Sự hồi sinh một di tích văn hóa hàng đầu ở Hà Nội xưa

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi |

Trên bản đồ Hà Nội 1873 do người Pháp họa trước khi đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, có hình vẽ một số di tích lịch sử văn hóa. Ở hình trích xuất đây, có thể thấy một đoạn ghi 3 Hán tự “Thiên lí lộ”, tức quốc lộ 1 ngày nay, cắt ngang hồ Bảy Mẫu. Phía dưới, bên trái, là chùa Liên Phái với hai tháp đứng giữa cánh đồng lúa, trong đó có 4 mẫu 6 sào ruộng tế tự của môn sinh trường Hồ Đình “đặt” để lấy hoa lợi cúng giỗ Thầy Vũ Tông Phan.

Khuôn viên tam cấp, ở bên phải, là đàn Nam Giao triều Lê, người Pháp lấy xây nhà máy, di tích cuối cùng là tấm bia đá lớn hiện dựng trong vườn Bảo tàng Lịch sử. Dưới cùng, góc trái trên bản đồ, có cụm ba tòa nhà lớn trong khuôn viên vuông vắn, phía trước có ao hình  bán nguyệt.

Đó là Văn chỉ Thọ Xương, thực chất là “Văn Miếu” của cả Hà Nội trong thế kỷ XIX, vì huyện Thọ Xương xưa gần như bao quát 4 quận nội thành Hà Nội trước 1954. Lai lịch di tích lịch sử - văn hóa này, quan trọng nhất nhì Hà thành thế kỷ XIX, như sau.

1. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc nội chiến khốc liệt với Tây Sơn, triều Nguyễn, vốn nghi kị sĩ phu Bắc Hà, nên chuyển kinh đô vào Huế. Để độc tôn “Thần kinh” các vua Nguyễn cho bạt bớt chiều cao của thành Hà Nội, bắt hạ biển “Thái học môn” (tức là Đại học) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thay bằng biển “Văn miếu môn”, chức Đốc học Bắc thành cũng bị giáng xuống thành Giáo thụ phủ Hoài Đức, kinh sách bắt chuyển hết về Quốc Tử Giám Huế, năm 1821 mới xây xong. Văn Miếu Hà Nội, bị triều Nguyễn bỏ rơi, nhanh chóng xuống cấp thành phế tích. Tiến sĩ Vũ Tông Phan từ Huế ra nhậm chức Giáo thụ phủ Thuận An xứ Kinh Bắc, trong bài thơ Qua thăm Quốc Tử Giám cũ, sáng tác năm 1831 từng cám cảnh hoang tàn của trung tâm văn hóa - giáo dục nơi cố đô Thăng Long:

Trăm vua hình bóng tàn cây cổ,

Muôn thuở phong văn nát đá bia,

Trở lại thiếu thời nơi trọ học

Xiển Do cô tịch bóng chiều đi...

(* Xiển Do đường là giảng đường trong Quốc Tử Giám, nơi danh sư triều Lê là cụ Nghè Lập Trai Phạm Quý Thích từng giảng học).

Cảnh suy đồi về thuần phong mỹ tục của đất nghìn năm văn hiến được ông Nghè làng Tự Tháp ven bờ tây hồ Hoàn Kiếm vẽ lên sinh động như thấy trước mắt:

Nay đương phát sinh nơi đô thành

Nhiều hạng dân du thực du thủ,

Đi học chỉ cột giật tiếng Nho,

Đi buôn chửa giàu đã khoe của,

Cư dân thường túm tụm ba hoa,

Bộ hành áo quần cực diêm dúa,

Sòng bạc tràn lan khắp gần xa,

Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối...

(Đến đầu địa giới Hà Nội, 1831)

Trước tình hình đó, lại vốn đã bất bình với triều Nguyễn miệng nói “vương đạo”, nhưng thực thi “bá đạo”, cai trị bằng chính sách sưu cao thuế nặng, đàn áp nhân dân, tiến sĩ Vũ Tông Phan mới lặn lội biển hoạn 7 năm, mùa hè 1833 đã kiên quyết từ quan, về lại thôn Tự Tháp ven bờ tây hồ Hoàn Kiếm, mở trường dạy học và ôm ấp ý tưởng chấn hưng văn hóa Thăng Long.

Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến / Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh (Xin tạm dịch: “Văn phong nước cũ truyền người trước / Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau” - chữ cố thư pháp gia Lê Xuân Hòa viết trên bìa sau sách: Vũ Tông Phan - Cuộc đời và thơ văn).
Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến / Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh (Xin tạm dịch: “Văn phong nước cũ truyền người trước / Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau” - chữ cố thư pháp gia Lê Xuân Hòa viết trên bìa sau sách: Vũ Tông Phan - Cuộc đời và thơ văn).

2. Nhưng kẻ sĩ xưa nay đều nghèo, chỉ giàu ý tưởng, mà sự nghiệp ông định khởi xướng cần đến nhiều nhân tài, vật lực... Thì như một nhân duyên: Ngay khi Vũ Tông Phan từ quan, một sĩ phu giàu có bậc nhất Hà thành ở thôn Phất Lộc phường Hà Khẩu, Hà Nội xưa đã “diên sư giáo tử” (trải chiếu mời thầy về nhà dạy con cháu). Thương nhân đó là Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng, thuộc dòng họ Bùi của vị tiên tổ Bùi Văn Mạo, vốn từ xã Phất Lộc huyện Đông Quan - Thái Bình, năm 1717 đem cả gia tộc thiên cư lên Thăng Long để “mưu doanh sản nghiệp” (Bùi thị gia phả ký. Tự Đức năm thứ 19[1866]). Một quyết tâm táo bạo ở thời buổi “trọng nông khinh thương”!

Tú Lĩnh Bùi Huy tùng cũng từng nhiều năm đèn sách và mấy phen lều chõng thi hương, nhưng chỉ vào đến tam trường. Ông cũng từng vào Kinh làm quan: Giữ chức tiểu lại Tri bạ (phụ trách sổ sách) tại Kiến An Vương Phủ. Nhưng rồi sớm hiểu ra: Cả cử nghiệp lẫn hoạn lộ không phải sở trường của ông, nên cũng sớm từ quan về cùng bà vợ tháo vát họ Cao kế nghiệp tiên tổ Văn Mạo - buôn bán.

Về phía tiến sĩ Vũ Tông Phan, hẳn là nhờ ngồi dạy học trong tư gia họ Bùi, gần gũi với ông nhiều năm tháng, nên đã nhận ra doanh nhân Bùi Tú Lĩnh có cái tâm rất lớn, chứ không phải như thành kiến ông từng phát biểu mới vài năm trước (1831) trong bài thơ tự cười sự vô dụng của mình: "Buôn bán thì lo để tiếng cắt cổ người". Người xưa, đặc biệt tầng lớp Nho sĩ, rất khắt khe trong việc hôn nhân. Trong nhận thức của Nghè Phan, sau các biến cố của chiến cuộc Tây Sơn - Nguyễn Ánh, lại trải qua kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân, hẳn đã có chuyển biến tích cực về vai trò của doanh nhân trong xã hội nên ông đã cho con trai cả là tú kép Vũ Như Trâm kết hôn với cháu họ ông Tùng là Bùi Thị Dĩnh. Mối quan hệ thông gia ấy càng liên kết chặt chẽ một kẻ sĩ và một doanh nhân, đồng tâm vì sự nghiệp chấn hưng văn hóa.

Nhà giáo Nguyễn Trà, hậu duệ của TS Nguyễn Văn Lý bên bia Văn chỉ Thọ Xương.
Nhà giáo Nguyễn Trà, hậu duệ của TS Nguyễn Văn Lý bên bia Văn chỉ Thọ Xương.

3. Được sự hỗ trợ về tài lực của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng, vị tiến sĩ khai khoa cho huyện Thọ Xương đã tập họp sĩ phu Hà thành, trước hết là bè bạn đồng môn, xưa cùng thụ giáo Lập Trai tiên sinh, nay chung chí hướng chấn hưng văn hóa - giáo dục Thăng Long - Hà Nội: Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, phó bảng Nguyễn Văn Siêu, cử nhân Cao Bá Quát, tiến sĩ Lê Duy Trung, cử nhân Trần Văn Vi, phó bảng Diệp Xuân Huyên... Việc đầu tiên họ làm là lập ra Văn hội Thọ Xương (1832) làm nòng cốt thống nhất chí hướng để tập hợp tất cả các vị có khoa danh từ tú tài trở lên là tầng lớp có vai trò dẫn đạo sĩ dân trong làng xã xưa. Văn hội phải có trụ sở hoạt động thường kì, mà Văn Miếu Hà Nội thì theo quy chế của triều Nguyễn, chỉ còn chức năng tế lễ Khổng Tử cùng chư vị thánh hiền là học trò Ngài. Bởi vậy năm 1836 hai vị đến thời điểm ấy đã đỗ tiến sĩ là Vũ Tông Phan (1826) và Nguyễn Văn Lý (1832) cùng đề xuất với Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng xây dựng Văn chỉ của huyện Thọ Xương ở phường Hồng Mai - cũng một địa linh từ thời Lý - Trần.

