“Tài năng quyết định mọi thứ, nó quyết định cả tự do”

Việt Văn (thực hiện) |

Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một “thương hiệu” riêng với độc giả cả nước. Bẵng đi một thời gian dài, tạp chí chìm đi trong dòng thác thông tin khổng lồ nghe-nhìn. Để rồi mấy năm trở lại đây, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang dần lấy lại ảnh hưởng của nó, trước hết từ chính bạn đọc yêu mến đề tài người lính.

Một cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Giờ đây khi mở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, có thể thấy ở mảng văn xuôi-truyện ngắn, có rất nhiều truyện không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ người lính mà mở rộng ra nhiều mảng đề tài xã hội khác, đề cập tới các đối tượng xã hội khác. Đó có phải là một cách làm để thu hút thêm nhiều độc giả cho tạp chí không, thưa anh?

- Nếu tinh ý, người ta vẫn nhận rằng từ lâu Văn nghệ Quân đội vẫn là một tạp chí có những hướng mở khá rộng. Nó có hẹp thì chỉ là hẹp ở góc nào đó, còn đại thể thì độ mở là khá thoáng đãng.

Ngày trước, những truyện ngắn, bài thơ hay đoạt giải của tạp chí, không nhất thiết là về đề tài người lính. Văn nghệ Quân đội là tạp chí của lực lượng vũ trang, nhưng nó có hai chức năng, là mang tới những tác phẩm văn học hay về mọi đề tài cho người lính đọc và đăng tải những tác phẩm hay về những người lính. Hai yếu tố này luôn hoà quyện, song hành với nhau và nó là cửa rộng để tạp chí tạo ra được sự tương tác qua lại hết sức cần thiết.

Dĩ nhiên, thời gian gần đây, chúng tôi cũng chủ trương nới rộng thêm nữa - đó là cởi mở trong chấp nhận sự đa dạng về phong cách, bút pháp, quan điểm sáng tác, để phù hợp với xu hướng phát triển đang hết sức phong phú của văn học đương đại và của trình độ bạn đọc hiện thời.

Ở chủ đề người lính, có thể thấy hồi ức chiến tranh vẫn là mảng màu chủ đạo, vì sao thưa anh?

- Vì đối tượng bạn đọc của chúng tôi là người lính và cũng là một phần nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của tạp chí. Vả lại, đề tài chiến tranh có bao giờ chán đâu, chỉ có viết chán thôi. Chúng tôi vẫn coi đề tài về chiến tranh là một thứ đặc sản không thể thiếu của tạp chí. Phần lớn kinh nghiệm tồn tại cũng như những giá trị nhân văn của con người, theo tôi, đều được xây dựng lên từ trong chiến tranh.

Chiến tranh là thứ “của hồi môn” bất đắc dĩ, nhưng hết sức quý, để hiện tại và tương lai khai thác nó. Thứ “của hồi môn” này dư âm của nó còn vang đến cả vài chục, vài trăm năm là chuyện thường.

Tôi thấy bây giờ, văn học phương Tây vẫn viết về chiến tranh, dù về căn bản họ kết thúc chiến tranh từ rất lâu.

Còn cuộc sống đời thường của lính trẻ hiện đại ngày nay, trong có các mảng như lính tình nguyện mũ nồi xanh, lính khoa học kỹ thuật đào tạo ở nước ngoài... có vẻ như thiếu vắng. Phải chăng các nhà văn quân đội cần đi thực tế nhiều hơn, dấn thân hơn?

- Trước hết phải nói ngay rằng, chất liệu của văn học là thứ rất khó hiểu. Văn học cần hơi thở của thời đại, nhưng điều ấy không có nghĩa là nó phản ánh sống sượng hiện thực. Văn học không phải báo chí. Nó là thứ cần phải được “nấu chín” trong suy tư của nhà văn, sau đó độc giả mới thưởng thức. Những vấn đề mới thì không có nghĩa đủ sức bước ngay vào văn học.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này, ở chỗ làm sao để bắt kịp và phản ánh được một phần thực tại, cụ thể như về đề tài cuộc sống đời thường của người lính thời bình. Viết về chiến tranh là khó, nhưng viết về người lính thời bình khó hơn nhiều. Bởi vì nó không có những vấn đề được đẩy lên cao để ai cũng có thể nhìn thấy, mà tưởng như mọi thứ êm êm ẩn sâu bên dưới. Cái vẻ êm êm ngầm ẩn ấy thì phải cần đến sự tinh nhạy ghê gớm của người viết mới nhìn nhận và gọi ra được. Có những trải nghiệm, những thực tế đi vào nhà văn, nằm quanh quẩn đâu đó hàng vài năm, hàng chục năm rồi đến lúc nó mới vùng lên thành tác phẩm.

Còn việc phản ánh hiện thực của những người lính trẻ hiện đại thời nay thì chúng tôi đã có những thể loại bút ký, ghi chép, phóng sự trên tạp chí và hầu như số nào cũng duy trì.

Anh có nhận xét gì về các cây bút mặc áo lính hiện nay?

- Có một thực tế là đã có thời, đội ngũ các cây bút mặc áo lính rất hùng hậu, thậm chí có cả những tác giả trứ danh. Rồi đội ngũ ấy cũng mai một đi, theo quy luật.

Những người sáng tác văn học trong quân đội hiện nay, tính từ khoảng hơn chục năm trở lại, có thể chưa tạo ra những ấn tượng sâu sắc, nhưng dễ nhìn thấy ở họ một thì tương lai đầy khả quan. Họ đang từng bước khẳng định tên tuổi và giá trị của mình. Rồi đến lúc họ cũng sẽ đạt tới độ chín và đỉnh của họ.

