Thạch Lan Hương

Ghi chép của VĂN ĐẠI |

Tôi luôn băn khoăn một điều, hay là mình “sinh nhầm thời” nhỉ? Nhưng quả thật tôi rất ưa những nét đẹp truyền thống, thường hoài cổ, tiếc nuối những gì đã đi qua và hay than vắn thở dài vì có biết bao tinh hoa thuở nào đã một đi không trở lại!

1. Càng gần Tết tôi lại nhớ về cái Tết xưa nhiều hơn, đã vậy ông bạn lại còn tặng tôi cuốn “Thương nhớ mười hai” của tiền bối Vũ Bằng. Cuối tập sách có tới hai bài nói về Tết xưa; một bài “Tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết”, một bài “Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh”.

Nhà văn Vũ Bằng nói về cái không khí chuẩn bị Tết xưa: “Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua các thứ đồ nấu cất sẵn một chỗ, vì sợ đến rằm tháng Chạp mới mua thì đã kém ngon mà lại đắt. Hầu sì, bong bong, bào ngư, bột ngọt, măng tây, vây cá... tất những thứ đó cất sẵn vào trong chạn”.

Không chỉ có vậy: “Này, còn phải mua mấy cái tranh gà lợn và hai ông “Tiến tài, Tiến lộc” để dán ở hai cánh cửa chính này; mua một hộp thuốc đánh đồ đồng này; lên trên phố Lò Rèn lấy hai con dao gọt thủy tiên đặt đánh này; mua thêm mộc nhĩ để gói giò thủ này...”. Trời! Sao mà đọc tới đây nghe quen thế, cứ như thể cụ cố nội tôi sống lại kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa.

Tiên sinh Vũ Bằng còn kể cả thú chơi cây cảnh của người Hà thành xưa: “Đến tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém hẳn phần rực rỡ”.

Càng đọc tôi lại càng yêu Tết xưa hơn, nhớ về cụ cố nội tôi nhiều hơn. Thuở nhỏ tôi chẳng thường mấy khi rong chơi với chúng bạn cùng trang lứa mà như con chim nhỏ cứ luấn quấn bên cụ mà thôi. Tôi vẫn nhớ như in vào một mùa xuân nắng ấm, người người ra đường đi chơi thăm hỏi chúc tụng nhau những câu chúc cát tường may mắn, người thì đi lễ chùa, kẻ thì đi lễ đình đông như trẩy hội chùa Hương. Buổi hôm đó cụ cố tôi cùng cụ đồ nho thôn bên ngồi trên chiếc sập khảm ốc lấp lánh ngũ sắc chuốc rượu cho nhau cười ha hả không ngớt những tiếng giòn hoan hỷ; cụ đồ nho trong khi nhâm nhi chén rượu nếp hạ thổ, cụ nói với cụ cố tôi: “Rượu này gặp thời mà mở bữa Thạch Lan Hương thì khoái biết mấy cụ nhỉ”. Cụ cố tôi nở nụ cười phúc hậu như ngầm đồng ý. Bữa tiệc dần trôi qua, tôi mon men đến hỏi cụ cố:

- Thưa cụ, cụ cho con xin mạn phép hỏi một câu hỏi nhỏ được không ạ?

- Con cứ nói.

- Thưa cụ, bữa rượu Thạch Lan Hương là gì vậy ạ?

- Là uống rượu với đá cuội đấy con!

Cụ cố cười vang và tôi đỡ cụ vào phòng đi nghỉ, tôi chẳng dám hỏi thêm điều gì mà trong lòng thì hoài nghi chồng chất.

2. Ngày tháng cứ lần lần vụt qua nhanh như “bóng câu qua cửa sổ” tôi học xong đại học, ra trường cũng tìm cho mình mấy công việc hợp với đam mê. Cứ nghĩ lớn rồi mọi ký ức cũng sẽ bị thác lũ thời gian rửa trôi phai nhạt hết, vậy mà cứ mỗi độ mùa xuân gõ cửa là bao kỷ niệm Tết xưa hầu bên cụ cố lại ùa về; đứng một mình trong không gian nhà thờ từ đường gia tộc, hương khói nghi ngút xông tỏa.