Bùi Huy Tùng đã hiến hơn 1 mẫu ruộng làm mặt bằng và hàng ngàn quan tiền (bấy giờ một con trâu chỉ giá 5 quan!), tự trông coi xây dựng, về sau lại cung tiến thêm đến 10 mẫu ruộng và ao để tạo kinh phí duy trì hoạt động của Văn chỉ Thọ Xương và hội Hướng Thiện. Bạ tịch Văn chỉ Thọ Xương ghi nhận: Văn chỉ Thọ Xương "thành lập được là nhờ Bùi Tú Lĩnh (Tùng), chủ trương được (tức hoạt động có phương hướng rõ ràng) là bởi Vũ Hoán Phủ (Phan)".

Công lao to lớn của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng ngay năm 1838, khi khánh thành Văn Chỉ Thọ Xương, đã được khắc trên tấm bia đá lớn Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký, văn bia do TS Nguyễn Văn Lý soạn, dựng năm 1838. Còn vinh dự hơn thế là sự tri ân của lòng người: Trong lễ thượng thọ 60 tuổi của vợ chồng doanh nhân họ Bùi, tổ chức vào mùa xuân năm 1851, có đến hai chục tiến sĩ, cả đã về hưu dạy học lẫn đang làm quan trong triều/ngoài quận, gửi thơ, trướng, đối đến chúc mừng. Và sau khi Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng mất (1862), văn thân huyện Thọ Xương cùng con cháu đã phối thờ tiên sinh ở Văn chỉ, những mong được đời đời hương khói .

4. Hoạt động của Văn chỉ Thọ Xương và đền Ngọc Sơn đều do tiến sĩ Vũ Tông Phan chủ trì. Tuy nhiên, đền Ngọc Sơn với hội Hướng Thiện là tổ chức rộng rãi hơn về thành phần xã hội: Tấm bia gắn tường bên hữu hậu cung đền cho biết: tham gia hội Hướng Thiện, ngoài nho sĩ còn có thương nhân, binh sĩ và cả một số quan chức đương nhiệm. Văn hội Thọ Xương chỉ gồm nho sĩ có khoa danh - tầng lớp đứng đầu tứ dân (sĩ-nông-công-thương), có thể coi là nòng cốt trong công cuộc vận động chấn hưng văn hóa - giáo dục Thăng Long Hà Nội. Các phương châm hoạt động chấn hưng văn hóa - giáo dục đều xuất phát từ Văn chỉ, được thể hiện trên các hoành phi câu đối và văn bia. Ngay tại bái đường Văn chỉ từng treo câu đối:

Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến / Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh (Xin tạm dịch: Văn phong nước cũ truyền người trước / Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau).

Định hướng ấy cũng gửi gắm trong vế đối ở cổng đền Ngọc Sơn: “Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang” (Truy tìm cội nguồn, học hỏi đạo xưa - trong việc ấy vô hạn ánh sáng phong văn).

Chính là trên tấm bia Văn chỉ Thọ Xương từ 180 năm trước đây đã khắc sâu lời kêu gọi, thể hiện một phương châm sống của tầng lớp trí thức tiến bộ mọi thời đại: “Vi hương quân tử, vi xã tiên sinh” (làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã), mà đối với “quân tử” thì người chủ trì Văn hội đã xác định nghĩa vụ rõ ràng là “biết lo cho dân” (“quân tử vụ dân chi nghĩa”).

Vật đổi sao dời... Trung tâm văn hóa - giáo dục lớn nhất nhì Hà Nội bị chiếm dụng, bị hủy hoại, trở nên hoang tàn...