Bận làm công tác quản lý, nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian sáng tác và luôn làm độc giả bất ngờ và thích thú với những tác phẩm có sự khác biệt về ý tưởng, kết cấu và thủ pháp văn chương. Ngày xưa là “Những đứa trẻ chết già” rồi “Người đi vắng”, “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi” và mới nhất là “Mình và họ” đoạt giải nhất Sáng tác về biên giới, biển đảo từ năm 1975 đến nay (năm 2020). Anh có thể nói gì về phong cách “một mình một ngựa” trong văn chương của mình?

- Làm quản lý, nghe thì có vẻ... oách, nhưng nói thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người quản lý, theo đúng nghĩa của từ này. Xét cho cùng tôi vẫn thích sáng tác, cho nên tôi cố gắng xoay xoả để có thời gian sáng tác cho mình.

Còn việc “một mình một ngựa” là cách đánh giá của mọi người. Với tôi, chỉ đơn giản là mình quan niệm thế nào thì viết thế ấy. Mà xét cho cùng, đa phần các nhà văn đều “một mình một ngựa” cả, chứ không chỉ riêng tôi.

Anh có một chủ đề vĩnh cửu nào trong văn học không? Với anh, viết văn có phải là dạng “phu chữ” như chữ dùng của nhà thơ Lê Đạt?

- Mỗi nhà văn cũng có một thế mạnh, một sự thiên vị về đề tài nào đó. Tôi nghĩ tôi cũng vậy, dù không hẳn là chọn mãi một đề tài. Nhưng rõ ràng, tôi thường chú ý đến con người đối diện với cái siêu hình lởn vởn đâu đó quanh nó. Có thể nhờ tác động, xô đẩy của hoàn cảnh xã hội mà cái siêu hình ấy xuất hiện hoặc ẩn đi, nhưng rõ ràng là tôi băn khoăn về cái đó hơn.

Còn về công việc của nghề viết, tôi nghĩ “phu chữ” chỉ là cách nói văn chương của ông cụ Lê Đạt. Xét tới cùng, ai chẳng là phu, nghề nào cũng là phu cả, đến ăn cũng có “phu ăn”, chơi cũng có “phu chơi”... Nếu hiểu theo nghĩa ấy, tôi công nhận viết văn cũng là “phu chữ”.

Theo anh, làm thế nào để chúng ta có những tác phẩm văn học đương đại đỉnh cao? Có cần một cơ chế tháo gỡ nào không?

- Không, bản thân tôi thấy mọi thứ đang ổn. Tất nhiên “ổn” ở đây là về chất liệu đời sống, quá phong phú, quá ghê gớm. Ngay cả những cánh cửa tưởng như đóng một cách vững chắc, ngoan cố thì giờ đây cũng đã âm thầm trở nên lỏng lẻo do sự mệt mỏi của cơ chế tự kiểm duyệt trong mỗi cá nhân lẫn trong cả hệ thống hành chính. Vấn đề chỉ cần tài năng, tài năng và tài năng. Tài năng quyết định mọi thứ, nó quyết định cả tự do.

Tôi nghĩ không gì có thể trói buộc tài năng, vì thế không cần phải tháo gỡ nào cả. Bản thân tài năng đã là một chìa khoá vạn năng đủ sức mở tất cả cánh cửa để đi đến bất kỳ đâu, lên đến bất kỳ đỉnh cao nào. Chúng ta thiếu tài năng. Vậy thôi. Mà cái này, chỉ có ông trời mới quyết định được.

Xin cảm ơn nhà văn Bình Phương về những chia sẻ tâm huyết này.

Việt Văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: Đừng để sót người tài, cũng đừng để lọt người không xứng đáng

Việt Văn |

Mỗi kỳ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (5 năm/lần) thường luôn có dư luận khác nhau. Một mặt đó là cái hay, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của dư luận đối với hai giải thưởng uy tín, nhưng mặt khác cho thấy vẫn còn nhiều điều bất cập khi xét giải hay nói cách khác vẫn bỏ sót người tài.

Văn học nghệ thuật lan tỏa, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng

Phạm Đông |

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép", vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, lan tỏa và tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Từ văn học sang điện ảnh: Chuyển thể hay cải biên?

lê quang vinh |

Ngành công nghiệp điện ảnh luôn muốn những chủ đề vừa độc đáo, vừa hấp dẫn, nên đương nhiên không thể bỏ qua kho tàng văn chương rộng lớn, để có thể tạo nên những bộ phim đình đám. Cũng vì lẽ đó mà có không ít tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm kinh điển, đã được chuyển thể nhiều lần, đã mang lại cho chính tác phẩm đó một cuộc đời mới.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: Đừng để sót người tài, cũng đừng để lọt người không xứng đáng

Việt Văn |

Mỗi kỳ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (5 năm/lần) thường luôn có dư luận khác nhau. Một mặt đó là cái hay, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của dư luận đối với hai giải thưởng uy tín, nhưng mặt khác cho thấy vẫn còn nhiều điều bất cập khi xét giải hay nói cách khác vẫn bỏ sót người tài.

Văn học nghệ thuật lan tỏa, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng

Phạm Đông |

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép", vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, lan tỏa và tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Từ văn học sang điện ảnh: Chuyển thể hay cải biên?

lê quang vinh |

Ngành công nghiệp điện ảnh luôn muốn những chủ đề vừa độc đáo, vừa hấp dẫn, nên đương nhiên không thể bỏ qua kho tàng văn chương rộng lớn, để có thể tạo nên những bộ phim đình đám. Cũng vì lẽ đó mà có không ít tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm kinh điển, đã được chuyển thể nhiều lần, đã mang lại cho chính tác phẩm đó một cuộc đời mới.