Kể cũng lạ, từ khi cụm từ Thạch Lan Hương lọt vào tai tôi, không khi nào tôi hết phân vân về cụm từ này và cách giải thích của cụ cố tôi “uống rượu với đá cuội đấy con!”. Trộm nghĩ từ xưa tới nay làm gì có ai uống rượu ngày vui với đá cuội bao giờ, tôi quay về hỏi thì cụ cố giờ cũng chỉ nở nụ cười phúc hậu trong khung ảnh sơn son; có đi hỏi cụ đồ nho làng bên thì cụ giờ cũng chỉ còn là một đám cỏ xanh rì mà thôi.

Tôi nhủ mình phải như Ăng-ghen đã từng làm: “Thà phải thức suốt đêm để tìm hiểu sự thật còn hơn phải nghi ngờ suốt đời”. Tôi đi thăm hỏi các bậc kỳ cựu, những nhà nghiên cứu, tìm kiếm internet nhưng đều không thỏa lòng; “hoàng thiên bất phụ hảo nhân tâm” hay sao? Tôi đọc hết mấy tuyển tập của các tiền bối Nam Cao, Ngô Tất Tố, Kim Lân... và phải đến khi “gặp” được cụ Nguyễn Tuân thì bỗng thấy như có một luồng sinh lực từ đâu tưới tẩm vào tâm hồn mê đọc, khiến tôi bỗng tỉnh táo lạ thường.

Những vang bóng một thời, nào là “Thả thơ”, “Đánh thơ”, “Những chiếc ấm đất” rồi tới “Chén trà trong sương sớm”... sao mà mê đắm thế! Nhưng trong tôi như vỡ òa, như muốn nhảy tung lên hét thật to để nói với cả thiên hạ này, tôi đã tìm được “chìa khóa” để mở “chiếc hòm” thiên cổ rồi. Tôi đọc mà người run lên bởi truyện ngắn “Hương cuội” đã cho tôi những điều hằng mong ước.

3. Truyện “Hương cuội” được cụ Nguyễn Tuân viết trước Cách mạng tháng Tám, miêu tả không khí gần Tết của gia đình cụ Kép ở làng Mọc thượng xưa (khu vực Thanh Xuân - Hà Nội). Cụ cùng con cháu quây quần sửa sang nơi thờ, rửa lá dong, nấu bánh chưng, chăm chút cho vườn lan nở đúng dịp Tết, nấu kẹo mạch nha, uống rượu bình thơ, thưởng thức cái không khí êm đềm mà chúa Xuân mang về.

Bữa rượu Thạch Lan Hương, trong truyện có chép: “Mãi tới quá trưa hôm ba mươi Tết, cụ Kép mới bảo bõ già đi rửa mấy trăm hòn đá cuội trắng... Phải, phía cầu ao trong vườn cụ Kép, một tên lão bộc, đang lom khom dúng rổ đá xuống nước ao và sàng sảy rổ đá như kiểu người ta sàng mẹt gạo. Tiếng đá bị tung lên, đập vào nhau kêu xào xạo”.

Người bõ già đi theo hầu cụ Kép bao năm từ khi cụ Kép còn là một thày khóa sinh hai mươi tuổi đến nay, vậy mà khi chuẩn bị bữa tiệc này cụ Kép vẫn cẩn trọng: “Bõ đem ra bờ ao rửa cho sạch. Lấy bẹ dừa mà kỳ cho nhẵn, cho trắng tinh ra. Xong rồi, lựa những viên đá tròn bỏ vào một rổ. Những viên đá sù sì, không tròn trĩnh để ra một rổ khác... Tôi đã ngâm thóc để lấy mầm lúa nấu kẹo mạch nha từ mấy hôm nay rồi”. Bữa rượu Thạch Lan Hương, dần dần được kéo rèm ra, sáng chói trên sân khấu nhãn quan của tôi và bạn đọc.

“Đêm giao thừa, bên cạnh nồi bánh chưng sôi sình sịch, bõ già đang chăm chú canh nồi kẹo mạch nha. Cụ Kép đã dặn bõ già phải cẩn thận xem lửa kẻo lơ đễnh một chút là khê mất nồi kẹo. Hai ông Ấm con trai cụ Kép, người lớn tuổi đứng đắn như thế, mà lại ngồi gần đấy, phất giấy vào những nan lồng. Thực là hai đứa trẻ con đang ngồi nghịch với lồng bàn giấy. Họ ngồi dán hồ, vuốt giấy, với sự trịnh trọng của một người biết mình không đùa bỡn cùng công việc.