May sao, nhờ có đường lối Đổi mới, di tích lịch sử - văn hóa Văn chỉ Thọ Xương đã bắt đầu hồi sinh, dẫu trên diện tích chỉ bằng 1/10 khi xưa (360/3.600m2), nhưng đã khá khang trang. Tấm bia quý giá, lưu giữ cho nghìn đời mai sau những tư tưởng và việc làm thanh cao của tiền nhân, một thời gian dài bị vứt nằm lăn lóc phơi mưa nắng bên vệ ngõ, đã được dựng lại ngay ngắn trong đền, tuy chưa đúng vị trí trang trọng nhất khi xưa - ở bên tả bái đường (hiện nay dựng bên hữu là sai vị trí, lại chắn trước mặt bia công đức nhỏ là thất lễ!).

Hy vọng rằng trong năm mới, phần quan trọng nhất là nội dung văn hóa phong phú của Văn chỉ Thọ Xương cũng sẽ được hồi sinh. Trước hết, những hiện vật của Văn chỉ, như Bảng tiên hiền, khánh đá và phỗng đá, còn lưu lạc tại các di tích khác, phải được trả lại cho chủ nhân đích thực. Hoành phi, câu đối cổ, sâu sắc ý nghĩa nhân văn phải được phục chế và dịch sang tiếng Việt. Và cùng toàn văn bài dịch bài ký trên tấm bia cổ vật cần niêm yết công khai, để mọi người nhận thức rõ giá trị văn hóa mà tham gia bảo tồn và phát huy tác dụng.

Khi ấy, Văn chỉ Thọ Xương xứng đáng là một Di tích văn hóa Quốc gia!

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi
TIN LIÊN QUAN

Hơn 200 tỷ đồng tôn tạo Di tích “Ngọn đồi 2 triệu đô-la”

Lục Tùng |

Sáng 10.1, tại xã An Tức (Tri Tôn), tỉnh An Giang làm lễ khởi công tôn tạo các hạng mục trọng điểm của Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp và tri ân các anh hùng liệt sĩ (AHLS), lão thành cách mạng nhân dịp đầu năm 2019.

Ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài xưa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Thành Trung |

Chính phủ vừa có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong danh sách 11 di tích được xếp hạng lần này có tên Đình So - ngôi đình đẹp nhất "xứ Đoài".

"Rạch mặt" di tích: Đừng nói xong để đó, than phiền rồi bỏ qua

Linh Chi |

Hành động tưởng chừng như vô hại như khắc tên, bôi bẩn, vẽ bậy di tích lịch sử từ lâu đã trở thành thói quen khó bỏ của người Việt. Trao đổi với Lao Động, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng để xử lí được tình trạng này, cần phải quy kết trách nhiệm cụ thể chứ không thể chỉ nói mãi rồi cũng sẽ lại đâu vào đấy.

Nồi bánh tét, chuyện của ngày xưa đón Tết

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu – Đêm 28 Tết, ở vùng quê tôi, gần như nhà nào cũng nấu bánh tét. Nấu bánh tét không quá sớm vì để lâu không được, cũng không quá muộn vì còn phải chưng lên bàn thờ chuẩn bị đón ông, bà và cho người thân.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Hơn 200 tỷ đồng tôn tạo Di tích “Ngọn đồi 2 triệu đô-la”

Lục Tùng |

Sáng 10.1, tại xã An Tức (Tri Tôn), tỉnh An Giang làm lễ khởi công tôn tạo các hạng mục trọng điểm của Di tích lịch sử cách mạng Đồi Tức Dụp và tri ân các anh hùng liệt sĩ (AHLS), lão thành cách mạng nhân dịp đầu năm 2019.

Ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài xưa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Thành Trung |

Chính phủ vừa có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Trong danh sách 11 di tích được xếp hạng lần này có tên Đình So - ngôi đình đẹp nhất "xứ Đoài".

"Rạch mặt" di tích: Đừng nói xong để đó, than phiền rồi bỏ qua

Linh Chi |

Hành động tưởng chừng như vô hại như khắc tên, bôi bẩn, vẽ bậy di tích lịch sử từ lâu đã trở thành thói quen khó bỏ của người Việt. Trao đổi với Lao Động, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng để xử lí được tình trạng này, cần phải quy kết trách nhiệm cụ thể chứ không thể chỉ nói mãi rồi cũng sẽ lại đâu vào đấy.