tên, có nhiều cống hiến cho khán giả. Có điều họ hơn nhau ở tấm huy chương, giải thưởng. Những tấm huy chương không đo hết tài năng của người nghệ sĩ, nhưng nó đang là “quy định cứng” giúp các nghệ sĩ được vinh danh bằng danh hiệu.
Có khán giả còn thắc mắc, tại sao nghệ sĩ phía Bắc nhiều người được phong tặng NSND, NSƯT thế, có những người ít được khán giả biết tên? Ở phía Nam, có những nghệ sĩ cả đời gắn bó với nghề, làm nên những tên tuổi bất hủ trong lòng khán giả yêu sân khấu, yêu điện ảnh, âm nhạc... nhưng về già thì đến danh hiệu NSƯT cũng chả có.
Có người làm quan chức cũng được xét tặng NSND, trong khi nghệ sĩ ở trong lòng nhân dân thực sự lại bị “đánh trượt” danh hiệu. Thực tế cho thấy, nếu lấy tiêu chuẩn về huy chương làm điều kiện bắt buộc trong xét tặng danh hiệu, rất nhiều nghệ sĩ bị thiệt thòi vì không đủ số huy chương, dù họ có nhiều năm cống hiến và tài năng thực sự.
Những quy định “cứng” trong việc xét tặng danh hiệu đã khiến những danh hiệu, chẳng hạn “nghệ sĩ nhân dân” chưa chắc đã dành cho những nghệ sĩ thật sự được nhân dân yêu thích. Trở thành những thứ khiến cho việc vinh danh nghệ sĩ gặp quá nhiều rào cản, mà người trong nghề vẫn ì xèo với nhau là “phải xin thì mới được cho” - phải làm hồ sơ, thi thố lấy giải thì mới được xét tặng.
Trong những đợt xét tặng trước, những nghệ sĩ bị đánh trượt danh hiệu NSND vì thiếu huy chương vàng có NSƯT Chí Trung, Minh Hằng, Út Bạch Lan, hai tên tuổi của làng quan họ Thúy Cải, Quý Tráng… Không ít người đã bức xúc lên tiếng, khiến câu chuyện danh hiệu càng trở nên ồn ào. NSƯT Chí Trung cho rằng danh hiệu là món quà mà Nhà nước trao tặng, nên cũng cần linh hoạt và món quà ấy chỉ có ý nghĩa khi trao đúng lúc, đúng chỗ, để người nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo.
Nhưng về sau, cũng chính những nghệ sĩ này đã ngộ ra rằng: Danh hiệu cũng chỉ là đồ trang sức, là khẳng định của những người trong nghề với nhau, còn phần thưởng cao quý nhất vẫn là sự yêu mến và chỗ đứng của nghệ sĩ đó trong lòng khán giả. Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân thì nên để nhân dân lựa chọn.