Ông cụ Kép đứng kèm bên, mỗi lúc lại nhắc: Này Cả: Thày tưởng miệng lồng bàn, con nên đan to hơn miệng chậu. Con chạy ra lấy cái que đo lại lợi chậu xem. Nếu rộng, thì hỏng hết. Đo lợi mấy chậu Mặc lan thôi. Hai ông Ấm, ngồi phất được đến mười cái lồng bàn giấy. Họ vui sướng vì họ tin đã làm toại được sở thích của cha già.

Cụ Kép co ro chạy từ nồi kẹo mạch nha qua đám lồng bàn giấy, đến cái rổ đá cuội đã ráo nước thì cụ ngồi xổm xuống, ngồi lựa lấy những viên đá thật trắng, thật tròn, để ra một mẹt riêng. Ông Ấm Cả, ông Ấm Hai lễ mễ bưng những chậu Mặc lan vào trong nhà. Cả ba ông con đều nhặt những hòn cuội xấu nhất, méo mó sù sì trải xuống mặt đất những chậu lan gần nở... Nồi kẹo đã nấu xong nhưng phải đợi đến gần cuối canh hai kẹo mới nguội. Bây giờ thêm được bõ già đỡ một tay nữa, cả ba ông con đều lấy những hòn cuội để riêng ban nãy ra mẹt, đem nhúng đá cuội vào nồi kẹo, quấn kẹo bọc kín lấy đá, được viên nào liền đem đặt luôn vào lòng chậu hoa. Những viên đá bọc kẹo được đặt rất nhẹ nhàng lên trên lượt đá lót lên nền đất chậu hoa. Úp xong lồng bàn giấy lên mươi chậu Mặc lan thì vừa cúng giao thừa”.

Bữa rượu tinh hoa đã được chuẩn bị một cách công phu chu đáo như vậy đó, giờ đây là cách sắp đặt bàn tiệc để các cụ ẩm tửu thưởng hoa lan: “Bõ già đã bày ra giữa sân bốn cái đôn sứ Bát Tràng màu xanh lam. Trước mặt mỗi đôn, bõ già đặt một án thư nhỏ, trên đó ngất nghểu hai chậu lan, còn lù lù chiếc lồng bát úp, và một hũ rượu lớn có nút lá chuối khô”.

Tưởng rằng bữa tiệc đã sắp bắt đầu, ai ngờ đâu cũng có người thắc mắc về thú tiêu khiển này: “Ông Ấm Hai vui chuyện hỏi bõ già: Này bõ già, tôi tưởng uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha thì có thú vị gì. Chỉ thêm xót ruột... Cậu không nên nói tới chữ xót ruột. Chính cụ nhà có giảng cho tôi nghe rằng những cụ sành uống rượu, trước khi vào bàn rượu không ăn uống gì cả. Các cụ thường uống vào lúc thanh tâm. Và trong lúc vui chén, tịnh không dùng những đồ nhắm mặn như thịt cá đâu”.

Cái duyên gì rồi cũng sẽ tới, trưa mồng một Tết năm ấy, những bước chân cụ Kép trong truyện bước dần qua ngõ duối vào nhà cùng những người bạn chí cốt thâm niên; đọc tới đây tôi hồi hộp quá, không biết các cụ có thưởng rượu, ngắm lan, bình thơ giống như cụ cố tôi ngày trước không? “Uống xong tuần nước, cụ Kép mời ba cụ ra sân uống rượu. Bõ già vòng tay vái các cụ và đợi các cụ yên vị rồi thì y khúm núm mở từng chiếc lồng bàn giấy một. Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất chật hẹp từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây.

Bốn cụ và bõ già đánh hơi mũi; những cặp mắt kém cỏi đăm đăm nhìn kỹ bầu không khí trong vắt như có ý theo dõi luồng hương thơm đang thấm nhập dần vào các lớp không khí trời. Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian... Tiệc rượu bắt đầu... Trời lạnh chút nữa, uống Thạch Lan Hương mới đúng phép chủ nhân ạ!...

Này cụ Kép, kẹo đá thơm ngon đấy. Đãn hiềm có mùi ung ủng pha vào hương lan. Chắc kẹo nấu bén nồi, khê và thêm không được đông nên mới có tạp vị nhiễm vào. Sau mấy câu phê bình về tiệc rượu, tỏ ra mình là người biết thưởng thức những vị thanh lương đạm bạc, bốn cụ đều xoay câu chuyện sang phía thơ văn...

Chờ cụ Tú đặng hắng lấy giọng, mỗi cụ đều bỏ vào mồm những viên kẹo mạch nha đá cuội ướp hương lan. Những nhân đá đánh vào răng kêu lách cách. Mỗi ông già đọc một câu thơ. Rồi mỗi chén rượu ngừng là một lời thơ ngâm trong trẻo. Cứ thế cho tàn hết buổi chiều”.

Một bữa tiệc thanh đạm đậm nét quê, không xa hoa đắt đỏ nhưng thật khó để thành, bởi nó đòi hỏi cái tâm cái tầm sao cho xứng mà làm chủ chúng, thưởng chúng. Bảo tại sao mà cụ cố tôi cùng cụ đồ nho làng bên lại khoái chí khi nhắc tới cái bữa rượu “xa xỉ” Hương Cuội tới thế, nhưng cách mà các cụ đối đãi với nhau dù trong truyện hay những gì tôi thấy từ khi còn tấm bé tới nay thì đời nào cũng vậy, quả là trân quý!

Vậy là bao hoài nghi trong tôi về “uống rượu với đá cuội đấy con!” - Thạch Lan Hương đã sáng tỏ, nhẹ thông. Cánh đào Nhật Tân đã hé nở phất phơ bên thềm. Bỗng tôi muốn lên xe chạy về quê ăn Tết. Mậu Tuất đã sắp qua, Kỷ Hợi cũng sắp tới rồi, Tết nay mà bỗng bồi hồi tết xưa!

Ghi chép của VĂN ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

Dương Edward: "Không nên đi du lịch Tết, mà hãy ở bên gia đình..."

M. K |

Đúng dịp Tết, nam ca sĩ trẻ Dương Edward bất ngờ giới thiệu ca khúc đầy tình cảm - "Con đã về", một sáng tác của Andiez đầy da diết, khắc khoải trĩu nặng tình cảm về tấm lòng của người con đối với mẹ vào đầu Xuân Kỷ Hợi 2019.

Nghệ sĩ Việt nói về du lịch ngày Tết: Nếu không đi cũng đừng phán xét

Linh Chi |

Xung quanh những tranh cãi về việc các bạn trẻ có hay không nên đi du lịch ngày Tết, nhiều nghệ sĩ Việt đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn. Mặc dù không ủng hộ hay phản đối nhưng đa số đều cho rằng không nên phán xét, hay phê phán bởi đó là cách sống của mỗi người.

Hạnh phúc giản đơn của bác sĩ “tìm con” cho người vô sinh ngày Tết

Thảo Anh - Nguyễn Hà - Tuấn Anh |

"Những cặp vợ chồng hiếm muộn có con là có Tết, còn chúng tôi thấy họ có con là thấy Tết" - bác sĩ (BS) Hồ Sỹ Hùng tâm sự đầy xúc động.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dương Edward: "Không nên đi du lịch Tết, mà hãy ở bên gia đình..."

M. K |

Đúng dịp Tết, nam ca sĩ trẻ Dương Edward bất ngờ giới thiệu ca khúc đầy tình cảm - "Con đã về", một sáng tác của Andiez đầy da diết, khắc khoải trĩu nặng tình cảm về tấm lòng của người con đối với mẹ vào đầu Xuân Kỷ Hợi 2019.

Nghệ sĩ Việt nói về du lịch ngày Tết: Nếu không đi cũng đừng phán xét

Linh Chi |

Xung quanh những tranh cãi về việc các bạn trẻ có hay không nên đi du lịch ngày Tết, nhiều nghệ sĩ Việt đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn. Mặc dù không ủng hộ hay phản đối nhưng đa số đều cho rằng không nên phán xét, hay phê phán bởi đó là cách sống của mỗi người.

Hạnh phúc giản đơn của bác sĩ “tìm con” cho người vô sinh ngày Tết

Thảo Anh - Nguyễn Hà - Tuấn Anh |

"Những cặp vợ chồng hiếm muộn có con là có Tết, còn chúng tôi thấy họ có con là thấy Tết" - bác sĩ (BS) Hồ Sỹ Hùng tâm sự đầy xúc động.